Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Để các công ty lâm nghiệp hoạt động hiệu quả

Cập nhật: 22:32 ngày 27/05/2023
(BGĐT) - Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp, đến nay tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi xong đối với hai công ty lâm nghiệp tại Yên Thế và Lục Ngạn. Tuy nhiên, do còn những vướng mắc nên việc chuyển đổi tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) chưa thể hoàn thành. 

Nhiều vướng mắc

Trụ sở làm việc xuống cấp, thu nhập của người lao động thấp, nợ ngân hàng lớn và công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế là thực trạng đang diễn ra tại hai công ty lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn. Tại Công ty Lâm nghiệp Lục Nam, đơn vị được Nhà nước giao quản lý sử dụng rừng và đất rừng với tổng diện tích hơn 2,7 nghìn ha nằm trên địa bàn 4 xã: Đông Phú, Tam Dị, Đông Hưng, Bảo Sơn và đất trụ sở tại xã Chu Điện. Theo ông Nguyễn Văn Kiêm, Giám đốc Công ty, mặc dù tình trạng nợ lương, nợ đóng BHXH cho người lao động đã được khắc phục trong năm 2022 nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó khăn.

{keywords}

Rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn.

Do không được vay vốn của các tổ chức tín dụng, chưa được bổ sung vốn điều lệ nên mức độ đầu tư cho trồng rừng thấp, mới chỉ cung cấp phân bón, cây giống các hộ nhận khoán trồng rừng nên sản phẩm khoán thấp. Diện tích đất được giao quản lý, sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tự ý khai thác gỗ củi rừng trồng vẫn xảy ra. DN mới chỉ tập trung trồng cây keo lai và bạch đàn, chưa đưa các loài cây gỗ lớn vào trồng. Đáng nói là hiện nay DN đang phải gánh khoản nợ ngân hàng lên tới 31 tỷ đồng, khoản nợ này hình thành từ những dự án trồng rừng năm 2000-2008, do đó khi hạch toán thì doanh thu không bù đắp được dẫn đến nhiều năm bị lỗ hoặc hòa vốn.

Tương tự, tại Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn tuy hoạt động sản xuất, quản lý và bảo vệ rừng năm qua có khả quan hơn song vẫn đang nợ ngân hàng hơn 10 tỷ đồng. Thiếu vốn sản xuất và nợ tiền lương của người lao động, tình trạng người dân phát rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng trồng còn xảy ra. Việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đã thực hiện hơn 80% tổng diện tích được giao nhưng do chưa có tiền nộp phí đo đạc (gần 500 triệu đồng) nên Công ty chưa được lấy giấy chứng nhận, dẫn đến những khó khăn trong quản lý đất rừng.

Tìm thành viên thứ hai

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp tại Văn bản 326/TTg-ĐMDN ngày 29/02/2016. Trong đó, chuyển 4 công ty TNHH MTV sang mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên; giải thể Công ty Lâm nghiệp Sơn Động, bàn giao nguyên trạng toàn bộ đất rừng vào Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động. Tháng 4/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp. Thực hiện kế hoạch này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Ngạn và Yên Thế đã sắp xếp, chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hai thành viên, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới từ tháng 1/2019.

Ngày 11/6/2021, UBND tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hỗ trợ hai công ty lâm nghiệp tìm kiếm đối tác góp vốn để hoàn thành phương án sắp xếp, chuyển đổi. Trong trường hợp không tìm kiếm được đối tác, Sở tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết.

Tìm hiểu tại những công ty chưa chuyển đổi sang mô hình TNHH hai thành viên được biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là chưa tìm được thành viên thứ hai. Theo ông Nguyễn Văn Kiêm, thực hiện phương án chuyển đổi đã được phê duyệt, từ năm 2016, Công ty Lâm nghiệp Lục Nam đã tiến hành xác định lại giá trị DN, xử lý một số vướng mắc để làm cơ sở chuyển đổi nhưng đến nay vẫn bế tắc. 

Sở dĩ các thành viên thứ hai không thiết tha góp vốn là đất đai của công ty đã được giao khoán cho hộ dân từ những năm 90 của thế kỷ trước (trước đây khoán 20 năm, 30 năm, nay khoán theo chu kỳ), trong khi khoản nợ ngân hàng của công ty lớn. 

Thêm nữa, thành viên thứ hai đều muốn nắm quyền chi phối nhưng theo Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị, đối với công ty lâm nghiệp có từ 1 nghìn ha trở lên thì Nhà nước nắm quyền chi phối nên Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt trước đây từng đăng ký làm thành viên thứ hai đã xin không tham gia góp vốn. Tình trạng này cũng tương tự ở Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Theo phương án đã được duyệt, Công ty Lâm nghiệp Lục Nam chuyển sang mô hình công ty hai thành viên với vốn nhà nước tại DN chiếm 14,47%; Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (thành viên thứ hai) góp vốn chiếm 85,53%; quản lý, sử dụng hơn 2,7 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn chuyển sang mô hình hai thành viên với vốn nhà nước tại DN chiếm 5%; Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (thành viên thứ 2) góp vốn chiếm 95%; quản lý, sử dụng hơn 1,8 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp.

Do hai DN này thực hiện xác nhận công nợ kéo dài, cộng thêm thành viên thứ hai dù có tỷ lệ góp vốn lớn nhưng theo quy định họ không được quyền chi phối nên đã có văn bản xin rút lui. Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục quán triệt Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị. Trước mắt, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành, địa phương quản lý tốt diện tích đất và rừng hiện có của hai DN trên. Cùng với các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh làm cầu nối giới thiệu các DN chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh làm đối tác thứ hai, nhằm gắn vùng sản xuất gỗ với chế biến theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, đồng thời chuyển đổi thành công sang mô hình công ty TNHH hai thành viên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Cũng theo ông Hà Minh Quý, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hỗ trợ hai công ty lâm nghiệp trên tìm kiếm đối tác góp vốn để hoàn thành phương án sắp xếp, chuyển đổi. Trong trường hợp không tìm kiếm được đối tác, Sở tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết. Đối với hai công ty lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn khẩn trương tìm đối tác góp vốn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; nghiêm túc thực hiện hợp đồng khoán theo quy định; tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch; quản lý chặt chẽ đất đai và tài sản trên đất, chống lấn chiếm, bảo đảm phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản
(BGĐT) - Chiều 17/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn giai đoạn 2023-2030 tại huyện Yên Dũng.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản
(BGĐT) - Chiều 17/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030” tại huyện Tân Yên.
Quan tâm hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản
(BGĐT) - Sáng 16/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030” tại huyện Hiệp Hòa.
Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
(BGĐT) - Ngày 16/5, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn giai đoạn 2023-2030 tại huyện Lục Ngạn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...