Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngát hương rừng Tây Yên Tử

Cập nhật: 22:06 ngày 19/01/2023
(BGĐT) - Vừa mới đây, một ngày đầu đông, tôi cùng nhóm bạn về thăm quê Tây Yên Tử, nhân thể tìm hoa, ngắm hoa, hỏi chuyện về nguồn di sản hoa rừng. Với riêng tôi, chuyến du ngoạn có ba ngày nhưng kiến thức về hoa gặt hái được là số cộng của mấy mươi năm gắn bó với rừng, mấy mươi chuyến đi trước đây, mấy mươi ngày lội suối, luồn khe, ngủ rừng. Ấy là bởi quê tôi ở vùng non cao Mai Sưu - vùng đất thuộc Tây Yên Tử.

Ký ức những rừng hoa sim

Chừng nửa thế kỷ trước, rừng Tây Yên Tử vẫn còn nguyên sinh, hầu như chưa bị chặt phá. Sim mọc tự nhiên, sau đôi ba năm cao ngang tầm tay, thành bụi, ra hoa trái. Những cây sim cụ, sim gộc, sim rừng có thể cao tới đôi ba mét. Sim rừng Tây Yên Tử khác loại sim đồi, sim còi, sim áy, sim vàng, sim chát ở chỗ thường mọc dưới chân núi, bờ bãi thấp, quả căng mọng, tím sẫm, to gấp đôi gấp ba sim đồi. Sim mọc thành bạt, ngập tím rừng, chia thành hai tuyến. Một tuyến chạy dọc đường núi từ Đồi Ngô (Lục Nam) lên đình Kim, Biển Động (Lục Ngạn), An Châu, Hữu Sản, vắt sang Long Sơn, Tuấn Mậu (Sơn Động). Một phía từ Nghĩa Phương, Suối Mỡ, Mai Sưu, Đồng Đỉnh, Đèo Bụt (Lục Nam) tiếp nối với Tuấn Mậu - Đồng Thông - Thanh Sơn (Sơn Động). Vào độ chớm hè, sim bắt đầu nảy nụ, sau rồi nở thành hoa, kết trái.

Trong mỗi bụi sim thường có cả nụ nhỏ, nụ to, nụ hé hoa và xòe năm cánh mãn khai. Hoa sim nở thành chùm ở đầu cành, che lấp cả tán lá. Hoa khoe sắc tím. Từng bụi, từng bạt sim tím, từng cánh rừng sim trải dài suốt vùng Tây Yên Tử. Lại nhớ lời thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan đã trở thành biểu tượng mối tình một thời đau thương: Chiều hành quân/ Qua những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt/… Chiều hoang tím có chiều hoang biết/ Chiều hoang tím tím thêm màu da diết… Sau này, lời thơ chuyển hóa trong những bản nhạc sâu lắng của nhiều nghệ sĩ.

{keywords}

Phụ nữ dân tộc Dao bên rừng Tây Yên Tử. Ảnh: Hương Giang.

Trong khoảng hai mươi năm nay, những bạt sim, cánh rừng sim xưa đã bị tàn phá rồi mất dần, mất hết. Mấy năm nay người dân đào cả gốc và bán như một thứ cây cảnh, giá vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một gốc. Ngược đường 293 lên Tây Yên Tử, tôi còn thấy một bạt sim trong vườn nhà dân gần đỉnh hồ Suối Mỡ, lác đác đầu nương cuối bãi Nghè Mản, vài ba cụm lưa thưa trên Đèo Sen - Ao Ếch, nơi phân thủy, giáp giới hai huyện Lục Nam - Sơn Động. À, vẫn còn thấy mấy hàng sim cảnh trồng ngay dưới chân chùa Hạ (Đồng Thông - Tuấn Mậu)…

Đi tìm mấy loài hoa quý

Một sớm, chúng tôi gặp ông Triệu Anh Tuấn, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm Sơn Động để hỏi về các loài hoa ở Tây Yên Tử. Ông Tuấn say sưa kể về quy hoạch rừng, chuyện đóng cửa rừng mong cứu vãn những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại. Mãi rồi ông mới ngỏ về chuyện nhân giống hoa mai vàng Tây Yên Tử. Cũng họ nhà mai nhưng mai vàng nơi đây khác hẳn vườn mai Nam Bộ và những chậu mai bán khắp các tỉnh ngoài Bắc mỗi dịp xuân về Tết đến. 

Mai Tây Yên Tử nguyên là mai rừng, thân gỗ to, cây cổ thụ có thể cao đến vài mét. Loài hoa mai này màu vàng chanh. Vào đúng ngày xuân, có những cây rụng hết lá, chỉ vàng rực hoa. Đi trên cáp treo có thể thấy thấp thoáng những tán mai vàng rực bên vách đá mà con người hầu như khó thể tới được. Ngay tại khuôn viên Hạt Kiểm lâm Sơn Động cũng trồng mấy chục cây mai rừng nhưng mới cao đôi mét. Mai rừng thường trổ hoa từ độ đầu đông, có thể khoe sắc suốt hai tháng mùa xuân. Việc nhân giống, trồng đại trà mai vàng không khó. Biết đâu rồi cũng có những cánh rừng mai vàng cho du khách bốn phương thưởng ngoạn.

Mùa xuân lại về. Hy vọng trong 5 năm, 10 năm, đôi ba mươi năm nữa, vùng non cao Tây Yên Tử sẽ phát huy thế mạnh, có thêm những vườn hoa rừng, những cánh rừng hoa đặc chủng sim, đào chuông, mai vàng, đỗ quyên, lan phi điệp và các loài lan khác.

Lại nhớ một ngày xuân năm trước, tôi đến chơi nhà ông Hoàng Hạ ở thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) thấy trên bình cắm một loại hoa lạ. Ông giới thiệu đây là giống đào chuông, còn gọi chuông gió, có khi chỉ gọi hoa chuông. Chơi đào chuông cũng gần như đào nhà, cùng nở vào dịp Tết nhưng bền đến cả tháng. Đào chuông đẹp thật. Cánh hoa pha màu trắng, hồng nhạt rồi thắm đỏ. Mỗi chùm đào chuông tỏa ra sáu nhánh hoa hệt như hình cái chuông buông thõng. Tìm được loại hoa này cũng chí tử kỳ công. Đào chuông thuộc loại tiểu mộc, họ đỗ quyên, thường mọc trên núi đá, bên khe nước, vạt rừng cao. Ông Hoàng Hạ kể, có lần đi giữa ngày hè ngược khe suối, từ sáng đến trưa bỗng thấy một cây đào chuông. Vào mùa hè, cây xanh tươi, nhánh non đầu cành phô búp xanh. Ngẫm nghĩ đến gần Tết sẽ tìm lên xin thần núi một nhánh về chơi xuân. Ấy thế mà đến hẹn vẫn theo khe suối xưa, rẽ trái rẽ phải mà sao mãi không tìm được cây. Cả một vùng núi đá với bao nhiêu khe suối, khó nhớ chính xác được chỗ nào. Chỉ cần khuất nẻo khoảng mươi mét, quá tầm nhìn, chẳng thấy cây đâu. Mình đi rừng lạc lối có lẽ cũng như người xưa từng mơ tưởng chốn Đào Nguyên, biết đâu mà tìm.

Đất nước mình ở xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều nên có nhiều loại hoa lan. Riêng miền rừng Tây Yên Tử cũng có đủ phong lan, địa lan, thạch lan. Tuy nhiên, người dân các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động thiên về chơi các loại phong lan và địa lan, không nhiều thạch lan. Đi dọc theo các tỉnh lộ, vào tận các thôn bản thường thấy những giò lan đung đưa dưới cành cây, treo ngang giàn hoa, có khi nhánh lan bám theo cả một khúc gỗ. Đặc biệt, vùng Tây Yên Tử có giống lan phi điệp hoa tím, khác với phi điệp Hòa Bình sắc trắng, phi điệp vàng hợp với vùng cao Tây Bắc, Lâm Đồng. Trong khi cả cành lan phi điệp buông thõng xuống thì phần mặt hoa ở từng bông lại có những chấm thẫm (tượng hình có đủ mắt, mũi, lưỡi), rồi có cánh thượng trụ che chắn phía trên... Tên lan phi điệp (bướm bay) gợi ý, gợi hình, gợi tình lại còn được gọi bằng những cái tên thơ mộng khác nhau tùy trí tưởng tượng, cách hình dung về hình dạng những lan dã hạc, lan giả hạc, giả hạc tím, lưỡng điểm hạc. Có thể thấy lan phi điệp Tây Yên Tử thân thanh mảnh, mỗi đốt cách nhau vừa phải, cuống dài vừa phải nên chỉ cần một gợn gió nhẹ cũng khiến cành hoa uốn dẻo, lay động, rung rinh.

Vào ngày thứ ba ở Tây Yên Tử, chúng tôi gặp người am hiểu hoa và vườn rừng Phạm Văn Thuấn ở thị trấn Tây Yên Tử. Anh Thuấn có gần chục mảnh vườn, nhiều lúc mải việc đến mê mị. Trong câu chuyện, nghe chúng tôi nói chỉ đi xem hoa, thăm thú, thưởng ngoạn, không phải khách mua, anh vẫn vui vẻ dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu mấy cánh vườn và những loài hoa quý. Này là mấy khóm sim. Này là chè hoa vàng đặc sản. Là chỗ thử nghiệm giâm cành đào chuông. Kia là cây đỗ quyên, chủ yếu chuyển về công sở, công trường. Rồi bạt mai vàng đang chờ khách, có cây mới đặt gốc, có cây mới phạt bớt cành, cây đang được uốn tỉa, định hình các thế nghênh phong, phượng vũ, liên chi…

Mùa xuân lại về. Hy vọng trong 5 năm, 10 năm, đôi ba mươi năm nữa, vùng non cao Tây Yên Tử sẽ phát huy thế mạnh đất rừng, có thêm những vườn hoa rừng, những cánh rừng hoa đặc chủng sim, đào chuông, mai vàng, đỗ quyên, lan phi điệp và các loài lan khác.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn

Xuân về bên sườn Tây Yên Tử
(BGĐT) - Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, những người làm nhiệm vụ “gác rừng” bên sườn Tây Yên Tử vẫn ngày đêm làm việc. Với họ, không có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, Tết cũng gắn với rừng. 
Họp báo về Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023
(BGĐT) - Sáng 10/1, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo về Lễ khai hội xuân và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch  2023 với chủ đề "Linh thiêng Tây Yên Tử". 
Lễ hội Xuân Tây Yên Tử năm 2023: Tạo cú hích phát triển du lịch
(BGĐT) - Sau 3 năm không mở hội do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử sẽ được tổ chức ngay những ngày đầu năm Quý Mão 2023. Để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, công tác chuẩn bị đang được các đơn vị, huyện Sơn Động (Bắc Giang) gấp rút thực hiện.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...