Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Góc cho người yêu thơ: Tôi ra cửa biển

Cập nhật: 07:37 ngày 11/12/2022
(BGĐT) - Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?

Em đi góc biển chân trời

Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên

Mùa đông rụng lá ưu phiền

Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?

Biết là nhớ cũng bằng không

Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm

Tôi rơi vào cuối ngọn nồm

Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi

Nỗi buồn như tấm gương soi

Gặp em không gặp thì tôi gặp mình

Chẳng là như chỉ với kim

Chẳng là như bóng với hình ngày qua

Thì thôi xa thế đành xa

Em đi để đó cửa nhà vắng hoe

Mùa thu mặc áo gì kia

Áo tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu.

Hải Kỳ

LỜI BÌNH

Bài thơ “Tôi ra cửa biển” của nhà thơ Hải Kỳ được chọn in trong “Tuyển tập thơ Việt Nam (1975 – 2000)”. Bài thơ ra đời khi người vợ thân yêu của ông do gánh nặng mưu sinh phải ra nước ngoài lao động để lại mình ông chăm sóc hai con nhỏ. Biền biệt chia ly tháng ngày dằng dặc cách xa, nhớ vợ ông tìm ra cửa biển như một đối tượng chủ thể để giãi bày tâm trạng sâu lắng của mình trước trùng điệp lớp sóng trùng khơi mênh mông bất tận. Mở đầu bài thơ như một lời tự vấn: “Em đi góc biển chân trời/ Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên”. Thiên nhiên cũng như đồng cảm với thi sĩ khi “Mùa đông rụng lá ưu phiền”. Hải Kỳ có một nội cảm mạnh và linh cảm trực giác trước cái mênh mông mơ hồ bỏ ngỏ, trước sự dịch chuyển của thời gian: “Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?”.

Khổ thơ hay nhất của bài thơ là: “Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi”. Xét theo sự vận động cảm xúc tuyến tính thì cánh buồm hay còn gọi là lá buồm, ở đây có nối liên hệ giữa lá rụng mùa đông và lá buồm khơi xa phiêu dạt như bóng dáng người thân. Và chính lá rụng ấy mới có “rơi”: “Tôi rơi” và "Em rơi” - Đó là hình tượng liên tưởng siêu thực thật ám ảnh ngỡ như phi lý mà thật có lý biết bao, vượt lên cả hiện thực để nói về tâm trạng ảo giác. Rơi cuối “ngọn nồm” và rơi cuối “nỗi buồn” đều là những thi ảnh đầy ấn tượng trực giác chạm đến cuối thì lại gặp mình: “Nỗi buồn như tấm gương soi/ Gặp em không gặp thì tôi gặp mình”. Một sự thẩm thấu kỳ lạ, một nỗi buồn đẹp trong veo vừa hoài niệm vừa nhớ thương vừa tự nhủ: “Chẳng là như chỉ với kim/ Chẳng là như bóng với hình ngày qua”. Câu thơ cách xa dằng dặc lại dằng dặc trở về ký ức, kỷ niệm thật nhân hậu trìu mến. “Chẳng là” là một cách nói và cao hơn đó là sự nâng niu trân trọng của tấm lòng người chồng thi sĩ.

{keywords}

Tranh: Trần Nguyên.

Nhà thơ ngồi một mình bên cửa biển mắt ngóng trông khơi xa và sau lưng ông là làng quê, là nếp nhà trống vắng người vợ thân yêu mà ông đã dùng hai từ rất hay “vắng hoe” như mở ra một không gian hun hút thăm thẳm. Và bất ngờ một động thái khi ông đứng dậy “Thì thôi xa thế đành xa” có chút gì nuối tiếc tự thú thật chân thành để nhận thêm trách nhiệm của người chồng, người cha trước cảnh: “Em đi để đó cửa nhà vắng hoe”. Bài thơ nhiều lần nhắc đến các mùa: Đông, xuân và thu. Và nỗi buồn rơi rụng cuối cùng ngưng đọng lại ở hai câu kết khi nhà thơ hỏi và cũng tự trả lời: “Mùa thu mặc áo gì kia/ Áo tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu”. Đó là sự giao hòa, giao cảm giữa con người với thiên nhiên một cách kỳ diệu và cửa biển cứ trào lên từng đợt sóng nhớ thương cách xa; một nỗi buồn cách xa thật đẹp và cảm động.

Hà Huy (chọn và bình)

Bài học năm xưa
(BGĐT) - Giờ ra chơi, tôi mải mê nhìn ngắm đám học trò đang nô đùa trên sân trường. Tôi vui lắm, vì trường học giờ đã khang trang hơn xưa rất nhiều. Chợt có những tiếng tin nhắn vang lên từ các ứng dụng mạng xã hội. Thì ra là đám bạn, hầu hết các tin nhắn đều có nội dung muốn hỏi tôi tại sao lại lựa chọn về quê.
Thầy giáo già
(BGĐT)- Đang ngồi cặm cụi đan mấy cái rổ, cái rế cho vợ ngày mai mang ra chợ bán, chợt ông Quang giật mình vì tiếng gọi phía sau lưng:
Màu hoa năm ấy
(BGĐT) - Sớm nay gió lạnh đã về, những căn nhà ven đường đã khép cửa, ánh điện hắt ra dưới sương mờ càng thêm hiu quạnh. Hình như, mỗi khi se lạnh, đất trời rỗng hơn, khoảng trống vắng ấy như một cõi xa xăm vô cùng của hoài niệm. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...