Tân Yên: Khai thác lợi thế, đón nhà đầu tư
Bứt phá về hạ tầng
Có vị trí địa lý thuận lợi song giao thông của Tân Yên còn thiếu tính kết nối, đi lại khó khăn. Đánh giá đây là “nút thắt” trong phát triển kinh tế, thời gian qua huyện đã tập trung cho công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường. Đến nay, Tân Yên đã hoàn thành và tích hợp phương án phát triển huyện vào quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển KT-XH, hạ tầng khung của huyện. Trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư. Ngoài ra, huyện mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội thị và tuyến kết nối như: Quốc lộ 17 đoạn từ thị trấn Nhã Nam đi thị trấn Phồn Xương (Yên Thế); dự án đường nối quốc lộ 37 - đường tỉnh 294 - quốc lộ 17 - Võ Nhai (Thái Nguyên).
Có quy hoạch đồng bộ, giao thông thuận lợi, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư. Ông Phạm Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch cho biết: “Tân Yên đi sau về phát triển công nghiệp nên huyện tập trung làm tốt công tác chuẩn bị hạ tầng, mặt bằng sạch. Hiện huyện đã quy hoạch 5 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp (CCN); trong đó có 3 CCN hình thành và 1 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. CCN Đồng Đình đang hoạt động; các CCN khác đang giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng”.
Một góc Cụm công nghiệp Đồng Đình, thị trấn Cao Thượng. |
Vừa qua, huyện đã bàn giao mặt bằng 33 ha cho nhà đầu tư thi công, mở rộng CCN Đồng Đình, thị trấn Cao Thượng. Sau khi mở rộng, CCN Đồng Đình có diện tích 61 ha. Tại đây đang có 11 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó có 7 DN nước ngoài, ngành nghề chủ yếu là may mặc, điện tử. Hay tại CCN Lăng Cao, xã Cao Xá (Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Tân Yên làm chủ đầu tư) hiện địa phương đã bàn giao 35 ha mặt bằng để thi công các hạng mục cơ bản. Dự kiến tháng 5/2023 CCN sẽ đón nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN
Giao thông thuận lợi, mặt bằng cho công nghiệp sẵn sàng, nguồn lực lao động dồi dào là những lợi thế để Tân Yên nâng sức cạnh tranh, thu hút các DN đầu tư vào địa bàn. Cùng đó, lãnh đạo huyện quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính. Hằng năm huyện rà soát, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến DN, cá nhân kinh doanh như: Đăng ký chứng nhận kinh doanh, đăng ký kê khai thuế, thủ tục thuê đất... Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường giải quyết thủ tục hành chính theo phương châm “4 tại chỗ” tại bộ phận một cửa. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện và ứng dụng tốt công nghệ thông tin.
Tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 579 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 75 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 44% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là DN hoạt động nhỏ lẻ, rải rác, chưa tập trung trong CCN. |
Đồng hành với DN, trong năm 2022, huyện mở chuyên mục “Trao đổi, hỏi đáp đối với DN, nhà đầu tư” trên Cổng thông tin điện tử huyện. Thường xuyên cập nhật, công khai kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án có sử dụng đất để nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh cho DN. Hằng năm, lãnh đạo huyện gặp gỡ, đối thoại với đại diện các DN, hợp tác xã trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo (xã Ngọc Châu) cho biết: “Để xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn của Mỹ, chuyên sản xuất xe rùa, đồ gia dụng xuất khẩu thì Công ty bắt buộc phải mở rộng diện tích. Yêu cầu về hồ sơ DN đề nghị thuê 5 ha đất tại xã Song Vân rất chặt chẽ song đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên tư vấn, hỗ trợ DN”. Được biết, Công ty của ông Hùng hiện đang sản xuất xe rùa, đồ gia dụng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cao cho công tác quy hoạch, hoàn thiện các trình tự thủ tục đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án khu, CCN, các tuyến đường giao thông trọng điểm nhằm tạo thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; phân công cán bộ phụ trách thường xuyên thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình và giám sát các dự án; tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phù hợp với tính chất từng khu, CCN. Quan tâm xây dựng các công trình, hạ tầng bên ngoài khu, CCN.
Bài, ảnh: Thu Anh
Ý kiến bạn đọc (0)