Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thương binh Nguyễn Khắc Do: Truyền cảm hứng về nghị lực sống

Cập nhật: 14:01 ngày 15/12/2022
(BGĐT) - Là thương binh nặng, hỏng hoàn toàn đôi mắt, hằng ngày, ông Nguyễn Khắc Do (SN 1948), thôn Song Khê 1, xã Song Khê (TP Bắc Giang) vẫn đến thư viện cộng đồng xã đọc sách chữ nổi, truyền cảm hứng yêu sách cho những người xung quanh.   

Năm 1965, khi mới 17 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Do xung phong nhập ngũ, trở thành lính cao xạ. Năm 1969, khi chiến đấu tại nước bạn Lào, trong một trận đánh ác liệt, ông trúng bom của không quân Mỹ bị mù cả hai mắt, tỷ lệ thương tật 91%. Hỏng đôi mắt, sức khỏe giảm sút, bao ước mơ, hoài bão của chàng trai trẻ 21 tuổi khi ấy tưởng chừng khép lại. 

Vốn mê đọc sách từ thời còn đi học, sau khi điều dưỡng ở các trung tâm, năm 1998, ông tham gia lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị do Hội Người mù huyện Yên Dũng tổ chức. Những ngày đầu, việc học vô cùng gian nan. Ông dùng đầu ngón tay mò mẫm từng chấm nhỏ li ti như mũi kim được đục trên trang giấy để nhận biết chữ cái, con số, dấu rồi ghép vần và đọc. Gần 1 tháng, ông mới định hình được từng chữ cái, các dấu. "Cũng vì quá khó, nhiều lúc tôi định bỏ giữa chừng nhưng lại nghĩ, trong chiến đấu mình từng "vào sinh, ra tử", gian khổ thế còn vượt qua nên tôi quyết không bỏ cuộc", ông Do nói. Ròng rã 3 tháng kiên trì, cuối cùng ông cũng đọc thành thạo.

Năm 2011, Chi hội Người mù liên xã Song Khê-Đồng Sơn-Tân Mỹ được thành lập với hơn 10 hội viên do ông Do làm chi hội trưởng; hầu hết là thương binh nặng, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Với mong muốn tiếp tục mở mang trí tuệ, cập nhật kiến thức, suốt thời gian dài, ông Do lên Hội Người mù tỉnh mượn nhiều sách chữ nổi về đọc. 

Năm 2012, Thư viện cộng đồng xã Song Khê thành lập. Cụ Đào Quang Huy (năm nay 90 tuổi)-phụ trách thư viện đã liên hệ với Hội Người mù tỉnh và TP mượn sách chữ nổi để phục vụ ông Do và các hội viên. Không còn phải đi xa nữa, ông đến thư viện đều đặn hơn. Cụ Đào Quang Huy cho biết cụ rất vui khi được đón tiếp những độc giả như ông Do. Vì thế, mỗi lần hội người mù cấp trên có sách, tài liệu chữ nổi mới, cụ lại mượn về phục vụ những độc giả đặc biệt. Đến thư viện, ngoài mượn, đọc sách chữ nổi, mọi người còn chia sẻ với nhau những kỷ niệm của đời lính, cuộc sống gia đình, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích.

{keywords}

Thương binh Nguyễn Khắc Do (bên phải) đọc sách chữ nổi tại Thư viện cộng đồng xã Song Khê  (TP Bắc Giang). 

Thư viện cộng đồng xã Song Khê hiện có hơn 200 cuốn sách chữ nổi, trong đó nhiều nhất là tạp chí "Đời mới" do Hội Người mù Việt Nam phát hành. Đây là cuốn tạp chí bổ ích, có nhiều chuyên mục hay, cập nhật thông tin trong nước, quốc tế. Ngoài ra còn có truyện, tài liệu phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách giáo khoa Vật lý, Lịch sử và gần 50 đĩa thu thanh dành cho người khiếm thị. Tất cả số sách, tài liệu, đĩa thu thanh ấy được thương binh Nguyễn Khắc Do đọc, nghe hết. Đặc biệt, ông từng đọc đi đọc lại 4 tập tiểu thuyết lịch sử "Đêm hội Long Trì" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, mỗi tập khoảng 60 trang, nhớ từng chi tiết hay trong mỗi tập.

Cũng từ đọc sách chữ nổi, ông biết thêm nhiều nhân vật lịch sử; các di sản văn hóa đặc sắc. Từ những kiến thức đã đọc, ông tóm tắt, kể lại cho con cháu trong gia đình và những người khiếm thị trong chi hội nghe tại các buổi sinh hoạt. Từ đó, khích lệ lòng kiên nhẫn vượt qua khó khăn, lan tỏa thói quen đọc sách tới nhiều người. Một số hội viên khiếm thị đã đến Thư viện cộng đồng xã Song Khê đọc sách chữ nổi tại chỗ hoặc mượn mang về.

Có thư viện gần nhà, ông Do không còn phải đi xa nữa, số lần đến thư viện mượn sách vì thế cũng nhiều hơn. Nhiều hôm mưa gió, rét như cắt nhưng ông vẫn khoác áo, đội mũ, chống gậy đến thư viện tìm đọc những cuốn sách mới.

Ông Đào Hữu Thạch (SN 1945), cùng xã Song Khê cũng là thương binh nặng, hội viên Chi hội Người mù liên xã Song Khê-Đồng Sơn-Tân Mỹ. Quá trình điều dưỡng trước đây, ông Thạch được dạy chữ nổi trong vài tuần nên biết cách đọc song chưa trôi chảy, lưu loát. Từ lúc nghe ông Do kể lại những câu chuyện thú vị, hấp dẫn khiến ông có động lực đọc sách hơn dù sức khỏe không được tốt. Mỗi lần đến thư viện, ông Do lại rủ ông Thạch cùng đi. Đôi bạn già đã hơn 10 năm gắn bó, là những độc giả trung thành của Thư viện cộng đồng xã Song Khê.

Dù hỏng đôi mắt, ông Do luôn chăm chỉ, chịu khó, đặc biệt ông rất thương vợ, con. Khoảng 30 năm trước, kinh tế gia đình khó khăn, ông vẫn xắn quần lội ruộng tát nước, nhổ mạ, cùng vợ làm hơn 1 mẫu ruộng. Giờ đây, ở tuổi 74, hằng ngày người đảng viên 54 tuổi đảng ấy vẫn làm bạn với cặp kính đen, chiếc gậy, dành hàng giờ đi bộ quanh làng để rèn luyện sức khỏe.

Theo ông Đào Văn Dư, Bí thư Đảng ủy xã Song Khê, ông Do là một trong những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, thể hiện phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Những việc làm của ông và các hội viên trong Chi hội Người mù đã góp phần lan tỏa tình yêu sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, truyền cảm hứng về lòng kiên trì cho nhiều người.

Bài, ảnh: Công Doanh

Đảng viên Trần Văn Quyết vượt khó làm giàu
(BGĐT) - Với gần 5 nghìn con chim bồ câu các loại, trong đó 1,5 nghìn cặp chim bố mẹ, mỗi năm gia đình đảng viên Trần Văn Quyết (SN 1991), dân tộc Sán Chí, thôn Lọ, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) bán ra thị trường gần 18 nghìn con chim thương phẩm, thu về hàng trăm triệu đồng.
Chàng thủ khoa Cảnh sát quê Bắc Giang được thăng hàm sớm hai năm
Nguyễn Đức Thịnh, 22 tuổi, quê Bắc Giang là thủ khoa đầu ra Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2022 và được phong hàm Trung úy trước niên hạn.
Bắc Giang: Hai học sinh trả lại tài sản cho người đánh rơi
(BGĐT) - Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp xác minh, làm rõ và trao trả lại tài sản do 2 em học sinh nhặt được cho chủ nhân bị đánh rơi trước đó. 
Bà Dương Thị Lợi - Công dân Bắc Giang ưu tú: Còn sức khỏe, tôi còn cống hiến cho xã hội
(BGĐT)- Bà Dương Thị Lợi (SN 1953), Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang là một trong 10 gương mặt vừa được UBND tỉnh tôn vinh danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” năm 2022. Đây là phần thưởng ý nghĩa, ghi nhận đóng góp của bà cho xã hội, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực: Từ thương nhân mua cả nông trường cam Trung Quốc đến startup nông nghiệp công nghệ ở tuổi U60
‘Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam ở trong nước, và quốc tế. Vì trong chuỗi giá trị, thì giá trị thương hiệu là giá trị lớn nhất’- doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico chia sẻ.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...