Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vườn bạch đàn hoa trắng

Cập nhật: 06:45 ngày 22/10/2022
(BGĐT) - Thầy Hùng toan định đứng dậy rời khỏi hội trường khi buổi lễ tốt nghiệp kết thúc, đúng lúc đó gương mặt một phụ nữ trung niên lướt qua khiến anh đặc biệt chú ý. Đi bên cạnh người phụ nữ là cô sinh viên xinh xắn trong bộ quần áo cử nhân. Có lẽ người phụ nữ là mẹ của cô gái, hôm nay đến dự lễ tốt nghiệp của con. Họ đang bước lên sân khấu để chụp ảnh kỷ niệm. 

Người mẹ có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền hậu, mái tóc thẳng giản dị kẹp hờ đằng sau. Càng nhìn anh càng cảm thấy ở người đó có nét gì quen thuộc lắm. Anh cố lục lọi trong những quãng ký ức nhiều xáo trộn của mình để nhớ ra đã gặp bác ấy ở đâu rồi. Bần thần một lúc lâu, anh mới ngờ ngợ nhận ra người phụ nữ này rất giống bác Hoa và cũng là cô giáo dạy anh hồi nhỏ.

{keywords}

Minh họa: HIỀN NHÂN.

Anh lặng lẽ bước ra ngoài hành lang. Hàng cây bằng lăng nở tím ngát cả bầu trời, có tiếng ve ngân rả rích. Hình như lâu lắm rồi anh mới lại được nghe thấy tiếng ve kêu. Chẳng phải con đường này, hàng cây này mọi ngày anh vẫn đi qua. Có lẽ tại anh vô tâm nên không để ý thấy mà thôi. Anh lại nhớ tiếng ve ngày xưa da diết, khắc khoải lắm. Ngày ấy, ngôi trường nhỏ nằm giữa đồi bạch đàn cao vun vút, mùa hè ngập tràn tiếng ve ngân. 

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm tinh mơ đàn ve sầu đã hối thúc nhau thức giấc để bắt đầu tấu lên bản nhạc dài bất tận. Đầu tiên là một vài con nhưng chỉ vài chục giây sau là cả dàn đồng ca vang lên. Ai không quen sẽ không thể chịu nổi âm thanh như chát chúa ấy. 

Nhưng đám trẻ lại thích thú lắm, cứ rong ruổi lần theo tiếng ve suốt những trưa hè. Anh nhớ có lần bác Hoa nói, trong hành trình đến với thế giời này, có những loài ve sầu phải mất tới 17 năm vùi sâu trong lòng đất nhưng chúng chỉ có thể sống qua một mùa hè. Vậy nên tiếng ve nghe như vội vã, hối hả và da diết lắm.

- Xin lỗi, bác có phải là bác Hoa không ạ? Thầy Hùng hỏi khi người phụ nữ vừa bước ra ngoài hành lang đứng chờ con gái.

Nghe thấy ai đó nhắc đến tên mình, người phụ nữ liền quay lại nhìn. Bà có chút bối rối vì không thể nhận ra thanh niên đứng trước mặt mình là ai:

- Đúng rồi, thế còn cậu...

- Dạ thưa bác, con là Hùng, con của mẹ Miên, bác còn nhớ không ạ?

Thoáng chốc, người phụ nữ mắt đã nhòe lệ khi nghe nhắc tới cái tên Miên. Chắc hẳn cái tên đó đã để lại trong bà rất nhiều luyến thương nên dẫu đã ngần ấy năm trôi qua mà bà vẫn không thể nào quên được.

- Con là Hùng sao? Con thay đổi nhiều quá làm bác không thể nhận ra được. Lúc hai mẹ con đi, con vẫn còn bé xíu.

- Còn bác vẫn như xưa, không thay đổi mấy, nên con nhìn là nhận ra ngay ạ.

Bác Hoa cười hiền hậu, vẫn nụ cười đã in sâu trong tâm trí của cậu bé ngày nào được bác Hoa cho vào ngồi học ké các anh chị lớp 1 bi bô tập đánh vần.

- Thế còn mẹ Miên bây giờ thế nào con? Mẹ có khỏe không?

- Dạ, mẹ con khỏe bác ạ. Lát nữa con mời hai mẹ con bác qua nhà con chơi. Được gặp lại bác, chắc mẹ con vui lắm. Con mới đi học nước ngoài về, cũng tính đợi công việc ổn định sẽ đưa mẹ lên đó thăm bác một chuyến. Không ngờ hôm nay lại được gặp ở đây.

Ngày ấy, người phụ nữ trẻ tên Miên ngậm ngùi dắt theo cậu con trai mới hơn một tuổi rời làng đến một nơi thật xa, vì không chịu được điều tiếng của dân làng khi một mình sinh con. Lạ nước, lạ cái, tiền trong túi cũng hết, hai mẹ con may mắn gặp được cô giáo Hoa tốt bụng đã cho tá túc rồi còn xin cho Miên vào làm công việc tạp vụ ở trường tiểu học bác đang dạy. 

Hai mẹ con mượn được gian nhà kho của trường để ở. Bé Hùng ngoan lắm, cứ ngồi ở bậu cửa thích thú nhìn ngắm các anh chị chơi đùa trên sân trường. Lúc gần 5 tuổi, cậu bé bắt đầu bộc lộ sự ham học. Cứ mỗi lần tiếng trống vào lớp vang lên, cậu lại mon men ngồi bên ngoài nghe các anh chị học bài. Do sáng dạ nên cậu bé học theo rất nhanh. Thấy vậy, bác Hoa liền cho Hùng vào lớp ngồi học cùng các anh chị.

Những năm bấy giờ, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, Miên phải nhận thêm hàng thủ công về làm. Vốn dĩ từ lúc sinh con do không được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ nên cô cứ ốm đau, thuốc men liên miên. Nhiều hôm còn phải thức cả đêm làm để kịp sớm hôm sau trả hàng. 

Bác Hoa thương cảm, thi thoảng lại mang cho chục trứng, con cá... Có gì cũng chia sẻ như chị em trong nhà. Thế rồi một thời gian sau, nhà trường phải tinh giản nhân lực. Thương hai mẹ con nhưng không ai giúp được gì bởi lúc bấy giờ mọi người đều khó khăn. Nhiều giáo viên còn không trụ nổi phải xin nghỉ việc, ra ngoài bươn chải.

- Em tính về chỗ người bà con ở Hà Nội để tìm xem có việc gì làm không?

Hùng đứng ngoài cửa nghe thấy mẹ ở trong nhà đang nói chuyện với bác Hoa.

- Con còn nhỏ, sức khỏe em lại yếu như vậy, tiền thì không có, ra đó rồi hai mẹ con biết xoay xở thế nào?

Bác Hoa nhìn mẹ Hùng xót xa. Bác cũng đâu có điều kiện khá giả gì, nhưng vẫn rút từ trong túi ra một xấp tiền đưa cho mẹ cậu rồi nói:

- Chị không có nhiều, có chút ít để em đi đường.

Mẹ Hùng chối đây đẩy: - Em nợ chị nhiều quá rồi, em không nhận được nữa đâu. Chị cũng còn phải vất vả lo cho các cháu, anh thì ở xa.

- Đây là chị cho bé Hùng, nhận đi cho chị an lòng. Em đi rồi không biết bao giờ mới gặp lại.

Hai người phụ nữ ôm nhau khóc, thương phận má hồng thật lắm nỗi truân chuyên. Chiều đông gió thổi qua sân trường hun hút, đám lá khô xào xạc kéo nhau chạy về nơi góc sân. Bé Hùng lưu luyến đưa mắt nhìn những dãy lớp học, khoảng sân, góc trường thân thương. Nơi đã bao dung, che chở, cho cậu những ngày tháng thật đẹp đẽ và ấm áp biết bao.

Đêm đó trời bỗng đổ cơn mưa, gió xô hàng bạch đàn va vào nhau xào xạc. Gió luồn vào phòng tê tái. Gần sáng mà ngoài trời mưa vẫn sụt sùi. Hùng thấy mẹ thao thức cả đêm, cậu cũng không ngủ được, khẽ hỏi mẹ:

- Bao giờ mình sẽ trở lại đây hả mẹ?

- Khi nào con thành đạt, mẹ con mình sẽ trở lại thăm mọi người và mái trường này nhé.

Câu nói của mẹ khẽ gieo vào lòng cậu bé biết bao hy vọng. Miên giục con trai dậy chuẩn bị để kịp ra ga tàu. Lúc hai mẹ con vừa ra đến cổng thì gặp bác Hoa đạp xe đi tới:

- Hai mẹ con lên đây bác chở ra ga, đi bộ biết đến bao giờ.

- Chị đi thế này, ai trông bé Thơ? Miên lo lắng hỏi.

- Chị bế sang gửi bà nội rồi, yên tâm. Nào Hùng trèo lên trước đi con, cẩn thận kẻo ướt.

Mưa làm cho đoạn đường đất hôm qua còn hanh hao bụi bặm mà giờ trở nên lầy lội khó đi. Từng hạt mưa thấm vào người lạnh buốt, tê tái, nhưng bác Hoa vẫn rất chắc tay lái. Thi thoảng còn ngoảnh lại đằng sau hỏi xem hai mẹ con có bị ướt, lạnh không.

Trước lúc lên tàu, bác Hoa đưa cho Hùng một quyển sổ rồi khẽ dặn dò:

- Cho dù có thế nào cũng không được bỏ dở việc học hành nghe con, gắng học thật giỏi sau này bù đắp cho mẹ.

Đoàn tàu từ từ lăn bánh, hai mẹ con cố rướn người vẫy tay tạm biệt bác Hoa xa dần trên sân ga dài hun hút. Cuốn sổ đó đến giờ Hùng vẫn còn giữ. Nhiều lúc thấy mẹ phải làm lụng vất vả quá, anh không cam lòng, chỉ muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo cho mẹ. Nhưng nhớ đến lời bác Hoa, anh lại quyết chí phải học thật giỏi để không phụ công lao một đời vất vả hy sinh của mẹ.

Mới đó mà đã hơn 20 năm. Bé Thơ lúc đó còn ẵm ngửa mà giờ đã tốt nghiệp ra trường và sắp trở thành cô giáo. Thơ cũng không ngờ thần tượng của các sinh viên nữ mà lúc mới vào trường đã được nghe nhắc đến rất nhiều lại chính là anh Hùng, con cô Miên mà mẹ vẫn hay kể. Thầy Hùng không chỉ đẹp trai, đàn giỏi mà còn giảng bài rất hay nữa. Nhưng tiếc rằng Thơ chưa kịp có cơ hội được học thầy thì thầy đã đi ra nước ngoài học tập. Cô cũng chỉ loáng thoáng vài lần nhìn thấy anh từ xa.

Cao to, đẹp trai, lại hiền lành, tài giỏi, mẫu người lý tưởng để bao cô gái mơ ước như vậy, nhưng đến giờ 30 tuổi rồi mà thầy Hùng vẫn chưa lấy vợ. Ai cũng nghĩ Hùng đi học nước ngoài sẽ cưới vợ rồi ở lại luôn bên đó. Nhưng cuối cùng anh vẫn chọn trở về quê hương, tiếp tục công việc của một giảng viên đại học. 

Thực tế cũng có đôi lần anh đưa bạn gái về ra mắt mẹ nhưng chỉ qua tiếp xúc anh rất tinh ý nhận ra những cô bạn gái đó thực sự không thể hòa hợp được với mẹ anh, điều mà anh lo ngại nhất. Từ đó, Hùng không tìm hiểu thêm cô gái nào khác nữa, sợ lại làm họ tổn thương.

Hai người phụ nữ gặp lại nhau sau ngần ấy năm vẫn những cảm xúc rưng rưng như ngày nào tiễn biệt trên sân ga. Họ nghẹn ngào kể về quãng thời gian xa cách, ôn lại cả những tháng ngày ngắn ngủi ở bên nhau, nghèo mà ấm áp lắm. Đúng là con người khi có tình nghĩa với nhau thì ắt sẽ lại tìm thấy nhau.

Để cho hai mẹ có thời gian hàn huyên tâm sự, Hùng đưa Thơ ra ngoài ban công ngồi hóng gió. Anh say sưa kể cho cô nghe về những kỷ niệm ngày bé khi mẹ con anh được mảnh đất quê hương của cô bao bọc, che chở. 

Thơ ngạc nhiên trước trí nhớ của Hùng, từ cây bàng cô đơn nơi góc trường, đến vườn bạch đàn trắng hoa bay lắc rắc đầy sân, những phòng học rồi cả đoạn đường đất khi nắng thì bụi mù, trời mưa trẻ con xắn quần tới đầu gối mà vẫn lấm lem. Đâu phải do trí nhớ của anh tốt, mà chính bởi mảnh đất tuyệt vời ấy đã nuôi dưỡng trong tâm hồn anh những điều tốt đẹp và ý nghĩa, nên dẫu năm tháng có trôi qua thật lâu nhưng những kỷ niệm không thể phai nhạt.

- Bây giờ mọi thứ đã thay đổi nhiều lắm rồi anh ạ.

Hùng hóm hỉnh nói vui: - Đến em bé nhà bác Hoa khi ấy còn chưa biết lẫy, mà giờ đã lớn lên xinh đẹp thế này.

Thơ cười e thẹn. Được nghe mẹ kể nhiều về Hùng, nhưng cô không thể ngờ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn mà anh vẫn có nghị lực vươn lên mạnh mẽ như vậy.

- Em đang nghĩ gì thế? Hùng hỏi mấy lần Thơ mới biết. Mình vào nhà xem hai mẹ nói chuyện đến đâu rồi, đã đói bụng chưa để đi ăn nhé.

Khi Thơ và Hùng bước vào, hai bà mẹ nháy nhau cười ý nhị như vừa nhắc tới chuyện gì đó liên quan đến cả hai, nghe có vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Cô Miên nói:

- Chị còn nhớ không, lúc bác Hoa sinh em bé, nó sang chơi cứ nằng nặc đòi mẹ xin bác Hoa để mang em bé về nhà nuôi.

- Giờ bác cho luôn đấy. Bác Hoa vừa cười vừa nói.

Cô Miên được thể vun vào: - Hai đứa đều lớn cả rồi, anh em bảo nhau xem thế nào, mẹ thấy hai đứa hợp nhau lắm đấy.

Hùng và Thơ nhìn nhau cười ngượng ngùng nhưng có vẻ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Không ngờ cuộc hội ngộ này lại như duyên trời định đưa họ đến với nhau.

Truyện ngắn của Việt Nga

Chị Nghịt
(BGĐT) - Tên chị là Nghịch. Nghịch trong nghịch ngợm nhưng ở làng tôi ai cũng gọi chị là Nghịt. Nguyên do là bởi dân làng phát âm những từ có cái đuôi chờ (ch) đằng sau đều thành tờ (t) hết.
Như nắng, như mưa...
(BGĐT) - Quyên kiễng chân, rướn người, mắt không rời nơi phía cửa ra vào. Sân bay náo nhiệt quá. Quyên hồi hộp lướt qua dòng người vừa bước xuống từ trên chiếc máy bay Boeing 737 mới hạ cánh cách đây ít phút. Kia rồi! Chẳng phải anh đó sao? Quyên thấy trái tim mình bỗng chốc đập rộn ràng. Anh cũng đang đưa mắt kiếm tìm Quyên. Rất nhanh, mắt họ chạm nhau. Anh nở nụ cười tươi làm bừng sáng cả khuôn mặt. Anh lách người qua đám đông, tiến nhanh về phía cô.
Phận tầm gửi
(BGĐT)- Về làm dâu nơi mảnh đất này, có ngày nào mẹ tự nghĩ cách giải thoát cho số phận của mình không? Hay mẹ không biết như thế là bị kìm kẹp, thua thiệt, bất công. Mẹ luôn tự hào về anh em nó. Trong mắt mẹ, chồng mình đẹp trai, tài giỏi, tri thức. Bao nhiêu cái thanh cao thuộc về ông ấy. Bao nhiêu cái nhem nhuốc, thô kệch thuộc về mẹ. Chả thế, ông được cử đi Liên Xô học. Mở mày mở mặt cả dòng họ. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...