Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhịp sống mới ở Canh Nậu

Cập nhật: 18:31 ngày 25/12/2022
(BGĐT) - Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cũng như thời bình, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã đùm bọc, chở che nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Phát huy truyền thống đó, hôm nay, trên chính mảnh đất này, bà con đoàn kết một lòng, cùng chung tay xây dựng đời sống mới.

Mùa hè năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng thời mở rộng leo thang đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, 10 Trung đoàn Tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cấp tốc được thành lập, trong đó có Trung đoàn Tên lửa 257.

Trung đoàn Tên lửa 257 ra đời ngày 13/11/1965 tại một khu rừng thuộc xã Canh Nậu. Lúc bấy giờ, địa bàn xã có nhiều mục tiêu quan trọng như Nhà ga Mỏ Trạng, tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá (Thái Nguyên), kho vũ khí khí tài thuộc Bộ Quốc phòng, căn cứ đóng quân của các chuyên gia tên lửa Liên Xô… Trong bối cảnh đó, Chi bộ, Ủy ban hành chính xã Canh Nậu đã ra nghị quyết xác định rõ bất kỳ tình huống cam go, ác liệt nào, chính quyền và nhân dân cũng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu; tích cực sản xuất, chăm lo, bảo vệ tài sản, tính mạng cho bộ đội và nhân dân. 

Lịch sử Đảng bộ xã Canh Nậu ghi rõ, từ năm 1965, dân quân du kích và nhân dân địa phương đã vượt nắng gió, mưa dông; đào 1,2 nghìn m hào giao thông; hàng nghìn hầm trú ẩn. Thầy, trò các trường học phát động phong trào đội mũ rơm tránh bom đạn Mỹ. Hội Phụ nữ, Phụ lão thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, quyên góp, ủng hộ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cùng nhiều vật dụng phục vụ bảo quản vũ khí, trang thiết bị quân sự.

{keywords}

Xã Canh Nậu quan tâm cải cách thủ tục hành chính.

Ông Vũ Sơn Thủy (SN 1935) ở thôn Thia, xã Canh Nậu nguyên là Chính trị viên Ban Chỉ huy xã đội thời đó kể: “Vừa chiến đấu, bộ đội Tên lửa 257 còn giúp địa phương huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân. Góp sức cùng chiến đấu, chúng tôi chủ động lập phương án tác chiến, thành lập nhiều trạm gác phòng không báo động trong toàn dân, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mỗi lần địch bắn phá”. Ông Thủy vẫn nhớ ngày 19/8/1966, máy bay Mỹ ném bom vào một số địa điểm trên địa bàn xã, nhờ chuẩn bị phòng không chu đáo, kịp thời nên không xảy ra thương vong lớn. Ngoài ra, lực lượng dân quân địa phương còn tích cực phối hợp với bộ đội bắt sống ba phi công Mỹ. Sau mấy chục năm, địa điểm thành lập Trung đoàn 257 năm xưa được Lữ đoàn Xe tăng 409 (Quân khu 1) tiếp quản, cải tạo thành bãi tập, thao trường huấn luyện.

Phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường trong kháng chiến, thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, nhân dân xã Canh Nậu đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Mạnh Thủy cho hay, những năm qua, Canh Nậu được thụ hưởng nhiều chính sách, chương trình, mục tiêu của Nhà nước. Cùng đó, cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, lo đầu ra cho nông sản. Nhiều nông dân dám nghĩ dám làm, trở thành cánh chim đầu đàn trong phong trào phát triển kinh tế.

{keywords}

Cánh đồng dưa chuột ở thôn Chay, xã Canh Nậu.

Từ địa phương đặc biệt khó khăn, năm 2020, xã Canh Nậu đã từng bước thoát nghèo.Trên địa bàn có gần 300 hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Hoàng Văn Đương trú tại bản Trại Sông tiên phong trồng cây chè. Gia đình ông Đương trồng hơn một mẫu, mỗi năm cho sản lượng hơn 1 tấn chè, thu về từ 200 - 300 triệu đồng. Thấy hiệu quả, nhiều hộ cũng học, làm theo. Hiện tổng diện tích chè toàn xã gần 53 ha. Ngoài ra, các hộ dân còn duy trì mô hình trồng rừng, cây ăn quả, dưa chuột, nuôi gà, ong, dê… 

Dịp này, người dân xã Canh Nậu đang thu hoạch dưa chuột. Chị Đoàn Thị Mai, thôn Chay phấn khởi nói: “Được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật; đường giao thông được cứng hóa rộng rãi nên thương nhân các nơi về tận ruộng thu mua, chúng tôi rất phấn khởi. Mỗi vụ, gia đình tôi trồng gần 2 sào, thu từ 25 đến 35 triệu đồng”.

Canh Nậu hiện tại như một bức tranh đầy sức sống. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; các khu dân cư mới được quy hoạch và xây dựng trong thời gian tới. Tuyến quốc lộ 17, quốc lộ 37 đi tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang thi công để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh. Toàn xã có 350 lò đốt rác tại các gia đình nên cơ bản trên địa bàn xã không có điểm tồn lưu. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,74%, hộ cận nghèo còn 7,13%. Xã Canh Nậu phấn đấu năm 2024 sẽ về đích nông thôn mới.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Yên Thế: Giảm nghèo nhờ phát triển lâm nghiệp
(BGĐT) - Trồng rừng sản xuất phát triển ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) từ hàng chục năm nay. Các khâu: Trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đem lại thu nhập cao hơn, cải thiện đời sống người trồng rừng.
Bắc Giang: Phát động chương trình “Tình nguyện mùa Đông năm 2022 và Xuân tình nguyện năm 2023”
(BGĐT) - Sáng 17/12, tại xã Xuân Lương (Yên Thế), Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Bắc Giang tổ chức phát động chương trình “Tình nguyện mùa Đông năm 2022 và Xuân tình nguyện năm 2023” gắn với hưởng ứng “Ngày thanh niên cùng hành động toàn quốc”.
Yên Thế: 100% xã, thị trấn ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện”
(BGĐT) - Chiều 14/12, toàn bộ 19 xã, thị trấn của huyện Yên Thế (Bắc Giang) đồng loạt tổ chức ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện".
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...