Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều y, bác sĩ vẫn gắn bó với nghề

Cập nhật: 16:44 ngày 30/07/2022
(BGĐT) - Hai năm gần đây, cả nước có hàng nghìn nhân viên tại các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Tuy vậy, trong khó khăn, nhiều y, bác sĩ ở Bắc Giang vẫn nỗ lực không ngừng, đem kiến thức, kỹ năng của mình để chữa bệnh cứu người. Trên hành trình ấy, lời thề Hippocrates vẫn luôn ghi khắc trong tim giúp họ có thêm sức mạnh tận tâm cống hiến. 

Dốc sức cứu người

Hơn 3 giờ sáng 23/7, bác sĩ Bùi Thị Thu Hương (SN 1984), Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) nghe tiếng gọi thất thanh “bác sĩ ơi”, chị cùng kíp trực ngay lập tức có mặt. Bệnh nhi là một bé trai 20 tháng tuổi, ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) được người thân đưa vào viện do sốt cao, ho liên tục, khó thở, quấy khóc.

Lời thề Hippocrates là văn bản nổi tiếng nhất trong y học phương Tây. Trong nhiều thế kỷ, lời thề đã cung cấp cái nhìn tổng thể về nguyên tắc phạm vi hoạt động chuyên môn và đạo đức của bác sĩ. Răn dạy bác sĩ thực hành y học với khả năng tốt nhất, sẵn sàng chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp, có thái độ thông cảm, từ bi, tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân.

 

Qua thăm khám, bác sĩ Hương chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản, suy hô hấp nên nhanh chóng làm sạch đờm hầu họng, chỉ định cho bệnh nhân thở ô xy kết hợp dùng thuốc. Khoảng 30 phút sau cấp cứu, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhi dần ổn định, da hồng hào, lúc này kíp trực mới thở phào nhẹ nhõm.

Do thường xuyên tiếp nhận ca bệnh nặng từ các địa phương chuyển về nên Khoa Cấp cứu còn là nơi "đầu sóng ngọn gió" của Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. Có nhiều trường hợp bệnh nhi chỉ vài tháng tuổi, nhẹ cân, sức đề kháng yếu nên khi mắc bệnh diễn tiến rất nhanh, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh.

{keywords}

Bác sĩ Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi điều trị tại phòng hồi sức.

Bởi vậy, các bác sĩ, điều dưỡng luôn thường trực sẵn sàng cấp cứu, đồng thời không ngừng học tập, cập nhật kiến thức y học hiện đại, rèn luyện khả năng ứng phó trước mọi tình huống, chạy đua với thời gian, giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân nặng.

Tại xã Quang Châu (Việt Yên) có gần 17 nghìn dân và công nhân sinh sống, bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho hay, công việc nơi đây rất nhiều, trong khi thu nhập bình quân của nhân viên y tế cơ sở chỉ hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Nếu đem so sánh thì không bằng thu nhập của công nhân trong khu công nghiệp. 

Dược sĩ Nguyễn Thị Anh (SN 1987), chồng mất sớm, một mình nuôi con nhỏ, tranh thủ giờ nghỉ, chị bán hàng online để có thêm thu nhập. “Mỗi khi nghĩ đến gia đình, tôi cũng muốn nghỉ làm ở trạm, tìm công việc mới để có thu nhập khá hơn. Nhưng đã mang trên mình chiếc áo blouse thì không cho phép mình quay lưng với người bệnh, chỉ có thể tự động viên bản thân thêm mạnh mẽ, vượt qua khó khăn”, chị tâm sự.

Ở mỗi vị trí trong ngành Y đều có đặc thù riêng, đặc biệt là những y bác sĩ làm việc ở chuyên khoa chăm sóc bệnh nhân lao, tâm thần, HIV. Bác sĩ Vũ Văn Thiện (SN 1963), Trưởng Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Phổi tỉnh) chia sẻ: “Hơn 33 năm trong nghề, lời thề Hippocrates tôi vẫn mãi ghi nhớ, như ngọn lửa soi sáng, định hướng cho tôi vững vàng vượt qua bao khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ". 

Những mẫu bệnh phẩm của người bệnh phổi và bệnh nhân nghi nhiễm lao đưa về tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao song các bác sĩ, kỹ thuật viên đều vào cuộc truy tìm nguyên nhân gây bệnh nhanh nhất. Mọi thao tác đều phải hết sức cẩn trọng, vì chỉ một chút bất cẩn cũng có thể lây nhiễm bệnh, nguy hiểm đến sức khỏe cho chính mình và công tác phòng, chống nhiễm khuẩn trong Bệnh viện.

Nhớ lại thời điểm tháng 5, tháng 6 năm 2021 đỉnh dịch Covid-19, hàng nghìn nhân viên y tế phải làm việc cường độ cao, thường xuyên xa nhà song tất cả vẫn động viên nhau giữ vững niềm tin, nỗ lực chống dịch, cứu chữa bệnh nhân. 

Từ đó, cùng cấp ủy, chính quyền kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đưa Bắc Giang trở lại trạng thái bình thường. Trong gian khó càng thấy rõ sứ mệnh thiêng liêng của những người thầy thuốc. Hình ảnh chiếc áo blouse trắng trên tuyến đầu trở thành niềm tự hào nghề nghiệp của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức ngành Y.

Củng cố niềm tin, rèn y đức, nâng cao y thuật

Sau đại dịch Covid-19, cả nước có hàng nghìn nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển công tác, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội. Nguyên nhân do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi hệ thống y tế tư nhân có chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt hơn. 

{keywords}

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh". Ảnh: Việt Nga.

Tại Bắc Giang, số cán bộ, nhân viên ở cơ sở y tế công lập nghỉ việc, chuyển công tác từ năm 2021 đến nay có 114 trường hợp. 

Để y, bác sĩ có đời sống ổn định, yên tâm gắn bó với nghề, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho hay, nhiều lần Sở đã kiến nghị với Bộ Y tế trình Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương cho nhân viên y tế. Cùng đó chỉ đạo các cơ sở y tế chăm lo đời sống đoàn viên công đoàn, người lao động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ; củng cố, kiện toàn bộ máy, chú trọng sắp xếp, bố trí cán bộ giỏi vào những vị trí việc làm phù hợp để phát huy năng lực, sở trường.

Toàn ngành có hơn 6,5 nghìn công chức, viên chức, người lao động. Tỷ lệ nữ chiếm 65%. Theo bà Vũ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế, khó khăn với nữ bác sĩ, điều dưỡng tăng lên gấp đôi, gấp ba bởi ngoài trách nhiệm ở cơ quan, bệnh viện họ còn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, làm con trong gia đình. Không ít gia đình có cả vợ và chồng, con trai, con gái, con dâu, con rể làm cùng ngành. 

Trong "làn sóng" nhiều cán bộ ngành y trên cả nước nghỉ việc hoặc chuyển công tác, hầu hết các y, bác sĩ tại các cơ sở công lập trong tỉnh vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề. 5 năm qua, toàn ngành có hơn 1,2 nghìn công trình nghiên cứu, sáng kiến, đề tài khoa học được thực hiện và hàng trăm kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu được áp dụng thành công tại các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Mạng lưới y tế phát triển sâu rộng giúp người dân được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, tiết kiệm chi phí ở ngay trong tỉnh mà không phải đi xa. Phía sau những thành quả đó là sự hy sinh, tận tụy cống hiến của biết bao thầy thuốc. 

Như bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Cường (SN 1981) vừa được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. Những năm qua, anh đã học tập, nâng cao tay nghề, cùng đồng nghiệp phẫu thuật hơn 220 ca mắc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em, trong đó có bệnh nhi mới 75 ngày tuổi, chỉ nặng 4kg bị thông liên thất. 

Các ca phẫu thuật tỷ lệ thành công 100%, không có tai biến xảy ra. Bác sĩ Hoàng Chí Thành (SN 1972), Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có giải pháp “Phẫu thuật tạo hình đốt sống bằng bơm Cement ở bệnh nhân xẹp thân đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang’’. 

“Người dân Bắc Giang có thể thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất tại địa phương là mục tiêu và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, học tập, nâng cao tay nghề”, bác sĩ Thành chia sẻ. 

Ở một số khu điều trị vô khuẩn, bệnh nhân nặng không có người nhà ở bên cạnh nên các bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau chăm sóc, lo cho từng viên thuốc, bữa ăn, giấc ngủ; trở thành người thân của bệnh nhân trong lúc chiến đấu với bệnh tật.

Một trong những yêu cầu đối với các bác sĩ khi thực hành y thuật là luôn nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Truyền nhiễm. Đến nay bà có 24 năm công tác, trong đó hơn 20 năm làm việc lĩnh vực truyền nhiễm. 

Trước thực tế Khoa thiếu nhân lực, khối lượng công việc lớn nên dù đủ điều kiện nghỉ hưu từ năm 2020 (làm việc trong môi trường độc hại) nhưng bác sĩ vẫn ở lại tập trung chăm sóc người bệnh, chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp để mọi người vững vàng hơn tay nghề. Hay như Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Trương Quang Vinh nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng hình ảnh đẹp của y, bác sĩ.

Bên cạnh những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, khách quan nhìn nhận đâu đó vẫn có hình ảnh chưa đẹp của bác sĩ trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Bởi vậy, hiện nay các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn đều phát động phong trào thi đua rèn y đức, nâng cao y thuật và chất lượng khám, chữa bệnh. 

Mỗi cán bộ nhân viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình theo lời thề y đức Hippocrates, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt văn hóa ứng xử.

Dẫu trải qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống và nghề nghiệp nhưng những tấm gương thầy thuốc bình dị vẫn yêu nghề, tận tâm, tận lực cứu chữa người bệnh và giữ trọn lời thề Hippocrates.

Bài, ảnh: Mai Toan - Hoài Thu

Nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19: Hết lòng vì sứ mệnh cứu người
(BGĐT) - Hai năm qua, để giữ an toàn cho nhân dân, lực lượng y tế Bắc Giang đã dồn toàn lực vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Họ luôn có mặt tại những “điểm nóng” dịch bệnh, thâu đêm lấy mẫu xét nghiệm, đằng đẵng những ngày dài điều trị F0 với bộn bề khó khăn, gian khổ. 
Sứ mệnh
(BGĐT) - Mùa xuân đã tới rồi mà cậu bé Nắng vẫn cuộn mình giữa tầng tầng, lớp lớp những đám mây tít tận trời cao. Có vẻ như cậu ta vẫn còn đang rất say sưa trong giấc ngủ dài từ dạo giữa mùa đông.
Hoàn thành sứ mệnh chuyến bay không để ai bị bỏ lại phía sau
30 giờ qua có lẽ là những phút giây bác sĩ Hùng và những người đồng nghiệp của mình căng như dây đàn để xử lý các tình huống trong chuyến bay giải cứu công dân từ Guinea Xích Đạo về nước.
Bắc Giang có một bác sĩ được vinh danh thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc
Tối 21/3, tại Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 với chủ đề “Thầy thuốc trẻ trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Giang: Nỗ lực mỗi ngày vì người bệnh
(BGĐT) - Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Văn Giang (SN 1985), Phó trưởng Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang luôn là tấm gương sáng trong công việc, hết lòng vì người bệnh. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...