Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vang mãi hùng ca “Tháng Chạp năm ấy”

Cập nhật: 07:24 ngày 23/12/2022
(BGĐT) - Vào những ngày này cách đây 50 năm, tháng Chạp năm 1972, quân và dân cả nước ta, trực tiếp là các lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Thủ đô đã lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Chiến công này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng cả về chính trị, quân sự và ngoại giao; là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Với ý đồ đánh sập hậu phương miền Bắc, chặn nguồn tiếp tế cho chiến trường miền Nam; đồng thời đánh sập ý chí “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của nhân dân Việt Nam, từ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã tạo cớ để tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên khắp miền Bắc. Cao điểm là chiến dịch mà họ gọi là “Linebacker II”. Trong 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Mỹ đã huy động 197 chiếc phi cơ chiến lược B52, mở cuộc tập kích khổng lồ hòng biến Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”, buộc Chính phủ ta phải ký vào bản Hiệp định Paris với nhiều điều khoản do họ áp đặt.

Tuy nhiên, họ đã tính toán sai lầm. Hà Nội cùng quân và dân cả nước đã kiên cường chống trả, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52. Riêng quân và dân Hà Nội bắn rơi 23 chiếc B52. Đòn giáng trả chí mạng này khiến đế quốc Mỹ phải “xuống thang”, trở lại bàn đàm phán ngoại giao, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Việc đạt được hiệp định này sau những chặng đường đàm phán cam go, đã tạo tiền đề cho những thắng lợi rực rỡ sau này, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Trước đó, máy bay chiến lược B52 là con “ngáo ộp” của đế quốc Mỹ. Họ huênh hoang gọi đó là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, một trong ba vũ khí “vô đối” của Mỹ, gồm: Tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân và máy bay B52 với sức chở 30 tấn bom. Vì có uy lực như vậy nên phi công lái B52 thường là con em của tầng lớp tinh hoa Mỹ, có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Nhiều phi công sau khi giải ngũ đã trở thành những doanh nhân, chính khách nổi tiếng của nước Mỹ. Tuy nhiên dân tộc Việt Nam quyết không chịu khuất phục B52, quân và dân ta quyết tìm cách tiêu diệt và sẵn sàng đợi chúng. 

Trong hồi ký “Lính Bay” xuất bản năm 2018, Trung tướng Phạm Phú Thái - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu phi công MiG- 21 đã từng bắn rơi nhiều máy bay địch - kể rằng từ giữa năm 1966, Trung đoàn tên lửa phòng không 238 của quân đội ta đã cơ động vào Khu 4 để tham gia bảo vệ giao thông chiến lược, đặc biệt là nghiên cứu cho được cách đánh B52. Đến đầu năm 1967, thêm 4 tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn 236 lần lượt được triển khai làm nhiệm vụ từ Nghệ An đến Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đơn vị đã chiến đấu bắn rơi 5 máy bay Mỹ các loại và cũng chịu nhiều tổn thất, đến đầu tháng 9/1967 dồn ghép khí tài để có được một bộ hoàn chỉnh và chọn một kíp chiến đấu mạnh nhất thuộc Tiểu đoàn 84 để tiếp tục tìm cách đánh B52. 

Và ngày 17/7/1967, đơn vị đã chiến đấu bắn trúng 2 máy bay B52; trong đó 1 chiếc rơi ở phía Bắc Đường 9, cách trận địa 5 km và 1 chiếc rơi cách bờ biển Cửa Tùng 5 km. Trận địa đơn vị bắn rơi B52 đặt tại địa bàn Đội 3, thuộc Nông trường Quyết Thắng ở Vĩnh Linh. Ngày 20/9/1967, Bác Hồ đã gửi thư khen, dưới danh nghĩa chung là “Quân và Dân Vĩnh Linh”, đồng thời tặng Huân chương Quân công hạng Nhì cho đơn vị. Phấn khởi, tự hào với phần thưởng cao quý, lại có thêm kinh nghiệm “vào hang bắt cọp”, từ cuối tháng 12/1967 đến tháng 1/1968, Trung đoàn 238 đã bắn rơi thêm 2 máy bay B52 từ trận địa của các đơn vị đặt tại Nông trường Quyết thắng thuộc Vĩnh Linh.

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T (Hà Nội) đã chiến đấu dũng cảm bắn rơi máy bay E111 của Mỹ đêm 22/12/1972. Ảnh tư liệu.

Việc bộ đội Phòng không - Không quân đã anh dũng, mưu trí, thông minh, sáng tạo tìm ra cách đánh B52 hiệu quả, mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972, có nhiều nguyên nhân, nổi bật là tinh thần chủ động “biết địch, biết ta”, phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn của địch và sẵn sàng đối phó. Từ ngày 19/7/1965, khi đến thăm Trung đoàn 324 của bộ đội Phòng không - Không quân, Bác Hồ đã khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là phải thắng”. Các tài liệu chính thống cũng ghi rằng: Vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, Bác Hồ đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ trách lực lượng Phòng không - Không quân: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Thực tiễn đã chứng minh nhận định thiên tài trên đây của Bác Hồ. Theo đó, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư đã có những chỉ đạo kịp thời, chính xác trên các mặt trận đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Đặc biệt, từ giữa năm 1972, căn cứ vào cục diện chiến trường và diễn biến của Hội nghị Paris, ta đã phán đoán đúng thời điểm địch có thể mang B52 tập kích Hà Nội và nhận định khá chính xác số lượng B52 bị bắn rơi đến mức bao nhiêu thì nước Mỹ “lung lay, rung chuyển”, bị bắn rơi đến mức bao nhiêu thì họ phải chấp nhận thua cuộc, buộc phải ký vào bản Hiệp định Paris với những điều khoản do phía ta nêu ra mà trước đó họ quyết không chấp nhận.

{keywords}

Chiến sĩ đại đội 3 đoàn X pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô mưu trí, dũng cảm, nổ súng kịp thời, chính xác bắn rơi máy bay Mỹ.  Ảnh tư liệu TTXVN.

Đạn đã lên nòng. Lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm cao đã giăng sẵn. Nhiều trường học, nhà máy, nhà hàng… tạm thời đóng cửa. Hàng vạn nhân dân Thủ đô, chủ yếu là người già yếu và trẻ em, đã được sơ tán để tránh đạn bom. Những lực lượng ở lại đã chuẩn bị chu đáo các phương án để “đón” B52. Không riêng các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mà nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cũng “xắn tay” sẵn sàng. 

Đại tá Vũ Văn Chính, nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, kể: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự và ngoại giao nửa cuối năm 1972, đơn vị đã lên kế hoạch điều động lực lượng quay phim đến trực chiến ở các trận địa tên lửa, cao xạ... đang phục kích đón đánh địch ở khắp nơi. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 ở Hà Nội, khi một số đội quay phim vừa trở về từ chiến trường Quảng Trị và mặt trận Cánh Đồng Chum (Lào), lập tức được bổ sung vào tham gia chiến dịch. Các nghệ sĩ áo lính đã xông xáo bám sát cuộc chiến đấu suốt 12 ngày đêm, nhờ đó đã ghi được những thước phim vô giá về những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội tháng Chạp năm ấy…

Hà Nội từng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lập nên “Điện Biên Phủ trên không”, hôm nay là Thành phố vì hòa bình được thế giới vinh danh và bạn bè khắp năm châu mến mộ. Và âm vang bản hùng ca “Tháng Chạp năm ấy” sẽ là cảm hứng để quân và dân Hà Nội cùng cả nước làm nên những Điện Biên Phủ mới trên mọi lĩnh vực trong thời kỳ mới…

Cùng với những thước phim tư liệu vô giá trên đây là ký ức của hàng triệu đồng bào, đồng chí cả nước về “Hà Nội, tháng Chạp năm ấy”. Hàng đàn B52 cùng các loại máy bay tiêm kích lợi hại bậc nhất của Mỹ lúc đó đã kéo vào oanh tạc Thủ đô. Đó là những ngày hào hùng “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”, nhưng cũng là những ngày đau thương vô tận. Phố Khâm Thiên đổ nát tan hoang, 287 người dân vô tội bị giết hại trong đêm, nhiều người chết lúc đang ngủ. Bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng, 30 bác sĩ, y tá và nhân viên bị chết trong lúc đang cứu chữa bệnh nhân. 

Trong hồi ký của mình, nhà báo Thép Mới kể rằng: Ngày 25/12, ông đến khách sạn Thống Nhất trên đường Tràng Tiền để gặp một số khách nước ngoài. Đó là ngày thứ 7 Hà Nội và các thành phố lớn phải hứng chịu những trận mưa bom không ngớt. Có một ông khách Tây thốt lên "Bom B52 ném thế thì Hà Nội sập hết, còn gì?". Một nữ tự vệ là nhân viên khách sạn nghe thế nói luôn bằng ngôn ngữ của vị khách: "Nhà cửa có thể sập nhưng ý chí con người không thể sập được. Con người có thể chết nhưng phẩm giá không chết được!”. Nhà báo đã “chộp” được câu nói trên đây và đưa vào đầu đề của bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày hôm sau (26/12/1972): "Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người!".

“Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người”, tròn nửa thế kỷ qua đã cùng quân và dân cả nước tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi hy sinh gian khổ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển. Hà Nội từng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lập nên “Điện Biên Phủ trên không”, hôm nay là Thành phố vì hòa bình được thế giới vinh danh và bạn bè khắp năm châu mến mộ. Và âm vang bản hùng ca “Tháng Chạp năm ấy” sẽ là cảm hứng để quân và dân Hà Nội cùng cả nước làm nên những Điện Biên Phủ mới trên mọi lĩnh vực trong thời kỳ mới…

Nhà thơ Mai Nam Thắng

Bắc Giang - "Chiếc nôi" của bộ đội tên lửa Việt Nam
(BGĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang là địa bàn trọng yếu bảo vệ vùng trời phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung một lực lượng lớn bộ đội của các đơn vị tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Có thể nói, Bắc Giang là “chiếc nôi” của bộ đội tên lửa Việt Nam. 
Vẹn nguyên ký ức những ngày đỏ lửa
(BGĐT) - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi. 50 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đỏ lửa ấy vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia trận đánh lịch sử này.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bắc Giang “chia lửa” cùng Hà Nội
(BGĐT) - Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, "rải thảm" Hà Nội. Bắc Giang là một trong những vùng mục tiêu trọng điểm của địch. Quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hiệu quả, đóng góp sức người, sức của  “chia lửa” cùng Hà Nội.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...