Chuyện về dòng họ ở Bắc Giang 10 năm hiến máu cứu người
Cán bộ nêu gương, người dân hưởng ứng
Trong phòng làm việc của ông Khoát có nhiều giấy khen, chứng nhận về hoạt động hiến máu nhân đạo. Ông cho tôi xem danh sách 10 người họ Dương với tổng số hơn 160 lượt hiến máu, trong đó có cả tên ông và nhiều cán bộ xã giữ các chức danh như: Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Người hiến ít cũng 7-8 lần, người hiến nhiều lên tới 30-40 lần. "Đây mới chỉ là thống kê những người tiêu biểu, số người hiến vài lần nhiều lắm", ông Khoát nói.
![]() |
Thành viên dòng họ Dương trao đổi về việc hiến máu nhân đạo. |
Họ Dương là dòng họ lớn của xã với gần 460 gia đình. Thời điểm trước năm 2010, khái niệm hiến máu còn khá xa lạ đối với người dân. Có những đợt cấp trên vận động hiến máu, cả xã chỉ lác đác vài người trong dòng họ tham gia. Nguyên nhân chính là do nhiều người chưa hiểu hết về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, một phần lo ngại ảnh hưởng sức khỏe.
Ngay cả bản thân ông cách đây khoảng 10 năm khi đang giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cũng cảm thấy áy náy vì chưa từng hiến máu. Mình không hiến thì vận động được ai. Với suy nghĩ ấy, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ông hiến 1-2 lần. Cứ thế, cán bộ xã mang họ Dương tham gia hiến máu ngày một nhiều, dần lan tỏa xuống các thôn, xóm tạo thành phong trào của dòng họ. Mỗi đợt huyện Tân Yên phối hợp tổ chức hiến máu, có từ 50-60 người trong dòng họ xung phong tham gia.
Để làm rõ thêm những điều mình chia sẻ, ông Khoát giới thiệu tôi gặp một số cán bộ họ Dương, trong đó có ông Dương Văn Lăng (SN 1966), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đồng thời là Bí thư Chi bộ thôn Núi Ính. 56 tuổi, dáng vóc của ông Lăng săn chắc, da ngăm đen khỏe khoắn, tác phong nhanh nhẹn, nói cười rôm rả. Năm 2006, lần đầu tiên ông đi hiến máu, khi ấy ông giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Ngọc Vân.
“Ban đầu mình cũng hồi hộp, lo lắng vì chưa hiến bao giờ. Vả lại, nhìn những chiếc kim to xuyên vào tĩnh mạch, máu hút ra từng bịch cũng thấy sợ. Lúc hiến tôi nhắm mắt, không dám nhìn vào cánh tay của mình. Thế nhưng khi hiến xong, tôi thấy bình thường. Những lần sau, cảm giác sợ sệt không còn nữa”, ông Lăng bộc bạch. Đến nay, ông Lăng hiến hơn 30 lần (mỗi lần từ 250-350 ml máu). Mỗi khi huyện, xã có công văn vận động hiến máu tình nguyện, ông luôn là người đăng ký đầu tiên. Thấy cán bộ năng nổ, tích cực đi hiến, nhiều người trong dòng họ và thôn làm theo.
Anh Dương Ngô Trí (SN 1997) ở thôn Thúy Cầu làm ở một công ty điện tử là người trẻ, tiêu biểu nhất của dòng họ Dương trong phong trào hiến máu tình nguyện. Hiện anh là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Hiến tiểu cầu Bắc Giang (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh). Ngoài địa bàn huyện Tân Yên, anh còn tham gia hiến ở nhiều nơi trong tỉnh. Mỗi năm, anh Trí hiến từ 8-10 lần, phần lớn là tiểu cầu. Với ngành Y tế, tiểu cầu là chế phẩm rất đặc biệt, dành để điều trị những trường hợp xuất huyết, rối loạn đông máu nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
![]() |
Tính đến nay, anh Dương Ngô Trí hiến máu 45 lần - là người có số lần hiến máu nhiều nhất dòng họ Dương ở xã Ngọc Vân. |
Đến nay, anh Trí đã hiến máu 45 lần, trong đó có 16 lần hiến tiểu cầu cho những trường hợp nguy kịch. Có những đêm anh đang ngủ ngon giấc, ngoài trời mưa, rét, nhận được lời đề nghị hiến máu gấp, anh lại tức tốc lên đường, không hề quản ngại. Lần gần nhất cách đây hơn 1 năm, khi đang trên đường đi xe máy từ Bắc Giang ra Hà Nội giải quyết việc riêng, anh nhận được điện thoại của CLB Hiến tiểu cầu tỉnh Bắc Giang thông báo Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang cấp cứu một nạn nhân trong cơn nguy kịch, cần máu gấp.
Lập tức anh Trí quay xe trở về Bắc Giang với quãng đường gần 50 km để cứu giúp người bệnh. Hiến máu đều đặn, thể trạng anh Trí thay đổi rõ rệt. Cách đây 5-6 năm, anh chỉ nặng 51 kg, trong khi cao 1,65 m, mọi người vẫn gọi đùa là "cò hương" nhưng kể từ khi hiến máu đến nay, anh tăng cân và luôn duy trì mức 64 kg.
Trách nhiệm với cộng đồng
Trao đổi với đại diện của dòng họ Dương được biết, cách làm của dòng họ là đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động. Tranh thủ những lúc gia đình, dòng họ có việc tập trung đông người (cưới, liên hoan, chạp họ…), những người có uy tín và nhiều lần hiến máu chia sẻ về ý nghĩa, lợi ích từ việc tham gia hiến máu tình nguyện để các thành viên hiểu rõ đây là nghĩa cử cao đẹp không chỉ mang lại sự sống cho người khác mà còn tốt cho sức khỏe.
Mưa dầm thấm lâu, số người tham gia hiến máu ngày càng đông. Hằng năm, vào các dịp họp mặt, tổng kết hoạt động của dòng họ Dương, ai có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu được biểu dương. Cùng đó, dòng họ còn thành lập các nhóm Facebook, Zalo để chia sẻ hình ảnh, việc làm thiện nguyện trên mạng xã hội, thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Hằng năm, chỉ tiêu hiến máu của xã Ngọc Vân luôn vượt kế hoạch đề ra, trong đó có đóng góp lớn của dòng họ Dương. Những năm gần đây, UBND huyện Tân Yên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND tỉnh và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận cho các cá nhân và tập thể dòng họ Dương, UBND xã Ngọc Vân trong phong trào hiến máu tình nguyện. |
Không ít người sau khi tham gia hiến máu trở thành những tuyên truyền viên tích cực của phong trào. Mỗi dịp hiến máu còn được kiểm tra sức khỏe, thêm gắn kết dòng họ.
Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, nhiều năm qua, các thành viên trong dòng họ Dương và nhiều người dân trong xã đóng góp hàng trăm đơn vị máu, kịp thời cứu sống người bệnh.
Theo lãnh đạo xã Ngọc Vân, hiện nay, phong trào hiến máu dần lan tỏa trong các dòng họ khác. Nhiều cán bộ ở xã, thôn "miệng nói, tay làm", vừa tuyên truyền, vận động, vừa là hạt nhân tích cực trong phong trào.
Chị Lưu Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã - người từng 15 lần hiến máu chia sẻ: "Năm 2015, tôi là cán bộ bán chuyên trách của xã, hay đau yếu. Khi sức khỏe ổn định, thấy nhiều người họ Dương công tác tại xã hiến máu, tôi giấu chồng, con tham gia. Sau này, mọi người trong nhà mới biết và đều vui vẻ ủng hộ. Hiện tôi tham gia nhiều nhóm trên mạng xã hội, thường xuyên đăng tải, chia sẻ về hoạt động hiến máu của người dân trong xã để lan tỏa đến nhiều người".
Bà Giáp Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên đánh giá: "Những đợt hiến máu tổ chức tại huyện, dòng họ Dương có số lượng người đi hiến nhiều nhất trong số các dòng họ của huyện. Những giọt máu nhân đạo ấy đã cứu sống biết bao người. Việc làm của dòng họ rất đáng biểu dương, nhân rộng".
Hằng năm, chỉ tiêu hiến máu của xã Ngọc Vân luôn vượt kế hoạch đề ra, trong đó có đóng góp lớn của dòng họ Dương. Những năm gần đây, UBND huyện Tân Yên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND tỉnh và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận cho các cá nhân và tập thể dòng họ Dương, UBND xã Ngọc Vân trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)