Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bấp bênh việc làm tuổi trung niên

Cập nhật: 09:05 ngày 29/05/2022
(BGĐT) - Hiện nay, đa số doanh nghiệp (DN) chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ dưới 35 tuổi kéo theo đó là lượng lớn công nhân độ tuổi trung niên mất việc làm và nguy cơ mất việc cao. Tìm kế sinh nhai sau khi rời DN là bài toán không đơn giản khi sức khỏe là một rào cản.


Tất bật xoay xở

Sau gần chục năm đi lao động xuất khẩu ở Liên bang Nga, chị Chu Thị Giang (SN 1974) ở xã Quang Châu (Việt Yên) quyết định trở về địa phương. Thạo nghề may, chị dễ dàng xin được việc làm ở một DN may xuất khẩu ở khu công nghiệp (KCN) Vân Trung gần nhà. Tuy nhiên, làm được khoảng một năm với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, chị bị cắt hợp đồng với lý do bị tác động xấu bởi dịch bệnh Covid -19 nên đơn hàng giảm, phải cắt giảm lao động. 

{keywords}

Lao động tuổi trung niên ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) nhận làm hàng gia công may mặc tại nhà.

Cùng đó so với nhiều công nhân khác chị thuộc diện luống tuổi, sức khỏe giảm sút nên có công đoạn phải đứng máy nhiều chị cảm thấy hoa mắt, chóng mặt không đáp ứng được. Chị cũng làm đơn xin vào một số DN khác nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Gánh nặng kinh tế gia đình đều trông chờ vào người phụ nữ này vì chồng bị ung thư, các con cũng không khá giả. Ruộng không còn, chị xoay xở một số việc như bán hoa quả, bán nước nhưng vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Vừa rồi, chị chuyển sang bán cơm suất cho lao động ở gần KCN. 

Mức thu nhập hằng tháng cũng tương đương với làm công nhân may nhưng vất vả hơn. “Hằng ngày tôi phải dậy sớm đi chợ mua thực phẩm, rau củ quả, sau đó mang về sơ chế, nấu nướng. Phải có một người chuyên phụ giúp. Tuy nhiên công việc này giúp tôi chủ động được việc nhà; gia đình có việc hiếu, hỉ… vẫn có thể sắp xếp tham gia được”, chị Giang chia sẻ.

Cũng ở độ tuổi trung niên, chị Trần Thị Nhung (SN 1977) ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) tâm sự: “Đi làm công nhân thu nhập ổn định hơn, “nắng không đến mặt, mưa chẳng đến đầu” nhưng độ tuổi như tôi công ty họ lấy ít lắm, khó mà đến lượt. Tôi lại đông con (4 đứa, đứa nhỏ mới lớp 1) nên cứ phải đưa đón cháu đi học hằng ngày. 

Tôi bàn với chồng mở dịch vụ cho thuê phông bạt, bát đĩa, vợ chồng tôi vừa túc tắc làm nghề vừa tranh thủ làm 4 sào ruộng. Mới đây, tôi nhận thêm làm gia công cho một DN, tranh thủ mỗi tháng kiếm thêm khoảng 3 triệu đồng. Công ty cũng tạo điều kiện có việc đều đặn, thời gian rỗi chồng và các con phụ giúp. Tôi thấy công việc này phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của tôi bây giờ”.

Được biết, trên địa bàn huyện Việt Yên có gần 2.000 DN hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên thông tin tuyển dụng lao động chủ yếu hướng vào nhóm người trẻ, rất ít cơ hội việc làm cho lao động tuổi trung niên. Trong bối cảnh đó, lao động trung niên buộc phải chuyển sang làm những công việc phi chính thức. 

Nhiều người chọn nghề buôn bán nhỏ cũng không vất vả hơn hồi làm công nhân nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định; hoặc có nhiều người làm việc cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo diện công nhật, gia công hàng hóa nhưng không có hợp đồng lao động hay chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) năm 2021 cho thấy, lao động trên 35 tuổi tìm việc làm qua Trung tâm là 5.022 người, trong đó ngành may mặc là 2.441 người. Những tháng đầu năm nay, mặc dù dịch Covid-19 đã được khống chế nhưng vẫn có 531 người độ tuổi trung niên đến Trung tâm tìm kiếm cơ hội việc làm. Họ cho biết đã bị cắt hợp đồng ở DN.

Theo một số chủ DN, cùng với tuổi tác, ở lứa tuổi này, độ nhanh nhạy trong công việc giảm sút nên rất khó để yêu cầu họ tăng ca, kíp, tăng năng suất lao động. Nhiều người không chịu được áp lực công việc đã phải nghỉ làm, tìm kiếm công việc khác. Trong khi đó, chi phí BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tiền lương DN phải trả cho nhóm đối tượng này cao hơn do chính sách thâm niên. Vì thế, nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật để thải loại những lao động này ra khỏi DN.

Lựa chọn khác cho tương lai

Ở độ tuổi trung niên, người lao động cần có thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống và gia đình, nhưng có một nghịch lý đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất trong các DN. Vì vậy khi nghỉ làm tại công ty, đa số lao động vẫn phải tiếp tục tìm kiếm việc làm để duy trì cuộc sống.

{keywords}

Nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH) tư vấn cho lao động trung niên tại Công ty TNHH Luxshare (Việt Yên).

Học thêm một nghề khác đang được nhiều địa phương và người lao động định hướng. Theo bà Trần Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, mỗi năm có khoảng 200 lao động trong xã có việc làm mới. 

Lao động nông nghiệp một phần chuyển dịch sang dịch vụ, làm việc tại các HTX nông nghiệp; một số làm thêm nghề sản xuất giá đỗ, đậu phụ, giò chả, buôn bán nhỏ quanh khu công nghiệp... Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều công ty sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động trung niên mang hàng về nhà làm gia công, hưởng thu nhập theo khoán sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng LĐTBXH huyện Việt Yên cho biết: Việt Yên thu hút số lượng lớn người lao động trên địa bàn vào làm công nhân trong các DN. Thống kê sơ bộ cho thấy trên địa bàn huyện Việt Yên có có khoảng 45 nghìn người từ 35 tuổi đến 60 tuổi, chiếm khoảng 40% tổng số lao động. Hiện nay có khoảng 15 nghìn lao động trên 35 tuổi vẫn làm việc trong các KCN nhưng nguy cơ bị sa thải rất cao.

Dự liệu trước việc sa thải lao động khi đến độ tuổi trung niên, ông Nguyễn Thành Đồng cho biết: Huyện định hướng một phần lao động sẽ làm những công việc phụ trợ như: Bán hàng nước, dọn vệ sinh công nghiệp, bảo vệ, công việc phụ tại các công ty trong khu công nghiệp. 

Một phần lao động trên 50 tuổi khuyến khích tiếp tục làm nông nghiệp ở các vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao, buôn bán nhỏ, làm bảo mẫu, trông trẻ tại địa phương. Từ định hướng này, trong chương trình giải quyết việc làm cho người lao động, huyện sẽ liên kết, phối hợp để mở các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng ngoài giờ để chuyển đổi ngành nghề.

Ở độ tuổi trung niên, người lao động cần có thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống và gia đình, nhưng có một nghịch lý đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất trong các DN. Vì vậy khi nghỉ làm tại DN, đa số lao động vẫn phải tiếp tục tìm kiếm việc làm, bươn chải, làm nghề tự do để duy trì cuộc sống.

Từ thực tế qua các sàn giao dịch việc làm, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH) cho rằng, có nhiều ngành nghề đang rất thịnh hành, phù hợp với lao động tuổi trung niên với mức thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Đơn cử như nghề giúp việc gia đình, nghề chăm sóc nhà cửa, trông trẻ, vệ sinh công nghiệp (dọn dẹp nhà xưởng, sắp xếp đồ đạc). 

Đặc biệt đối với phụ nữ trung niên thường chăm chỉ, có kinh nghiệm, nhanh nhẹn, hoạt bát, biết việc, chịu khó rất phù hợp với nghề giúp việc gia đình. Bộ luật Lao động và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định khung pháp lý bảo vệ người lao động giúp việc. Theo đó người giúp việc sẽ được ký hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cùng 2 khoản tiền BHXH và BHYT khi được sử dụng lao động. 

Ông Huế cho rằng các cơ sở đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-dạy nghề cần mở các lớp đào tạo ngắn hạn những ngành nghề trên để người lao động sớm tiếp cận, khi rời công ty có thể kiếm ngay được việc làm khác phù hợp.

Hiện nay Nhà nước đang khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện với nhiều mức đóng góp, đồng thời linh hoạt về chính sách an sinh xã hội. Trong điều kiện người lao động tuổi trung niên không làm ở các DN, không được tham gia đóng BHXH ở DN nhưng vẫn được đóng BHXH tự nguyện hoàn toàn có cơ hội để hưởng lương hưu khi về già.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Quy định mới về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Từ ngày 15/7, khi làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn chỉ cần nộp bản photocopy giấy tờ xác nhận về chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân tháng là 3,7 triệu đồng/người
Trong quý 1 năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới hơn 132 nghìn người. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Tăng giờ làm thêm phải đi đôi với phúc lợi của người lao động
(BGĐT) -  Quy định về nâng số giờ làm thêm tối đa trong một năm, một tháng vừa được Quốc hội ban hành, thu hút sự quan tâm của người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN). Đây được coi là một trong những giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phải được ngành chức năng giám sát chặt, bảo đảm thu nhập, đời sống cho công nhân. 
Tôn vinh "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"
(BGĐT) - Việc tôn vinh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” có ý nghĩa thiết thực nhằm động viên, khích lệ những doanh nghiệp (DN) tiêu biểu, quan tâm chăm lo đến đời sống công nhân, nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc, hài hòa lợi ích, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Người lao động làm thêm không quá 300 giờ mỗi năm và 60 giờ mỗi tháng
Tại phiên họp thứ 9, chiều 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với 100% đại biểu có mặt tán thành.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...