Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quán hát đìu hiu ngày mở lại

Cập nhật: 09:48 ngày 08/04/2022
(BGĐT) - Sau gần một năm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, những tưởng khi được phép hoạt động trở lại, các quán Karaoke sẽ nhộn nhịp đón khách. Nhưng trái ngược với kỳ vọng, hầu hết quán hát đều trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. 

Mỏi mắt chờ khách

Kể từ ngày 25/3, dịch vụ Karaoke trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại sau gần một năm tạm dừng để phòng, chống dịch. Đây là tín hiệu rất mừng đối với chủ quán và cả người dân. Tuy nhiên trong thời gian chục ngày đầu kể từ khi được mở cửa lại, lượng khách đến các quán hát karaoke không nhộn nhịp, đông đúc như kỳ vọng của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này.

{keywords}

“Phố karaoke” Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang) nay chỉ còn 3/10 quán sáng đèn.

Đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền từ lâu được ví như “thiên đường” karaoke ở TP Bắc Giang. Một đoạn phố dài chỉ hơn trăm mét có tới chục quán Karaoke. Mỗi quán được đầu tư cả chục phòng hát với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Khi chưa có dịch Covid-19, các quán luôn rực rỡ ánh đèn, tấp nập khách đến. 

Vào dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ thậm chí phải đặt trước may ra mới còn phòng. Vậy mà nay, vòng đi vòng lại qua tuyến phố này vào các buổi tối thấy vô cùng ảm đạm, đìu hiu. Cả dãy chỉ có 3 quán karaoke sáng đèn. Quán nào cũng có nhân viên đứng ra cả vỉa hè mời chào mỗi khi có xe ô tô dừng lại hoặc chầm chậm đi tới. 

Số còn lại vẫn đóng cửa im lìm, tắt điện tối om, biển hiệu cũng dừng hoạt động và dường như chưa có ý định mở lại. Quán Thảo Nguyên nổi tiếng là thế nay chuyển đổi công năng, sửa sang thành khách sạn. Quán Monika treo biển cho thuê nhà lâu dài. Một số quán chuyển sang cửa hàng bán quần áo, kinh doanh mặt hàng khác.

Dừng xe trước quán karaoke Queen (số nhà 232, đường Nguyễn Thị Lưu), mấy nhân viên nhiệt tình chạy ra mời khách. Anh Đào Ngọc Quang, quản lý quán than thở: Được mở cửa, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng là quán sẽ dần nhộn nhịp trở lại. Nhưng gần chục ngày rồi mà mỗi ngày chỉ lác đác vài khách đến vào buổi tối. Dù vậy, anh Quang vẫn cảm thấy may mắn khi được nghe âm thanh xập xình quen thuộc, có người ra người vào thay vì cảnh im lìm gần một năm qua. 

Nói rồi anh nhẩm tính, một ngày mỗi phòng doanh thu chỉ được từ 500 đến 600 nghìn đồng. Ngay như mấy tối thứ Bảy, Chủ nhật vừa rồi cũng chỉ có vài khách đến hát. Mặc dù quán đã tăng cường chạy quảng cáo trên zalo, facebook, giảm giá, khuyến mãi đến 20%, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng cũng không khả quan là bao”.

Tại khu vực ngoại thành và các huyện từng có nhiều quán karaoke như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, tình trạng cũng không khá hơn. Buổi tối cuối tuần được coi là cao điểm khách đi hát nhưng vẫn vắng vẻ. Quán Karaoke Hiệp Anh ở thôn Song Khê 2, xã Song Khê (TP Bắc Giang) đã mở cửa nhưng chưa có khách đến hát. "Mặc dù dịch Covid-19 đến nay đã được kiểm soát nhưng tình hình kinh doanh dịch vụ này không khả quan là bao. 

Mỗi tối, chúng tôi mong có được khách nào là tốt phần ấy. Nhiều hôm không ai đến. Chấp nhận lỗ nhưng vẫn phải duy trì vì đầu tư vào đây cả tỷ đồng rồi”- chị Trần Thị Liên - chủ quán cho biết. Hay như quán Karaoke Night Club ở phố Bình Minh, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) có quy mô lớn nhất nhì huyện cũng vẫn “cửa đóng then cài” chưa biết khi nào sẽ hoạt động trở lại.

Hy vọng sẽ nhộn nhịp hơn

Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có gần 450 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua khiến các cơ sở karaoke phải đóng cửa đến 20 tháng. Tất cả chủ quán đều rơi vào tình cảnh lao đao vì đã đầu tư vào đây khá lớn.

{keywords}

Cả buổi tối thứ Sáu (ngày 25/3), quán Karaoke L.X ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) chỉ có 5 khách hát.

 Anh Quang - quản lý quán Karaoke Queen cho biết: "Gia đình tôi đầu tư nhiều tỷ đồng để mở dịch vụ karaoke tại đường Nguyễn Thị Lưu từ năm 2009 với 10 phòng hát. Thời gian qua, chấp hành quy định về phòng, chống dịch, chúng tôi nghiêm túc đóng cửa, nay được phép mở lại thì 4 phòng bị hư hỏng thiết bị, không sử dụng được. Chỉ còn 6 phòng nhưng cũng chả có mấy khách. 

Cách đây 5 năm, gia đình đã đầu tư sửa sang 10 phòng, chi phí hơn 2 tỷ đồng. Vài tháng trước, tôi đã treo biển bán căn nhà, không kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke này nữa vì chi phí quá tốn kém; kinh doanh lại mông lung, “chết” vốn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy tiếc vì đây là tâm huyết của cả gia đình, khi xây dựng ngôi nhà nhiều tầng này cũng xác định là để kinh doanh karaoke. Nay mở cửa trở lại, tôi xác định mất tầm một năm nữa để sửa sang dần, tái đầu tư".

Việc cho phép mở cửa trở lại các cơ sở karaoke không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, từng bước khôi phục kinh tế. Thế nhưng hiện tại, có đến 70% số quán karaoke trên địa bàn chưa mở cửa hoạt động trở lại. Một phần do vẫn còn lo lắng dịch bệnh Covid-19 khiến tâm lý người dân tham gia các hoạt động bên ngoài chưa được thoải mái, ngại đến chỗ đông người. Mặt khác các quán muốn hoạt động cần phải có thời gian sửa sang cơ sở, mua sắm, đại tu lại trang thiết bị.

Việc cho phép mở cửa trở lại các cơ sở karaoke không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, từng bước khôi phục kinh tế. 

Thế nhưng hiện tại, có đến 70% số quán karaoke trên địa bàn chưa hoạt động trở lại. Một phần do vẫn còn lo lắng dịch bệnh Covid-19 khiến tâm lý người dân tham gia các hoạt động bên ngoài chưa được thoải mái, ngại đến chỗ đông người. 

Mặt khác các quán muốn hoạt động cần phải có thời gian sửa sang cơ sở, mua sắm, đại tu lại trang thiết bị. 

Anh Chu Văn Bảy, chủ một quán karaoke ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) than vãn: Tôi vay ngân hàng cả tỷ đồng để đầu tư kinh doanh karaoke. Mở được 3 tháng thì phải đóng cửa để phòng, chống dịch. 

Được biết, các thiết bị điện tử nếu không sử dụng thường xuyên thì tự nó sẽ hỏng, vì vậy chúng tôi vẫn phải chi tiền để duy trì bảo dưỡng thiết bị 2 tháng một lần, mỗi lần khoảng 2 triệu đồng; thậm chí chi tiền để giữ chân nhân viên với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, rồi tiền lãi ngân hàng… 

 Theo tính toán, để đầu tư một phòng hát diện tích khoảng 30 m2 cần từ 300 đến 400 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị như: Bàn ghế, trang trí, đèn chiếu, đèn quay, 2 màn hình, điều hòa, hệ thống âm thanh, cách âm và nhiều chi phí đi theo. “Mở lại quán karaoke là niềm vui, là động lực cho nhân viên không bị thất nghiệp. Hy vọng đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ dài 30/4 sắp tới, sẽ có nhiều cuộc hội họp, các quán karaoke sẽ nhộn nhịp hơn”- anh Bảy giãi bày.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Mở lại dịch vụ karaoke, games online: Nới lỏng, không buông lỏng
(BGĐT) - Từ 0 giờ ngày 25/3, dịch vụ kinh doanh karaoke, games online trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được phép hoạt động trở lại sau một thời gian dài phải tạm dừng do dịch Covid-19. 
Bắc Giang: Dịch vụ games online, karaoke hoạt động trở lại kể từ ngày 25/3
(BGĐT) - Ngày 23/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản về việc cho phép các hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, các dịch vụ games online, karaoke được phép hoạt động trở lại kể từ 0 giờ ngày 25/3.
Bịt lỗ hổng quản lý dịch vụ karaoke - quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm
(BGĐT)-Những ngày qua, dư luận xã hội bất bình trước tình trạng một số quán karaoke trên địa bàn tỉnh ngang nhiên hoạt động trái phép khiến hàng chục người nhiễm dịch, hàng nghìn người trở thành F1, F2. Huyện Yên Thế và nhiều xã, thị trấn bị phong tỏa, cách ly y tế. Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý loại dịch vụ này của chính quyền, ngành chức năng, nhất là ở cơ sở.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...