Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người lính da đen

Cập nhật: 10:00 ngày 24/12/2022
(BGĐT) -  Cụ bà Ngân Thương thong thả bước đến khu nghĩa trang liệt sĩ cách đó hơn trăm mét. Nơi đó, bên nấm mộ các liệt sĩ, trong đó có hai người con máu thịt của mình, đã đợi sẵn vị Đại tá họ Phùng cùng đồng đội của ông. Những đôi mắt chừng như ướt nước khi nhìn vào mắt người lính trẻ tuổi da đen trong di ảnh.

Làng ven sông. Nước chảy lơ thơ như lụa mỏng. Khói chiều lẫn vào mây trắng bồng bềnh trôi vô định. Nơi bãi sông, lau lách trùm lên phủ kín con đò gỗ khẳng khiu. Phía xa, cây cầu Bắc Ngạn cong vút như lưỡi kiếm vươn qua sông Lục. Kiếm khí cầu Bắc Ngạn đỏ hồng bờ bãi buổi chiều tà.

Cụ lão Ngân Thương thong thả đi về phía vạt rừng Đông Lâm, nơi có mộ phần năm mươi tư lão ông quây quần hướng ra sông Lục. Theo lời thề nước, cuối cùng, họ hẹn nhau quần tụ nơi đây, như ngày xưa, trai tráng tổng Trà Lâm vác dao quắm vào rừng Đông Lâm chém cây thề theo cụ Hoàng kháng Pháp.

Bên mộ phần người quá cố, cụ Ngân Thương lặng lẽ đặt lên một cây cúc vàng nhỏ chúm chím nụ hoa. Loại cúc này là đặc sản dùng cho dịp Tết chỉ có ở bãi bồi sông Lục. Dân thường để cả cây đặt vào bát sứ gắn sẵn trên mộ.

Tấm bia giản dị hiện rõ ràng từng nét chữ đơn sơ.

“Phùng Liêm (1917-1983)”.

Ba nén hương thơm tỏa làn khói mỏng. Bà lão rì rầm bên ngôi mộ nhỏ. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi...

***

Tổng Trà Lâm là bán đảo án ngữ phía Nam sông Lục, nơi ba khúc quanh ôm ấp triền rừng Đông Lâm. Tương truyền từ triều Trần, binh tướng của Phạm Ngũ Lão trong hai lần huyết chiến giặc Nguyên - Mông đều cho đặt phục binh nơi rừng rậm Đông Lâm trước khi rút qua sông Lục xuôi về Vạn Kiếp hội quân cùng chủ tướng. Đại binh lui rồi, Phạm tướng vẫn cho cắm cây cờ đại thêu ba chữ lớn “Phạm Điện súy” phía bờ Nam sông Lục khiến cả tuần sau giặc không dám vượt sông. Danh tiếng Phạm Điện súy ngày đó lớn tới mức giặc nghe tên ông đã hãi sợ không dám tiến. Sau này, ngay sát bến đò bìa rừng Đông Lâm, dân chúng lập miếu thờ vị tướng quân họ Phạm bằng đá xanh.

Ngày giặc Pháp tuyên tội bêu đầu cụ Hoàng, cả tổng Trà Lâm như có đại tang. Ba mươi sáu nghĩa binh tổng Trà Lâm mấy mươi năm theo cụ Hoàng còn sống trở về vẻn vẹn ba người. Họ lặng lẽ ở trong rừng Đông Lâm cho đến khi nổ ra mặt trận Việt Minh mới mất. Nhưng tấm lòng trung cang nghĩa đảm của họ đã kịp truyền sang các du kích Việt Minh.

Thực dân Pháp cáo già khi nhận biết vùng bán đảo Trà Lâm là nơi đất thiêng tụ nghĩa đã cho lập tới ba bốt đồn kiên cố. Phía bên kia bờ Nam, là quân doanh của tên Đại úy da đen De Făng khét tiếng với năm chiếc ca nô ngày đêm quần thảo dọc sông Lục khiến dòng sông hiền hòa luôn sôi sùng sục.

Lửa đã cháy khắp triền sông.

Máu đã loang bốn mặt tổng Trà Lâm, dọc bến đò, bãi chợ.

Đám trai tổng Trà Lâm lại vào rừng. Bên cạnh con dao quắm, còn có thêm súng trường, súng lục. Đặc biệt, còn có lá cờ đỏ sao vàng cuộn nhỏ nhét trong báng súng, khi bung ra tỏa rạng vạt rừng. Hai lần các đồn bốt ở Trà Lâm bốc cháy. Mười hai xác tây đen, tây trắng trộn vào nhau. Đại úy De Făng lồng lộn. Hai chiếc ca nô bị đánh chìm, bản thân De Făng bảy lần chết hụt.

Trong đội du kích tổng Trà Lâm lừng danh, người quả cảm nhất là đội trưởng Phùng Liêm, con trai của một trong ba nghĩa binh của cụ Hoàng còn sống trở về làng.

Cách mạng Tháng Tám bùng lên. Những lá cờ đỏ sao vàng không còn phải lấp ló trong rừng Đông Lâm mà phần phật bay giữa sân đình Trà Lâm trong muôn vàn tiếng reo mừng độc lập.

Ngày vui sao ngắn? Pháp bội ước! Súng nổ khắp nơi.

Vâng lệnh cụ Hồ, đội trưởng du kích tổng Trà Lâm dẫn hai mươi sáu du kích quả cảm nhất lên chiến khu Việt Bắc.

Đêm, mặt sông Lục loang trăng lạnh. Gió ù ụ thổi lạnh vai người. Khi bước xuống đò, đội trưởng Phùng mới biết vợ mới sinh cậu con trai. Vuốt cơn gió táp, họ Phùng rơi nước mắt dặn người ở lại chuyển tin đặt tên con là Trí.

Ngày đón mừng người chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về, cả tổng Trà Lâm vui như mở hội. Hai mươi sáu chiến sĩ Điện Biên tổng Trà Lâm đã có tới mười bảy người nằm lại lòng chảo Mường Thanh. Chín người còn lại có đến tám thương binh. Duy Phùng Liêm nay đã là Đại đội trưởng lừng danh dũng sĩ Đồi A1 lại lành lặn lạ kỳ. Âu cũng là hồng phúc của Phùng gia.

Người dũng sĩ Điện Biên bất ngờ và vô cùng xúc động trước sự đón chào nồng nhiệt của chính quyền và nhân dân tổng Trà Lâm nay đã được đặt tên mới là xã Tiên Phong, trùng với tên Đại đoàn Quân Tiên phong mà ông là Đại đội trưởng nổi danh.

Càng bất ngờ hơn khi suốt buổi sáng tưng bừng ấy, không hề thấy bóng dáng người vợ và đứa con bảy tuổi chưa biết mặt. Người dũng sĩ lòng như lửa đốt. Hay ở nhà đã xảy ra biến cố gì?

Tan lễ, người chiến sĩ Điện Biên trở về nhà.

Đây rồi! Vẫn ngõ nhỏ xưa, đôi bờ lũy tre ken dày ăn một mạch xuống sát bến đò sông Lục. Hàng cau cao lêu đêu vươn thẳng lên trời trong xanh nắng đầu thu.

Cánh cổng khép hờ. Trong nhà im lìm không một tiếng động.

{keywords}

Minh hoạ: Hiền Nhân

Linh cảm có điều khác lạ. Người lính Điện Biên bước vào nhà. Bên trong, cánh cửa vẫn đang mở. Trên chiếc tràng kỷ đen bóng như sừng là vị trưởng họ Phùng gương mặt chữ điền vuông vức. Chòm râu trắng rậm dày im phắc. Phía góc nhà, bóng một người phụ nữ run run.

Người chiến sĩ Điện Biên bước vào trong.

Trên ban thờ, ba nén hương cháy đỏ.

Người phụ nữ run run

quỳ xuống.

Sau vài giây trấn tĩnh, Phùng Liêm quỳ xuống trước vị trưởng tộc họ Phùng.

- Lạy chú! Cháu đã trở về...

Vị trưởng họ nhìn thẳng vào người đang quỳ chậm rãi nói: Anh Liêm! Chú đang đợi anh đây!

Không gian như đông đặc.

Vị trưởng họ nói, giọng như có ai bóp nghẹt: Hai con... ngồi cả lại đây. Hòa bình rồi... Ta cũng đã già rồi… Trước khi trao lại chức trưởng họ cho con, ta muốn con hứa với họ Phùng một điều...

Hai người ngồi bên vị tộc trưởng. Thật gần. Máu mủ ruột rà. Thật xa. Chân trời góc bể. Nước mắt nấc nghẹn... Giọng vị tộc trưởng như dao chém đá:

- Con Thương không có tội! Tất cả đều tại bởi chiến tranh.

Chiến tranh ư?

Vị tộc trưởng nói như van:

- Phùng tộc ta đã họp. Đã chấp nhận đứa bé. Suốt mấy năm kháng chiến, tộc ta đã cấm vợ con nói rõ sự tình. Nay con về, mọi chuyện ta nói rõ để con hay.

Người lính Điện Biên ngồi im như chết. Người phụ nữ bưng mặt, gục đầu.

Bỗng ngoài sân, có tiếng trẻ con đuổi nhau huỳnh huỵch. Ba đứa trẻ xoắn lấy nhau. Bé gái hàng xóm chừng mười tuổi cao hơn cậu bé đang cởi trần tám tuổi cố che chắn cho một bé trai màu da đen tóc xoăn rất lạ. Bé da đen chừng năm, sáu tuổi ngộ nghĩnh trên tay cầm con búp bê tóc xoăn vàng. Tranh giành một hồi, ba đứa trẻ chạy biến đi.

Người phụ nữ bỗng dưng quỳ sụp xuống: Lạy mình! Tôi có tội với mình. Nay mình biết rõ chuyện rồi. Tôi quyết chí tôi đi.

Vị trưởng họ ngồi im như tượng. Dường như ngay lập tức, người chiến sĩ Điện Biên quỳ sát vợ, nấc lên: Mình ơi...

Và gục xuống...

Một khoảng thời gian dài, người chiến sĩ Điện Biên im lặng như tảng đá. Ngoài công việc xã đội trưởng, anh hay tìm ra bến sông Lục, nơi vẫn còn một góc lô cốt sần sùi mà du kích đặt mìn phá hồi trước giờ đã sụm nghiêng xuống lòng sông. Vụ nổ mìn banh xác tên Đại úy De Făng da đen khét tiếng đã nhiều lần càn quét, hãm hiếp đàn bà con gái tổng Trà Lâm. Trong một lần cứu bé gái mười lăm tuổi khỏi tay tên Đại úy, nữ du kích Ngân Thương đã phải trả giá bằng nỗi nhục thiên thu.

Em bé da đen lớn lên. Nó vô cùng thông minh, nhạy cảm. Có những lúc nó ôm chặt mẹ. Có những lúc nó đứng một mình nơi chiếc lô cốt đổ soi bóng xuống lòng sông.

Người vợ sinh thêm một bé trai. Trong mỗi bức ảnh cả nhà chụp ngày lễ Tết, theo thứ tự, em bé da đen luôn đứng vào chính giữa. Cậu bé luôn nở một nụ cười.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong lại tiễn những người con trai trẻ lên đường.

Trong hai đợt giao quân liên tiếp, xã đội trưởng họ Phùng đã phải tiễn lên đường hai đứa con trai. Suốt đêm hôm trước, ông bà Phùng Liêm - Ngân Thương không ngủ. Người đàn ông nói với vợ:

- Về lý về tình, đều nên giữ con ở lại.

- Không! Nó đã lớn rồi. Phận làm trai phải trả nợ non sông.

- Non sông ư? Nó mới mười bảy tuổi. Tôi... không nỡ.

- Ông đừng nói thế, tội nghiệp! Một nửa dòng máu nó là của sông núi nơi đây. Tâm hồn nó thuộc về đất Trà Lâm đã nuôi dưỡng nó.

Người đàn ông im lặng.

Hòa bình còn chưa đến, đã hai tấm giấy báo tử xém lửa dội về như sét giữa trời quang.

Hai anh em còn chưa có tấm ảnh chụp riêng. Đành cắt từ tấm ảnh chung để đặt lên ban thờ khói hương vấn vít.

** *

Sau giải phóng, như bao vùng quê khác, tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong triền miên đói nghèo, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.

Rồi biên cương phía Bắc lại rộ tiếng súng nổ. Trai tráng lại lên đường. Lại những tấm giấy báo tử ố vàng bay về vùng đất ven sông. Cậu út Phùng Khang, thật bất ngờ, nằng nặc xung phong vào bộ đội.

Phùng Khang trong ba năm đã là một đại đội trưởng quả cảm trong đội hình phòng thủ điểm cao ở biên cương. Khi cuộc chiến còn căng thẳng, người cha mất, tiểu đoàn trưởng họ Phùng không về được, chỉ biết nén nỗi đau thật chặt ở trong lòng. Từ vị trí người con út, anh hiểu mình giờ đây đã phải gánh thêm trọng trách tộc trưởng họ Phùng tổng Trà Lâm.

Nỗi đau và công việc dồn lên đôi vai người mẹ.

Rồi mọi thứ dần bình yên. Đất nước ngày một đổi mới sau bao năm đạn bom, gai mật. Tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong vẫn riêng một nét thanh bình. Trai làng không vào chiến trận mà tỏa đi gánh vác việc muôn nơi. Đất cổ Trà Lâm vốn gắn liền với những danh sư, nho sĩ, thầy thuốc, thầy đồ xưa vang bóng thì nay càng nở rạng anh tài. Những nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân với thành tựu của mình đang làm rạng rỡ vùng đất cổ.

Biên cương phía Bắc trở lại bình thường cũng là lúc Đại tá, Sư đoàn trưởng Phùng Khang nghỉ hưu trở về vùng đất ven sông.

Theo nguyện vọng của mẹ cha, Đại tá Phùng Khang dành bốn năm lặn lội khắp các vùng chiến trường phía Nam tìm hài cốt hai người anh liệt sĩ. Ơn tổ tiên phù trợ, ơn đồng đội, nhân dân thơm thảo nghĩa tình, hai người con tổng Trà Lâm được trở về với bến sông xưa.

Thêm hai tấm bia được dựng lên.

“Phùng Trí (1946-1968)”

“Phùng An (1950-1969)”

Trong những di ảnh liệt sĩ nghĩa trang xã Tiên Phong, có duy nhất một tấm hình người lính mang họ Phùng có màu da đen, tóc xoăn, đôi mắt sáng nhìn thẳng về phía trước. Người mẹ bao giờ cũng dừng lại lâu hơn như muốn trò chuyện mãi với đứa con đặc biệt của mình.

Chiều nay cũng vậy, sau khi rời vạt rừng Đông Lâm, nơi có năm mươi tư mộ phần lão ông quây quần hướng ra sông Lục, chỗ họ cất lời thề trước khi cầm súng theo Việt Minh, tiếp đó chia nhau lên chiến khu theo lệnh cụ Hồ, và bây giờ lại hẹn nhau ở đây, mãi mãi. Cụ bà Ngân Thương thong thả bước đến khu nghĩa trang liệt sĩ cách đó hơn trăm mét. Nơi đó, bên nấm mộ các liệt sĩ, trong đó có hai người con máu thịt của mình, đã đợi sẵn vị Đại tá họ Phùng cùng đồng đội của ông. Những đôi mắt chừng như ướt nước khi nhìn vào mắt người lính trẻ tuổi da đen trong di ảnh.

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai

Bếp lửa mùa đông
(BGĐT) - Có lẽ từ xa xưa ở tất cả các làng quê trên đất nước Việt Nam, trong mái nhà nào cũng đều có gian bếp thân thương, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ. Làng quê thuần nông vùng trung du nơi tôi sinh ra cũng như vậy.
Hàn gắn
(BGĐT) - Từ bao giờ nhỉ, mình đã thôi không mơ ước? Thi không còn nhớ nữa. Ngày với cô chỉ là con đường đến cơ quan, đến trường học của hai đứa con, vòng qua chợ. Là bữa cơm tối không mấy khi đủ cả 4 người. Tôn luôn phải đi trực. Thuở mặn nồng bao giờ Thi cũng để chuông đồng hồ. Chồng về giữa đêm, cô bật dậy hâm nóng lại đồ ăn, rồi dù không ăn cũng vẫn ngồi cạnh chồng nhấm nháp. Những chi tiết đó dần trở thành cổ tích trong ngôi nhà của họ.   
Gió mùa không lạnh
(BGĐT) -  Thuý bàn với Phúc xin nhận thằng bé làm con nuôi, dẫu sao hai người lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Tất cả sẽ cùng chăm sóc ông nhặt rác và mời ông ở lại quán phụ việc. Cả nhà sẽ sống bên nhau và cùng chờ điều “kỳ diệu” ở bên kia biên giới. Con đường vào viện chiều nay sao lạ thế. Hai vợ chồng Phúc đèo nhau vào viện mà trong lòng rộn ràng niềm vui....
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...