Để thầy cô vui
Theo Phó Thủ tướng, “cái chưa được” của ngành Giáo dục còn nhiều và cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ. Ý tưởng của Phó Thủ tướng được nhiều thầy cô hưởng ứng và tạo ra nhiều chia sẻ, trao đổi về nghề dạy học.
Gần đây, tại các cuộc họp, trên các diễn đàn từ trung ương tới địa phương nói nhiều đến thực trạng giáo viên bỏ nghề; thậm chí nhiều người là hiệu trưởng, hiệu phó các cấp cũng xin nghỉ việc hoặc xin xuống làm giáo viên, không làm cán bộ quản lý. Nguyên nhân chung được cho là do quá áp lực.
Thực tế không chỉ ngành Giáo dục, nghề nào cũng có nhiều áp lực. Nhưng với giáo viên, nghề tác động trực tiếp tới mọi người, mọi nhà, các giai tầng xã hội và liên quan trực tiếp tới con trẻ- thế hệ mầm non tương lai của đất nước, của các gia đình nên áp lực nhiều hơn, dễ bị “săm soi” hơn.
Một cô giáo mầm non tâm sự, lương tháng ra trường vài năm chưa được 5 triệu đồng, trong khi thời gian ở trường ngày nào cũng hơn 10 tiếng, không nghỉ trưa. Chưa kể mọi hoạt động của cô, nhất cử nhất động đều được camera ghi lại, mấy chục phụ huynh theo dõi, rất mệt mỏi. Các cô hầu như không có thời gian cho bản thân, gia đình, con cái.
Với các giáo viên tiểu học hay bậc phổ thông thì áp lực bởi sổ sách, giáo án, dự giờ, đổi mới phương pháp, chỉ tiêu thi đua, áp lực thành tích… Giáo viên vùng sâu, vùng xa còn khó khăn hơn khi cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện giảng dạy khó khăn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm tới việc học hành của con trẻ…
Vậy làm gì để giáo viên vui, bớt khổ? Theo Phó Thủ tướng, nên rà lại các tiêu chí trực tiếp, gián tiếp gây áp lực cho nhà trường, thầy cô giáo. Trong đó cần bỏ những tiêu chí phấn đấu, những phong trào thi đua không cần thiết làm khó, làm khổ giáo viên, gián tiếp làm khổ học sinh.
Ngành Giáo dục có phong trào “Xây dựng trường học hạnh phúc”. Muốn trường học hạnh phúc phải có thầy cô hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc thì mới truyền cảm hứng, động lực và tạo ra hạnh phúc với học sinh.
Thầy Đào Chí Mạnh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm “nóng” diễn đàn “Niềm vui đến trường” và trên mạng khi chia sẻ quan điểm và cách làm của mình để thầy cô, học trò hạnh phúc.
Từ kinh nghiệm của bản thân, thầy Mạnh cho rằng muốn trường học hạnh phúc, hiệu trưởng phải là người hạnh phúc trước, là người đầu tiên bớt cau có. Nếu hiệu trưởng mạnh dạn bỏ đi được các áp lực, thay vì dự giờ, săm soi, họp hành từ chiều đến tối thì hãy lắng nghe và chia sẻ với giáo viên, phụ huynh và học sinh nhiều hơn. Hãy thường xuyên hỏi thầy cô cần gì, truyền cảm hứng, động lực tích cực tới thầy cô. Và thực sự, khi thầy Mạnh thay đổi, đỡ cau có, chau mày, giảm họp hành, các thầy cô trong trường tự khắc thấy thoải mái, vui tươi, hạnh phúc hơn và năng lượng đó truyền cho học sinh, rất tích cực.
“Để thầy cô vui”, thiết nghĩ rất cần chuyển hóa bằng hình thức này hay hình thức khác và đi sâu, thực chất vào mỗi nhà trường. Bởi người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Thầy cô có vui, có hạnh phúc mới tạo ra được những giờ học bổ ích, hiệu quả, học sinh mới không bị áp lực và hứng thú với việc học hành. Và như vậy, trường học mới thực sự là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui của cả thầy và trò.
Thu Hương
Ý kiến bạn đọc (0)