Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đậm đà hương vị quà quê

Cập nhật: 15:59 ngày 25/12/2022
(BGĐT) - Những ngày này ở các làng nghề trong tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu chộn rộn hương vị Tết cổ truyền. Hơi ấm của các lò sản xuất chè lam, kẹo lạc... như xua bớt không khí giá lạnh ngày đông. 

Món quà thắm đượm tình quê

Gia đình tôi ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) - địa phương có nhiều hộ làm kẹo lạc, chè lam vài chục năm nay. Trước Tết Nguyên đán cả tháng, khách ở nhiều nơi đã đặt hàng, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, tôi đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ bạn bè, người thân nhờ mua kẹo lạc, chè lam quê nhà. Ngày nay, giao thông thuận tiện, quà quê nhà được đóng gói cẩn thận, chỉ vài tiếng theo xe là đến tay người mua.

{keywords}

Sản xuất kẹo lạc tại thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Làm nghề quanh năm song tấp nập nhất là từ tháng Chín âm lịch, các hộ chuẩn bị nguyên liệu, rang lạc, cạo gừng, nấu mật làm kẹo lạc, quấy bột nếp cho mẻ chè lam thơm ngon. Ông Nguyễn Duy Tiến có hơn 30 năm làm nghề, chia sẻ: “Tôi nhớ từ thời ông bà tôi đã làm chè lam cho ngày Tết. Nhà nào không làm chè lam thì coi như không có Tết. Hằng năm, cứ vào khoảng 25 đến 27 tháng Chạp, các bà, các mẹ trong làng lại rục rịch chuẩn bị bột gạo nếp, lạc nhân, gừng, vừng, đường mía để làm chè lam. Tất cả đều là sản phẩm do bà con nông dân làm ra”.

Sau này, không chỉ phục vụ gia đình, ông Tiến đã mở xưởng sản xuất chè lam, kẹo lạc. Những năm gần đây gia đình ông cho ra lò chè lam với các vị: Mật, dứa, gấc. Với chè lam mật có thêm mạch nha, ngũ vị để tăng độ dẻo, săn của bánh, giòn thơm của ngũ vị. Gừng chọn loại gừng già, màu vàng tươi, cạo vỏ, rửa sạch giã nhỏ. Lạc rang vàng chín tới, làm sạch vỏ lụa, tách đôi hạt. Khó nhất là công đoạn trộn các loại gia vị và nấu đường, vì nếu non hoặc già tay là hỏng cả mẻ mấy chục cân hàng. Ở nhà ông Tiến có mấy chục nhân công nhưng chỉ duy nhất bà Hào, vợ ông có thể đứng bếp đảm nhận khâu này. Chè lam được cho vào khuôn có lót một lớp bột nếp (còn gọi bột áo) bên dưới, sau 4 - 5 tiếng cho nguội rồi lấy dao cắt thành từng miếng, đóng túi hút chân không để bảo quản được lâu.

"Cùng với vải thiều, mỳ chũ Lục Ngạn, bánh đa Kế, bánh đa nem Thổ Hà, hương vị thơm ngon của bánh chưng Vân, kẹo lạc, chè lam Tân Mỹ ngày càng được nhiều người biết đến. Sự sáng tạo, khéo léo, tinh hoa đất trời quê hương được người dân gửi gắm trong mỗi món quà quê" -  Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang.

Đứng theo dõi máy đảo bột, bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Mỹ Cầu nói: “Phải đánh mạnh và đều tay thì kẹo mới dẻo, để được lâu và ăn ngon hơn. Nếu lười quấy, kẹo bị vón cục, nhanh bở”. Ở tuổi gần 70, đôi tay bà Hòa vẫn thoăn thoắt chuyển động theo từng vòng quay của nồi chè cho đến khi đạt độ sánh nhất định, rồi nhanh tay bắc nồi, trút chè lam còn nghi ngút khói vào tấm nia to đã được rắc sẵn “áo nếp”.

Từ lâu, chè lam, kẹo lạc là món quà quê đậm đà của bao người. Trong ngày Tết, món này được mọi người ưa thích bởi dễ ăn, đậm hương vị Tết xưa. Vì thế không chỉ ở xã Tân Mỹ mà nhiều người dân ở khắp nơi cũng có thói quen làm chè lam, kẹo lạc ăn Tết. Tùy khẩu vị, sở thích, người nấu có thể thêm hoặc giảm nguyên liệu, gia vị. Ngoài làm để dùng dịp cuối năm, các gia đình có thói quen nấu chè, làm kẹo biếu người thân. Món quà quê gói trọn tình thân từ đây được đưa đi muôn nơi. Bà Hoàng Thị Vị, 70 tuổi, quê ở TP Bắc Giang hiện sống tại TP Cần Thơ chia sẻ: “Bao năm xa quê tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị chè lam, kẹo lạc quê mình, nhất là dịp Tết đến xuân về. Vì vậy, dù ở xa nhưng năm nào tôi cũng đặt hàng nhờ người thân gửi vào vài chục cân để ăn và biếu bạn bè”.

{keywords}

Thi gói bánh tại Ngày hội "Bánh chưng Vân, Tết sum vầy, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng huyện Hiệp Hòa". Ảnh: Hữu Trình.

Tại Bắc Giang, không chỉ có chè lam, kẹo lạc mà nhiều sản phẩm tiêu biểu như: Bánh chưng Vân ở các xã Hoàng An, Hoàng Vân (Hiệp Hòa), bánh gio ở xã Song Vân (Tân Yên); chè kho Mỹ Độ (TP Bắc Giang) cũng được người dân chọn làm quà ngày Tết. “Hình ảnh cùng mẹ gói bánh chưng, trông nồi luộc bánh ngày bé luôn khiến tôi nhớ mãi. Nay dù xa quê đã lâu, nhưng có dịp là tôi lại đặt bánh chưng Vân để thưởng thức. Bánh quê mình được gói bằng lá chít, vừa rền lại thơm dẻo”, chị Trần Thị Thủy ở TP Hà Nội nói.

Đưa sản vật vươn xa

Ngày nay, trên thị trường ngày càng có nhiều quà bánh nhưng những mặt hàng bánh truyền thống vẫn có chỗ đứng bởi giữ được hương vị đặc trưng. Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ cho hay, trong sản xuất, chúng tôi chú trọng nguyên liệu, gia vị truyền thống để làm nên thương hiệu. Mấy năm gần đây, gia đình bà Hậu và nhiều hộ khác chú trọng làm tem nhãn, đổi mới bao bì sản phẩm, đóng gói hút chân không để thuận tiện vận chuyển đi xa. Cùng đó đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội nên lượng khách hàng càng tăng, không chỉ trong tỉnh mà nhiều nơi xa như: TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang cũng đặt hàng.

{keywords}

Huyện Hiệp Hòa tổ chức Ngày hội bánh chưng Vân nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng quê hương.

Để những món quà quê đến được với nhiều người con xa xứ và khách hàng trên cả nước, những năm qua tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển làng nghề truyền thống. Những hộ sản xuất trong vùng đã chủ động liên kết tiêu thụ, nâng chất lượng sản phẩm. Như tại Hiệp Hòa, từ năm 2017, Tổ hội nghề nghiệp Sản xuất và Tiêu thụ sản phẩm bánh chưng Vân thành lập với 27 gia đình ở cả 6 thôn của xã Hoàng Vân. Ông Nguyễn Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Vân cho biết: “Các hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ, thu mua nguyên liệu. Đến nay, sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, đồng thời gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi bán ra thị trường”.

Những năm qua, thực khách ở nhiều tỉnh vẫn đặt mua những chiếc bánh chưng mang thương hiệu làng Vân đậm đà hương vị quê hương. Từ tháng Chạp hằng năm lượng khách đặt mua càng nhiều, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 10 nghìn chiếc. Năm nay, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội huyện tiếp tục tổ chức Ngày hội Bánh chưng Vân, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu với thực khách muôn nơi.

“Dền gai, vỏ quýt, vỏ bòng/ Dành dành, núc nác đốt làm bánh gio”. Câu ca lưu truyền kinh nghiệm làm bánh gio từ cha ông xưa được người dân ở các thôn: Bùi, Đông Lai, Hồng Phúc, xã Song Vân (Tân Yên) ghi nhớ. Vì vậy, vào cữ tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, tranh thủ trời nắng người dân các thôn lại tích trữ nguyên liệu phơi khô rồi đem đốt lấy tro, chờ áp Tết mang ra hòa làm nước ngâm gạo. Bà Nguyễn Thị Hồng là một trong những người ở thôn Đông Lai có nhiều năm làm bánh cho hay: "Muốn bánh dẻo, thơm, công đoạn quan trọng là pha tỷ lệ nước tro với nước vôi trong sao cho vừa vặn. Từ bà nội đến mẹ tôi về làm dâu đều được hướng dẫn cách làm bánh gio. Bánh có tính hàn nên còn được dân gian gọi là món "chống ngán". Toàn xã Song Vân hiện có khoảng chục hộ chuyên làm bánh bán cho người dân và cung cấp cho khách hàng ở một số tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

{keywords}

Đặc sản bánh chưng Vân (Hiệp Hòa).

Mỗi làng nghề, loại bánh có bí quyết riêng. Theo kinh nghiệm của các bậc cao niên, bánh gio được gói bằng lá dong vườn nhà, khi gói phải lỏng tay để hạt gạo nở, chín đều. Khi quấn lá cần bẻ mép hai đầu thật khít bánh mới thuôn dài, trong nuột như thạch. Ngoài đặc trưng riêng trong vị và màu bánh gio còn ở bí quyết khi luộc. Thay vì lót bằng lá, bà con lấy măng tre tươi nướng chín, cắt nhỏ lót dưới đáy nồi, khi luộc bánh không cháy, lại có mùi vị, màu sắc đặc trưng. Khi ăn, bánh gio chấm với mật mía mới cảm nhận hết vị dẻo thơm, ngọt mát rất riêng.

Bên cạnh nhiều mặt hàng kẹo bánh màu sắc bắt mắt, nhiều người vẫn thích thú với món quà quê dân dã. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, không khí nhộn nhịp xen lẫn mùi thơm thoảng bay từ gian bếp của những gia đình làm bánh... người dân quê tôi đã thấy Tết đến thật gần.

Bài, ảnh: Hải Vân

Huyện Hiệp Hòa tổ chức ngày hội bánh chưng Vân, phát động ủng hộ Tết vì người nghèo
(BGĐT)-Ngày 18/12, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội huyện tổ chức Ngày hội "Bánh chưng Vân, Tết sum vầy, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng huyện Hiệp Hòa". Trong chương trình tổng thể ngày hội, buổi tối 18/12 diễn ra lễ phát động ủng hộ Tết vì người nghèo năm 2023. Dự buổi lễ có đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ngành của tỉnh.
Ngày hội “Bánh Chưng vân-Tết sum vầy”
(BGĐT) - Ngày 18/12, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tổ chức ngày hội “Bánh Chưng vân - Tết sum vầy và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu năm 2022”. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như thi gói bánh chưng, kéo co, đẩy gậy, liên hoan văn nghệ, liên hoan các câu lạc bộ thanh thiếu niên cùng sở thích; mở các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Lò bánh chưng Vân đỏ lửa phục vụ đơn hàng Tết
(BGĐT) - Với quy trình làm bánh công phu cùng nguyên liệu chất lượng cao, bánh chưng Vân, Hiệp Hòa (Bắc Giang) lâu nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, được sản xuất tập trung ở hai xã Hoàng An và Hoàng Vân. Từ rằm tháng Chạp cho đến 30 Tết, các lò luôn đỏ lửa, xuất bán hàng nghìn chiếc bánh cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
TP Bắc Giang tổ chức chương trình "Tặng quà Tết - Trao bánh chưng xanh ấm tình phụ nữ"
(BGĐT) - Sáng 24/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Bắc Giang tổ chức chương trình “Tặng quà Tết - Trao bánh chưng xanh ấm tình phụ nữ” và “Mẹ đỡ đầu” nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...