Lạng Giang: Sản xuất công nghệ cao tạo nguồn thu lớn
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn về những sản phẩm nông nghiệp an toàn, năm 2019, anh Nguyễn Cường Phúc (SN 1981) ở thôn Thuận, xã Tân Thanh cùng 7 thành viên thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thanh. “Dòng” sản phẩm là dưa, khoai, lúa chất lượng cao và nấm. Riêng với nấm, sản lượng mỗi tháng đạt 3 tấn, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Theo anh Phúc, sản xuất nấm đòi hỏi vốn đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu, giống, trang thiết bị, trình độ, kỹ thuật cao. Bù lại, hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần trồng lúa, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, các đầu mối về tận nơi thu mua. Hiện 22 lao động của HTX có việc làm ổn định thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Chăm sóc cây trồng trong nhà màng tại HTX Rau sạch xã Mỹ Thái. |
Đối với gia đình chị Hoàng Thị Khuyên (SN 1978) ở thôn Chuông Vàng, xã Tân Hưng, việc chuyển hướng sang sản xuất gà giống mang lại cơ hội làm giàu ngay trên diện tích đất sẵn có. Gia đình chị có hơn 500 m2 chuồng trại, đủ hệ thống thông gió, làm mát. Gà uống nước qua hệ thống tự động, thụ tinh nhân tạo, trứng đưa vào máy ấp nở với sản lượng hơn 4 vạn con/tháng. “Do chất lượng con giống tốt nên sản phẩm tiêu thụ rộng rãi. Vì sử dụng nhiều loại máy tự động nên chỉ sử dụng 3 lao động. Trừ chi phí, mỗi năm lãi 500-600 triệu đồng” – chị Khuyên nói.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạng Giang có 47 mô hình ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: "Thực tế sản xuất cho thấy các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều mang lại nguồn thu lớn. Điển hình như: Sản xuất rau sạch của HTX Rau sạch xã Mỹ Thái; trồng hoa tại các xã: Thái Đào, Đại Lâm, Quang Thịnh; sản xuất rau hữu cơ của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Giang tại xã Xuân Hương...".
Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, huyện khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất. Quy hoạch và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung như: Rau, thủy sản, cây ăn quả có múi. Từng bước xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bài, ảnh: Quốc Bảo
Ý kiến bạn đọc (0)