Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Bảo tàng” kỷ vật của nhà báo già

Cập nhật: 19:22 ngày 02/09/2021
(BGĐT) - Gặp ông lần đầu mà tôi ngỡ như thân quen từ lâu. Tôi và ông cứ rôm rả xoay quanh hành trình ba mươi năm qua, ông cần mẫn sưu tầm đồ vật sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp bằng đá, cùng kỷ vật chiến tranh với mong muốn lưu truyền về lịch sử cho thế hệ trẻ.

Lưu lại hồn quê

Mặt trời đã đứng bóng, ông Nguyễn Đắc Nông ở thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) vẫn cặm cụi bên những chiếc cối đá được xếp thành hàng giữa sân. Dọc lối đi vào nhà ông, những đồ dùng sinh hoạt bằng đá từ thời trước được ông trưng bày cẩn thận. 

Tạm nghỉ tay, ông Nông cho biết, năm nay ông bước sang tuổi 76. Ngày trước, ông làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang, năm 2006 thì nghỉ hưu. Từ đó, ông có thời gian theo đuổi niềm đam mê sưu tầm những đồ cổ.

{keywords}

Ông Nguyễn Đắc Nông giới thiệu về chiếc xe đạp dân công hỏa tuyến trong chiến dịch

Điện Biên Phủ.

30 năm trước, lần đầu tiên ông tìm đến đồ cổ. Lúc đó, khi đi làm việc qua xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, nghe người dân kể về một người trong xã đào được đôi chum bằng sành ở bãi sông Sỏi, ông lân la hỏi thăm vào tận nơi, rồi hỏi mua. Trước đó, có nhiều tay săn đồ cổ cũng tìm đến hỏi mua nhưng người này chưa bán. Ông quyết định vét túi trả giá cao hơn. Mua về, ông mang đi thẩm định chữ nho khắc trên chiếc chum có niên đại từ thời nhà Lê.

Đến khi nghỉ hưu, đam mê sưu tầm đồ cổ trong ông càng mãnh liệt. Ông tập trung sưu tầm đồ đá, vì món đồ này có thể bền vững theo thời gian và việc bảo quản đơn giản hơn. Trên chiếc xe gắn máy cũ, ông rong ruổi khắp làng quê ngõ xóm trong tỉnh, rồi sang Bắc Ninh, ngược vùng thượng Lạng Sơn, Thái Nguyên để tìm những vật dụng sinh hoạt bằng đá như cối giã, cối xay, cầu đá... 

Cứ như thế, suốt ngày này qua tháng khác, nghe thấy ở đâu có vật dụng sinh hoạt bằng đá hay công cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa là ông tìm đến. “Mới đầu, nhiều người nghĩ tôi dở hơi, vì những đồ này người ta vất đi, còn mình bỏ tiền mang về nhà”, ông Nông chia sẻ.

Có lần, khi đi vào nhà dân hỏi thăm, họ tưởng ông là người buôn bán đồng nát. Đêm hôm nhưng có người bắn tin về món đồ cổ nào đó, ông cũng bật dậy đến tận nơi. Có đồng lương hưu nào, ông bỏ hết vào việc mua đồ cổ. 

 Đến nay, bộ sưu tập của ông gồm hơn 500 đồ vật bằng đá, có cái ông mua, có cái xin được. Thấy giá trị của “bảo tàng” đồ đá của ông, nhiều người hỏi mua với số tiền lớn, nhưng ông không bán. “Tôi chơi đồ cổ là muốn lưu lại hồn cốt của dân tộc để thế hệ sau biết lịch sử”, ông Nông nói.

Dạy lịch sử qua hiện vật

Đang dở câu chuyện, ông Nông dẫn tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm phía cuối sân. Bên trong là một “bảo tàng” thu nhỏ các kỷ vật chiến tranh và những món đồ cổ. Ông hồ hởi giới thiệu về “gia sản” này. Cùng với sưu tầm các đồ vật bằng đá, ông còn lưu giữ những hiện vật gắn liền với người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ như những chiếc cốc, bình tông, xe đạp thồ…

Ông chỉ tay về chiếc xe đạp cũ trong góc nhà rồi bảo, chiếc xe đạp này có “thân phận” của nó. Một lần ông về quê ở xã Quang Tiến, huyện Tân Yên có biết ông Bí thư Đảng ủy xã từng là đại đội trưởng dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông ấy đã mất, nhưng chiếc xe đạp ấy thì vẫn còn. Ông đến nhà chơi thấy chiếc xe đạp để ở góc bếp đã lâu. Thấy được giá trị lịch sử của chiếc xe, ông hỏi mua.

Ông Nông chia sẻ thêm, sưu tầm đồ cổ không phải để bán làm giàu mà muốn truyền lại cho đời sau, mong muốn dạy lịch sử qua các hiện vật. Bởi vậy, ông chủ động liên hệ với các trường học xung quanh để mời các em học sinh đến tìm hiểu. Mới đầu, chỉ một hai nhà trường trong huyện đưa học sinh cấp 1 và 2 đến tham quan. Dần dần, nhiều trường học khác trong tỉnh cũng tổ chức đưa học sinh đến trải nghiệm. Mỗi năm, ông đón khoảng 20 đoàn học sinh đến tìm hiểu về các hiện vật tại đây.

Thông qua bạn bè và người quen giới thiệu nên “bảo tàng” của ông Nông ngày càng được nhiều người biết đến. Các sinh viên ở nhiều trường cao đẳng, đại học cũng về nhà ông để tìm tư liệu phục vụ học tập, nghiên cứu. Có ngày ông bận việc đi vắng, nhưng nhà luôn mở cổng để bất kỳ học sinh, sinh viên nào cũng có thể vào tự tìm hiểu hiện vật. 

“Khi thấy các bạn trẻ háo hức tìm đến tham quan, tôi cảm thấy mình như người nông dân cày xong thửa ruộng. Mục đích của tôi là muốn lan tỏa, truyền lại những giá trị lịch sử đất nước qua hiện vật đến lớp trẻ đã thành công”, ông Nông tâm sự.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, cho biết, ở huyện cũng có không ít người sưu tầm đồ cổ nhưng chủ yếu làm thương mại. Riêng ông Nông tìm tòi và lưu giữ lại đồ vật xưa cũ có giá trị văn hóa là để mọi người cùng đến chiêm ngưỡng và giáo dục về lịch sử cho lớp trẻ, chứ không phải bán kiếm lời. Đó là điều rất đáng quý. Địa phương đánh giá cao việc làm này của ông và gia đình.

Bài, ảnh: Nguyễn Thắng

Người đam mê sưu tầm đồ cổ
(BGĐT)- Với niềm đam mê đồ cổ, hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Hữu Ban ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã sưu tầm hàng trăm món đồ cổ có giá trị văn hóa lịch sử.
Giới thiệu hơn 130 cổ vật quý mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Việt Nam
Sáng 28-11, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cổ vật thành phố khai mạc trưng bày chuyên đề “Nét cũ dấu xưa”.
Trưng bày 500 tư liệu, cổ vật thời Đông Sơn và các triều đại Việt Nam
Ngày 24-10, tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc gian trưng bày tư liệu, hiện vật, cổ vật chủ đề "Cổ vật thời Đông Sơn, Đinh-Tiền Lê, Lý-Trần, Hậu Lê và Nguyễn".
Nét xưa lưu lại chốn này
(BGĐT) - Đang có công việc ổn định ở Thủ đô Hà Nội, ông Lê Văn Tiến (SN 1965) quyết định dốc toàn bộ vốn liếng về quê mua đất tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gần 20 năm qua, ông đã cất công sưu tầm, phục dựng văn hóa xa xưa của đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực Đông Bắc ngay trên mảnh đất quê hương. 
Nét xưa lưu lại chốn này
(BGĐT) - Trong giới chơi đồ cổ ở Bắc Giang và các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Long Giang (SN 1964), thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) được nhiều người biết đến. Đam mê cổ vật, ông đã  dày công sưu tầm, lưu giữ, góp phần bảo tồn di sản của cha ông.
Nét xưa làng cổ Thổ Hà
(BGĐT) - Nói đến xứ Kinh Bắc người ta không thể không nhớ đến dòng sông Cầu (sông Như Nguyệt). Dân cư hai bên dòng sông với đặc trưng bởi làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người. Ở phía Bắc sông Cầu cũng là một phần của vùng văn hoá Kinh Bắc có làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) - một địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy thú vị và yêu mảnh đất này. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...