Nông sản an toàn: Rộng đầu ra, tăng giá trị
Liên kết bao tiêu sản phẩm
Hợp tác xã (HTX) Công nghệ cao Trí Yên có tổng diện tích đất canh tác gần 5 ha tại thôn Đức Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng), trong đó 3,5 ha nhà màng. Hiện HTX sản xuất các loại dưa có giá trị kinh tế cao (dưa leo, dưa lê, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc), các loại rau và dâu tây. Sản lượng rau, quả các loại của HTX đạt hơn 80 tấn/năm, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX liên kết trồng các loại dưa, rau với 20 HTX ở huyện Yên Dũng để cung ứng cho Công ty cổ phần Lotus Farm bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc mỗi ngày 1 tấn rau, quả các loại. Năm nay, HTX trồng thêm 2 ha chuối tiêu hồng tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và 3 ha rau, quả tại xã Đồng Việt (Yên Dũng).
Sục rửa dưa chuột Nhật trước khi xuất bán tại HTX Công nghệ cao Trí Yên. |
Toàn bộ diện tích sản xuất của HTX được cấp chứng nhận VietGAP năm 2018. Năm 2021, HTX được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất ATTP.
Theo anh Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Công nghệ cao Trí Yên, để có sản phẩm an toàn, đơn vị yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP. Nguồn nước tưới cho cây trồng bảo đảm sạch; diện tích sản xuất không nằm cạnh khu giết mổ động vật; ưu tiên bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, nếu dùng phân hóa học phải rõ nguồn gốc và chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.
“Người dân trong vùng muốn mua rau, quả sạch của HTX nhưng chúng tôi không đủ sản lượng đáp ứng vì đã có nhiều đơn hàng đặt trước”, anh Đăng nói.
Cùng với các mô hình trồng trọt, trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATTP. Đơn cử như trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Trọng Hảo, thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên).
Hiện gia đình ông Hảo liên kết với Công ty TNHH De Heus chăn nuôi gà công nghiệp thương phẩm, mỗi năm nuôi 5 lứa, mỗi lứa 10 nghìn con, thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Từ năm 2012, trang trại của ông được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thú y; năm 2021 được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi ATTP.
Theo ông Hảo, chăn nuôi an toàn vệ sinh thú y và ATTP bắt buộc chuồng trại phải khép kín, có giàn nước làm mát, máy phát điện sưởi ấm cho vật nuôi; sử dụng thức ăn theo đúng tiêu chuẩn quy định và nguồn nước sạch; địa điểm chuồng, dụng cụ, thiết bị chăn nuôi và quy trình kỹ thuật đều tuân thủ quy trình của đơn vị liên kết mới xuất bán được. Bù lại, gà không bị hao hụt do dịch bệnh, chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn và được Công ty TNHH De Heus thu mua với giá bảo đảm có lãi.
Ông Nguyễn Trọng Hảo (giữa) chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà ATTP. |
Ông Hảo cho biết: “Hiện con gái và cháu ruột tôi cùng ở thôn Bài Giữa cũng đang chăn nuôi gà công nghiệp theo mô hình tương tự gia đình tôi. Mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, không lo ế sản phẩm”.
Khuyến khích sản xuất nông sản an toàn
Bắc Giang có hơn 25,9 nghìn ha rau các loại, sản lượng đạt hơn 459 nghìn tấn; hơn 51,1 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 350 nghìn tấn; 664 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và hơn 130 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 220 nghìn tấn/năm. Tỉnh có hơn 12,1 nghìn ha nuôi thủy sản, sản lượng hơn 42 nghìn tấn/năm.
Nông sản của Bắc Giang không chỉ cung cấp cho người dân trong tỉnh mà hơn 40% được cung ứng ra tỉnh ngoài. Đặc biệt, nhu cầu thị trường nông sản rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn ngày càng lớn và dần trở thành yêu cầu bắt buộc của người tiêu dùng. Vì vậy việc bảo đảm sản xuất nông sản ATTP luôn được tỉnh, ngành nông nghiệp quan tâm.
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành bảo đảm ATTP tỉnh (thành viên gồm các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2021 đến tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh nguy hiểm. Chỉ tính trong tháng hành động vì ATTP năm 2022 (từ 15/4-15/5), ngành nông nghiệp tổ chức 5 hội thảo, hội nghị; 2 lớp tập huấn về vệ sinh ATTP cho hơn 140 người tham dự. |
Cùng đó, toàn tỉnh hiện có gần 40% diện tích rau, màu, cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; 80% số trang trại chăn nuôi sản xuất bảo đảm vệ sinh thú y và theo hướng an toàn sinh học; hơn 1 nghìn ha nuôi thuỷ sản sản xuất theo hướng VietGAP. 100% số hộ hội viên nông dân ký cam kết sản xuất nông sản bảo đảm ATTP.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, dù sản xuất nông sản bảo đảm ATTP có nhiều chuyển biến nhưng hiện một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thực sự nâng cao ý thức trong việc áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ.
Để sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn ATTP, tỉnh cần tăng đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý Nhà nước về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ở tuyến huyện, xã; có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ làm công tác ATTP; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực này.
Tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ATTP, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Đồng thời nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Bài, ảnh: An Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)