Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gió mùa

Cập nhật: 15:59 ngày 25/12/2022
(BGĐT) -  Người mẹ trẻ bật lên tiếng khóc khi quay lại nhìn đôi nạng của tôi dựng bên đầu giường. Tôi sững người ngỡ tưởng như mình đang mơ khi đón cháu bé trên tay. Đứa bé ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi rồi toét miệng cười. Ngoài kia, gió mùa vẫn không ngừng thổi...

Tự nhiên tôi lên cơn ho. Có lẽ vì đợt gió chuyển mùa nên bầu trời bỗng u ám. Nhưng hẳn nhiên cái vết thương của tôi giở chứng thì đúng hơn. Vừa đưa tay lên giữ ngực thì Loan đi chợ về, tôi cố nén tiếng hục hục trong cổ họng, rồi vội tợp một chén trà nóng. Thực tình, mọi việc đâu có thoát nổi ánh mắt lo âu của Loan. Thoạt đầu, là một tiếng thở dài, nhưng ngay sau đó Loan nén lòng đặt nhẹ túi hoa quả lên bàn. Cứ đúng đến ngày mùng một ta hằng tháng thì tôi có trốn đi đằng trời cũng không thoát nổi những lời đay, lời nguyền của Loan đối với thằng cha lái xe hôm ấy. Mà hôm nay lại đúng cả ngày lẫn tháng, đầy năm cái họa mà tôi gánh chịu khi lao qua mũi ô tô để cứu người đàn bà tội nghiệp xa lạ.

Tôi luôn tự nhủ rằng giá lúc ấy mình nhanh tí nữa thì không bị cụt chân trái. Hình như cô ta cũng bị ngã một cái khá đau chứ chả phải thường, mà cái ô tô lại rẽ quặt từ phố bên cạnh quá nhanh làm ai cũng phải rú lên khi thấy một người phụ nữ bụng chửa vượt mặt đang hốt hoảng đứng trước mũi xe. Khi ấy từ phía bên kia hè phố, như có thần linh xui khiến, tôi lao tới như một tia chớp để đẩy người đàn bà bật ra khỏi mũi xe. Oái oăm thay, cứu được người mẹ trẻ kia còn tôi thì giãy giụa trong cơn đau vì cẳng chân bị dập nát… Hồi ức lại tràn về. Bất ngờ vợ tôi nói to:

- Anh thay bát nước lên bàn thờ cho em đi chứ!

Tôi giật mình thoát khỏi những hình ảnh khủng khiếp, khi nghe thấy tiếng Loan vang lên. Tôi nhanh tay với lấy chiếc nạng ở đầu bàn.

Bỗng nhiên Loan hỏi một câu:

- À, mà anh có biết cái nhà chị ta đẻ con trai hay con gái không? Được mấy tháng rồi không biết?

Bây giờ thì lại đến lượt tôi thở dài, vì tôi đâu có biết người phụ nữ ấy là ai và mặt mũi như thế nào. Sau khi xảy ra sự việc, tôi bị ngất và phải đưa đi cấp cứu. Sau đó là những ngày tháng dằng dặc nằm chờ cưa chân, tháo bột nữa và dưỡng thương. Vậy là tính đến hôm nay đúng trọn một năm rồi còn gì. Sau đó nào có tin tức gì về người đàn bà ấy nữa đâu. Nghĩ đến đây tôi cũng lầm bầm:

- Lại còn đến nước ấy nữa cơ đấy! Ôi con người thật dễ quên.

Nghĩ một lát, tôi bỗng nói như đã trò chuyện với Loan từ trong suy tưởng:

- Ừ, mà sao mình lại đòi hỏi ở người ta điều gì chứ nhỉ. Tự nhiên mình xông đến cứu họ cơ mà.

Loan mỉm cười sợ tôi lại cáu kỉnh:

- Ai bảo anh phải bắt họ đền ơn đâu. Ấy là em chợt nhớ đến đứa con ở trong bụng chị ta đó thôi. Mẹ tròn con vuông thì thật là may lắm rồi.

Nghe Loan nói tôi vơi nhẹ nỗi sầu vì suốt một năm nay lúc nào cũng nghĩ đến cái chân hẩm hiu với cái nạng quanh quẩn trong nhà.

Quả tình, trước đây Loan có ca thán nhiều về hành động kiểu "anh hùng" của tôi, rút cuộc sự hy sinh ấy để đổi lấy cái gì… Nhưng sau thấy tôi suốt ngày ủ dột buồn bã vì những lời đay nghiến, Loan đã thay đổi hẳn. Cũng từ đó tôi trở thành người đầu bếp.

{keywords}

Minh hoạ: TQ.

Loan dặn tôi cơm nước sớm để chuẩn bị đến tối xuống thăm ông bà nội, đón bé Tuấn về. Sắp hết hè rồi tôi lo tính đến việc dành toàn bộ sức lực để kèm cặp con trai bước vào lớp 1. Mặc dù hôm nay trời trở gió, tuy rất đau chân, nhưng tôi vẫn gượng chịu đựng để cho Loan đỡ buồn.

Tôi chợt nhớ lại chỉ cách đây vài tháng thôi, khi bắt đầu tập đi bằng nạng gỗ, tôi thấy cơ cực quá, bèn tình thật nói với Loan:

- Thôi anh giải phóng cho em đấy. Em đến chết mòn vì anh mất thôi.

Đưa cho Loan cái đơn ly hôn tôi lại còn nhấn thêm vài lời cay nghiệt để vợ chấp thuận. Nhưng không ngờ Loan ôm lấy đầu tôi mà khóc tức tưởi. Bé Tuấn lo quá khóc thét lên. Tôi vội xé vụn lá đơn vừa viết xong, ném vào sọt rác. Chuyện ấy trôi qua nhanh, chẳng bao giờ Loan nhắc lại khiến tôi yên tâm và đỡ mủi lòng, mỗi khi ngẫm đến cái chân cụt của mình. Cũng may sao tôi cố quên được cái câu "Thương người thì cực đến thân" mà nhiều người thường nói khi đến thăm tôi ở bệnh viện.

Nhưng bỗng dưng hôm nay Loan lại nhắc đến đứa con của người phụ nữ ấy làm tôi thấy vui vui. Dù sao điều đó có nghĩa là sự mất mát thiệt thòi của tôi cũng được bù đắp bằng niềm vui của người khác.

- Này anh nghĩ gì mà ngẩn ra thế? Đưa bát, em xới cơm cho.

Tôi bật cười vì sự ngơ ngẩn của mình, nhưng cũng bày tỏ:

- Cũng như em, anh đang nghĩ đến đứa con của người phụ nữ ấy.

Loan vờ nguýt mắt trêu tôi:

- Tìm đến mà ở với người ta, em "giải phóng" cho anh đấy.

Tôi chợt nhớ đến cái chữ “giải phóng” mà mình đã có lần nói, giờ đây Loan vờ đùa trêu lại. Thế là tôi cầm lấy tay Loan không cho xới cơm nữa và còn nói giỡn lại:

- Được nhé, bây giờ mà gặp lại người ta thì cứ gọi là đố dám thách đấy.

Cả hai chúng tôi cười vang nhà. Con mèo con thấy ồn ào sợ quá chui tọt vào ngăn tủ dưới, nghiêng nghiêng đôi mắt long lanh nhìn ra. Bỗng có tiếng gọi của ai đó bên hàng xóm:

- Nhà chị Loan có ai ở nhà không đấy? Khách quê ra chơi đây này.

- Ai nhỉ?

Loan ngạc nhiên hỏi tôi, rồi bỏ đũa bát chạy ra mở cửa. Một người phụ nữ trẻ đang ôm đứa con nhỏ đứng ngẩn ra nhìn Loan rồi hỏi:

- Thưa chị! Đây có phải là nhà của anh Tùng không ạ?

- Vâng! Cô ở đâu đến chơi?

Người phụ nữ kia hồ hởi nói:

- Mẹ con em từ quê ra để tạ ơn anh Tùng đây.

Tôi cuống cuồng vớ lấy cái nạng gỗ đi nhanh ra cửa. Loan trố mắt nhìn, rồi reo lên:

- Ôi cô thật thiêng, vợ chồng tôi vừa nhắc đến… Con trai hay con gái đấy?

- Cháu trai ạ.

- Sao cô lại biết chúng tôi ở đây?

Tôi chưa kịp dứt lời, Loan đón ngay đứa bé và mời người phụ nữ trẻ vào nhà. Tôi vừa khép cửa thì người mẹ trẻ vội quỳ xuống chắp tay lạy tôi và khóc nức lên. Tôi vội cúi xuống đỡ tay cô ta đứng dậy trách cứ:

- Này cô đừng làm thế. Ai mách mà biết chúng tôi ở đây?

Nghẹn ngào một lúc lâu, cô gái mới nói:

- Em nhờ hỏi mãi mà không ai tìm nổi địa chỉ của gia đình. Sau có người mách, chồng em đến khắp các bệnh viện hỏi cho bằng được địa chỉ của anh có bệnh án hồi năm ngoái.

- Chồng cô đâu rồi?

Cô gái thấm nước mắt kể tiếp:

- Chồng em lại ra đảo rồi, lính mà anh.

Ngừng lại một lát nhìn cái nạng gỗ trên tay tôi, rồi cô gái hổn hển:

- Nhưng chợt nghĩ đến ngày này, đúng một năm mẹ con em được anh cứu sống, bồn chồn quá, thế là em dứt khoát tính đến chuyện phải đi tạ ơn anh và gia đình.

Tôi bỗng nghe thấy tiếng Loan nấc lên và ôm đứa bé gọn trong tay. Hình như Loan cố nén tiếng khóc vào trong tiếng nựng đứa bé. Tôi lặng người, ngồi thừ bên bàn nước nhìn Loan và cũng như linh tính mách bảo tôi phải phá tan cái không khí quá xúc động lúc này, bèn hỏi:

- Tên cháu trai là gì?

- Nhà em vẫn mong gặp bác để nhờ bác đặt tên cho cháu, rồi mới làm giấy khai sinh. Em thì dứt khoát là mong nếu biết được tên bác là đặt luôn cho cháu.

- Tùng à? - Loan chợt hỏi, đôi mắt sáng lên niềm vui - Một cái tên thật là đẹp.

- Vâng!

Ngay lúc đó Loan bế thằng bé đến gần khoe:

- Này anh xem, thằng bé thật kháu, anh nhỉ?

Người mẹ trẻ bật lên tiếng khóc khi quay lại nhìn đôi nạng của tôi dựng bên đầu giường. Tôi sững người ngỡ tưởng như mình đang mơ khi đón cháu bé trên tay. Đứa bé ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi rồi toét miệng cười. Ngoài kia, gió mùa vẫn không ngừng thổi...

Truyện ngắn của Vương Tâm

Bếp lửa mùa đông
(BGĐT) - Có lẽ từ xa xưa ở tất cả các làng quê trên đất nước Việt Nam, trong mái nhà nào cũng đều có gian bếp thân thương, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ. Làng quê thuần nông vùng trung du nơi tôi sinh ra cũng như vậy.
Hàn gắn
(BGĐT) - Từ bao giờ nhỉ, mình đã thôi không mơ ước? Thi không còn nhớ nữa. Ngày với cô chỉ là con đường đến cơ quan, đến trường học của hai đứa con, vòng qua chợ. Là bữa cơm tối không mấy khi đủ cả 4 người. Tôn luôn phải đi trực. Thuở mặn nồng bao giờ Thi cũng để chuông đồng hồ. Chồng về giữa đêm, cô bật dậy hâm nóng lại đồ ăn, rồi dù không ăn cũng vẫn ngồi cạnh chồng nhấm nháp. Những chi tiết đó dần trở thành cổ tích trong ngôi nhà của họ.   
Góc cho người yêu thơ: Tôi ra cửa biển
(BGĐT) - Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...