Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Nhà báo” thương binh

Cập nhật: 16:26 ngày 17/06/2022
(BGĐT) - Là thương binh nặng song ông Trương Quang Luận (SN 1954), thôn Phúc Hạ, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã gắn bó với Đài Truyền thanh xã suốt 14 năm qua. Bằng niềm đam mê, trách nhiệm với nghề, ông được người dân địa phương thường gọi là “nhà báo” thương binh với sự quý mến, thân tình.

Đam mê với nghề

Cơn mưa rào chiều tháng 6 chợt đến nhưng không ngăn được bước chân của người thương binh đến làm công việc tiếp sóng phát thanh từ Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao TP Bắc Giang. “Thành thói quen, dù nắng hay mưa, tôi vẫn có mặt đúng giờ để tiếp sóng, phát chương trình cho bà con nghe. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự đối với tôi”, ông Luận nói.

{keywords}

Ông Trương Quang Luận đọc bản tin trên hệ thống truyền thanh của xã.

Mỗi ngày, Đài Truyền thanh xã Song Mai phát và tiếp sóng hai lần, buổi sáng từ 5 giờ 15 phút đến 6 giờ 15 phút; chiều từ 16 giờ 45 phút đến 17 giờ 35 phút. Để phù hợp với đặc thù đài truyền thanh cơ sở, ông Luận xây dựng chương trình khá phong phú gồm: Một bản tin về kết quả hoạt động trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của xã; 1-2 bài giới thiệu tập thể, cá nhân điển hình ở địa phương và chuyên mục tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó, ông còn đọc một số văn bản chỉ đạo, điều hành của xã và của một số ban, ngành TP.

Với đam mê làm công tác tuyên truyền, từ năm 2004, ông Luận bắt đầu viết những tin, bài ngắn gửi Đài Truyền thanh xã. Bốn năm sau, ông được UBND xã bố trí làm cán bộ của Đài. Từ đó, người thương binh Trần Quang Luận càng hăng say trau dồi kỹ năng viết tin, bài; tích cực đi cơ sở, dự các hội nghị để lấy thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã. 

Ông thường xuyên cộng tác với Đài Truyền thanh TP, nay là Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao TP. Ông coi Đài Truyền thanh xã như ngôi nhà thứ hai của mình, người dân trong xã coi ông như người bạn tâm tình, đưa đến những thông tin hữu ích, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày.

Tâm sự về nghề, ông Luận nói: “Càng gần cơ sở, nội dung mỗi tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh của xã càng phải chuẩn xác, nếu không sẽ bị bà con phản ứng ngay”. Theo ông, viết khen về những tập thể, cá nhân cũng không dễ bởi nếu không cẩn thận sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng đến chính người được khen, hỏng cả phong trào, điển hình. Chính vì thế, khi lấy thông tin ông đều tìm hiểu kỹ.

“Thương binh tàn nhưng không phế”

Vừa trò chuyện với ông Luận, vừa quan sát căn phòng làm việc của Đài Truyền thanh xã Song Mai, tôi thấy nhiều vỏ hộp thuốc giảm đau. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông Luận cho biết: “Thỉnh thoảng vết thương cũ tái phát, nhất vào những hôm trở trời, toàn thân lại đau nhức nên tôi phải dùng thuốc giảm đau. Uống thuốc xong lại làm việc bình thường”.

{keywords}

Hệ thống truyền thanh.

Qua câu chuyện của ông, tôi biết ông đang là thương binh nặng, hạng ¼, mất sức 81% sức khỏe. “Trong 3 năm cầm súng chiến đấu, tôi 4 lần bị thương nhưng vẫn may mắn được trở về quê hương. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, còn nằm lại nơi chiến trường xưa”, giọng nói ông Luận chùng xuống. Ông kể tiếp: Tháng 4/1972, ông lên đường nhập ngũ, đến tháng 6/1972 thì hành quân vào chiến trường Quảng Trị. 

Tháng 12/1972, khi đang làm nhiệm vụ, máy bay B52 của địch thả bom trúng trận địa, ông bị thương ở phổi; tháng 7/1973, ông bị găm 5-6 mảnh đạn pháo vào người; đến tháng 9/1974, khi cùng đồng đội chốt chặn ở một điểm cao thì ông tiếp tục bị thương lần thứ ba. “Lần cuối cùng vào tháng 12/1974 là nặng nhất, khi đó tôi bị địch phát hiện, dùng súng đại liên bắn làm mất cánh tay trái”, ông Luận hồi tưởng.

Tháng 5/1977, ông Luận xuất ngũ chuyển về địa phương làm trong ngành ngoại thương; đến năm 1990 thì về nghỉ hưu tại quê nhà. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tiếp tục cống hiến sức lực còn lại cho xã hội.

Ông coi Đài Truyền thanh xã như ngôi nhà thứ hai của mình, người dân trong xã coi ông như người bạn tâm tình, đưa đến những thông tin hữu ích gần gũi trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều năm nay, hình ảnh người thương binh mất một cánh tay vẫn đến từng thôn xóm, nhà dân để khai thác thông tin tuyên truyền đã trở nên quen thuộc đối với nhiều cán bộ, người dân nơi đây.

Được biết, tiền lương hằng tháng của ông chỉ có hơn 1,3 triệu đồng từ công việc ở Đài Truyền xã. Ông tâm sự: "Chế độ chính sách thì theo quy định. Nghề của mình là đi nhiều mới nắm bắt kịp thời các thông tin. Mặc dù vất vả nhưng tôi thấy vui vì được gặp gỡ, giao lưu với mọi người, gửi gắm tâm tư, tình cảm vào từng tin, bài để truyền tải đến bà con"- Ông Luận tâm sự.

Ông cũng vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng chứng nhận đoạt giải ở một số cuộc thi, hội thi báo chí. Đơn cử như năm 2005, ông đoạt giải B tại Hội thi Đài truyền thanh cơ sở do Đài PT-TH tỉnh tổ chức, khi ấy, ông là cộng tác viên Đài Truyền thanh xã Song Mai; hay như năm 2009, 2013, ông đoạt giải B và giải Khuyến khích tại Cuộc thi viết về gương sáng cựu chiến binh do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức.

Không chỉ tích cực tham gia hoạt động với vai trò là cán bộ đài truyền thanh cơ sở, ông Trương Quang Luận còn tích cực tham gia hoạt động của các hội, đoàn thể. Bí thư Đảng ủy xã Song Mai Trần Văn Đăng nhận xét: “Ở vị trí nào, ông Luận cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được nhiều người quý mến”.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam

Ông thương binh tỷ phú
(BGĐT) - “Khi thời tiết thay đổi, vết thương ở chân do bom đạn vẫn đau nhức nhưng tôi tự ngẫm không được vì thế mà “sống hoài, sống phí”. Từ con số không, giờ đây vợ chồng tôi cũng có được chút “của để dành” chính là cảng phân phối xi măng và cát này”, thương binh Phạm Xuân Côn (SN 1955-ảnh) ở thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) nói với chúng tôi như vậy.  
Thương binh Thân Trọng Xuyên: Anh dũng trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường
(BGĐT) - Chàng thanh niên Thân Trọng Xuyên, thôn Trung, xã Nghĩa Trung (Việt Yên-Bắc Giang) viết đơn nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Dưới mưa bom bão đạn, dù bị thương nhiều lần nhưng người lính trẻ may mắn hơn đồng đội là được trở về với quê hương.  Dù gặp nhiều khó khăn song người thương binh hạng 2/4 luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến cho quê hương.
Bắc Giang: Hơn 3 tỷ đồng chi trả truy lĩnh trợ cấp cho 21 thương binh
(BGĐT) - 21 thương binh tỉnh Bắc Giang tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế vừa được truy lĩnh trợ cấp với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Dục: Giỏi kinh doanh, tích cực làm từ thiện
(BGĐT) - Mặc dù tuổi đã cao nhưng cựu chiến binh, thương binh chống Mỹ Nguyễn Đức Dục (SN 1950)  không cho phép mình ngơi nghỉ. Ông vẫn cùng các con tham gia điều hành công ty chuyên kinh doanh ống nhựa Tiền Phong và thiết bị điện nước quy mô lớn. Đặc biệt ông tự lái xe ô tô mỗi lần đi giao dịch hay làm từ thiện, công tác xã hội.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...