Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

TP Bắc Giang >> Nghị quyết và cuộc sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

TP Bắc Giang: Tăng giá trị sản phẩm đặc trưng

Cập nhật: 08:44 ngày 05/01/2023
(BGĐT) - Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại TP Bắc Giang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tranh thủ lợi thế địa phương, các đơn vị xây dựng sản phẩm đặc trưng, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế.

Nâng chất lượng, đổi mới phương thức tiêu thụ

Qua gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP của TP đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự nỗ lực và cách làm sáng tạo, trách nhiệm, quyết tâm cao của các DN, cơ sở sản xuất. Đến nay, trên địa bàn TP Bắc Giang có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên với 8 chủ thể đăng ký tham gia gồm công ty, hợp tác xã (HTX) và cơ sở, hộ kinh doanh. Trong đó 19/20 sản phẩm là thực phẩm (bún, bánh các loại), 1 sản phẩm là đồ uống (vải thiều nước đường). Nhiều đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm và môi trường. 

Đơn cử như HTX Thực phẩm sạch Tín Nhiệm, xã Đồng Sơn, bên cạnh đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất, đơn vị chủ động nguồn nguyên liệu sạch với việc thực hiện quy trình chăn nuôi hàng nghìn con lợn tại hai trang trại trên địa bàn xã Đồng Sơn và huyện Lạng Giang. Nhờ đó hiện 5 sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Giò lụa, thịt lợn, xúc xích, giò tai nấm, lạp xưởng. 

Theo ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX, từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Đơn vị được TP và tỉnh hỗ trợ về vốn, đăng ký tem mác, thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử và trưng bày tại các hội chợ của tỉnh, khu vực. Sau khi đạt 3 sao, đơn vị tiếp tục đầu tư để nâng cao về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguyên liệu để nâng hạng sản phẩm và tăng cường quảng bá mở rộng thị trường trong nước qua hệ thống siêu thị. Sản phẩm đang có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, TP lân cận.

{keywords}

Sản xuất bún tại HTX Sản xuất kinh doanh nông sản sạch Đa Mai.  Ảnh: Lệ Thanh.

Tương tự, sau thời gian nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, 5 sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh nông sản sạch Đa Mai đã đạt hạng 3 sao gồm: Bún tươi, chè lam, kẹo lạc, bún khô gạo lứt và bún khô chùm ngây. Các sản phẩm này được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến, được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng; một số DN đang phối hợp thực hiện các thủ tục để xuất khẩu.

Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP. Đẩy mạnh công nghệ số với việc các chủ thể xây dựng website và hầu hết các sản phẩm được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn. Nhờ đó doanh số bán hàng của các chủ thể tăng từ 20 - 50%, nhất là doanh thu bán hàng qua mạng chiếm khoảng 20 - 30%, qua sàn giao dịch điện tử chiếm khoảng 5 - 10%. Nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận và tin tưởng, được bày bán tại chuỗi cửa hàng, siêu thị của các tỉnh và trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.

Tiếp tục nâng sao

Hằng năm, UBND TP xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình; xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND phường, xã khảo sát, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình, hướng dẫn chủ thể thiết kế, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ. Mỗi năm UBND TP dành từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng từ quỹ khuyến công hỗ trợ các đơn vị bổ sung trang thiết bị, máy móc, nâng cấp dây chuyền sản xuất, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

{keywords}

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP của HTX Thực phẩm sạch Tín Nhiệm. Ảnh: Lệ Thanh.

UBND TP chú trọng công tác tuyên truyền về chương trình và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó phối hợp với các ngành tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt mục tiêu nhiệm vụ và nâng cao nhận thức đúng về chương trình cho cán bộ chủ chốt từ TP đến cơ sở; tập huấn cán bộ, chủ thể có sản phẩm về chu trình OCOP và đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, hội nghị, hội thảo; tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm tại các hội chợ do TP, tỉnh và tỉnh lân cận tổ chức.

Đến nay, trên địa bàn TP Bắc Giang có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó 19/20 sản phẩm là thực phẩm (bún, bánh các loại), 1 sản phẩm là đồ uống (vải thiều nước đường).

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình OCOP trên địa bàn TP cũng gặp khó khăn. Các chủ thể chủ yếu là HTX, đa phần nâng cấp từ hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ và cơ sở, hộ kinh doanh nên nhận thức, tính sáng tạo chưa cao, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn chậm; mặt bằng nhà xưởng chật hẹp, chưa có khu bán hàng và giới thiệu sản phẩm; việc mở rộng sản xuất còn hạn chế do thiếu nguồn vốn; hoạt động vẫn theo kinh nghiệm là chính. Phần lớn các chủ thể còn ngại thủ tục rườm rà, phức tạp khi tham gia đánh giá. Chưa thu hút được DN có năng lực đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Sự liên kết chuỗi giữa các nhà DN, nhà khoa học với HTX và hộ sản xuất chưa nhiều và chưa hiệu quả, chưa khai thác hết tài nguyên lao động, văn hóa cũng như chưa phát huy hết những nét đặc sắc của sản phẩm, làng nghề truyền thống.

Thời gian tới, TP tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách của T.Ư và tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại... đồng thời nghiên cứu cơ chế đặc thù để hỗ trợ các chủ thể. Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, trong đó, DN và HTX giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động như: Áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các trang web, sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin bán và mua hàng; thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP. 

Phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của địa phương và phát triển sản phẩm đăng ký mới. Tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm OCOP. Thực hiện xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm và xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Hà Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Bắc Giang

Bắc Giang: Công nhận 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2022
(BGĐT) - Ngày 27/12, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 69 sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022.
Việt Yên: Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
(BGĐT) - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) và các cơ quan chuyên môn đã quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chương trình OCOP ở Bắc Giang-tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
(BGĐT)-Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, ngày 29/6/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bắc Giang có hàng trăm sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cư dân nông thôn.
Bắc Giang: Đề xuất công nhận 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2022
(BGĐT) - Chiều 9/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022. Đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Bắc Giang: Thêm 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đợt 1 năm 2022.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...