Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhớ mãi những ký ức hào hùng

Cập nhật: 09:01 ngày 26/12/2022
(BGĐT) - Chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Những người trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng ấy nay đều ở tuổi thất thập, mỗi khi nhắc lại ký ức hào hùng năm nào, cảm xúc trong họ lại dâng trào.

Những ngày mùa đông tháng 12/1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Quốc lộ 1 qua địa bàn thị xã Bắc Giang cũng là mục tiêu quan trọng mà địch nhắm tới. Đại đội 515, Trung đoàn 240, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân) là đơn vị ông Tạ Văn Sâm (SN 1950) ở xã Quảng Minh (Việt Yên) đóng quân. Ông kể: “Khi đó tôi là Khẩu đội trưởng thuộc Đại đội 515. Đơn vị chúng tôi bám trụ ở trận địa Đồng Gạch, phường Mỹ Độ có nhiệm vụ bảo vệ cầu sông Thương. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, giặc Mỹ liên tục bắn phá vào ban đêm nhưng bộ đội phòng không vẫn phải thường trực 24/24 giờ. Thời tiết giữa mùa đông lạnh thấu xương, những loạt bom B52 rải từ cống Bún sang khu vực nhà thờ Bắc Giang rồi lại tiếp tục những loạt bom khác rải dọc thị xã khu vực ven sông Thương, những vồng lửa khói cuộn lên theo tốc độ của máy bay. 

Hôm đó là ngày 21/12/1972, nhận được lệnh từ Sở chỉ huy vào cấp 1, Đại đội 515 sẵn sàng chiến đấu. Trên đài chỉ huy, các trắc thủ trinh sát liên tục thông báo những thông số cần thiết đồng thời bám chắc mục tiêu. Sau những tiếng lên nòng “roạt, roạt”, chỉ vài giây đồng hồ các pháo thủ số 5 đã nạp đạn lên nòng, pháo thủ số 3 và 4 chọn đúng cự ly và hướng của địch, pháo thủ số 1 và số 2 chọn đúng tầm hướng theo phương vị của người chỉ huy. Cùng lúc, 6 lá cờ của các khẩu đội giơ cao chờ lệnh. Sau tiếng hô đanh gọn “bắn” của Đại đội phó, như một cỗ máy liên hoàn, những khẩu pháo của Đại đội đồng loạt nhả đạn liên tiếp vào mục tiêu, lúc đó là 5 giờ 48 phút. Chiếc máy bay F111 cánh cụp, cánh xòe của giặc Mỹ bị trúng đạn bốc cháy tại khu vực xã Nội Hoàng (Yên Dũng)”. 

{keywords}

Bộ đội pháo cao xạ luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời. Ảnh tư liệu.

Để khắc ghi sự kiện lịch sử này, đồng thời làm mốc son nêu gương sáng về lòng quả cảm của cha ông ta cho con cháu thấy được, từ đó tiếp tục bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước, năm 2008, Hội Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 363 phối hợp với phường Mỹ Độ tổ chức Lễ dựng bia chiến thắng tại Bảo tàng tỉnh.

Mấy lần gặp ông Ngô Văn Cương ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), tôi đều ấn tượng với người CCB cao lớn, nhanh nhẹn đúng chất của người lính pháo thủ số 1 năm nào. Năm 1971 khi vừa 18 tuổi, ông vào bộ đội, huấn luyện ở Mai Sưu (Lục Nam). Dự định sau huấn luyện là đi B, vào thẳng miền Nam chiến đấu, nhưng tháng 4/1972, đơn vị ông - Đại đội 172, Trung đoàn 240, Sư đoàn 363 đóng tại Hải Phòng được lệnh di chuyển về Hà Bắc để bảo vệ sân bay quân sự Kép và quốc lộ 1A - tuyến đường chiến lược vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam đánh Mỹ. Với tinh thần mưu trí, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 172 đã kiên trì luyện tập, sử dụng vũ khí thuần thục, phát động thi đua với đơn vị bạn để bắn hạ nhiều máy bay của địch. Trận địa đồi Đồng Dưa - Cầu Đồng thuộc xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) vào trưa ngày 13/9/1972 đã để lại trong ông nhiều tiếc nuối, xót xa khi 8 người đồng đội đã anh dũng hy sinh, 12 đồng chí bị thương. 

Những ngày đó, Đại đội 175 còn tham gia bảo vệ trận địa Mỹ Độ (thị xã Bắc Giang) và 5 đồng chí đã hy sinh. Còn ông may mắn sống sót trở về nhưng mỗi lần trái gió trở trời là hậu quả của những lúc thu pháo để nghi binh, viên đạn nặng rút cả bờ vai, tụt khớp khiến ông đau nhói. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, khi ấy ông Cương với nhiệm vụ là pháo thủ số 1. “Chúng tôi kéo pháo trong tiết trời giá rét, bùn lầy. Bộ đội mình sức vóc nhỏ bé mà anh hùng. Pháo nặng đến 9,5 tấn mà chỉ có 7 người kéo. Mỗi lần nạp một viên đạn (một viên nặng tới hơn 30 kg) là khó khăn vô cùng. Nhưng với quyết tâm phải đánh được, bắn được, đơn vị chúng tôi đã bắn trúng máy bay”. 

Trong những lần gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tôi cũng được nghe các CCB kể về những người chiến sĩ được mệnh danh là “Bàn tay vàng” điều khiển tên lửa trong nhiễu. Với thủ đoạn dùng máy bay F4 giả B52 để đánh lừa ra đa của ta, Mỹ đã thành công trong cuộc tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng ngày 16/4/1972. Để đối phó lại, các chiến sĩ bộ đội ta cũng tìm ra cách đánh. Mỗi khi nghi ngờ là máy bay chiến thuật giả B52, các trắc thủ tên lửa đã làm giả động tác phóng tên lửa, phi công lái F4, F105 của địch thấy vậy liền cơ động loạn xạ để tránh, gây nên nhiều khó khăn cho chúng.

{keywords}

Các CCB bộ đội pháo phòng không ôn lại kỷ niệm 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ bầu trời.

Nhắc tới những ngày cuối tháng 12/1972, CCB Đặng Ngọc Dương (70 tuổi) ở xã Song Mai (TP Bắc Giang), nguyên chiến sĩ trắc thủ Đài 1, Tiểu đoàn tên lửa 73, Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn Phòng không 363 nhớ lại: “Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi rất vui khi được trở về đơn vị trực tiếp chiến đấu. Từ ngày 17 đến 24/12/1972, kíp chúng tôi hầu như không bắt được mũi B52 nào vì nhiễu rất nặng mà chỉ xác định được dải nhiễu chính. Phải đến đêm 26/12, cấp trên dự báo địch đánh lớn, đơn vị báo động liên tục.

2 giờ sáng ngày 27/12, toàn bộ hai màn của Đài 1 trắng xóa do nhiễu. Lúc này các chiến sĩ không rời mắt khỏi màn hình thực hiện các động tác. Một đồng chí trắc thủ ấn nút TS3 để tắt cao thế, sau 4 giây cao thế bật trở lại (khi ấy máy gây nhiễu của B52 chưa kịp điều chỉnh máy nhiễu) thì lộ ngay một tốp B52 trên màn hình, trông tròn to như hạt gạo nếp. Tất cả đều phấn khởi hô vang “đã thấy B52 rồi”. Ngay lập tức anh em thông báo cho Đài 2 Trung tâm và Sở chỉ huy Trung đoàn, chỉ đường cho Tiểu đoàn 73 đêm đó bắn rơi một chiếc B52”.

Ôn lại những kỷ niệm chiến thắng 12 ngày đêm cách đây 50 năm, những CCB như ông Sâm, ông Cương, ông Dương... không khỏi tự hào vì đã góp một phần vào thắng lợi lịch sử của cả dân tộc.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Xây dựng LLVT tỉnh Bắc Giang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
(BGĐT) - Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bắc Giang luôn chủ động, khắc phục khó khăn, lập nhiều chiến công xuất sắc, tô thắm truyền thống “Trung hiếu - Tiên phong - Đoàn kết - Chiến thắng”; được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 
Bắc Giang - "Chiếc nôi" của bộ đội tên lửa Việt Nam
(BGĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang là địa bàn trọng yếu bảo vệ vùng trời phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung một lực lượng lớn bộ đội của các đơn vị tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Có thể nói, Bắc Giang là “chiếc nôi” của bộ đội tên lửa Việt Nam. 
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bắc Giang “chia lửa” cùng Hà Nội
(BGĐT) - Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, "rải thảm" Hà Nội. Bắc Giang là một trong những vùng mục tiêu trọng điểm của địch. Quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hiệu quả, đóng góp sức người, sức của  “chia lửa” cùng Hà Nội.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...