Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuân về nhớ thơ chúc Tết của Bác

Cập nhật: 22:41 ngày 22/01/2023
(BGĐT) - Ký ức về những vần thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn ghi đậm trong nhiều người Việt Nam. Khi Bác còn sống, mỗi lần giao thừa đến, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên những lời chúc Tết ấm áp, tràn đầy yêu thương và niềm tin chiến thắng của Người. 

Mùa xuân năm 1942, khi Cách mạng chưa thành công, Hồ Chí Minh đã làm thơ chúc Tết và từ đó hầu như năm nào Bác cũng có "Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân". Bác tự nhận, thơ chúc Tết của mình chỉ là mấy lời nôm na thôi nhưng mục đích thì rất rõ ràng là vừa mừng xuân, vừa kêu gọi chiến sĩ, đồng bào hăng hái thi đua đánh giặc cứu nước, dựng xây Tổ quốc vững mạnh. Chính vì thế mà nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ biển đảo, đồng bằng đến vùng núi, vùng cao đều mong đợi được nghe thơ Bác mỗi bận xuân về. Nghe thơ Bác, dân tộc như được tiếp thêm hào khí, năng lượng và sức mạnh tinh thần biến thành sức mạnh vật chất hùng vĩ. Thật đúng với quan niệm về thơ ca cách mạng của Hồ Chí Minh: "Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong".

{keywords}

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965. Ảnh tư liệu.

Xuân Quý Mão 2023, cả nước vừa trải qua đại dịch kinh hoàng mang tên Covid - 19. Đất nước đang từng bước ổn định, các chuỗi sản xuất bị đứt gãy dần dà được nối lại, kinh tế tăng trưởng dương, quốc phòng an ninh giữ vững, Việt Nam trở thành điểm sáng ở khu vực và toàn cầu sau “cơn bão đen” từng làm chao đảo thế giới trong hơn 3 năm qua. Tròn 60 năm mùa xuân Quý Mão lại trở về, chúng ta không khỏi bâng khuâng nhớ tới mấy dòng thơ chúc Tết của Bác Hồ đọc vào Giao thừa Tết Quý Mão 1963. Năm ấy, Bác chúc Tết đồng bào và chiến sĩ chỉ bằng 4 câu ngắn gọn: "Mừng năm mới, / Cố gắng mới, / Tiến bộ mới, / Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi". Mộc mạc và cụ thể, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ in sâu vào lòng người. Từ mới được lặp lại ba lần, có lẽ Bác muốn nhấn mạnh tới tinh thần tiến công cách mạng và sự lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Giở lại lịch sử ta thấy, năm 1963 ghi dấu chiến thắng Ấp Bắc và cục diện chiến trường miền Nam có những biến chuyển mới buộc Mỹ phải thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng” lật đổ Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu.

Đồng hành với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cùng chính quyền tay sai bán nước của chúng, thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn tràn ngập tinh thần cách mạng chính nghĩa. Những dòng chữ có sức lay động mạnh mẽ, được ví như hồi kèn xung trận nhưng lại giản dị, vô cùng giản dị và ấm áp như lời tâm sự ân tình. "Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…" (Thơ Tố Hữu). Đấy là khát vọng, nguyện ước của non sông, của dân tộc; không chỉ một thời mà của muôn đời, mãi mãi. Nguyện ước và khát vọng độc lập tự do, hòa bình thống nhất đất nước và nhân dân hạnh phúc. 

Xuân Bính Tuất 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, Bác Hồ đã có thơ chúc Tết hẹn về một ngày thắng lợi huy hoàng: "Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào". Thơ chúc Tết của Người năm Kỷ Sửu 1949 trở thành lời kêu gọi thi đua yêu nước và còn nguyên giá trị cho đến bây giờ và mai sau: "Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua". Tết Mậu Thân 1968, mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài thơ xuân rất hay: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!".

{keywords}

Thơ chúc Tết của Bác Hồ trên báo Sự Thật, số đặc biệt Xuân Kỷ Sửu năm 1949. Ảnh tư liệu.

Và, sau đó, mùa xuân Kỷ Dậu 1969, bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác vang lên trên khắp mọi miền Tổ quốc dự báo về một ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn". Không thể nào khác được, dự đoán của Bác Hồ đã thành sự thật! Năm 1973, đội quân xâm lược Việt Nam đến từ Hòa Kỳ đã cuốn cờ về nước và mùa xuân năm 1975 trước sức tấn công vũ bão “một ngày bằng hai mươi năm” của quân và dân ta, chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã bị sụp đổ hoàn toàn. Tổ quốc ca vang bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng"; ngày 30 tháng Tư năm 1975 mở ra cánh cửa hòa bình đất nước, non sông nối liền một dải.

Có lẽ cũng xin được nhắc tới một bài thơ xuân đặc sắc của Hồ Chí Minh, dù đó không phải là thi phẩm chúc Tết của Người. Tôi nghĩ, đây là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân của Việt Nam, minh chứng Hồ Chí Minh là một thi nhân đích thực. Bài “Nguyên tiêu” viết bằng chữ Hán của Người: "Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên;/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự,/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền". Xuân Thủy dịch thơ: “Rằm tháng Giêng”: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".

Dòng thời gian mải miết trôi, chẳng bao giờ dừng lại. Như luân khúc mùa vĩnh hằng, xuân lại trở về. Đất nước bừng sáng sắc xuân, hương xuân. Dẫu biết vẫn còn rất nhiều thử thách, cam go nhưng mùa xuân Việt Nam vẫn tỏa ánh hy vọng. Hy vọng về đất nước ngày càng tươi sáng. Hy vọng về Tổ quốc ngày càng vững bền. Vẫn âm vang lời thơ mừng xuân của Bác từ 60 năm về trước: Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Giữa non xanh lộc biếc
(BGĐT) - Sớm ngày đông, từ ô cửa sổ trên tầng cao, tiếng chim câu gù trong gió vút bay lên tầng trời. Giàn hoa giấy trước cổng nhà ai nở rực rỡ đung đưa trong ánh nắng vàng dịu dàng của mùa đông.
Lời hẹn Tết với cây
(BGĐT) -  Người ta nói “nhà là nơi để về”, vậy mà đôi lúc cô tưởng như mình là một kẻ vô gia cư, chẳng tìm được lý do gì để hào hứng trở về, hoặc trở về trong ảo não rồi trở đi trong buồn bực; càng chẳng thể chia sẻ với ai nỗi hụt hẫng, trống rỗng đến xót xa của lòng mình.
Mưa sang xuân
(BGĐT) - Chiều cuối năm. Anh bần thần đứng lặng trên bờ đê cao. Nắng cuối chiều đang lụi dần, hiu hắt một màu vàng nhạt trải mỏng mảnh trên dòng sông quê. Cây si cổ thụ già nua trầm ngâm buông râu chấm xuống tận nước sông. Núi con Rùa thấp thoáng mờ xa trong khói lam chiều kéo anh về với ký ức một thời nhớ nhung da diết.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...