Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cảm ơn đời được sống để yêu thương

Cập nhật: 06:36 ngày 17/04/2022
(BGĐT) - "Tuyến rất năng động, tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện nên chị phải hẹn trước mới gặp được". Đó là lời anh Lê Viết Thuận, Chủ nhiệm CLB Thanh niên Khuyết tật Bắc Giang dặn tôi về người phụ nữ chỉ cao hơn 1 m, nặng 30 kg Vũ Thị Tuyến, ở thôn Hoàng Long, xã Tân Hiệp (Yên Thế). 

Tuổi thơ nhọc nhằn

Năm nay chị Tuyến 31 tuổi. Căn bệnh phì sụn ở xương khớp do rối loạn nội tiết khiến chiều cao không phát triển, nhìn từ xa chị không khác gì đứa trẻ lên 7- 8 tuổi. Thấy tôi đến, chị Tuyến xởi lởi mời vào thăm nhà. Chờ một lát sau khi đã dọn hàng xong, chị kéo ghế ngồi trò chuyện: “Tôi luôn mong muốn được sống cuộc đời bình thường như mọi người nên cố gắng làm những gì có thể".

{keywords}

Chị Vũ Thị Tuyến.

Chị Vũ Thị Tuyến là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng tuổi thơ không được chạy nhảy vui chơi cùng chúng bạn bởi khi mới lên 2 tuổi, các khớp chân, khớp tay của chị to dần lên, cứng đờ một cách kỳ lạ. Gia đình chị đưa xuống các bệnh viện ở TP Hà Nội điều trị nhưng không cải thiện. 

Khi bác sĩ kết luận chị Tuyến mắc bệnh phì sụn, căn bệnh hiếm gặp trên thế giới với tỷ lệ hàng triệu trẻ sinh ra mới có một trường hợp mắc phải nhưng gia đình vẫn không nguôi hy vọng. Phương án cuối cùng là phải đập xương đi xếp lại cũng đã được chuẩn bị tinh thần song cuối cùng không thực hiện được bởi sau khi hội chẩn, bác sĩ thông báo sau phẫu thuật can thiệp thì bệnh vẫn tái phát, thậm chí trầm trọng hơn.

Do sức yếu nên năm 7 tuổi chị Tuyến mới học lớp 1, chậm hơn một năm so với các bạn cùng trang lứa. Quãng đường từ nhà đến Trường Tiểu học Tân Hiệp dài hơn 2 km, "cô bé một mẩu" (tên mọi người thường gọi Tuyến - PV) không thể đi bộ đến trường mà phải có người thân, bạn bè đưa đón. Năm học lớp 2, trong một lần bạn đưa đi học về nhà bằng xe đạp, đường gập gồ, quanh co khiến Tuyến mất thăng bằng, ngã văng khỏi xe và gãy tay phải. Sau ngày ấy, các bạn sợ nên không dám cho Tuyến đi nhờ xe. Vì mặc cảm, ngại giao tiếp với mọi người nên Tuyến nghỉ học từ đó.

Một lần khác, không may trượt chân ngã, Tuyến gãy xương đùi phải nằm một chỗ hằng tháng trời. Suốt ngày lủi thủi quanh 4 bức tường, không có điện thoại, ti vi, chị tủi thân. Biết bao lần ngồi trầm tư một mình chị tự đặt câu hỏi “Cuộc đời mình sẽ ra sao khi bố mẹ ngày càng già yếu?” rồi lại ôm mặt khóc nức nở.

Dù Tuyến không nói song bằng linh cảm của người mẹ, bà Dương Thị Lý hiểu niềm khát khao cháy bỏng được sống, thay đổi cuộc đời của con. Bà động viên con: "Ông trời rất công bằng, không cho ai tất cả và cũng không lấy hết của ai tất cả. Con không lành lặn về chân tay nhưng thông minh, biết tính toán và còn có thể đi lại được. Bố mẹ sẽ cùng con đi suốt cuộc đời cho đến chừng nào có thể".

Vậy là năm 2015, vợ chồng bà Lý đầu tư hơn chục triệu đồng mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho con gái bán nhu yếu phẩm phục vụ bà con xóm làng. Có việc để làm, được gặp gỡ mọi người, những câu chuyện đời sống xã hội giúp chị Tuyến dần nguôi ngoai nỗi buồn. Gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, chị tự nhủ bản thân mình phải vươn lên để không phụ tình yêu thương mà bố mẹ dành cho.

Lan tỏa nghị lực sống

Năm 2017, chị Tuyến bắt đầu dùng mạng xã hội facebook và sau đó tham gia nhóm của những người khuyết tật (NTK) Việt Nam. Tuyến mừng rỡ nhận ra mình vẫn còn may mắn khi có thể nhìn rõ xung quanh, bước chân dù ngắn và chậm chạp nhưng còn có thể tự đi và đôi tai vẫn được nghe âm thanh trong khi vẫn còn có người bị câm điếc bẩm sinh, khiếm thị hoặc khuyết tật nặng cả đời không rời khỏi chiếc giường. 

{keywords}

Chị Vũ Thị Tuyến trong một lần tặng quà cho NKT ở xã Hồng Thái (Việt Yên).

Cũng qua mạng xã hội, chị biết đến những tấm gương sáng giàu nghị lực, vươn lên lập thân, lập nghiệp và có cuộc sống tốt như chị Nguyễn Thảo Vân (SN 1987), nặng khoảng 20 kg hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nghị Lực Sống (TP Hà Nội), Nick Vujicic (SN 1982), một diễn giả người Úc dù không có tay, chân vẫn lạc quan vui sống… đã thôi thúc chị vượt qua nỗi mặc cảm để vươn lên.

Từ chỗ xấu hổ, ngại ngần khi mọi người chú ý về hình dạng kỳ lạ của mình thì mấy năm gần đây, chị sống lạc quan, vui tươi và sẵn sàng lên đường đến nhiều nơi xa. Đến nay, chị đã đặt chân đến hơn 20 tỉnh, TP trong cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng, Kiên Giang… 

Chị cũng tích cực đăng ký tham gia và chia sẻ câu chuyện của mình trên các diễn đàn dành cho NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật toàn quốc. “Lúc đầu gia đình tôi lo lắng không dám cho Tuyến đi xa vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế rồi, sau chuyến đi đầu tiên trở về thấy Tuyến vui vẻ, lạc quan hơn, sống tốt hơn nên gia đình ủng hộ, sắp xếp công việc, tạo điều kiện để con được đi đây đó”, bà Lý kể.

{keywords}

Mỗi người trong chúng ta khi sinh ra ai cũng muốn mình có cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, được yêu thương nhưng không phải ai cũng được như vậy. Mỗi người có cuộc sống riêng và hãy sống theo cách mà trái tim mách bảo”.

Chị Vũ Thị Tuyến

Từ cộng đồng NKT chung trong cả nước, năm 2017, Tuyến có ý tưởng thành lập nhóm những NKT tại Bắc Giang và được nhiều người hưởng ứng. Đây là tiền đề để một năm sau đó Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật Bắc Giang được thành lập vào tháng 4, là đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Bắc Giang. 

Tại đây, chị đã chủ động đề xuất với Ban Chấp hành CLB nhiều hoạt động ý nghĩa như: Giao lưu thể thao (thi đấu cờ tướng, cầu lông, đua xe lăn); tọa đàm “Tỏa sáng nghị lực NKT”…

Một trong những sân chơi để lại nhiều ấn tượng là cuộc thi “Nét đẹp người phụ nữ khuyết tật Bắc Giang”. “Cuối năm 2021, tôi đề xuất mở cuộc thi này nhằm tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ khuyết tật trong học tập, lao động hằng ngày, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về bình đẳng giới. Cuộc thi tổ chức theo hình thức online phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 nên thu hút nhiều chị em tham gia”, chị Tuyến kể. 

Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 100 bức ảnh phụ nữ khuyết tật gửi về Ban tổ chức đã nhận được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng, gia đình và xã hội. Chị Nguyễn Thị Dương (SN 1981) ở thôn Cựu Tân, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) bị khuyết tật vận động bày tỏ, trước đây rất ít khi chụp ảnh hoặc nhìn thẳng mình trước gương. Vậy mà sau một thời gian tham gia sinh hoạt trong CLB, được chị Tuyến động viên nên chị cười nói nhiều hơn, mạnh dạn chia sẻ tấm ảnh của mình và rất vui khi đoạt giải Nhất do có nhiều người bình chọn.

{keywords}

Chị Vũ Thị Tuyến nhận Bằng khen của Hội LHTN tỉnh về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2019. Ảnh: TUYẾT MAI

Không chỉ sôi nổi trong hoạt động phong trào, từ khi CLB thành lập quỹ từ thiện “Tấm lòng nhân ái”, chị Tuyến tích cực tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân ủng hộ quà, kinh phí để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, người nghèo và người già có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại ở phía sau”.

Anh Lê Viết Thuận, Chủ nhiệm CLB Thanh niên Khuyết tật Bắc Giang cho biết: Hiện nay CLB có hơn 100 hội viên và phát triển được 3 CLB trực thuộc tại các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang. 

Sự tham gia tích cực của chị Tuyến đã góp phần làm cho hoạt động của CLB sôi nổi, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. CLB đã 2 lần được T.Ư Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên (năm 2020, 2021); cá nhân chị Tuyến được Hội LHTN tỉnh tặng Bằng khen năm 2019.

Điều chị Tuyến trăn trở là hiện nay số thanh niên khuyết tật có khả năng lao động khó tiếp cận việc làm và các kênh vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Chị mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tạo điều kiện để NKT tiếp cận được nguồn vốn, việc làm phù hợp với khả năng để có động lực vươn lên.

Bài, ảnh: Mai Toan

Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực
(BGĐT) - Dù gặp trực tiếp chàng trai Bùi Văn Hiếu (SN 1995) ngoài đời hay trên mạng xã hội, mọi người luôn thấy anh ngồi trên chiếc xe lăn với nụ cười lạc quan. Trong vai trò là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang, gần 4 năm qua, anh Hiếu có nhiều ý tưởng sáng tạo, hoạt động tập hợp, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống. 
Anh Nguyễn Văn Quyết, thị trấn Tân An (Yên Dũng): Vượt qua khuyết tật, khởi nghiệp thành công
(BGĐT) - Nhắc đến anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1987), nhiều người ở tổ dân phố Hương, thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) luôn khen ngợi. Dù bị khuyết tật song bằng nghị lực phi thường, anh đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng táo ngọt, trở thành tấm gương vượt khó ở địa phương. 
Cô giáo Lý Thị Thu Thùa hết lòng vì học sinh khuyết tật
(BGĐT)- Không chỉ giáo viên mà ngay cả đối với các bậc phụ huynh cũng đều mến phục cô Lý Thị Thu Thùa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) về một tấm gương hết lòng vì học sinh thân yêu của mình, nhất là đối với những học sinh khuyết tật.
Trao 200 suất quà Tết cho hộ nghèo, người khuyết tật huyện Hiệp Hoà
(BGĐT) - Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức trao quà Tết tại huyện Hiệp Hòa.
Công ty Samsung Việt Nam tặng 100 xe lăn cho người khuyết tật huyện Tân Yên và Yên Thế
(BGĐT) - Sáng 6/10, tại huyện Tân Yên, Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công ty Samsung Electronics Việt Nam tổ chức trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tại hai huyện Tân Yên và Yên Thế.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...