Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thi viết về "Đền ơn đáp nghĩa"
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thương binh nặng Nguyễn Xuân Dậu: 30 năm gắn bó với công tác xã hội

Cập nhật: 15:23 ngày 17/06/2022
(BGĐT) - Về hưu từ năm 1992, đến nay đã 30 năm, cũng từng ấy thời gian, ông Nguyễn Xuân Dậu, 81 tuổi, là thương binh nặng ở thôn An Long, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) gắn bó với công tác xã hội. 
Về hưu tháng 2/1992 đến nay tròn 30 năm, cũng từng ấy thời gian ông Nguyễn Xuân Dậu (81 tuổi)- thương binh nặng ở thôn An Long (Yên Mỹ, Lạng Giang) gắn bó với công tác xã hội.
{keywords}

Ông Nguyễn Xuân Dậu, Trưởng Ban Liên lạc quân tỉnh nguyện Việt Nam tại Lào (người đứng đầu từ phải sang) tại buổi họp mặt truyền thống bộ đội tình nguyện Việt-Lào, năm 1990. Ảnh tư liệu.

Một thuở hào hùng...

Ông Nguyễn Xuân Dậu nhập ngũ tháng 9/1965 khi đang là cán bộ địa chất. Sau huấn luyện, ông được cử sang giúp cách mạng Lào. Đúng ngày sinh nhật Bác 19/5/1966, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuộc đời quân ngũ với nhiều kỷ niệm nhưng ông nhớ nhất trận đánh Trạm Ra đa Pa Thí vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Những ngày cuối năm 1967 Âm lịch, khi núi rừng miền Thượng Lào chìm trong cái rét thấu xương thì các chiến sĩ của Đoàn đặc công 250B do Thiếu úy Nguyễn Xuân Dậu chỉ huy lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ. Họ bí mật vượt suối, băng rừng đại ngàn để tiếp cận cứ điểm Pa Thí ở đỉnh cao hơn 2.000 m, nơi Mỹ đặt trạm ra đa viễn thám lớn nhất Đông Dương dẫn đường cho máy bay đánh phá miền Bắc và vùng giải phóng của Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Lúc đó, Thiếu úy Nguyễn Xuân Dậu đang làm cố vấn cho quân giải phóng Pa Thét Lào được cử làm mũi trưởng. Thiếu úy Dậu cùng 30 chiến sĩ đi nghiên cứu, xây dựng phương án đánh Trạm Ra đa Pa Thí. Tại đây có hơn 100 lính Mỹ vận hành, một trung đoàn lính tinh nhuệ của Nguỵ bảo vệ vòng trong, lực lượng phỉ Vàng Pao kiểm soát vòng ngoài. Đỉnh núi Pa Thí được coi là thủ đô của người Mèo vùng Thượng Lào, cũng là điểm cao chiến lược quân sự. Khi địch đặt trạm Ra đa ở đây, ta nhiều lần tổ chức đánh nhưng chưa diệt được. Hằng ngày, Trạm Ra đa Pa Thí dẫn đường cho máy bay ra bắn phá miền Bắc và vùng giải phóng, gây nhiều tội ác.

Với quyết tâm phá hỏng mắt thần của địch, sau một thời gian nghiên cứu, trinh sát cứ điểm, Thiếu úy Nguyễn Xuân Dậu và đồng đội hoàn thành phương án tác chiến táo bạo và bất ngờ của chiến thuật đặc công. Buổi xuất quân, toàn đội chia thành các tổ tiếp cận căn cứ bằng cách leo theo vách đá dựng đứng của ngọn núi hướng ra sông Nậm Éc. Ở hướng này, địch không bố trí phòng ngự, vì cho rằng không thể xâm nhập bởi vách đá cao hàng nghìn mét. 

Sau 5 ngày kiên trì bám vách núi leo lên, khi cách mục tiêu khoảng 200 mét thì nước uống và lương khô cạn kiệt. Cả mũi họp bàn dồn nước và lương khô cho những người khoẻ tiếp tục leo lên đánh địch. Số còn lại là lực lượng tiếp ứng lên sau. Tổ xung kích 15 người chia thành 2 mũi đánh vỗ mặt và vu hồi. Họ hạ quyết tâm chiến đấu. Nửa đêm 29 Tết, ta nổ súng tiến công. Địch hoàn toàn bất ngờ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, hơn một giờ sau, Trạm Ra đa bị phá huỷ hoàn toàn. Ta làm chủ trận địa. Phần lớn sinh lực địch bị tiêu diệt. Số còn lại tháo chạy xuống chân núi. Chúng tập hợp lực lượng phản công nhằm chiếm lại căn cứ. Các chiến sĩ đặc công chiến đấu rất ngoan cường nhưng do lực lượng quá chênh lệch, nhiều đồng chí hy sinh hoặc bị thương nặng. Căn cứ có nguy cơ bị mất. 4 giờ sáng 30 Tết, đơn vị 148 và lực lượng Pa Thét Lào đến chi viện, bảo vệ thành công trận địa. Nhưng các chiến sĩ của mũi xung kích hầu hết đã hy sinh, chỉ còn 5 người bị thương nặng, trong đó mũi trưởng Nguyễn Xuân Dậu mất một cánh tay. Khi điều trị vết thương ở Lào, Thiếu úy Dậu được tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la, phần thưởng cao quý của Nhà nước Lào.

Những năm sau, ông về trại an dưỡng Thanh Hà; công tác ở Ty Thương binh - xã hội tỉnh rồi chuyển về làm việc tại quê hương Lạng Giang. Từ năm 1976 đến 1992, ông trải qua nhiều vị trí công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Ở cương vị nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tâm huyết với hoạt động xã hội ...

Năm 1992, ngay khi nghỉ hưu, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn An Long. Ông cùng Chi bộ vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa to đẹp, cứng hóa đường giao thông nội thôn và các công trình phúc lợi cộng đồng khác. 13 năm làm Bí thư Chi bộ, ông cùng tập thể đưa chi bộ thành cơ sở vững mạnh; thôn liên tục được công nhận là "Làng văn hoá". Từ năm 1993 đến nay, ông Dậu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng và Người có công của huyện. Chừng đó thời gian, ông luôn tâm huyết và chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đề xuất giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, tổ chức các hoạt động tặng quà, tham quan du lịch cho hội viên.

Ngoài 13 năm làm Bí thư Chi bộ thôn (1992-2005), từ năm 1993 đến nay, ông Nguyễn Xuân Dậu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng và Người có công huyện Lạng Giang; 20 năm (2001-2020) làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, 27 năm (1995 đến tháng 4/2022) là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào của huyện... Năm 2008, ông được vinh danh người có công tiêu biểu toàn quốc.

Xuất phát từ nguyện vọng của nhiều đồng đội, được cấp ủy, chính quyền đồng ý, ông Dậu vận động thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Ông được cử làm Trưởng Ban liên lạc. Năm 1995, Lạng Giang là huyện đầu tiên trong cả nước thành lập Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt-Lào và ông Dậu được cử làm Trưởng Ban. Năm 2008, Hội hữu nghị Việt-Lào huyện được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch Hội và đảm nhiệm chức vụ này cho đến tháng 4/2022 thì nghỉ công tác. Những năm làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Lào huyện, ông luôn tâm huyết xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, kết nối đưa đồng đội về thăm chiến trường xưa, giúp đỡ hội viên nghèo, tham gia giải quyết chế độ chính sách cho quân tình nguyện chiến đấu tại Lào. Ông được đồng đội và các bạn người Lào quý mến.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện, ông cùng Ban Chấp hành tìm hiểu thực tế, đánh giá tiềm năng, đề xuất với chính quyền các cấp phát triển tổ chức, phát triển hội viên. Từ những chủ trương đúng, phong trào trồng cây cảnh ở huyện Lạng Giang có chuyển biến tích cực. Trên địa bàn xuất hiện nhiều vườn cây cảnh đẹp, có những hội viên được công nhận là nghệ nhân. Hiệu quả kinh tế của cây cảnh ngày càng cao, là hướng làm giàu của nhiều hội viên. Bằng công sức và trí tuệ của mình, ông Dậu cùng Ban Chấp hành Hội đã đưa phong trào của huyện Lạng Giang từ trung bình trở thành đơn vị mạnh của các tỉnh phía Bắc, được T.Ư Hội tặng cờ thi đua.

{keywords}

Ông Nguyễn Xuân Dậu trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa.

Vừa tích cực tham gia công tác xã hội, ông cùng người thân năng động làm kinh tế. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Thống Nhất (Lạng Giang), ông chèo lái đưa công ty của gia đình vượt qua khó khăn để phát triển. Sản phẩm cửa cuốn lõi thép của Công ty vươn ra chiếm lĩnh thị trường miền Bắc. Công ty tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai ở thành phố Vinh (Nghệ An) phục vụ khu vực bắc miền Trung. Công ty hoạt động hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ đó, ông có điều kiện làm từ thiện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi như cổng làng, nhà văn hóa, đình làng...

Với 10 năm chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc , ông Nguyễn Xuân Dậu được tặng 4 Huân chương Chiến công, 5 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ và 1 Huân chương của nước bạn Lào. 21 năm công tác tại quê hương, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tròn 30 năm sau ngày nghỉ hưu, ông vẫn tâm huyết với công tác xã hội. Nhận thấy tuổi đã cao, ông từng bước chuyển giao công việc cho thế hệ sau gánh vác, làm tròn nhiệm vụ của người đi trước. Người cựu binh Nguyễn Xuân Dậu 81 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng luôn thể hiện rõ bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trên trận tuyến mới, nêu gương sáng về phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

 Thân Văn Phương

Cựu chiến binh huyện Việt Yên góp sức xây dựng quê hương
(BGĐT) - Từ nhiều năm nay, phong trào cựu chiến binh (CCB) phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều người trong số họ đã vượt lên thương tật, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên mảnh đất quê hương, tích cực đóng góp vào phong trào ở địa phương và hỗ trợ đồng đội. 
Doanh nhân Trần Thị Phượng: Nhớ “Màu hoa đỏ”, nặng lòng tri ân
(BGĐT) - Ba người anh trai đã ngã xuống ở chiến trường nên bà Trần Thị Phượng, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) thấu hiểu nỗi đau mất đi người thân bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Bao năm qua, bà luôn muốn chia sẻ, xoa dịu nỗi đau ấy bằng việc chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. 
Chúng tôi là đồng đội
(BGĐT) - Có những người là đồng đội, là người thân, tri kỷ của nhau từ thời chiến cho đến khi đất nước hòa bình. Đối với họ, điều quý giá nhất là những ngày gian khó có nhau, về già cùng bầu bạn.
Sâu nặng nghĩa tình đồng đội
(BGĐT) - Hơn ai hết, cựu chiến binh (CCB) là những người hiểu rõ nhất sự khốc liệt của chiến tranh cũng như tinh thần chiến đấu quả cảm của các đồng đội. Bằng tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc, các cấp hội CCB trong toàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm tri ân với người có công, gia đình chính sách.
Việt Yên: Trọn nghĩa với người có công
(BGĐT) - Từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã thực hiện các chương trình tri ân,  nâng cao đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...