Minh bạch để không phong bì
Tôi vừa có người nhà đi nằm viện, phải phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trung ương. Cả ngày đi khám và phẫu thuật, ổn định sức khỏe trở về hết chưa tới ba ngày. Có người ngạc nhiên hỏi: Bệnh viện tuyến trên mà sao nhanh thế, chắc phải chi mất nhiều phong bì…
Thực tế thì người nhà tôi chả mất đồng phong bì nào, ở tất cả các bệnh viện và nhiều lần khám, mổ xẻ, chứ không riêng lần này. Đơn giản, bởi sau khi khám, làm thủ tục nhập viện, về khoa điều trị, bác sĩ trao đổi rất rõ và kỹ càng. Ví dụ bệnh này cần phẫu thuật nhưng không phải cấp cứu; nếu đợi mổ phiên, đến thứ 5 hằng tuần, các bác sĩ sẽ sắp lịch và gọi điện thông báo tới gia đình. Còn nếu muốn mổ sớm, gia đình chấp thuận với chi phí dịch vụ xxx triệu thì làm thủ tục hành chính, ký và thanh toán biên lai...
Đúng là với cách làm này, tiết giảm thời gian đi lại, ăn trực nằm chờ của người bệnh và gia đình, giảm tải cho cả bệnh viện và quan trọng là dù mất tiền dịch vụ nhưng đa số người bệnh đều cảm thấy thoải mái, đặc biệt, không phải mất thêm bất cứ đồng chi phí nào, rất minh bạch. Đi đâu khắp bệnh viện, camera đều quay xung quanh và liên tục có biển thông báo, nhắc nhở, yêu cầu bệnh nhân/ người nhà không đưa tiền cho y, bác sĩ.
Đấy là với bệnh viện, nơi tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh với y, bác sĩ, minh bạch được, như tuyến trung ương, đã hạn chế gần như nói không với phong bì. Còn với những nơi đưa công nghệ thông tin, cải cách hành chính vào như bộ phận một cửa, giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính, nhiều người bảo nếu làm nghiêm, người dân có đưa phong bì thì cũng chịu, bởi không biết đưa cho ai, không biết ai giải quyết thủ tục cho mình.
Hay như chuyện phạt nguội người vi phạm giao thông như hiện nay, cứ máy mà soi, mà chiếu, thông báo công khai, rộng rãi, hẳn sẽ vãn chuyện xin xỏ, gọi điện hay đưa phong bì nhằm giảm nhẹ vi phạm. Rồi chuyện phí cầu đường, tranh cãi bao năm không thanh toán điện tử được, giờ nạp thẻ, dán phí, xe chỉ cần chạy lướt qua là máy tự động tính, trừ tiền…
Tuy nhiên, như trên đã nói, dù là máy móc, áp dụng công nghệ thông tin nhưng nếu không khách quan, minh bạch, máy móc vẫn là do con người cài đặt. Có người bảo kê khai hồ sơ trên máy, cán bộ hướng dẫn khó hơn đi lên giời, nên đành nhờ…làm hộ, đến tận nơi giải quyết và như thế, một cửa nhiều ngách, vẫn con người làm trực tiếp và nhiều khi muốn nhanh, muốn được việc, lại phải có phong bì kẹp giữa, thay lời cảm ơn…
Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, năm 2022, 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020.
Chúng ta đang áp dụng chuyển đổi số, đưa công nghệ thông tin 4.0 vào mọi hoạt động trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ song yếu tố quyết định vẫn chính là con người, đạo đức công vụ của cán bộ. Nếu minh bạch, khách quan, vô tư trong mọi hoạt động, như việc xử lý của các bệnh viện tuyến trung ương thì chắc chắn sẽ hạn chế thấp nhất việc tham nhũng vặt, vòi vĩnh phong bì gây bức xúc như vừa qua.
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc (0)