Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Người bán bún rong

Cập nhật: 06:00 ngày 16/07/2022
(BGĐT) - “Hết sạch bún rồi!”, Thuận oang oang ở bậc cửa khi từ chợ cóc về. Lạ nhỉ. Tôi đã bảo bà ấy từ sáng sớm cơ mà. Tôi vội chạy bổ ra chợ chỉ cách nhà vài chục thước.

Bà Lý gặp tôi nhăn nhó: “Xin lỗi ông. Tôi có việc vội về nhà nhưng đã dặn đi dặn lại đứa cháu nhớ phần ông ba cân bún rối vậy mà tôi quay ra nó đã bán sạch rồi. Thôi thì ông thông cảm ăn thứ khác vậy”. Ăn thứ khác? Tôi cố nén giận quay về. Cũng tại tôi. Giá ngay từ sáng tôi cố chờ mua luôn có phải hơn không? Cả chợ cóc đầu làng đây chỉ có mỗi bà Lý bán bún, giờ nhỡ nhàng thế này đành phải lên chợ phố vài ba cây số. 

{keywords}

Minh họa: Tùng Quân.

Mấy ông bạn tôi đang ngồi hàn huyên tán gẫu trong nhà chỉ chờ bún về là vào bữa, vậy mà… Họ mê nhất là món bún cua của vợ tôi. Bà ấy nổi danh quanh đây về món này. Bà làm kỳ công lắm. Chọn cua đồng chứ không phải cua nuôi, chọn từng con một nhìn sốt ruột rồi giã nhuyễn đặc sệt, lọc đi lọc lại. Tóm lại là mất rất nhiều công sức. Bà làm một mình, không cho tôi mó chân mó tay vào. Bún cua của bà phải công nhận là tuyệt vời. 

Chả thế khi mới nghỉ hưu, bà xã nhà tôi mở quán bún cua ở chợ cứ luôn đông khách. Hẹn hò mãi mới có hôm nay đãi bạn món đặc sản này để chia tay Thuận và Vinh vào Nam sinh sống và đặc biệt chúc phúc “chàng trai” Nghĩa 52 tuổi cùng cô vợ kém chồng gần hai chục tuổi có đứa con đầu lòng mà chúng tôi trêu đùa là ông bế cháu.

Tôi vừa dắt xe máy ra khỏi cổng thì cái Hương cháu bà Lý hớt hải chạy đến: “Ông Nhân ơi, có một bà bán bún rong muốn gặp ông. Bà ấy đang ngồi chờ ở sau cổng chợ”. Quái, ai nhỉ? Xưa nay tôi có quen bà bán bún nào ngoài chợ đâu.

Tôi dắt xe đi tới. Từ xa tôi để ý một người đàn bà bịt khăn chéo mặt, đội nón thùm thụp trên đầu, ngồi trong vỉa hè, cạnh bên là chiếc xe đạp, phía trước đặt chiếc thúng và túi vải căng phồng. Tôi hồi hộp đến gần. Người đàn bà quay lại nhìn tôi, từ từ cởi khăn ra. Giời ơi, Nụ. Tôi kêu toáng lên.

Anh vẫn nhận ra em à?- Nụ khẽ cười.

Thật không thể nào tin nổi. Sao lại kỳ lạ thế này.

Đã ba mấy năm rồi…

Hồi đó tôi là hiệu trưởng của một trường cấp hai, trường trọng điểm của huyện. Nghĩa là giáo viên dạy toán. Anh nổi tiếng toàn huyện và có lẽ cả tỉnh về dạy giỏi. Theo nhận định của nhiều người, Nghĩa là hiện tượng hiếm gặp của giáo viên dạy toán tỉnh nhà suốt mấy chục năm qua, một cây toán xuất sắc. Không hiểu bằng cách nào mà Nghĩa có vô số sách, tạp chí toán học trong nước và cả sách dịch từ nước ngoài. 

Dáng người mảnh khảnh, vẻ thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, ngại chỗ đông người, nhất là khi có các cô gái, Nghĩa dành hết thời gian cho toán. Bởi thế ba nhăm, ba sáu tuổi vẫn “chiến sĩ phòng không”, “không có mảnh tình vắt vai”. Trường cũng có vài ba cô giáo đơn chiếc nhưng anh giáo dạy toán có vẻ dửng dưng để rồi mấy cô ấy cũng ác cảm, xa lánh.

 Gia đình Nghĩa gốc Hà Nội ở phố sầm uất nội thành sơ tán về huyện trung du này trong thời kỳ chiến tranh theo gợi ý của người bạn của bố Nghĩa. Bố mẹ lần lượt mất, Nghĩa ở với vợ chồng anh trai. Học hết cấp ba, Nghĩa vào Trường Sư phạm để chóng có việc làm.

* * *

Tôi nhìn Nụ. Nụ trông già hơn với tuổi ngoài năm mươi của mình. Buồn. Nhiều nếp nhăn. Gầy. Nhưng nói năng nhiều hơn trước.

- Vào ngay nhà anh đi. Một niềm vui quá bất ngờ và hạnh phúc với mọi người, nhất là Nghĩa đang ngồi nhà anh.

- Không, em không vào đâu - Nụ ngần ngại.

Tôi nghe tiếng Nụ thở dài, lòng dạ thật xót xa.

Chuyện về Nghĩa tưởng cứ lặng lẽ “phòng không” trôi đi theo thời gian.

Một ngày bỗng xuất hiện cô gái Dương Thị Nụ đến trường. Phòng Giáo dục theo đề nghị của tôi đã điều Nụ về đây. Công việc của Nụ là văn thư, phụ trách thư viện (chủ yếu là sách giáo khoa) và đồ dùng dạy học. Nụ trẻ trung, chăm chỉ, dịu dàng nết na nhưng cũng chẳng khác gì Nghĩa. Cô trầm lặng, ít lời, rỗi rãi chỉ cắm đầu mà đọc sách báo. 

Vậy mà chỉ trời mới biết, không hiểu vì sao và bằng cách nào, đôi trai gái phải lòng nhau. Ai phải lòng ai trước, chả ai rõ chỉ thấy Nghĩa và Nụ nhiều lần ngồi lâu bên nhau tại văn phòng và đôi mắt họ nhìn nhau rất khác lạ, đầy vẻ yêu thương. Có lẽ hai người đến với nhau vì hợp tính hợp nết và cũng vì chung cảnh ngộ. Nụ cũng mồ côi cha mẹ, sống thui thủi một mình khi chị gái lấy chồng.

Đám cưới, theo nguyện vọng hai người được tổ chức đầm ấm, đông vui tại trường.

- Nụ đến đây bán bún?

- Em có việc với anh Nghĩa.

- Sao Nụ lại biết Nghĩa ở đây?

- Bí mật. Em không nói đâu.

Chúng tôi tin rằng cặp Nghĩa – Nụ sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Cả hai đều yêu thương nhau, chả bao giờ thấy họ cãi vã, to tiếng. Ấy là vì họ ở khu tập thể cùng với vài ba giáo viên xa quê, tốt xấu thế nào ai cũng biết. Nhưng hai năm, bốn năm rồi đến năm thứ bảy, Nụ chẳng sinh nở gì. 

Cô lặng lẽ đi hết bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương để khám và đều nhận được kết quả giống nhau là cô không có khả năng sinh con. Nghĩa luôn an ủi vợ, càng ngày càng chăm sóc, chẳng bao giờ thấy anh phàn nàn, bực bội về chuyện con cái.

Một hôm, khi Nghĩa đi dự đám cưới người bạn ở thị trấn, Nụ lặng lẽ ra đi để lại cho chồng một bức thư với những dòng chữ nguệch ngoạc run rẩy: “Anh vô vàn yêu thương của em. Em sẽ đến một nơi thật xa, sẽ không bao giờ trở lại. Đừng tìm em. Em cầu mong anh được hạnh phúc, có những đứa con ngoan ngoãn, thông minh, nối tiếp sự nghiệp của cha. Anh xứng đáng được như thế…”. Nghĩa đã khóc như một đứa trẻ. 

Hơn tháng liền anh lang thang mọi nơi trong tỉnh, lên mạn ngược mà vẫn không sao tìm được tin tức vợ. Một ngày, anh lại nhận bức thư của vợ. Nhưng đó là lá đơn ly hôn Nụ gửi cho chồng. Trong đơn, Nụ hết lời ca ngợi chồng, tự nhận mình mắc bệnh hiểm nghèo, tình nguyện chia tay mãi mãi, mong chồng sớm có hạnh phúc mới. Nghĩa cứ theo dấu bưu điện trên phong thư mà tìm đến. Nhưng suốt bao ngày lang thang ở tỉnh sát biên giới vẫn không sao tìm được vợ.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi.

Một năm. Hai năm. Ba năm… Rốt cuộc, Nghĩa cũng đành chấp thuận nguyện vọng của người trong thư.

- Hiện giờ Nụ ở đâu?

- Anh lại hỏi lần nữa rồi. Bí mật, em không nói đâu.

- Em đã lấy chồng?

- Em chỉ có người chồng duy nhất là anh Nghĩa thôi. Em mừng khi biết anh ấy đã có vợ mới và có con.

- Sao em biết?

- Bí mật. Em biết nhiều chuyện lắm. Chuyện anh ấy vất vả tìm em thế nào… Kể cả anh. Anh vì ốm đau đã xin nghỉ hưu sớm. Chỉ buồn vì nhiều lý do, em không thể đến thăm anh.

Chần chừ mãi, Nghĩa mới lấy vợ - một cô giáo đã nhỡ thì. Mấy năm sau họ mới có con.

Nghĩa ngày càng khắc khổ. Trông anh đến tội. Người cứ hom hem, nét mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Anh càng ít nói, sống lặng lẽ. Chúng tôi biết dẫu có niềm vui lớn với đứa con và người vợ mới đảm đang, anh vẫn không nguôi nhớ tới vợ cũ. Rất bất ngờ vào tuổi năm mươi, anh kiên quyết xin nghỉ hưu sớm.

- Em có con nuôi – một thằng bé sơ sinh bị bỏ rơi ở bệnh viện tỉnh. Cũng vất vả, khó nhọc lắm anh ạ, nhiều lúc tưởng không nuôi được. Giờ cháu đang học lớp chuyên toán ở một trường phổ thông. Cháu ngoan lắm.

- Vào chỗ anh một lúc đi.

- Không, không. Có thể vào ngày nào đó em sẽ đến chỗ anh trò chuyện nhiều hơn nhưng với anh Nghĩa thì sẽ chẳng bao giờ. Nguyện vọng của em đã thành. Buổi hôm nay em gặp anh, anh đừng nói cho ai biết. Anh hứa nhé? Đừng phụ lòng tin của em.

Nụ khẽ khàng đưa cho tôi túi vải nặng trĩu là quà mừng em bé mới sinh của Nghĩa. Nước mắt cô ứa ra trên hai gò má.

- Em vẫn đi bán bún rong nhưng không qua đây mà ở nơi xa… Em vẫn phần các anh chỗ bún này… À, anh. Thằng bé con anh Nghĩa tên là gì nhỉ?

Có tiếng váng thiên địa của Thuận gọi tôi át cả mọi âm thanh hỗn độn trong chợ. Tôi đứng dậy, giơ tay vẫy vẫy. Khi vừa ngoái đầu lại đã thấy Nụ đạp xe một quãng. Vừa lúc ấy, Thuận lách qua đám người chen chúc đến chỗ tôi.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Hoa muống biển nở muộn
(BGĐT) - Đôi tay nhỏ bé mềm mại với những ngón thon dài của Dung bất ngờ nắm lấy tay Sinh, đôi mắt biết nói như muốn bảo, hãy đi với em, đến chỗ có hoa muống biển, em sẽ chỉ cho anh thấy vẫn còn hoa muống biển nở muộn đẹp đến thế nào. 
Bến mưa
(BGĐT) -  Bình đứng trên con dốc cao nhìn xuống. Nước sông đang lừ lừ dâng lên sát chân ngôi đền cổ. Rặng cây bồ đề đã ngập toàn bộ phần gốc trong nước. Mặt sông rộng ra rất nhiều. Bình nhìn không chớp mắt vào hàng chục cống nước nhỏ đang đổ ra sông từ cánh đồng và khu dân cư. Chỗ nào là cánh đồng, nước đục màu đất. Chỗ nào khu dân cư phố thị thì nước màu đen xám. Thoang thoảng mùi nước cống đặc trưng của chốn thị thành. 
Nhà mặt phố
(BGĐT) - Lấy nhau đã tám năm, vợ chồng Tăng được bố mẹ mua cho căn hộ mặt phố, vị trí trung tâm. Tăng bàn với vợ để dành tầng một cho thuê kiếm chút thu nhập. Thúy thấy hợp lý nên tìm người có nhu cầu. Đó là một phụ nữ trung tuổi, có đứa con cũng bằng con Thúy, chuyên bán hàng mỹ phẩm, tạp phẩm Thái Lan, Nhật Bản, muốn thuê toàn bộ tầng một để lấy chỗ ăn nghỉ vì nhà chị cách thành phố gần hai chục cây số.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...