Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút đầu tư sẽ tiếp tục bứt phá

Cập nhật: 16:28 ngày 27/01/2023
(BGĐT) - Ngay những ngày đầu năm mới, thu hút đầu tư tại Bắc Giang đạt kết quả tích cực, tổng vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui để Bắc Giang kỳ vọng về một năm tiếp tục đón nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến thực hiện các dự án.

Liên tiếp đón tin vui

Những ngày đầu năm mới, Bắc Giang đón tin vui khi nhiều DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư thực hiện dự án. Điển hình là dự án “Nhà máy công nghệ chính xác Fulian” Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian thực hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên). Dự án được triển khai trên diện tích gần 50 ha. Mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông. 

Ngoài dự án này, nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited cũng đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm trong KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Dự án được triển khai từ quý I/2023. Tổng vốn đăng ký của hai dự án trên khoảng 761 triệu USD.

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chứng kiến lãnh đạo Tập đoàn Yadea và Công ty cổ phần Lideco 1 trao biên bản ghi nhớ đầu tư. Ảnh: Hải Minh.

Tại KCN Tân Hưng (Lạng Giang), Tập đoàn Yadea (Trung Quốc) và Công ty cổ phần Lideco 1 - đơn vị chủ đầu hạ tầng KCN Tân Hưng (Lạng Giang) vừa ký biên bản ghi nhớ đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Yadea thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại KCN Tân Hưng, công suất khoảng 2 triệu xe/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD. Được thành lập vào năm 2001, Tập đoàn Yadea được biết đến là một trong những hãng sản xuất, phân phối xe máy điện hai bánh hàng đầu thế giới.

Nhờ những dự án FDI lớn đầu tư vào địa bàn mà tính từ tháng 1 đến nay, toàn tỉnh thu hút gần 796 triệu USD, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD. Trong đó, riêng thu hút vào KCN đạt 1 tỷ USD.

Hiện các sản phẩm của Yadea đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm những thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Năm 2019, Yadea đã đầu tư một dự án “Nhà máy lắp ráp xe đạp điện Yadea Việt Nam” tại KCN Quang Châu với tổng mức đầu tư 1 triệu USD. Hiện dự án đang hoạt động hiệu quả và ổn định, cung cấp bình quân 300.000 chiếc xe/năm cho thị trường.

Nhờ những dự án FDI lớn đầu tư vào địa bàn mà tính từ đầu tháng 1 đến nay, toàn tỉnh thu hút gần 796 triệu USD, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước.

Luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Ngoài các dự án trên, trong tháng 1, Bắc Giang tiếp nhận 23 hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Lũy kế đến nay, tổng số các dự án đầu tư tại các KCN là 448 dự án, trong đó có 336 dự án FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký 8,15 tỷ USD và 17.812 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 5,34 tỷ USD và khoảng 7.490 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh thu hút hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17% so với năm trước. Tính riêng thu hút FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP: Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai.

{keywords}

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Jasolar Việt Nam (KCN Quang Châu).

Kết quả thu hút đầu tư cho thấy, Bắc Giang tiếp tục là vùng đất được nhiều DN, tập đoàn lớn chọn làm “bến đỗ” sản xuất, kinh doanh. Ông Rong Wen You, Tổng Giám đốc, đại diện Tập đoàn Yadea tại Việt Nam chia sẻ: “Trong hơn 3 năm đầu tư sản xuất tại Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy Bắc Giang có vị trí địa lý quan trọng, phù hợp với phương hướng đầu tư của tập đoàn. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các cơ quan đã hỗ trợ rất tích cực cho nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Vì vậy, chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư tại tỉnh Bắc Giang. Sau thời gian tìm hiểu và khảo sát, Tập đoàn Yadea quyết định đầu tư một dự án tại KCN Tân Hưng nhằm tăng sản phẩm, cung cấp đơn hàng cho đối tác”.

Ông Trang Tư Ức, đại diện nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd cũng đánh giá cao tinh thần quyết tâm, đồng hành của UBND tỉnh Bắc Giang cũng như các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Nhà đầu tư cam kết không ngừng nỗ lực hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động, sản xuất gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Bắc Giang có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư. Tranh thủ cơ hội, năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD. Trong đó, riêng thu hút vào KCN đạt 1 tỷ USD. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 1, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu năm, việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Đây là tín hiệu vui trong thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh. Dự báo trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi nhiều nhà đầu tư quy mô lớn vào địa bàn, do đó các địa phương, ngành liên quan, Ban Quản lý các KCN cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.

Trao đổi với các nhà đầu tư, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, coi khó khăn của DN, nhà đầu tư cũng chính là vướng mắc của tỉnh và tỉnh có trách nhiệm cùng DN tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động thu hút đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và trình độ quản lý, các dự án công nghệ cao. Phối hợp đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các KCN: Việt Hàn, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và các KCN mới: Yên Lư, Tân Hưng, KCN Hòa Phú mở rộng; tích cực hỗ trợ các DN trong việc tuyển dụng lao động, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư vào KCN đạt 1 tỷ USD do Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Trịnh Lan

Ông Lu Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồ gia dụng Blue&Green (Trung Quốc): Đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng

{keywords}

Công ty TNHH Đồ gia dụng Blue&Green bắt đầu hoạt động tại Khu công nghiệp Quang Châu từ năm 2019. Công ty chuyên ép nhựa, đồ gia dụng, linh kiện với hơn 200 công nhân. Sản phẩm làm ra 50% được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, còn lại cung cấp cho một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn tại Việt Nam. Quá trình hoạt động, đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, nhất là thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Khi Bắc Giang quyết định đóng cửa các khu công nghiệp, nhà xưởng dừng hoạt động, Công ty Blue&Green cũng như hàng loạt DN khác đều lo lắng bởi không kịp bảo đảm đơn hàng cho đối tác, có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Tuy nhiên, tỉnh đã có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Công ty không chỉ được hỗ trợ phòng, chống dịch mà còn được hướng dẫn từng bước khôi phục sản xuất, thực hiện các biện pháp an toàn, công nhân được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Lúc cao điểm xảy ra dịch, DN thường xuyên được lãnh đạo tỉnh quan tâm, cơ quan chuyên môn thăm hỏi, động viên, chúng tôi rất cảm động và trân trọng việc làm này.

Năm 2021, chúng tôi sản xuất cầm chừng do lúc có công nhân thì không có đơn hàng hoặc có đơn hàng thì không đủ nhân lực sản xuất. Bước sang năm 2022, dù gặp không ít khó khăn nhưng DN đã được hỗ trợ, kết nối, tiếp cận nhiều đối tác nên sản xuất dần ổn định. Doanh thu năm 2022 đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm trước. Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư, hoạt động hỗ trợ DN của Bắc Giang. Hiện nay, nhiều thủ tục liên quan đến DN đều thao tác trên môi trường mạng, thực hiện online, Công ty rút ngắn được thời gian xuất, nhập khẩu hàng hóa, nộp thuế hoặc đăng ký cho chuyên gia nước ngoài đến làm việc, thủ tục đầu tư, mở rộng đầu tư. Ngoài ra, các cán bộ tiếp xúc, gặp gỡ khi DN cần hỗ trợ đều nhiệt tình hướng dẫn, các thủ tục được giải quyết nhanh hơn. Sau nhiều năm hoạt động tại Bắc Giang, chúng tôi thấy yên tâm và muốn gắn bó lâu dài. Vì thế, Công ty tiếp tục đầu tư hơn 2,4 triệu USD mở rộng dây chuyền mới tại Khu công nghiệp Vân Trung, dự kiến sẽ vận hành trong năm 2023. Hiện đơn vị chuẩn bị tuyển dụng công nhân để sớm đưa dây chuyền mới vào hoạt động, đáp ứng đơn hàng cho các đối tác.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới được tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn nữa về bảo đảm hạ tầng điện, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Thêm nhiều thủ tục được thao tác online để tiết kiệm thời gian, công sức cho DN khi thực hiện đầu tư, mở rộng đầu tư.

Ông Thân Văn Điều, Trưởng Phòng Phát triển dự án, Công ty cổ phần Đầu tư Golf Trường An: Đầu tư sân golf, hướng phát triển tiềm năng

{keywords}

Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, tiền thân là DN đóng tàu, Tập đoàn Trường An đã có những bước chuyển dịch, mở rộng ngành nghề sang vận tải, kinh doanh xăng dầu và sân golf. Mỗi bước đi mở rộng ngành nghề, Tập đoàn đều có những đánh giá kỹ lưỡng về khả năng phát triển bền vững. Với golf, Tập đoàn đánh giá là môn thể thao tiềm năng, ngày càng thu hút nhiều người tham gia, nhất là trong điều kiện hội nhập, thu hút đầu tư và kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển; nhiều nơi, sân golf đã quá tải. Đón cơ hội đó, năm 2015, DN đã đầu tư xây dựng sân golf Kim Bảng Hà Nam, với diện tích 161,4 ha, quy mô 36 hố. Sân golf này mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Hằng năm, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hơn 38 tỷ đồng.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách rộng mở, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, năm 2020, Tập đoàn lựa chọn địa bàn Việt Yên, huyện công nghiệp có vị thế thuận lợi, tiếp giáp với TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh và nhiều địa phương khác để xây dựng sân golf. Quá trình thực hiện, chúng tôi được các cấp ngành từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, từ khâu thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng cho đến giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất...

Dự án sân golf Việt Yên được thực hiện tại hai xã Hương Mai và Trung Sơn, với diện tích 140 ha, tổng kinh phí đầu tư 1.214 tỷ đồng. Sân có quy mô 36 hố và các hạng mục phụ trợ. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2023, xây dựng 18 hố golf cùng hạ tầng, nhà điều hành và các công trình phụ trợ. Giai đoạn 2 xây dựng 18 hố và các công trình phụ trợ kèm theo, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Hiện DN đã thi công khoảng 90% khối lượng công việc của giai đoạn 1, dự kiến 18 hố golf sẽ đưa vào hoạt động giữa năm nay và tiếp tục triển khai giai đoạn 2. 

Theo kế hoạch, dự án hoàn thiện vào cuối năm 2024. Sân golf Việt Yên sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của hàng nghìn chuyên gia, nhà đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện và người yêu môn thể thao này. Quá trình hoạt động, sân golf sẽ đóng góp khoản thu ngân sách lớn cho tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương.

Từ tiềm năng của môn thể thao này, cùng với xây dựng sân golf Việt Yên, Tập đoàn Trường An đang chuẩn bị đầu tư sân golf Hồ Núi Cốc tại tỉnh Thái Nguyên; nghiên cứu đầu tư sân golf Thịnh Long tại tỉnh Nam Định và một số địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc điều hành Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Công ty cổ phần DỊCH VỤ Tây Yên Tử): Cơ chế “đặc biệt” giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án

{keywords}

Đã tham gia một số dự án tại các địa phương khác song khi về Bắc Giang, chúng tôi thấy địa phương có chính sách thu hút đầu tư tốt, chính quyền thân thiện.

Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử là dự án trọng điểm của tỉnh về phát triển du lịch. Từ khi về Bắc Giang khảo sát dự án (năm 2015), chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo riêng triển khai dự án này do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban, các thành viên là giám đốc hoặc phó giám đốc các sở, ngành liên quan. Thành viên Ban chỉ đạo cùng tham gia vào tất cả các giai đoạn, từ việc chuẩn bị đầu tư cho đến giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục của nhà đầu tư về đất đai, môi trường, xây dựng…  Qua đó kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn ngay để dự án triển khai thuận lợi nhất. Điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với dự án và là động lực để DN đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác. Minh chứng rõ nét là dù mới manh nha ý tưởng từ năm 2015 song đầu năm 2016, phương án quy hoạch tỷ lệ 1/500 đầu tiên chính thức được lập. Quá trình thực hiện các thủ tục diễn ra nhanh để đến quý IV năm đó chúng tôi bắt đầu triển khai dự án. Đây là tốc độ thực hiện vô cùng ấn tượng. 

Khu du lịch có quy mô khoảng 136 ha với tổng vốn đầu tư 3,4 nghìn tỷ đồng. Sau hai năm triển khai, cuối năm 2018, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục chính gồm: Tuyến cáp treo nối từ chùa Hạ lên chùa Thượng, hai nhà ga cáp treo, một cổng quảng trường trung tâm cùng một số hạng mục phụ trợ về cảnh quan xung quanh... Đầu năm 2022, chúng tôi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn của tỉnh trong việc hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn với cảnh quan núi rừng ở Tây Yên Tử; tâm điểm là giảm bớt phần bê tông hoá, chuyển sang hướng thân thiện với thiên nhiên.

Sau khi quy hoạch này được tỉnh phê duyệt (tháng 6/2022), chúng tôi đang khẩn trương làm các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư và tiến hành bước thiết kế cơ sở toàn bộ hạ tầng của tổng khu cùng các hạng mục xây dựng theo tiến độ. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, huyện, dự kiến giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào tháng 4/2023 và hoàn thành trong năm 2024. Các hạng mục cuối cùng thuộc giai đoạn 3 của dự án sẽ được khởi công, hoàn thành trong năm 2024, 2025. Khi đó, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử sẽ là một quần thể hoàn chỉnh, một điểm nhấn du lịch của tỉnh và là điểm đến lý tưởng của du khách.

Nhóm PVKT



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...