Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẽ trọn dáng hình đất nước

Cập nhật: 08:53 ngày 04/06/2022
(BGĐT) - Chiến tranh qua đi đã gần nửa thế kỷ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đều đã cao tuổi. Trọn đời, trọn tình với nước non, các Mẹ là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc. 

“Nước mắt mẹ không còn”

Chiều cuối tháng Năm, tôi cùng cán bộ phụ nữ xã Thái Đào (Lạng Giang-Bắc Giang) vào thăm gia đình Mẹ VNAH Tăng Thị Khí (SN 1926) ở thôn Mầu. Lối nhỏ vào nhà được quét sạch sẽ, đồ đạc bài trí ngăn nắp, gọn gàng. Ti vi vẫn phát chương trình truyền hình mà Mẹ yêu thích. Hơn hai tháng nay, thời tiết thay đổi, bàn tay phải vừa mới gãy vẫn còn đau nên Mẹ được con gái Nguyễn Thị Chăm và con trai Nguyễn Ngọc Biên cùng người thân túc trực chăm sóc.

{keywords}

Mẹ Tăng Thị Khí vui cùng các con và đoàn viên thanh niên xã Thái Đào, huyện Lạng Giang.

Thấy có khách, Mẹ ngồi kể chuyện ngày xưa. Mẹ có 9 người con (7 trai, 2 gái), trong đó 4 con trai xung phong nhập ngũ. Đó là các anh: Nguyễn Ngọc Dược, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Ngọc Dâu và Nguyễn Ngọc Tư. Vào lúc quân Mỹ đánh phá ác liệt, trong không khí cả nước hừng hực khí thế ra trận chi viện sức người, sức của cho miền Nam, các con của Mẹ đang tuổi thanh xuân cũng lần lượt lên đường. 

Mẹ nhớ lại: “Ngày Cường cùng đơn vị vào miền Nam chiến đấu, hành quân qua nhà chỉ kịp vẫy chào thầy, u và bà con xóm làng. Lúc ấy, cả nhà chỉ mong Cường và đồng đội lên đường mạnh khỏe, đánh thắng giặc và trở về quê hương”.

Thời gian trôi qua khiến sức khỏe của Mẹ suy yếu, đôi mắt khi tỏ, khi mờ song trong trí nhớ của Mẹ chẳng bao giờ quên hình ảnh các con. 4 con ra trận, chỉ có 2 người trở về. Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cường (SN 1944) nhập ngũ năm 1965, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Dâu (SN 1949) nhập ngũ vào tháng 2/1968. Các anh đều tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Tháng 4/1968, gia đình nhận được tin anh Cường hy sinh. “Lúc nhận được giấy báo tử của anh Cường, cha mẹ tôi khóc cạn nước mắt, ngất lên ngất xuống”- bà Nguyễn Thị Chăm - con gái Mẹ Khí tiếp lời.

Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, Bắc Nam liền một dải, khắp nơi cờ hoa, vang những bài ca chiến thắng. Từng đoàn người hành quân ra Bắc. Anh Dược, anh Tư trở về. Một tháng rồi nhiều tháng trôi qua, chỉ còn anh Dâu vẫn bặt vô âm tín. Cuối năm ấy, đúng vào ngày 20/12, Bộ CHQS tỉnh Hà Bắc gửi thư. 

Đó lại là tờ giấy báo tử với nội dung: "Kính gửi gia đình, đồng chí Nguyễn Ngọc Dâu (SN 1949), cấp bậc Binh nhất là chiến sĩ thuộc KBP. Nguyên quán xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc. Hy sinh ngày 14/4/1969 tại mặt trận phía Nam trong trường hợp vì bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí được xác nhận là liệt sĩ, đơn vị đã mai táng tại nghĩa trang mặt trận". Lại một lần nữa, Mẹ chết lặng khi đọc tin con hy sinh.

Bằng Tổ quốc ghi công của hai liệt sĩ được Mẹ treo trang trọng trong nhà. Các con của Mẹ ngã xuống nơi chiến trường để người ở lại được sống trong hòa bình, độc lập. Vì thế, mỗi ngày Mẹ luôn cố gắng sống khỏe, sống vui. Dù tuổi cao Mẹ vẫn tự nấu nướng, quét dọn nhà cửa, động viên các con, cháu chăm chỉ lao động, tích cực đóng góp cho xã hội. 

Các con trai, con dâu đều hiếu thảo, chăm chỉ, người làm cán bộ xã, người tham gia công tác hội, đoàn thể ở địa phương. Hai anh Dược và Tư trở về làm cán bộ UBND xã, hợp tác xã, có nhiều đóng góp cho quê nhà. Hàng chục cháu, chắt đều trưởng thành, khôn lớn, người làm trong doanh nghiệp, người kinh doanh, tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Nhiều năm qua, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công, đặc biệt là Mẹ VNAH luôn được các cấp, các ngành và toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Mẹ Khí khoe: “Mẹ được các con ở Ủy ban MTTQ tỉnh phụng dưỡng. Ngày lễ, Tết hay ngày giỗ của các anh, lãnh đạo, cán bộ của cơ quan đều về thăm hỏi, động viên. Mẹ mất hai người con nhưng lại có thêm nhiều con khác!”.

Chồng và con đều là liệt sĩ

Chiến tranh kết thúc, Mẹ VNAH Ngô Thị Mủn (SN 1938) ở thôn Cầu Mới, xã Ngọc Vân (Tân Yên) mãi lặng lẽ nhìn di ảnh của chồng, con vì họ không bao giờ về nữa. Mẹ Mủn có chồng là liệt sĩ Bùi Thế Tiến (SN 1937) và con trai, liệt sĩ Bùi Thế Lực (SN 1957). Chồng và con của Mẹ hy sinh vào năm 1971, 1977 ở chiến trường Tây Nam. Chồng nhập ngũ năm 1965 rồi hành quân vào chiến trường miền Nam, lúc này con trai út vẫn chưa chào đời. 

{keywords}

Mẹ Ngô Thị Mủn và con trai.

Giữa những năm 1968 đến 1971, 1972, địch bắn phá miền Bắc dữ dội, xóm làng chịu cảnh mưa bom, bão đạn. Thiếu gạo nuôi quân, Mẹ Mủn và bao nhiêu phụ nữ khác tranh thủ nửa đêm đi cấy, đi cày, vừa đóng góp gạo cho miền Nam đánh giặc vừa gồng gánh nuôi các con trưởng thành. Mỗi khi nhớ chồng, Mẹ Mủn nhớ lại từng chữ trong lá thư viết vội mà tự động viên mình.

Năm 1976, Mẹ khóc nghẹn khi nhận được giấy báo tử của chồng. Năm 1977, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, con trai cả của Mẹ lại lên đường nhập ngũ, tham gia vào đoàn quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia. Mới nhập ngũ thời gian ngắn, khi anh cùng đồng đội đang hành quân thì bị máy bay địch ném bom dữ dội. Nhiều người trong tiểu đội hy sinh, con trai của Mẹ trong số đó.

Tỉnh Bắc Giang có gần 1,4 nghìn Mẹ VNAH, trong đó 24 Mẹ còn sống, ít tuổi nhất là 80, cao nhất là 104 tuổi. Thực hiện chủ trương của Đảng về chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các Mẹ VNAH đều được các con, cháu chăm lo; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng.

Nhắc đến người con trai, liệt sĩ Bùi Thế Lực hy sinh khi tuổi mới tròn đôi mươi, Mẹ Mủn không cầm được nước mắt. Mẹ bùi ngùi: “Con trai Mẹ lúc ở nhà chưa đi quá cầu Kim Tràng, xã Việt Lập bao giờ. Nó hiền lắm, còn bảo nếu u cho con đi bộ đội thì con đi… ấy vậy mà”. 

Lần cuối, anh Lực ăn vội bát cơm, sà vào lòng mẹ rồi hứa sẽ sớm trở về. Và lời hứa ấy lại là lời cuối cùng, làn khói lửa, bom đạn chiến tranh đã tắt, con của Mẹ vẫn mãi tuổi thanh xuân.

Vượt qua bao gian khó, đến hôm nay, Mẹ được nhìn thấy quê hương đổi mới mỗi ngày. Thanh niên đi học, đi làm có công việc góp tiền ủng hộ mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới. Nhiều ngôi nhà cao tầng, những tuyến đường được bê tông hóa. Các cháu của Mẹ đều trưởng thành, khôn lớn, ai cũng có việc làm ổn định, sẵn sàng tham gia hoạt động của địa phương.

Chia tay các Mẹ, tôi nghe văng vẳng câu hát: "Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ. Là biết mấy chờ mong mỏi mòn.Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại. Chỉ câu hát ru con bên nôi, chỉ câu hát cuộc đời mẹ ru. Là trẻ mãi, trẻ mãi mẹ ơi". Vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con, các Mẹ trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, dáng đó tạc vào dáng hình đất nước hôm nay.

Tuyết Mai

Ghi nhớ công ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng
(BGĐT) - Bắc Giang có hàng nghìn người vợ, người mẹ tiễn chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và rồi mãi mãi không còn được gặp lại những người thân yêu. Thế hệ hôm nay nguyện chăm sóc, phụng dưỡng tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước hy sinh lớn lao của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). 
Trợ cấp ưu đãi hằng tháng với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Nhiều hoạt động tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2021), các đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và đơn vị quân đội tổ chức nhiều hoạt động tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công.
Bắc Giang: Mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Ngọc Thanh ủng hộ 10 triệu đồng phòng, chống dịch
(BGĐT) - Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ huyện Hiệp Hòa, đơn vị vừa tiếp nhận 10 triệu đồng do Mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Ngọc Thanh (97 tuổi) ở tổ dân phố số 3, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) chuyển đến để ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
(BGĐT) - Chủ tịch nước vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 3 mẹ trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) gồm: Nguyễn Thị Sú (SN 1896), xã Dương Hưu; Hoàng Thị Tiếp (SN 1899), thị trấn An Châu; Ngô Thị Hê (SN 1911), thị trấn Tây Yên Tử. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...