Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

CCB Nguyễn Xuân Dậu: Ba lần xung phong nhập ngũ

Cập nhật: 07:22 ngày 23/04/2022
(BGĐT) -  “Mình là bí thư chi đoàn, kêu gọi mọi người nhập ngũ mà bản thân không ra chiến trận thì nói ai nghe, ai tin”, thương binh 81% Nguyễn Xuân Dậu (SN 1941), thôn An Long, xã Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang) nói về hành trình tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Lào. Trở về quê hương, ông tích cực tham gia công tác xã hội, trở thành tấm gương sáng, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Khó khăn không chùn bước

Qua điện thoại, ông Dậu tận tình chỉ dẫn tôi đường đến nhà và đứng đón tận cổng với tin nhắn "Mình mặc áo đỏ nhé!”. Dẫn khách tham quan ngôi nhà hai tầng, khoảng sân rộng trồng nhiều cây cảnh, ông cho hay, bản thân có niềm yêu thích đặc biệt với cỏ cây nên dù tuổi đã cao, lại bận nhiều công việc, người cựu binh vẫn dành thời gian tham gia Hội Sinh vật cảnh huyện Lạng Giang và gần 15 năm làm chủ tịch hội.

{keywords}

Ông Nguyễn Xuân Dậu (giữa) thăm mô hình chăn nuôi của thương binh tại địa phương.

Kể về thời gian tham gia quân tình nguyện trên đất nước Triệu Voi, ông Dậu nói “Tôi phải viết đơn đến lần thứ 3 mới được nhập ngũ”. Được biết, bố ông là du kích, mất trong trận địch đánh phá vào khu Cao Lôi - Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) năm 1945. 15 năm sau, mẹ ông cũng qua đời do lâm bệnh nặng. Một mình ông Dậu sống cùng ông nội tuổi đã cao, mắt kém. Bởi hoàn cảnh đặc biệt ấy mà ông thuộc diện được miễn nhập ngũ. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã nhiều lần làm đơn tình nguyện song đều bị lãnh đạo xã khước từ.

Những năm tháng ấy, phong trào thanh niên nhập ngũ diễn ra sôi nổi. Bản thân là Bí thư Chi đoàn thôn An Long mà lại không đứng trong quân ngũ, góp sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khiến chàng trai Nguyễn Xuân Dậu càng khao khát cống hiến. Đầu năm 1965, ông viết lá đơn thứ 3 xin nhập ngũ, rồi gặp lãnh đạo địa phương bày tỏ nguyện vọng. Vậy là tháng 9/1965, ông Dậu lên đường, biên chế ở Tiểu đoàn 5 Trinh sát đặc công (Đoàn Chuyên gia quân sự 959); vừa huấn luyện, vừa hành quân sang chiến trường Tây Bắc Lào. 

Vốn quen với khó khăn, thiếu thốn nên những thử thách trong cuộc chiến không làm chàng lính trẻ chùn bước. “Khổ mấy tôi cũng chịu được. Tôi thường xuyên nhận nhiệm vụ canh gác cả đêm cho đồng đội ngủ, hôm sau lại hành quân xuyên rừng mà chẳng hề hấn gì. Vả lại, lúc ấy, anh em chúng tôi đều xác định ra đi không hẹn ngày về nên cứ vào trận đánh là cùng xung phong tiến lên”, ông Dậu nói. 

Với tinh thần gan dạ đó và liên tiếp lập chiến công nên chỉ trong 4 tháng quân ngũ, từ binh sĩ, ông đã được phong hàm thượng sĩ, đảm nhận chức vụ trung đội phó, chỉ huy hơn 30 chiến sĩ. Nhiệm vụ của đơn vị là chống càn, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Tình nguyện dấn thân vào cuộc chiến, chàng trai Nguyễn Xuân Dậu khi đó vừa 24 tuổi không thể hình dung hết sự khốc liệt, đau thương và cả những mất mát khi chứng kiến đồng đội hy sinh. Biên chế trong tiểu đội trinh sát đặc công, ông và đồng đội được cấp trên quán triệt nhiều lần về nhiệm vụ đặc biệt, đó là luồn sâu, bí mật, chọn đúng trọng điểm của địch để tiêu diệt. 

Đáng nhớ là trận chiến tháng 12/1968, lúc ấy, đơn vị ông phối hợp với các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ “chọc mù mắt thần Pa Thí” ở phía Tây Bắc Lào. Pa Thí là trạm ra đa thuộc căn cứ bí mật của địch. Theo phương châm trong đánh ra, ngoài đánh vào, bộ đội đặc công đã leo qua vách đá cao hơn 1 nghìn mét ở phía sau căn cứ để đánh địch.

Sau hơn 3 giờ chiến đấu, ông Dậu và đồng đội đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch. Cũng chính lúc ấy, địch tập trung quân phản kích nhằm giành lại căn cứ quan trọng này. Ông Dậu là đại đội trưởng, bị thương nặng ở cánh tay trái. Với cánh tay trúng đạn gần đứt lìa, dù đồng đội đã băng chặt nhưng nếu cứ để như vậy, ông rất khó cơ động tác chiến. 

Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, ông Dậu dương mạnh lưỡi lê ở khẩu súng trong tay, đưa cho một chàng lính trẻ rồi ra lệnh chặt đứt cánh tay cho mình. Thấy cấp dưới chần chừ, không còn lựa chọn, ông dùng một chân giữ chặt cánh tay chỉ còn phần da lủng lẳng rồi tự cắt bỏ nó. “Chẳng thể nhớ nổi cảm giác đau đớn lúc đó ra sao nhưng trong giây phút ấy, người lính như tôi có thêm nhiều can đảm”, ông Dậu nói. 

Sau đó, ông một mình với khẩu AK và súng ngắn, vừa bắn vừa hô to nhằm đánh lạc hướng địch, tạo cơ hội cho đồng đội di chuyển an toàn. Ngất đi lúc nào không hay, khi tỉnh dậy, ông đang được một người mẹ Lào chăm sóc, vết thương ở tay được cầm máu bằng lá rừng. Ngay cuối năm 1968 ông Dậu được đưa ra Bắc điều trị một năm và trở về quê nhà vào cuối năm 1969 với chứng nhận thương tật 81%.

Thắng trận thời bình

Về lại thôn An Long, mang trong mình vết thương của chiến tranh song với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Dậu tiếp tục đương đầu với cuộc chiến chống đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nay, không chỉ ở thôn, xã, mà cả huyện Lạng Giang, nhiều người nhắc đến thương binh Nguyễn Xuân Dậu là tấm gương điển hình trong nhiều phong trào, có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển KT-XH của địa phương.

{keywords}

Thương binh Nguyễn Xuân Dậu (bên phải) cùng đồng đội ôn lại những chiến công trong thời chiến.

Năm 2007, ông thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất, Cụm công nghiệp Vôi, chuyên sản xuất các loại cửa thép vân gỗ, cửa xếp, cửa cuốn. Sau nhiều năm lãnh đạo, quản lý, đến nay, ông đã giao lại trách nhiệm phát triển công ty cho người con trai cả. Hiện doanh nghiệp tạo việc làm cho 50 lao động địa phương, đạt doanh thu hằng năm gần 100 tỷ đồng. Công ty thường xuyên ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.

Sức khỏe hạn chế, lại bận rộn với công việc kinh doanh nhưng người cựu binh ấy không cho phép mình ngơi nghỉ, tích cực tham gia công tác xã hội. Ông từng là lãnh đạo tổ chức công đoàn xã Yên Mỹ, Bí thư Chi bộ thôn An Long. Từ năm 2002 đến nay, ông Nguyễn Xuân Dậu được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng và người có công với cách mạng huyện Lạng Giang; từ năm 2008 ông giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện Lạng Giang. 

Ông Nguyễn Xuân Khởi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh cho biết: “Ở vị trí nào, ông Dậu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì lý do tuổi cao, sau gần 15 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện Lạng Giang, mới đây, ông đã xin nghỉ công tác. Trong thời gian công tác ông Dậu luôn phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, có nhiều công lao, đóng góp cho công tác hội, vận động hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương”.

Được biết, trung bình mỗi năm, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Thương binh nặng và người có công với cách mạng huyện Lạng Giang tặng hơn 500 suất quà cho các gia đình chính sách và hội viên đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Kết quả đó là sự nỗ lực vận động, kêu gọi hội viên và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ của ông Dậu. 

Ngoài ra, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức 3 chuyến cho hội viên thăm lại chiến trường xưa ở nước bạn Lào; hỗ trợ quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ. Trong đợt vận động phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện đã vận động ủng hộ được hơn 60 triệu đồng gồm tiền và nhu yếu phẩm.

Đã bước sang tuổi 81 nhưng vẫn với tác phong người lính, trước bất cứ nhiệm vụ nào, ông Dậu cũng cố gắng hoàn thành. Thông tin ở đâu có đồng đội gặp khó khăn là ông đứng ra kêu gọi hỗ trợ kịp thời...

Anh dũng chiến đấu nơi chiến trường, hăng hái thi đua lao động, sản xuất và trong công tác xã hội, dù trên mặt trận nào, ông Nguyễn Xuân Dậu vẫn giữ nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ghi nhận những đóng góp đó, ông được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam, T.Ư Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ông được tặng thưởng Huân chương Quốc tế Ít-xa-la - phần thưởng cao quý của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên - Tường Vi

Tiếp lửa tinh thần xung phong thời chiến
(BGĐT) - Thời chiến tranh, theo tiếng gọi của Tổ quốc, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã không quản ngại khó khăn xung phong ra tuyến đầu hỗ trợ bộ đội chiến đấu. Nay trong thời bình, tinh thần ấy lại được tiếp lửa và lan tỏa trong ngôi nhà chung mang tên “Hội Cựu TNXP”.
Trang sử vàng của thanh niên xung phong
(BGĐT) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Làm nên một phần chiến công đó có đóng góp không nhỏ của hàng nghìn thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Bắc Giang. 
Cựu chiến binh xuất ngũ trở thành triệu phú ngỗng sư tử
Xuất ngũ, ông Nguyễn Văn May về Bắc Giang, nơi chôn rau cắt rốn của mình để sinh sống và lập nghiệp. Vốn đam mê với nghề nông, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình lại có sẵn trang trại rộng tới 2 mẫu tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, ông May hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để làm nông nghiệp.
Cựu chiến binh Đào Duy Tống khởi nghiệp thành công
(BGĐT) - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau hơn 7 năm gắn bó với nghề chế biến gỗ, cựu chiến binh (CCB) Đào Duy Tống (SN 1962), thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu (Yên Thế-Bắc Giang) đã trở thành ông chủ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nghĩa tình đồng đội của cựu chiến binh Lục Ngạn
(BGĐT) - Tích cực tham gia hoạt động xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế là việc làm thường xuyên của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát, các CCB  còn tham gia phòng, chống dịch, giúp đỡ hội viên đang cách ly thu hoạch vải thiều.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...