Đẹp thêm hình ảnh trí thức tiêu biểu
![]() |
UBND tỉnh tôn vinh các trí thức Bắc Giang tiêu biểu. |
Nữ tiến sĩ Toán học đầu tiên
Xuân này, cô giáo Trần Thị Hà Phương (ảnh), Tổ phó chuyên môn Tổ Toán -Tin (Trường THPT Chuyên Bắc Giang) bước vào tuổi 40. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 37, cô Phương trở thành nữ tiến sĩ Khoa học Giáo dục đầu tiên của tỉnh.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2005, cô Phương quyết định trở về quê hương công tác, “đầu quân” tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang - nơi cô từng học tập. Trở thành đồng nghiệp của các thầy, cô giáo cũ, cô Phương ý thức rất rõ trách nhiệm của bản thân với nhiệm vụ của mình. Với kiến thức và khả năng sư phạm, chỉ sau một năm về trường, cô đã được tín nhiệm tham gia giảng dạy và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Toán cấp tỉnh và quốc gia.
![]() |
“Học sinh trường Chuyên đều có học lực khá, giỏi. Đối với môn Toán, các em rất thông minh, chăm chỉ, tư duy rõ ràng. Vì vậy thầy cô phải thật chắc kiến thức”- cô Phương nói. Để có lượng kiến thức chuyên sâu, cô thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ.
Cô là tác giả và đồng tác giả của hơn chục công trình khoa học như: Các chuyên đề Toán và ứng dụng; bồi dưỡng học sinh giỏi Toán; bồi dưỡng tư duy cho học sinh thông qua xây dựng khái niệm khoảng cách trong hình học không gian; giành giải Nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2018- 2019 với giải pháp “Phát triển năng lực tự học và năng lực hợp tác cho học sinh thông qua dạy học theo dự án”.
Những kiến thức nghiên cứu, phương pháp mới được cô áp dụng hiệu quả trong giảng dạy. Cô thường xuyên lấy các ví dụ ngay trong thực tế cuộc sống, từ đơn giản đến phức tạp, từ đó khơi gợi cho học sinh tư duy, tạo sự hứng khởi với môn học.
Cô cũng luôn định hướng các em phương pháp tự học, nghiên cứu để nắm được kiến thức cơ bản nhất. 10 năm qua, cô Phương đã được nhận 13 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Lúa thuần thương hiệu Bắc Giang
Lúa là loại cây trồng gắn bó lâu đời, mật thiết với nông dân. Đến với cây lúa, thạc sĩ Nguyễn Văn Hoạt (ảnh, SN 1977), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang nghĩ rằng đó là cái duyên. Được làm việc ở Công ty với anh vừa thỏa mãn “cái máu” của người làm kinh doanh, vừa giúp sâu sát với bà con nông dân - những người anh coi như ruột thịt.
![]() |
Tâm huyết với cây lúa, anh Hoạt luôn suy nghĩ làm sao đóng góp cho sản xuất nông nghiệp, bớt đi nhọc nhằn cho nông dân. Từ năm 2013- 2016, anh cùng tập thể kỹ sư Công ty nghiên cứu, chọn tạo thành công 3 giống lúa thuần mới mang tên BG1, BG6 (Bắc Giang 1, Bắc Giang 6) và P15, được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức bổ sung vào hệ thống giống lúa quốc gia.
Anh Hoạt cho biết: “Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp (DN) là quá trình khảo nghiệm mất rất nhiều thời gian, kinh phí. Mừng là công sức, trí tuệ, tiền bạc... bỏ ra đã được đáp đền xứng đáng”.
Cho đến nay, mỗi giống lúa được nghiên cứu, chọn tạo đều đáp ứng nhu cầu thực tế, mỗi vụ sản xuất, DN cung ứng vài trăm tấn giống. So với giống đối chứng, năng suất tăng ít nhất 10%, chất lượng gạo ngon hơn, thích ứng với nhiều vùng sản xuất, giá bán cao hơn hẳn.
Là người đứng đầu DN, anh Hoạt đã cùng tập thể cán bộ, công nhân lao động thực hiện thành công nhiều dự án, đề tài khoa học cấp Bộ và cấp tỉnh. Đơn cử như dự án phát triển các giống lúa ngắn ngày tại các tỉnh phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chủ trì.
Hay như đề tài khoa học “Thực hiện mô hình khảo nghiệm một số giống dưa lưới mới năm 2019” góp phần bổ sung giống dưa lưới mới vào cơ cấu giống của tỉnh. Nghiên cứu chọn tạo thành công giống lúa thuần mới P15 đã được công nhận giống mới, đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Năm 2020 và 2021, Công ty tham gia và thực hiện đề tài trồng thử nghiệm giống lúa ST25 tại Bắc Giang nhằm đánh giá khả năng thích ứng của giống lúa được coi là gạo ngon nhất Việt Nam. Công ty tiếp tục lựa chọn được một số dòng sản phẩm mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh trong tương lai.
Làm chủ kỹ thuật phẫu thuật cao
Nhắc đến thạc sĩ - bác sĩ Đoàn Tiến Dương (ảnh, SN 1984), Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là nhắc đến một bác sĩ trẻ với nhiều thành công. Bác sĩ Dương đã làm chủ nhiều kỹ thuật nội soi khó trong phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu như: Thoát vị bẹn, tán sỏi niệu quản ngược dòng, tán sỏi thận qua da, tán sỏi thận nội soi ống mềm, phẫu thuật u tiền liệt tuyến, u tuyến thượng thận, phẫu thuật nội soi tạo hình bể thận - niệu quản…
![]() |
Anh cho biết: Qua thực tế phương pháp mổ mở khiến bệnh nhân đau đớn, thời gian lành vết mổ lâu, chi phí tốn kém. Anh đã học hỏi các đồng nghiệp ở một số bệnh viện tuyến T.Ư phương pháp mổ nội soi, đồng thời thực hiện đề tài khoa học “Kết quả tán sỏi nội soi niệu quản 1/3 dưới bằng Holmium Laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2013-2014” và áp dụng thành công. Những năm gần đây, anh cùng đồng nghiệp thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở khác được áp dụng trong thực tiễn. Tại các Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh, anh xuất sắc giành một giải Nhất với giải pháp “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên”, ngoài ra còn đoạt hai giải Nhì tại Hội thi này.
Khoa Ngoại Thận -Tiết niệu - Nam học cũng tích cực tham gia chỉ đạo, giúp đỡ nhiều Trung tâm y tế tuyến huyện phát triển kỹ thuật mới, dần áp dụng thành công phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu giúp người bệnh hạn chế đi lại vất vả, tốn kém. Kể về những kỷ niệm trong công việc, bác sĩ Dương nhớ có một bệnh nhân nam quê ở tỉnh Hòa Bình lặn lội về Bệnh viện Đa khoa tỉnh mong được chính anh phẫu thuật tán sỏi. Khi hỏi sao không phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội thì được biết có người nhà ở đây giới thiệu về tay nghề của bác sĩ.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2012 đến nay, bác sĩ Dương cùng đồng nghiệp đã đến nhiều vùng xa xôi, khó khăn khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Anh đã có 7 năm liền được công nhận chiến sĩ thi đua, 5 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Ý kiến bạn đọc (0)