Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Cảm nhận một chặng đường

Cập nhật: 06:46 ngày 22/10/2022
(BGĐT) -  Cha ông ta có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Dù chỉ đi một quãng đường chưa đầy mấy chục cây số trên cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang cũng đã cho tôi những cảm nhận rõ nét mà sâu đậm về sự phát triển của vùng đất miền trung du này.

Dẫu rằng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô đến thành phố miền biên viễn xứ Lạng chỉ còn khoảng 2 giờ xe chạy. Dẫu từ khi xuất hiện trên bản đồ nước Việt với cái tên đầy chất thơ - Phủ Lạng Thương đến hôm nay qua bao biến thiên của lịch sử, Bắc Giang đã thành một đô thị hiện đại, đáng sống ven sông Thương - một điểm nhấn trên con đường rộng mở ấy. 

{keywords}

Cầu Mỹ Độ bắc qua sông Thương.

Nghĩa là dù đã bao thay đổi, tôi vẫn cứ hay mường tượng con đường ấy trong thuở ban đầu của nó, con đường thiên lý nối Kinh đô Thăng Long với ải Nam Quan, manh nha hình thành từ thời nhà Lý năm 1010 và cả sau này với bao huyền tích, kỷ niệm mà đa phần trong số đó gắn với Phủ Lạng Thương xưa và Bắc Giang nay, một đô thị soi bóng mang một cái tên đầy thương nhớ: Sông Thương. Âu thế cũng là cách để thấy hết được tầm vóc của sự phát triển hôm nay.

Theo sử sách, con đường thiên lý Hà Nội - Lạng Sơn khởi dựng từ thời Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long năm 1010. Xuất phát từ Thăng Long, qua Bắc Ninh, Bắc Giang lên vùng biên giới Việt - Trung ở Lạng Sơn, con đường kết thúc tại trấn Nam Quan (nay là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị). Năm 1019, tuyến đường hoàn thành, sau mở rộng thành quan lộ. 

Các triều đại nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, nhà Mạc vẫn tiếp tục sử dụng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường này, song về cơ bản vẫn giữ nguyên hiện trạng như thời nhà Lý, nhiều đoạn đường đất nhỏ hẹp bị ngăn cách bởi sông suối, khó khăn đi lại khi mưa, lũ. Đến thời nhà Nguyễn, tuyến đường được mở rộng, nắn thẳng và bắc cầu qua sông suối, chỗ bùn lầy đắp thêm đất. 

Những năm cuối thế kỷ XIX, nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa ở Việt Nam, người Pháp sửa chữa, mở rộng tuyến đường. Trong suốt tiến trình lịch sử trước thế kỷ XX, tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn được coi là huyết mạch quốc gia trong việc đi lại thông thương, ngoại giao với Trung Quốc, có vị trí, vai trò quan trọng trong cả lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội đối với đất nước. 

Điều đó khẳng định sự đúng đắn, nhạy bén của cha ông xưa và nhà nước ta hôm nay trong việc quan tâm phát triển giao thông, nhất là việc mở và cải tạo, nâng cấp tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn.

{keywords}

Tỉnh Bắc Giang đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngắn gọn vậy thôi mà cũng đã bao thế kỷ, trải qua bao biến thiên, kể cả thiên tai, giặc giã, binh đao, khói lửa… Ngay chỉ một đoạn đường qua Bắc Giang quê tôi cũng đã bao vật đổi sao dời. Mỗi khi lại qua nơi đây, tôi cứ hình dung ra những đổi thay ven con đường thiên lý ấy, trên quê hương Bắc Giang của tôi từ khi có nó đến nay. 

Chỉ tính từ khi tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 10/10/1895, tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương đến năm 1962 nhập vào với Bắc Ninh làm nên Hà Bắc rồi trở lại với cái tên Bắc Giang vào ngày 1/1/1997, đến nay đã hơn thế kỷ. Ngay như Phủ Lạng thương, từ một thị xã tỉnh lỵ, thành thị xã Bắc Giang rồi đến nay là TP Bắc Giang từ tháng 6/2005, cũng đã ngót hai chục năm. 

Lịch sử chỉ ngắn gọn vài dòng như thế, nhưng đã có bao nhiêu đổi thay, phát triển chỉ tính từ năm 1997 đến nay. Và ngay hai bên con đường cao tốc êm thuận, từ lúc qua cầu Như Nguyệt, tức là đã vào đến địa phận Bắc Giang đã có thể cảm nhận rất rõ những đổi thay ấy. Những Khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê, Vân Trung… nhộn nhịp hối hả. 

Được biết đến nay Bắc Giang đã có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó 8 khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5 ha. 

Những khu công nghiệp hầu hết nằm ven con đường thiên lý xưa và cao tốc hiện đại hôm nay với hàng trăm doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động, hầu hết là người sở tại đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cũng như tạo ra những thay đổi về diện mạo của vùng đất trung du ven con đường thiên lý này. 

Ngay như đoạn cao tốc đi ngang TP Bắc Giang chưa tới mươi phút xe chạy, cũng đủ để thấy những đổi thay. Nào là công viên xanh mướt mang tên người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, các khu đô thị với cảnh quan hiện đại, bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đẹp... 

Bên phải con đường, theo hướng từ Hà Nội đi lên là Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang có sức chứa khoảng 4.500 chỗ ngồi. Công trình thể thao hiện đại này là nơi diễn ra các trận đấu cầu lông SEA Games 31 hồi tháng 5/2022 cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác của Bắc Giang và cả nước.

Riêng tư hơn một chút, dù đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có lối ra vào thị trấn Kép quê tôi, nhưng tôi vẫn thích đi con đường cũ, qua ngã ba Quán Thành, Giỏ, Vôi để về Kép. Cũng nằm trên con đường thiên lý này, thị trấn Kép quê tôi đang thay đổi từng ngày. 

Trục đường chính của thị trấn, ngày nào còn rải cấp phối, nay đã láng nhựa phẳng lì, vỉa hè rộng rãi, đèn cao áp tỏa sáng mỗi đêm. Và mỗi lần từ quê xuôi Hà Nội qua Khu đô thị mới Bách Việt, tôi thường cho xe chạy chậm lại. Trong lòng khu đô thị ấy có một con phố khá nhiều cây xanh mà UBND tỉnh Bắc Giang đã đặt tên cho chú tôi, họa sĩ Tạ Thúc Bình, cùng nhiều con phố mang tên các nghệ sĩ khác như Bàng Bá Lân, Anh Thơ… thể hiện sự tri ân của Bắc Giang với những người con đã có những cống hiến, làm rạng danh quê hương.

Gần đây, trên Cổng thông tin điện tử Bắc Giang, tôi đọc được những thông tin về Phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030. Theo đó, ngoài khai thác những tuyến đường chạy qua địa phận tỉnh như cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, tuyến Vành đai 5 Vùng Thủ đô… còn biết bao tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, mở mang. 

Lại nghĩ, chỉ một đoạn vài chục cây số con đường thiên lý xưa, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nay mà đã chứng kiến bao thay đổi đáng mừng như thế, thì đi hết dọc ngang những con đường trên địa phận Bắc Giang đã và sẽ được nâng cấp, hiện đại hóa như QL31, QL37, QL17, QL279… thì niềm vui khi chứng kiến những đổi thay, phát triển còn nhiều biết chừng nào.

Tháng 6 năm nay, vào vụ vải sớm chúng tôi được về thăm Tân Yên. Tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Quốc Hưng nói vui: Các anh, các chị về Tân Yên dịp này hơi bụi, vì đang thời điểm xây dựng mở mang. Trong những công trình đang được mở mang, xây dựng ấy, có cả những con đường. Hẹn mùa sau về đây, đường sá sẽ khang trang, êm thuận hơn để đón du khách về với Tân Yên và đưa vải sớm cùng nhiều đặc sản Tân Yên đến mọi miền đất nước.

Lại nhớ chừng dăm sáu năm trước, khi đoạn cao tốc từ đầu cầu Như Nguyệt đến TP Bắc Giang đang được xây dựng, đường thường xuyên ùn tắc, có những lúc vài tiếng đồng hồ. Một bạn đồng nghiệp Bắc Giang động viên: Cố chấp nhận sự bất tiện, chỉ ít tháng nữa, đường sẽ thênh thênh. 

Lời hứa hẹn ấy giờ đã thành hiện thực. Bởi cũng như lời hẹn của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, đó là lời hẹn của những người biết rõ và tin tưởng vào những công việc, những dự kiến cho tương lai mà mình đang góp sức, chung tay thực hiện. Tôi mong và tin sẽ còn có nhiều, rất nhiều những lời hẹn như thế về tương lai của Bắc Giang quê mình...

Ghi chép của Việt Anh

Kỷ niệm 127 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang: Ấn tượng những khoảnh khắc hơn 100 năm trước
Trung tâm thị xã Phủ Lạng Thương, cầu sắt Bắc Giang, khung cảnh nhộn nhịp ở nhà ga... là loạt ảnh tư liệu quý về Bắc Giang thời thuộc địa. Nhân kỷ niệm 127 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Giang 10/10/1895 - 10/10/2022, xin giới thiệu loạt ảnh về Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) hơn 100 năm trước.
Kỷ niệm 127 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang 10/10 (1895- 2022): Quê hương yêu dấu
(BGĐT) - Quê hương chúng ta ở vùng đất phía Bắc Tổ quốc, vùng đất phên giậu kinh kỳ và là vùng đất cổ đã có ngay từ đầu thuở bình minh dựng nước. Ngày 10/10/1895, Rút-xô - viên quan toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, Phủ Lạng Thương là tỉnh lỵ, tỉnh gồm hai phủ: Lạng Giang, Đa Phúc và sáu huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Kim Anh, Yên Thế, Hiệp Hòa, Phượng Nhãn.
Nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá vùng đất, con người Bắc Giang nhân kỷ niệm thành lập tỉnh
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 127 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Giang 10/10 (1895-2022), UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...