Ông Hoàng Đình Quê - công dân Bắc Giang ưu tú: Thành công không nhờ may mắn
Ông Hoàng Đình Quê phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. |
Khởi đầu gian nan
Ngồi tiếp chuyện trong phòng khách của gia đình với đủ đầy tiện nghi đắt tiền, ông Quê vẫn không quên dõi theo màn hình quan sát những hình ảnh trực tiếp từ khu chuồng trại nuôi hơn 2.000 con lợn. “Chuồng nào bẩn, khoang nào nóng, con lợn nào sức khỏe có vấn đề… tôi đều nắm được mà không nhất thiết phải ra tận khu chăn nuôi”- ông Quê cho biết.
Có được cơ ngơi khang trang bề thế này, vợ chồng ông Quê đã phải trải qua cả chục năm với muôn vàn khó khăn. Chuyện bắt đầu từ năm 1989, khi ấy địa phương có phong trào di dân vào tỉnh Lâm Đồng khai hoang, phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới. Vợ chồng ông mới cưới, trẻ khỏe, cũng có ý định vào hẳn trong đó lập nghiệp.
Tuy nhiên, bố ông - người nông dân quanh năm lam lũ, vất vả lại không muốn con trai đi xa. Ông bảo: “Hai đứa ở lại quê mà làm ăn. Vào Lâm Đồng cũng khai hoang phục hóa thì có khác gì ở đây cải tạo khu đồng trũng, hoang hóa ngoài rìa núi Cô Tiên này đâu”. Nghe lời bố, vợ chồng ông quyết định không đi Lâm Đồng nữa.
Thời điểm ấy, bao nhiêu cái khó nhất vợ chồng ông đều nếm trải. “Nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất. Cứ mỗi khi trời mưa to, nhìn đồng nước trắng mênh mông, cây dại, cỏ lau mọc ngang lưng mà lòng lại như có lửa”- ông Quê kể.
Trên khu đất hoang vu, heo hút cách làng hơn 2 km, đường vào không có, chỉ có cách đi bộ hoặc chèo thuyền, vợ chồng dựng tạm ngôi nhà tre, tường cay để tiện cho việc ngả lưng nghỉ ngơi buổi trưa. Được thời gian ngắn không trụ được, hai người ngán ngẩm đành quay về làng… làm nghề thịt lợn.
Trang trại lợn của gia đình ông Quê nuôi theo quy trình an toàn sinh học. |
Nhiều năm làm nghề thịt lợn, đi khắp đây cùng đó thu mua hàng, và rồi ông Quê “bén duyên” với nghề chăn nuôi lợn trong một hoàn cảnh khá bất ngờ. Đó là thời điểm lợn nuôi trong dân bị dịch, khi đó khoa học kỹ thuật chưa phát triển mạnh, bà con bán chạy rất nhiều với giá rẻ như cho. “Cả ngày lẫn đêm, họ liên tục gọi vợ chồng tôi mua. Thịt không xuể, cả hai mày mò tìm thuốc chữa khỏi bệnh cho nhiều con. Từ đó vợ chồng tôi chuyển sang nghề chăn nuôi lợn”.
Chăn nuôi tuần hoàn, an toàn dịch bệnh
Những năm làm nghề chăn nuôi, thịt lợn, ông Quê tích cóp được số vốn kha khá. Thay vì bỏ tiền để mua đất mặt phố, sắm xe máy sang như nhiều người có tiền thời bấy giờ, ông lại dành hết để đầu tư vào làm ăn; nhà cửa xe cộ ông coi là thứ yếu.
Nhận thấy chăn nuôi ở trong làng chật chội, ô nhiễm môi trường, 10 năm sau kể từ khi rời bỏ khu đất trũng hoang hóa ấy, năm 1999, vợ chồng ông quyết định quay trở lại đầu tư tiền của, công sức, bỏ tiền mua hẳn máy xúc để cải tạo, biến khu đất này thành trang trại chăn nuôi.
Vay mượn ngân hàng, người thân, thuê cả người làm, tiền của đổ vào đó nhiều tỷ đồng. Lối mòn từ trong làng ra khu vực đồng chỉ đi được xe đạp nên ông đã mở rộng thêm để vừa đủ cho xe cải tiến, xe công nông chở vật liệu đi vào. Hai vợ chồng làm việc chăm chỉ, miệt mài bất kể ngày đêm.
Từng bước, từng bước một, vừa làm vừa xây dựng chuồng trại, ban đầu ông chăn bò, dê, dần dần nuôi lợn, quy mô ban đầu chỉ vài chục con. Năm 2008, khi trang trại đã cơ bản hoàn thiện, ông đầu tư lớn, nuôi cùng lúc 400 con lợn thịt và 30 con lợn nái.
Ông Quê cho lợn ăn thông qua điện thoại di động. |
Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi, nhận thấy nuôi ghép như vậy nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao nên ông quay sang chuyên nuôi lợn thịt. Con giống được liên kết nhập ở công ty lớn. Hiện nay, ông đang nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, mỗi lứa hơn 2.000 con. Ông không nuôi gối mà sau mỗi lứa đều để trống chuồng khoảng 1 tháng để làm vệ sinh, khử trùng chuồng trại bảo đảm an toàn rồi mới nuôi tiếp.
Tận dụng diện tích mặt nước, năm 2013, ông đầu tư xây dựng 2 trại nuôi vịt lấy thịt (không lấy trứng, không ấp nở), mỗi lứa lên tới 1,2 vạn con. Gia đình ông cũng trồng hơn 100 cây mít Thái Lan ruột đỏ nay đang bói quả.
Theo ông Quê, để chăn nuôi hiệu quả, vấn đề môi trường phải được quan tâm đầu tiên: “Môi trường ô nhiễm, hôi thối… sẽ sinh ra đủ loại dịch bệnh không chỉ cho con người mà vật nuôi cũng khó tồn tại được. Nhà tôi ở xây dựng ngay sát trang trại. Nếu không xử lý tốt, hậu quả đầu tiên là vợ con, gia đình mình, công nhân mình thuê phải gánh chịu, tiếp đó là đến bà con xung quanh, xa nữa là ảnh hưởng đến xã hội”.
Vì vậy ông đã đầu tư khá lớn để trang bị máy móc, chăn nuôi theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn. Máy móc giúp tự động hóa nhiều khâu, không chỉ góp phần giảm tải một nửa số nhân công mà còn hạn chế được tác động bất lợi từ bên ngoài khi có nhiều người ra vào khu vực chuồng trại.
Chất thải được thu gom xuống bể lớn, sau đó dùng máy ép phân ép lại để nuôi giun trùn quế làm thức ăn cho gà, vịt. Phân giun đóng bao bán cho người trồng rau trong nhà màng, nhà lưới với giá 3 triệu đồng/tấn, thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nước thải được xử lý qua hầm biogas rồi chảy ra ao bèo dùng để tưới cây trong vườn.
Hệ thống máy móc làm mát, cho ăn tự động, chỉ cần bấm điện thoại thông minh, ngồi đâu cũng có thể thao tác cho lợn ăn. Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình ông Quê không chỉ giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp vật nuôi khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi, trang trại của ông không con nào bị nhiễm bệnh, thắng lớn.
Nông dân Việt Nam xuất sắc; công dân Bắc Giang ưu tú
Ông Quê được công nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021. |
Với mô hình trang trại tổng hợp VAC có diện tích 4,5 ha, mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức lương bình quân từ 5- 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều năm liền ông Quê được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương; được đại diện hội viên nông dân trong tỉnh dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Năm 2021, ông được vinh danh và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc". Giải pháp nuôi giun trùn quế của ông giành giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 9.
- Ông có bất ngờ với những phần thưởng này? -Tôi hỏi.
- Lúc mới bắt tay vào làm, nghĩ được Giấy khen của Hội Nông dân huyện đã là mừng lắm rồi. Không nghĩ rằng còn được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ; được đại diện nông dân Bắc Giang đặt câu hỏi với Thủ tướng tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam, vinh dự lắm chứ. Nghĩ lại cũng thấy ngày ấy mình can đảm thật- ông Quê vui vẻ nói.
Những bằng khen, phần thưởng ghi nhận sự nỗ lực của cá nhân được ông Quê treo trang trọng ở phòng khách, coi đây là động lực để tiếp tục vươn lên. |
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Quê còn có tấm lòng nhân ái bao dung. Một số nhân công quê ở tỉnh Yên Bái, Lai Châu xa xôi, ông còn tạo điều kiện giúp đỡ, bảo họ đón cả con xuống đây học hành, ăn ở tại nhà mình như người trong gia đình.
Ông tích cực ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ, tặng quà cho gia đình chính sách; hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn ốm đau vận nạn, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, hàng năm ông luôn tích cực đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài của xã, thôn, dòng họ và ủng hộ nhiều phong trào khác của địa phương, của Hội Nông dân các cấp… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Năm 2018, khi địa phương làm đường giao thông nông thôn, ông không chỉ hiến đất mà còn bỏ ra hơn 600 triệu đồng hỗ trợ làm đường bê tông trong thôn xóm.
Ngày 29/9/2022, ông Hoàng Đình Quê là 1 trong 10 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” năm 2022.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)