Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Miêng Thệ - lệ xưa nay vẫn còn lưu

Cập nhật: 07:33 ngày 26/01/2023
(BGĐT) - Trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) có khá nhiều tục cổ và vẫn tồn tại cho đến ngày nay, trong đó có tục Miêng Thệ (Miêng Thề, Nguyên Thệ). Nếu như tục kết chạ giữa các làng thiên về tình cảm, nội dung gặp mặt thường là thông báo cho nhau về tình hình đời sống, sản xuất... với lời lẽ văn hoa, nhẹ nhàng thì Miêng Thệ lại mang tính ràng buộc về việc chấp hành quy định nhiều hơn.

Làng Hậu, xã Liên Chung (Tân Yên) là làng cổ nằm dưới chân núi Dành. Nơi đây có tục Tế Nguyên Thệ hay còn gọi Tế Giám Khoán vốn được tổ chức hằng năm vào ngày 18 tháng Giêng tại điếm lớn của làng.Ông Nguyễn Văn Đài (80 tuổi) ở làng Hậu, cho biết: "Hằng năm vào ngày 18 tháng Giêng, làng chuẩn bị một con gà trống, lập hương án tại điếm lớn tế "Nguyên Thệ" nghĩa là lời thề đầu năm. Trong buổi lễ, người làng tế bát vị linh thần là: Cao Sơn, Quý Minh, Đức Bà, Trực Dụng, Nông Giang, Lâm Giang, Quan Quận và Chung Linh Sơn thần". Tế xong một người tuần phiên đọc lời thề. 

{keywords}

Làng quê bình yên dưới chân núi Dành, xã Liên Chung (Tân Yên). Ảnh: Nguyễn Hữu Thông.

Trong bài văn thề có câu: "Ai sống bình lương phương chính thì con thịnh cháu nhiều. Ai gian tà, ăn ở hai lòng, thông nội tỏ ngoại, phá rào, đào lũy, đục tường khoét gạch, ăn trộm ăn cắp xâm phạm tính mạng, tài sản của dân làng từ nội hương ấp đến ngoại đồng điền bao gồm: Nhà cửa, trâu bò, thóc lúa, lợn gà, buồng cau, nải chuối, chà rào que củi, con cá lá rau thì chịu đả tử như con gà này!”. Đọc xong, người tuần phiên cắt cổ gà, hứng tiết vào thau rượu, khuấy đều lên rồi múc một chén rượu bằng hai tay uống trước. Sau đó lần lượt mỗi người làm theo để chứng tỏ mình là người ngay thẳng.

Cụ Nguyễn Đắc Hàm ở làng Hậu nay cũng gần 80 tuổi cho biết: "Làng Hậu có 5 điếm, trong đó điếm lớn ở giữa làng. Xưa, điếm được xây dựng bề thế và có sàn gỗ rồi bị giặc Pháp đốt phá. Sau này, điếm lớn được làng làm lại trên nền cũ và giữ nguyên sân thềm như trước. Điếm lớn là nơi tổ chức lễ Nguyên Thệ". Sâu xa, xưa ở xã Chung Sơn, nay là phần chính của xã Liên Chung có làng Giữa ở ngay dưới chân núi Dành. Do binh đao loạn lạc rồi trộm cướp hoành hành trong khi ba mặt làng Giữa trống trải khó giữ nên phần lớn các hộ dân ở đây đã có sự dịch chuyển, chia thành các xóm nhỏ quanh núi Dành. Làng Hậu sau đó hình thành từ 4 xóm: Bùng, Non, Cống, Đồng. Lại cho xây dựng 5 điếm làng để sẵn sàng triệu tập đinh tráng bảo vệ trông coi làng, chống lại giặc cướp hoặc cứu người, chữa cháy khi có sự vụ nào đó xảy ra. Lễ Nguyên Thệ ra đời từ đó và được duy trì cho đến tận năm 1944.

Miêng Thệ là một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng. Đây cũng là nét đẹp làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho cư dân nông thôn.

Cụ Hàm tâm sự: Làng Hậu có khá nhiều dòng họ: Nguyễn Văn, Nguyễn Đắc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Khắc… Xưa kia loạn lạc lắm, không có sự đoàn kết nhất trí giữa các họ trong làng; làng xóm mà không yên ổn thì khó mà sống nổi. Nay lễ Nguyên Thệ không còn được tổ chức nữa, nhưng tinh thần đó đã được chuyển tải về các họ trong làng và nét xưa vẫn lưu lại. Chả xa xôi gì, núi Dành có một rừng thông lớn, nếu các họ không bảo ban nhau cùng con cháu giữ gìn, không được chặt phá thì giờ chắc không còn…

Có nét khá tương đồng, ở làng Phúc Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) cũng có tục này. Hằng năm vào sáng mùng 9 tháng Giêng, dân làng Phú Khê tổ chức lễ Miêng Thệ ở đền Đức Ông ở Đò Mom. Cả làng, từ người có tuổi đến trẻ em đều ra đền để Miêng Thệ. Lệ này có một con gà. Khi làm lễ, cai đám làm thủ tục vặn cổ, mổ lưng gà cùng dân làng thề rằng cùng nhau đoàn kết gìn giữ xây dựng xóm làng. Ai làm trái sẽ bị trời tru đất diệt. Làng Phú Khê xưa có tên là Hương Cổ Tháp, còn gọi là làng Sông. Phú Khê nằm ở ngã ba sông, nơi sông Nhâm Ngao nhập vào sông Thương, tách biệt hẳn với các làng xóm lân cận. Trong làng có 4 giáp thay phiên duy trì việc làng và có lẽ cũng vì để giữ gìn tình đoàn kết xóm làng, bảo vệ an ninh mà dân làng đã xây dựng lễ Miêng Thệ, cùng nhau ăn thề quyết đồng lòng đồng trí.

{keywords}

Giếng làng Vàng, xã Cao Xá (Tân Yên).

Ngày nay tại huyện Tân Yên vẫn có nơi duy trì Miêng Thệ, đó là làng Vàng, xã Cao Xá. Điều này được ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Văn Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vàng xác nhận. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, xã Ngô Xá xưa có 6 làng: Châu, Hậu, Nguộn, Tiền, Ngoài, Vàng. Di tích Giếng Vàng nằm trong quần thể di tích đình chùa Ngô Xá. Theo dân gian, quả đồi đặt đình chùa Ngô Xá có thế hình con chim Phượng, giếng Vàng là một trong hai mắt của chim Phượng. Lễ Miêng Thệ ở đây gắn liền với giếng Vàng và có từ xa xưa. Năm 1925, giếng Vàng được trùng tu sau đó lại bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2000, dân làng khôi phục và lễ Miêng Thệ lại được xác lập. Không chỉ giếng Vàng mà nghè làng Vàng cũng vừa được khôi phục lại.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Hằng năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng, dân làng Vàng mở hội. Đúng vào giờ Thìn, dân 6 làng Ngô Xá cũ lại tập trung tại sân giếng Vàng. Mâm lễ gồm xôi gà và hoa quả. Chủ tế mặc áo the khăn xếp đi hài đỏ trịnh trọng làm lễ cúng thần, sau đó mọi người cùng dâng hương và thề theo tục xưa. Lời thề đã được ghi lại trong khế ước đó là đoàn kết, cùng mong cho nhau bình an và tiến bộ; giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn, khi có dịch bệnh; bảo ban dạy dỗ con cháu làm điều hay lẽ phải, sống có đạo lý...

Châu Giang

Tân Yên: Khai thác lợi thế, đón nhà đầu tư
(BGĐT) - Xác định công nghiệp là động lực tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tập trung nguồn lực, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh.  
Tân Yên: Khánh thành đền thờ Lương Văn Nắm
(BGĐT) - Ngày 8/1, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) long trọng tổ chức lễ khánh thành đền thờ Lương Văn Nắm ở xã Tân Trung (Tân Yên).
Tân Yên: Thu ngân sách năm 2022 vượt 230%
(BGĐT) - Chiều 30/12, Huyện uỷ, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị tổng kết công tác lãnh đạo của Huyện uỷ, phong trào thi đua, công tác khen thưởng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...