Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chia giọt máu hồng

Cập nhật: 16:27 ngày 16/07/2022
  
{keywords}

Trong tổng số hơn 15 nghìn đơn vị máu tiếp nhận được hằng năm và gần 1,2% dân số hiến máu tình nguyện (HMTN) của tỉnh Bắc Giang, có hàng nghìn người thuộc các câu lạc bộ (CLB), đội hiến máu dự bị, tiểu cầu, máu hiếm tham gia hiến máu cấp cứu. Không nghĩ tới việc được tôn vinh hay quyền lợi ưu tiên, nếu cần tiếp máu, họ sẵn sàng lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng, chỉ mong cứu sống người bệnh.

{keywords}

Cuộc trò chuyện của tôi và bác sĩ Trần Mạnh Tùng (SN 1991), Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bắt đầu khi anh vừa kết thúc ca trực đêm. Tôi ngỏ ý hẹn gặp vào cuối giờ trưa để anh có thời gian nghỉ ngơi sau ca trực dài nhưng bác sĩ trẻ vội đáp: “Tôi quen thức đêm rồi nên chị yên tâm”.

{keywords}

Đông đảo cán bộ, chiến sĩ công an, người dân trên địa bàn huyện Việt Yên tham gia hiến máu tình nguyện.

Năm 2015, anh Tùng tốt nghiệp chuyên ngành y đa khoa tại Đại học Y dược Thái Bình, năm 2016 về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vốn năng nổ, thích tham gia các hoạt động xã hội nên khi còn là sinh viên, anh đã tích cực tham gia CLB “Ngân hàng máu sống” của nhà trường. Về tỉnh công tác, cùng với nỗ lực trong chuyên môn, bác sĩ trẻ Trần Mạnh Tùng tiếp tục tham gia nhiều phong trào thiện nguyện.

Kể về lần đầu tiên hiến máu cấp cứu khi là sinh viên năm thứ 4, anh Tùng vẫn nhớ mãi cảm giác hồi hộp xen chút lo lắng. “Cho máu trực tiếp người bệnh, nhất là khi họ đang trong cơn nguy kịch, cảm giác thật khó tả, chỉ mong sao giọt máu mình cho đi kịp thời cứu sống người bệnh”, anh Tùng chia sẻ. Thời điểm đó, anh đang tham gia đợt học thực tế tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình nên thuê trọ gần đó để tiện đi lại. Khoảng 22 giờ, khi anh vừa ngả lưng, chuẩn bị chợp mắt sau một ngày dài thực hành trong viện thì có tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng gấp gáp của một bác sĩ: Có sản phụ nhóm máu O+ bị băng huyết sau sinh đang cần truyền máu gấp. Anh đồng ý ngay và nhanh chóng lên đường. Vậy là 350 ml (1,5 đơn vị máu) của chàng sinh viên đã giúp sản phụ vượt qua cửa tử. Đến nay, trong tổng số 20 lần HMTN, có 3 lần bác sĩ Trần Mạnh Tùng cho máu trong trường hợp cấp cứu. Hiện anh là thành viên nòng cốt của Đội tuyên truyền, HMTN của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 60 bác sĩ, điều dưỡng tham gia.

{keywords}

Bác sĩ Trần Mạnh Tùng tham gia hiến máu tại điểm hiến máu cố định của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Điểm chung của những tình nguyện viên hiến máu là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Với chị Ngọc Thị Thúy Như (SN 1994), quê ở huyện Sơn Động, từ chỗ thời sinh viên “đi hiến máu chỉ để kiểm tra máu của mình có tốt hay không” và cho đến bây giờ, hầu như năm nào chị cũng tham gia HMTN 1-2 lần. Mới 28 tuổi, chị Thúy Như có 32 lần hiến máu cứu người.

{keywords}

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là lần hiến máu vào một đêm gần Tết Nguyên đán năm 2019. Khoảng 1 giờ sáng, chị bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại của người bạn cùng tham gia CLB thông báo về trường hợp một bệnh nhân bị tai nạn giao thông cần truyền máu gấp. Ngoài trời lúc đó mưa phùn, gió rét nhưng nghĩ đến bệnh nhân gặp hiểm nguy nên chị không chút chần chừ. “Mấy hôm sau, khi sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định, người nhà ngỏ ý cảm ơn bằng hiện vật nhưng tôi từ chối. Đơn giản vì việc làm của mình không có gì to tát. Mặt khác, tôi thấy hạnh phúc vì mình có sức khỏe để cứu giúp người”, chị Thúy Như nói.

{keywords}

Máu được xem là loại thuốc điều trị đặc biệt, không thể bào chế mà chỉ có thể truyền trực tiếp hoặc chiết tách thành phần từ cơ thể người khỏe mạnh sang người bệnh. Theo đó, lượng máu dự trữ tại các cơ sở y tế phục vụ cấp cứu, điều trị đều phụ thuộc vào nguồn hiến của những tình nguyện viên. Theo bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, dù các cấp, ngành, địa phương và cả cộng đồng nỗ lực vận động, lượng máu tiếp nhận được hằng năm luôn vượt kế hoạch đề ra nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu. Vì thế, ngoài phối hợp tổ chức ngày hội hiến máu tập trung thì việc nhân rộng và duy trì hiệu quả các CLB hiến máu trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trong hai năm gần đây, hoạt động HMTN gặp khó khăn do dịch Covid-19. Được biết, toàn tỉnh hiện có 33 CLB, đội vận động HMTN với gần 2 nghìn người tham gia, chủ yếu là đoàn viên thanh niên. Nhiều thành viên nòng cốt của các CLB như: Máu Bắc Giang, Hiến máu dự bị, Hiến tiểu cầu, Máu hiếm đã trở thành những “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng cho máu trong trường hợp khẩn cấp, kịp thời cứu sống người bệnh.

{keywords}

“Khi ai có đủ hoặc thừa một thứ gì đó, họ đem chia sẻ nó với người khác, khiến hai người cùng vui, đó là từ thiện. Người ta khá giả thì ủng hộ tiền bạc, còn tôi không giàu nhưng có đủ sức khỏe, nguồn máu dồi dào nên tôi chọn đi hiến máu” anh Trần Mạnh Quảng (SN 1989), xã Nghĩa Trung (Việt Yên) - thành viên hiến máu nhiều lần nhất (40 lần) của CLB Máu Bắc Giang chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, anh Quảng và các thành viên CLB Máu Bắc Giang thành lập một nhóm facebook với thông điệp “Hiến máu cứu người - Xin đừng thờ ơ”. Qua đây chia sẻ thông tin về những trường hợp cần máu gấp hay huy động thành viên tham gia hiến tại các ngày hội, tiếp lửa nhân ái để ngày càng có nhiều người hưởng ứng phong trào.

{keywords}

Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhân dân.

Những năm gần đây, trong công tác vận động HMTN xuất hiện thêm hoạt động hiến tiểu cầu. Trong các thành phần của máu, tiểu cầu là những mảnh tế bào nhỏ nhất nhưng giữ vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Với ngành Y tế, khối tiểu cầu là một loại chế phẩm rất đặc biệt, dành để điều trị những trường hợp xuất huyết, rối loạn đông máu nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Trong khi nó có đời sống ngắn, chỉ khoảng 7 - 10 ngày. Chính vì vậy, ngoài hiến máu toàn phần rất cần nhiều người tham gia hiến tiểu cầu để bảo đảm nhu cầu điều trị cho người bệnh. Đó cũng là lý do mà từ năm 2018, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập CLB Hiến tiểu cầu. Với phương châm “sẵn sàng có mặt”, trên trang facebook của nhóm, ban chủ nhiệm kết nối thường xuyên với tổ công tác xã hội của các bệnh viện, cập nhật nhanh nhất thông tin về các ca bệnh cần tiểu cầu. Từ đó, dựa vào thông tin cá nhân, nhất là nhóm máu và thời gian hiến tiểu cầu gần nhất của từng thành viên để kêu gọi kịp thời giúp người bệnh.

Được đặt biệt danh là "ngân hàng tiểu cầu", từ năm 2020 đến nay, cứ trung bình 3 tháng một lần, anh Dương Ngô Trí (SN 1997), xã Ngọc Vân (Tân Yên) lại đi xe máy từ nhà đến Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để hiến tiểu cầu. Đặc biệt, giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc huy động máu gặp rất nhiều khó khăn, anh Trí đã không quản vất vả khi liên tục 5 tháng hiến tiểu cầu duy trì sự sống cho một ca bệnh người Thanh Hóa bị suy tủy cấp độ 3. Song do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã không qua khỏi. “Rất buồn, thậm chí tự trách nhưng không vì thế mà tôi chùn bước bởi đang có nhiều người không may mắn cần được giúp đỡ. Và tôi tự động viên mình cố gắng duy trì lịch hiến tiểu cầu định kỳ, mang lại cơ hội khỏe mạnh cho nhiều người”, anh Trí tâm sự.

{keywords}

Tuyên dương, khen thưởng các điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Mỗi ngày trôi qua, có bao người không may gặp tai nạn, phát sinh bệnh tật, cũng có hàng nghìn trẻ em bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cần truyền máu. Trong khi đó, nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, rất cần những trái tim nhân ái, sẵn sàng chia sẻ giọt hồng. Họ chẳng vì lời cảm ơn từ người nhận máu, cũng chưa từng hỏi những giọt máu đó được trao cho ai, nhưng đều thầm lặng sẻ chia chỉ bởi lý do giản đơn mà cao quý, đó là giúp được nhiều người kéo dài sự sống và có thêm hy vọng.

Tường Vi
Ngọc Nhi
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...