Trở lại Cai Lé
Hiến đất xong thấy lòng nhẹ nhõm
Tôi gặp lại ông Hoàng Văn Hải (SN 1965) tại nhà ở thôn Cai Lé - người mấy năm trước tiên phong hiến 250 m2 đất và chặt hơn 20 cây vải thiều trồng cùng nhiều cây rừng để ủng hộ địa phương mở rộng đường vào Nhà máy. Giờ đây ông có công việc mới là cân rác mỗi khi có chuyến xe ô tô chở vào.
![]() |
Đường giao thông vào thôn Cai Lé. |
Trút bộ đồ công nhân, ngồi trò chuyện, ông Hải nhớ lại: “Chúng tôi được tuyên truyền về việc hiến đất làm đường khoảng đầu năm 2019. Nhưng hôm cán bộ xã đến đo để cắm mốc chuẩn bị giải phóng mặt bằng (GPMB), tôi bị ốm phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tôi bảo các cháu ở nhà cứ tiến hành thôi, cần bao nhiêu đất thì lấy bấy nhiêu”.
Không chỉ gia đình mình, ông còn nhắc người con trai Hoàng Văn Chính hiến thêm gần 200 m2 ven đường mà không đòi hỏi đền bù. “Hiến đất xong, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, không băn khoăn, vướng bận gì. Bây giờ Nhà máy chạy thử nghiệm, nhiều bà con được nhận vào làm, tôi càng thấy vui”- ông Hải hồ hởi.
Gần trưa, gió lồng lộng thổi, Thượng úy Diệp Đình Phương, dân tộc Sán Dìu, Trưởng Công an xã Kiên Thành mời tôi đi vào tham quan Nhà máy. Trên đường đi, cơn mưa rừng bất chợt đổ về nhưng đường không trơn. “Từ ngày xây dựng Nhà máy xử lý rác, đường vào đây đẹp hẳn, chả lo nắng bụi, mưa lầy" - Thượng úy Phương cho biết.
![]() |
Một dây chuyền tại Nhà máy.
|
Con đường dài gần 4,5 km, chiều rộng đủ để hai ô tô tránh nhau như dải lụa mềm vắt qua những sườn núi. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực vì lợi ích chung. Chúng tôi rẽ vào ngôi nhà ven đường ngay cổng Nhà máy xử lý rác của vợ chồng anh chị Hoàng Văn Tẩy - Hoàng Thị Thủy. Thấy Trưởng Công an xã, chị Thủy đon đả: “Phương ơi, hôm nay cháu có trực không, có bận không, ở lại nhà cô ăn cơm, gà đầy, cá đầy, rau rừng vừa hái tươi lắm”.
Trong câu chuyện bên chén trà, tôi được biết thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an đã kiên trì làm công tác dân vận, ngày đêm gắn bó với bà con để tạo sự đồng thuận triển khai dự án. Ngay như gia đình anh Tẩy ban đầu cũng chưa hẳn đã nhất trí với phương án GPMB Nhà nước đưa ra.
Thế nhưng được tuyên truyền về dự án, anh đã hiến hơn 270 m2 đất ngang qua cổng. “Nếu tính ra tiền đền bù cũng vài trăm triệu đấy. Nhưng mà thôi, mình hiến đất mở rộng đường thì mình cũng có lợi trong đó mà” - anh Tẩy cười. Tôi hỏi: "Anh có hài lòng với dự án này?".
![]() |
Chị Hoàng Thị Thủy, thôn Cai Lé phấn khởi khi có việc làm tại Nhà máy. |
Anh tủm tỉm, trả lời chắc như đinh đóng cột: “Hài lòng quá đi chứ. Có Nhà máy mới có đường đẹp như thế này. Từ khi có việc làm ở Nhà máy, vợ tôi không phải đi xa nữa”. Thì ra mấy năm nay, chị Thủy vẫn khăn gói ra Hà Nội làm giúp việc, nửa năm mới về nhà một lần. Giờ đi làm cách nhà có mấy bước chân, công việc là nấu ăn, quét dọn văn phòng làm việc, chị Thủy rất phấn khởi.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Kiên Thành do Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt có trụ sở tại tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng 11 ha, trong đó xây dựng Nhà máy là 3,4 ha; còn lại là trồng cây để khảo nghiệm phân bón. |
Thôn Cai Lé có 45 hộ, 206 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Nùng, cả thôn còn 9 hộ nghèo.
Khác với nhiều nơi, việc hiến đất để mở đường rộng đẹp cho người dân đi lại thuận lợi, Cai Lé còn thêm một nhiệm vụ nữa là “dọn đường” để xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt.
Nói đến rác thì ở đâu cũng lo, bà con sợ rác sẽ gây ô nhiễm nên ban đầu chưa đồng thuận. Nhưng khi đã hiểu rõ lợi ích chung, người dân trong thôn đã hiến tổng số hơn 2 nghìn m2 đất, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng kế hoạch.
Cuộc sống sẽ nhiều đổi thay
Dự án Nhà máy xử lý rác tại Kiên Thành do Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt có trụ sở tại tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng 11 ha, trong đó xây dựng Nhà máy là 3,4 ha; còn lại là trồng cây để khảo nghiệm phân bón.
![]() |
Một góc Nhà máy xử lý rác.
|
Ông Trần Thái Thuấn, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: "Thi công dự án trong điều kiện xa xôi, khó khăn, lại vào thời điểm có dịch Covid-19 song chúng tôi đã được chính quyền địa phương, người dân tạo điều kiện thực hiện bảo đảm tiến độ".
Vào từng dây chuyền, chúng tôi nghe tiếng động cơ quay đều. Công nhân mỗi người mỗi công đoạn, họ không chỉ là thanh niên trai tráng mà còn có cả những phụ nữ, người tuổi ngoài 50.
![]() |
Một dây chuyền trong nhà máy. |
Ông Nguyễn Thế Oanh (53 tuổi) ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn) là nhân viên bộ phận lò đốt. Vừa thao tác, ông vừa kể: “Trước đây tôi làm phụ hồ, túc tắc buổi làm buổi không, được khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Nay vào đây có gò bó về thời gian hơn nhưng thu nhập gấp 3 lần. Nhà cũng gần nên đi lại thuận lợi, tôi mong sẽ được làm việc lâu dài”.
Do dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm nên số lượng công nhân vào làm việc còn khiêm tốn, hiện mới có gần 40 người. Khi chính thức đi vào hoạt động ổn định, Ban Giám đốc sẽ ưu tiên tuyển lao động là người dân thôn Cai Lé và Đèo Cạn.
Trước mắt có hai hộ khó khăn được Nhà máy chia sẻ cho sử dụng điện miễn phí; một số hộ khác nguồn điện yếu ảnh hưởng đến việc bơm nước tưới vườn muốn nhờ đến sự giúp đỡ, lãnh đạo Nhà máy đang xem xét, nếu dư công suất sẽ sẵn sàng.
Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Thuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, ông bảo: “Chỉ ít năm nữa thôi, không chỉ thôn Cai Lé mà cả xã và vùng này sẽ đổi thay. Giao thông thuận lợi, kinh tế khởi sắc, bà con có việc làm, đời sống sẽ khấm khá hơn”.
![]() |
Nhiều hộ dân phát triển kinh tế rừng. |
Tôi hỏi ông đổi thay như thế nào? Ông Thuấn cho hay: "Dự án triển khai, người dân cũng được hưởng lợi. Rõ nhất là hạ tầng giao thông, con đường bê tông dài gần 4,5 km vào đến nơi rồi, người dân đi lại thuận tiện hơn nhiều. Trong kế hoạch sẽ tiếp tục nâng cấp và mở rộng thêm, là tiền đề cho mục tiêu xóa nghèo bền vững".
Được biết, đầu năm 2023, huyện sẽ đầu tư xây dựng một trạm biến áp cho người dân ở khu vực này, vừa bảo đảm sinh hoạt vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp bà con bơm tưới nước cho cây ăn quả dễ dàng. Nhà máy ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ. Có công trình xử lý rác thải sinh hoạt, môi trường chung của Lục Ngạn sạch hơn.
Nhắc đến những lợi ích mà người dân được hưởng, ông Thuấn không quên những vấn đề mà lãnh đạo Nhà máy cần quan tâm. Đó là ô tô vận chuyển rác không để rò rỉ nước rác trên đường, không làm ô nhiễm. Đặc biệt là những yếu tố kỹ thuật như lò đốt, tốc độ đốt phải bảo đảm công suất thiết kế khoảng 1000 độ C, không đốt lừng khừng như cây củi cháy dở dễ dẫn đến khói quẩn, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.
Rời Cai Lé khi trời ngả về chiều, nắng dần nhạt màu. Dừng lại bên con đường bê tông loang loáng nước, tôi thấy nhiều xe máy chạy băng băng, những đôi vợ chồng chở nhau đi làm rừng, làm bãi về nhà, công nhân rộn ràng tan ca... Những hình ảnh đó đang tạo nên nhịp sống mới ở một thôn miền núi xa xôi.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)