Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chàng trai Bắc Giang "gieo" chữ Việt trên đất bạn Lào

Cập nhật: 09:50 ngày 19/02/2023
(BGĐT) - Vừa tốt nghiệp đại học, quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân, chàng trai Nguyễn Thành Ngọc (SN 1991) ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang)  đã tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, dành gần 9 năm sang nước bạn Lào giảng dạy tiếng Việt. Tâm nguyện của anh là được gieo con chữ và văn hoá Việt cho học sinh Lào và kiều bào tại đây.

Cầu nối giáo dục và văn hóa giữa hai nước

Nguyễn Thành Ngọc từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (khoá 2009 - 2013). Dành gần chục năm dạy học ở nước bạn Lào, anh tâm sự: “Bố mẹ tôi đều làm ruộng. Tôi chọn học ngành sư phạm để đỡ tiền học phí. Tại ngôi trường này có nhiều sinh viên Lào theo học dự bị. Qua tiếp xúc, họ chất phác, dễ gần, bản sắc văn hoá cũng đặc sắc, nhất là điệu múa lăm-vông tôi rất thích. Những lúc rảnh rỗi, tôi vọc vạch học mót được một chút tiếng Lào. Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định làm một chuyến du lịch, tới thăm đất nước mà mình đã dành rất nhiều tình cảm”.

{keywords}

Thầy Ngọc với các em học sinh Lào. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tại Thủ đô Viêng-chăn, tình cờ Ngọc gặp một Việt kiều tên là Huệ. Chị Huệ bảo: “Em có muốn đi dạy học không, dạy tiếng Việt cho Việt kiều, chị giới thiệu cho?”. Tuổi trẻ muốn trải nghiệm những điều mới mẻ, Ngọc liền đồng ý. Để thêm phần tự tin, Ngọc xin đi học tiếng tại Đại học Quốc gia Lào trong một năm. “Trong một năm này, tôi có nhiều kỷ niệm vui lắm. Vừa là thầy giáo, vừa là học trò. Bên Lào có quy định cả thầy và trò đều phải mặc đồng phục đến trường. Buổi sáng 4 tiết dạy, tôi mặc trang phục người thầy. Buổi chiều 4 tiết học, vẫn trang phục ấy tôi đến trường học tiếng Lào cùng các sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Ban đầu nhiều người ngỡ ngàng, nhưng tôi có lý do đặc biệt như vậy nên được đặc cách”.

Để trang trải cho cuộc sống, Ngọc vừa dạy học, vừa xin làm thêm ở một khách sạn của Việt kiều. Sau đó, anh nộp đơn xin vào dạy học tại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ở Thủ đô Viêng-chăn. Ngôi trường này được xây dựng theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào. Nhận thấy mình may mắn vì được công tác ở ngôi trường có sứ mệnh giúp các thế hệ con em cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Lào giữ gìn tiếng nói, chữ viết và góp phần vun đắp quan hệ hai nước, từ đó anh luôn cố gắng vừa học tiếng Lào (chương trình thạc sĩ), vừa giảng dạy ở trường. Tốt nghiệp loại giỏi, thầy Ngọc đủ tự tin giảng dạy không chỉ ở trường song ngữ mà còn dạy thêm cho nhiều cán bộ, doanh nhân, kiều bào và cả học sinh là con em người Việt đang sinh sống, học tập tại Lào.

Có thể thời gian dạy học ở Lào đã bỏ lỡ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khác trong nước cũng như hạnh phúc riêng tư của tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc. Sau này nếu có cơ hội, tôi cũng vẫn sẵn sàng sang đây, tiếp tục là cầu nối cho tình hữu nghị thắm thiết Việt - Lào”.

Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc

Chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt, thầy Ngọc cho biết: “Gắn bó 5 năm tại ngôi trường này, mỗi ngày, niềm vui được gieo chữ Việt cho con em kiều bào, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”. Là Tổ phó chuyên môn tiếng Việt, điều anh vui là học sinh dù sinh ra trong gia đình nửa Việt nửa Lào nhưng rất có ý thức học và giữ gìn tiếng Việt. Đáng chú ý, trong số học sinh của trường có hơn 40% con em người Lào là con của cán bộ, sĩ quan quân đội… được cha mẹ tin tưởng gửi học tại trường Nguyễn Du. Từ đây các em có cơ hội được tiếp cận tiếng Việt và hiểu biết hơn về Việt Nam. Thầy Ngọc nói: Tôi chỉ mong một điều đơn giản là góp phần nhỏ bé xây cây cầu nối giáo dục và văn hóa giữa hai nước. Bố mẹ tôi biết sang đây sẽ vất vả nhưng nhiệt tình ủng hộ dù tôi là con trai duy nhất trong gia đình”.

Nhọc nhằn gieo chữ Việt

Đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy giáo Ngọc trở về Việt Nam, làm công tác dịch thuật và tuyển sinh tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. 7 năm sinh sống, làm việc và học tập tại Lào, nỗi nhớ đất nước Lào khiến thầy đứng ngồi không yên. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại nước bạn Lào, nhiệm kỳ hai năm (2021-2023), thầy Ngọc liền đăng ký. Lên đường sang Lào nhận công tác tại Trường THPT Viêng Phu Kha thuộc tỉnh Luông Nậm Thà - một tỉnh vùng biên giáp với Trung Quốc và Myanmar cách Thủ đô Hà Nội đến 2.000 km, thầy Ngọc là giáo viên nhận công tác ở địa bàn xa nhất so với 27 giáo viên cùng đi đợt ấy.

“Lên đến nơi, tôi thực sự sốc. Trường toạ lạc trên một quả đồi heo hút, rộng mênh mông. Tôi là con trai, thông thạo tiếng Lào mà còn ứa nước mắt. Trường có khoảng 1.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Đến chỗ ở của các học sinh ngoại trú, tôi bị sốc hơn vì quá sơ sài, tạm bợ. 80 học sinh ở trong 20 cái chòi dựng tạm bên quả đồi. Gọi là nơi ở nhưng thực ra chỉ là căn nhà tạm được lợp bằng mái tôn, tường bao quanh được ghép bằng những tấm ván, sơ sài đến nỗi không đủ che mưa, che nắng. Không điện, không nước, không bếp ăn, không nhà vệ sinh, không có gì hết. Các em phải đi xách nước từ dưới khe suối về nấu ăn, tắm giặt tại suối”- thầy Ngọc kể.

{keywords}

Thầy Ngọc trong một giờ lên lớp.

Sau đó thầy được biết gia đình các em cách trường 30-40 km đường rừng, toàn phải đi bộ. “Khổ thế mà các em vẫn ham học, vẫn đều đặn đến trường, mình phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ”- thầy Ngọc tự nhủ. Vậy là ngoài công việc của giáo viên, thầy hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất. Bằng tiền lương của mình, thầy mua tặng trò đồ dùng học tập; khi lại gói chút thức ăn, động viên các em học hành. Ngoài giờ lên lớp, thầy Ngọc dành thời gian tăng gia, động viên các em cùng trồng thêm rau, chăn nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn.

Khi ở Viêng-chăn, thầy Ngọc từng dạy thêm cho nhiều doanh nhân việt kiều, sẵn có mối quan hệ thầy Ngọc đăng thông tin lên facebook, từ đó nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng đi cả vài trăm km đến ủng hộ không chỉ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn mà cả người dân ở đây. Được biết, hơn một năm qua, thầy giáo Ngọc cùng nhóm thiện nguyện đã thực hiện 23 lần trao quà tặng học sinh và bà con nghèo trong huyện, tỉnh nơi thầy công tác với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Thầy thương trò, trò thương thầy. Người dân ở đây nghèo nhưng sẵn sàng mang sản vật đến biếu, mua thuốc khi biết thầy ốm đau mà không có người thân bên cạnh. Ai cũng yêu quý thầy giáo người Việt. Gần 10 năm gắn bó với đất nước, con người Lào, tuổi thanh xuân đẹp nhất của thầy Ngọc đã dành trọn cho đất nước Lào, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Đến tháng 6 này là hết chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xa mái trường Viêng Phu Kha, xa những học trò thân yêu và người dân nơi này đối với thầy Ngọc quả thật khó khăn. Thầy bảo, thời gian công tác ở huyện nghèo vùng cao là có ý nghĩa nhất trong những năm tháng ở Lào, thâm tâm cá nhân thầy không muốn rời xa. 

Chia sẻ chuyện riêng tư, thầy bảo: “Chớp mắt đã gần 9 năm trên đất bạn Lào. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 32 tuổi mà chưa lập gia đình. Bố mẹ cũng có vẻ sốt ruột. Nhà chỉ có hai anh em, em gái 30 tuổi cũng chưa lấy chồng, chắc chờ anh lấy vợ trước rồi mới cưới (cười). Có thể thời gian dạy học ở Lào đã bỏ lỡ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khác trong nước cũng như hạnh phúc riêng tư của tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc. Hết chương trình này, tôi có nguyện vọng được về Bắc Giang làm việc để gần cha mẹ, quê hương rồi vun vén cho hạnh phúc riêng tư. Qua tuổi 35 cơ hội xin việc sẽ khó hơn. Sau này nếu có cơ hội, tôi vẫn sẵn sàng sang đây, tiếp tục là cầu nối cho tình hữu nghị Việt - Lào”- thầy Ngọc bộc bạch.

Thu Phong

Trung tá Vũ Thị Liên: Dấn thân, cống hiến vì nhiệm vụ thiêng liêng
(BGĐT) - Giữa bộn bề khó khăn ở Cộng hòa Trung Phi - nơi mà tiếng súng đạn có thể vang lên bất cứ lúc nào, cùng với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt,  Trung tá Vũ Thị Liên (SN 1981), cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (quê ở thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã nhanh chóng vượt qua những lo lắng, nỗi nhớ quê hương, gia đình để thực hiện nhiệm vụ của người lính với tinh thần dấn thân và cống hiến.
Lưu luyến chợ tình Thác Lười
(BGĐT) - Đầu xuân, khi hoa mận nở trắng sườn đồi, không khí mùa xuân vẫn lan toả cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quay trở lại. Những bóng áo chàm nô nức xuống núi; câu hát sli, lượn, sloong hao ngân nga khắp núi rừng báo hiệu mùa hội mới lại về, để thương, để nhớ, để luyến lưu qua những ánh mắt, nụ cười...
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...