Sử dụng bệnh án điện tử ở Bắc Giang: Hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Việc lưu giữ hàng vạn bệnh án giấy tại các cơ sở y tế đã và đang gây quá tải kho quản lý hồ sơ, khó tra cứu thông tin, tốn kém kinh phí in hồ sơ, tài liệu. Khắc phục bất cập này, cuối năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định việc lập, sử dụng, quản lý hồ sơ BAĐT. Chủ trương này triển khai đúng vào giai đoạn toàn ngành Y tế Bắc Giang tập trung đổi mới quy trình quản lý, khám, chữa bệnh, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tiến tới xây dựng bệnh viện hiện đại, thông minh.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để tiến tới áp dụng BAĐT thay cho bệnh án giấy. Nhiệm vụ này chia theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2019-2023) triển khai tại Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số đơn vị có đủ điều kiện; giai đoạn 2 (2024-2028), triển khai đồng bộ đối với toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng hướng dẫn người dân lấy số khám bệnh tự động. |
Nhận thấy triển khai BAĐT là xu thế tất yếu, Bệnh viện Ung bướu tỉnh đăng ký với Sở Y tế triển khai thí điểm BAĐT. Từ tháng 7/2022, đơn vị chỉ đạo triển khai tại khoa Ngoại và khoa Xạ, sau đó rút kinh nghiệm, áp dụng lần lượt đến các khoa còn lại. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh cho biết: "Bệnh viện đăng ký sử dụng chữ ký số cho 100% lãnh đạo bệnh viện và các khoa, phòng, người có chứng chỉ hành nghề; đầu tư mua sắm nhiều máy tính, nâng cấp phần mềm quản lý đáp ứng việc số hóa nội dung thông tin trong bệnh án, các bảng, biểu, báo cáo… phù hợp với quy định và hoạt động chuyên môn.
Năm 2023, Sở Y tế giao cho 4 đơn vị là: Bệnh viện Sản - Nhi, Đa khoa, Ung bướu tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Sơn Động triển khai thí điểm BAĐT, xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị. |
Qua triển khai thí điểm, các bác sĩ ghi nhận BAĐT thuận lợi cho nhân viên y tế trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị. Lãnh đạo Bệnh viện dễ dàng theo dõi hồ sơ bệnh án của người bệnh mà không phải mất thời gian đến các khoa phòng xem trực tiếp như trước". Để minh chứng, bác sĩ Hương mở máy tính tra cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Đ.T.L (SN 1970), ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đang điều trị tại khoa Ngoại B. Sau vài thao tác, màn hình máy tính hiển thị thông tin kết quả siêu âm, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, đơn thuốc, diễn biến sức khỏe, phương pháp điều trị, lịch tái khám, chữ ký của bác sĩ điều trị. Để tiếp tục hoàn thiện, Bệnh viện đang mời chuyên gia tư vấn, khảo sát lại toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện số hóa hồ sơ, đầu tư thêm trang thiết bị (tủ lưu điện, xe tiêm có kết nối dữ liệu), nâng cấp đường truyền, phấn đấu cuối năm 2023 chính thức áp dụng BAĐT và xóa bỏ bệnh án giấy.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai
Do tác động của dịch Covid-19 nên thời gian qua, tiến độ thực hiện BAĐT ở các cơ sở y tế tại Bắc Giang chậm so với kế hoạch. Ngoài ra còn một số khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin ở các bệnh viện chưa đồng đều, thiếu nhân lực trình độ cao; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ cần kinh phí lớn, nhiều vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục đấu thầu trang thiết bị.
Triển khai BAĐT là bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành Y tế, giúp tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Về phía người bệnh không mất nhiều thời gian chờ đợi, không lo thất lạc giấy tờ mỗi khi khám bệnh. Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Năm 2023, Sở Y tế tiếp tục giao cho 4 đơn vị là: Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Sơn Động triển khai thí điểm BAĐT, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nhằm hỗ trợ cho các cơ sở y tế, UBND tỉnh dành 12,9 tỷ đồng từ ngân sách”.
Các đơn vị đầu tư thêm kinh phí nâng cấp hệ thống mạng, nâng cấp phòng máy chủ đạt chuẩn, triển khai ki-ốt thông tin thông minh, tủ lưu điện máy chủ, xe tiêm điện có kết nối dữ liệu bệnh án... phấn đấu đến hết năm 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I đủ điều kiện triển khai BAĐT. Được biết, ngoài các đơn vị được Sở giao nhiệm vụ, các trung tâm y tế tại huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Yên Thế; Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh... căn cứ điều kiện thực tế cũng rốt ráo chuẩn bị mọi điều kiện đáp ứng yêu cầu triển khai BAĐT theo quy định.
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh chia sẻ cách cập nhật thông tin hồ sơ bệnh án điện tử cho đồng nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Hồng Xuyên, Phó trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Bệnh viện xác định triển khai BAĐT là nhiệm vụ trọng tâm của năm nên tập trung xây dựng kế hoạch, tham khảo kinh nghiệm từ đơn vị bạn, quyết tâm đến hết năm 2023 áp dụng BAĐT. Đến thời điểm này, Bệnh viện đã triển khai nhiều phần mềm quan trọng như: Phần mềm quản lý (HIS), quản lý thông tin phòng xét nghiệm (LIS), quản lý thông tin lưu trữ và thu giữ hình ảnh thay cho in phim (PACS), thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đây là những điều kiện thuận lợi để liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng BAĐT. Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động đang trong quá trình vận hành thử nghiệm phần mềm.
Theo Sở Y tế, trước khi áp dụng chính thức BAĐT thay cho bệnh án giấy, các cơ sở y tế phải có văn bản báo cáo Sở Y tế để thẩm định và báo cáo Cục Công nghệ - Thông tin (Bộ Y tế) công khai rộng rãi. BAĐT đáp ứng đầy đủ yêu cầu có giá trị pháp lý như bệnh án giấy. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ làm việc với BHXH tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ nguồn BHYT khi triển khai hồ sơ BAĐT, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và cơ sở y tế.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)