Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11: Cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng

Cập nhật: 17:05 ngày 16/11/2022
(BGĐT) - Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Giang họp phiên thường kỳ tháng 11 cho ý kiến vào một số dự thảo văn bản. Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. 
{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại phiên họp.

Cùng dự có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phiên họp cho ý kiến vào nhiều dự thảo văn bản quan trọng, gồm: Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2022; nhiệm vụ, biện pháp tổ chức thực hiện năm 2023; quy chế làm việc của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026; quyết định của UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; quy hoạch chung thị trấn Biển Động; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Chũ giai đoạn 2022 -2025; quy hoạch vùng huyện Yên Thế đến năm 2040; quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Bố Hạ và vùng phụ cận huyện Yên Thế.

Dự thảo báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2022; nhiệm vụ, biện pháp tổ chức thực hiện năm 2023 của UBND tỉnh nêu, năm qua tỉnh đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Toàn tỉnh tiếp 8.217 lượt người đến KNTC và kiến nghị, phản ánh, trong đó giải quyết hơn 6,1 nghìn vụ việc. Các cơ quan liên quan giải quyết xong 3.997/4.391 đơn KNTC, đạt tỷ lệ 91%.

Trong năm, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của các huyện, TP, góp phần hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh, nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp tại địa phương được chỉ đạo xử lý. Việc thực hiện tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có chuyển biến tốt. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh không phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện.

Tuy nhiên, việc vi phạm thời hạn giải quyết vẫn còn xảy ra, một số địa phương chậm giải quyết vụ việc do Chủ tịch UBND tỉnh chuyển về như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lạng Giang. Chất lượng giải quyết vụ việc của một số địa phương còn hạn chế: Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn.

Kết quả tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết KNTC còn hạn chế như huyện Hiệp Hòa. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, công dân còn tập trung ra T.Ư khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự...

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Quốc Toản góp ý kiến vào dự thảo báo cáo.

Góp ý vào dự thảo báo cáo này, Thượng tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh nêu, hiện nay hầu hết các vụ việc KNTC đều liên quan đến đất đai. Nhiều vụ việc KNTC chưa được giải quyết thỏa đáng và dứt điểm. Đáng lo ngại, trong quá trình giải quyết KNTC, cán bộ chưa hiểu sâu kỹ vấn đề và chưa giải thích rõ ràng các quy định của pháp luật liên quan để tạo đồng thuận từ phía người dân. Bởi vậy, một số vụ việc KNTC còn kéo dài, diễn biến phức tạp. Thậm chí, có nơi để xảy ra KNTC còn do lỗi vi phạm của cán bộ cơ sở nhưng chính quyền sở tại chưa xử lý nghiêm cán bộ, gây bất bình trong nhân dân...

Trước thực tế này, đồng chí đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần giải quyết các vụ việc KNTC bảo đảm đồng bộ. Đó là trước tiên cần quan tâm xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra vi phạm khiến người dân KNTC trước, sau đó giải quyết đến từng vụ việc để bảo đảm sự công bằng. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết vụ việc đúng trình tự, quy trình của pháp luật, tránh để kéo dài.

Tập trung giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, không để vụ việc từ đơn giản thành phức tạp; giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp và thi hành triệt để các quyết định...

Nhiều ý kiến khác nêu, tới đây trong tỉnh có rất nhiều dự án, công trình được thực hiện liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Do đó, cấp có thẩm quyền cần có dự báo, tính toán giá đất bồi thường giải phóng mặt cho người dân khi thực hiện dự án để bảo đảm sát với giá thị trường, hạn chế thấp nhất việc KNTC.

Liên quan nội dung này, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị Thanh tra tỉnh tiếp thu, bổ sung đầy đủ các ý kiến vào dự thảo, hoàn thiện báo cáo. Trong đó cần có đánh giá dự báo, quan tâm đến các giải pháp để giảm thiểu các vụ việc KNTC, nâng cao chất lượng xử lý các vụ việc ngay từ khi phát sinh, hạn chế để kéo dài. Đồng thời tăng cường đối thoại trong giải quyết vụ việc; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai...

Về dự thảo quy chế làm việc của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026, đồng chí Lê Ánh Dương giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại nội dung văn bản bảo đảm tính chính xác, lôgic, tránh trùng lặp. Sở tiếp thu, bổ sung vào dự thảo văn bản phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động và tính toán đến việc xử lý tình huống khi có văn bản bổ sung điều khoản được dẫn chiếu trong quy chế này.

{keywords}

Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Chũ giai đoạn 2022 -2025.

Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Chũ giai đoạn 2022-2025 nêu, quá trình phát triển huyện Lục Ngạn đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân cư phân bố không đều, tỷ lệ dân số đô thị thấp. 

Khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng thấp và vùng cao lớn; việc quản lý, điều hành, thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gặp nhiều khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội vẫn thiếu đồng bộ là điểm nghẽn cản trở sự phát triển; các nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chủ trương xây dựng và phát triển thị xã Chũ là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn. Xây dựng, phát triển thị xã Chũ phải đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Liên quan đến dự thảo này, sau khi nghe các ý kiến góp ý, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị huyện Lục Ngạn xem xét chỉnh sửa một số nội dung của dự thảo, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chú trọng đến các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch; tính toán cụ thể tổng mức đầu tư, nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện và cách thức thu hút nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Đối với dự thảo quy hoạch vùng huyện Yên Thế đến năm 2040, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện xem xét cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng sâm nam núi Dành, gà đồi và du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ngoài các dự thảo văn bản trên, hội nghị cho ý kiến và thông qua một số dự thảo: Quy định một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; quy định một số nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh: Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bổ sung khoản 4, điều 1 của Nghị quyết số 41/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/ 2019 của HĐND tỉnh quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy định một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Ngày mai (17/11), UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 11.

Tin, ảnh: Minh Linh

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 6: Tập trung các giải pháp tăng thu ngân sách, đón làn sóng đầu tư mới
(BGĐT) - Ngày 18/6, UBND tỉnh Bắc Giang họp phiên thường kỳ tháng 6. Các đồng chí: Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh; Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương.
UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11: Cho ý kiến vào dự thảo một số văn bản, nghị quyết
(BGĐT) - Ngày 19-11, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh.
UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6: Cho ý kiến vào một số dự thảo, văn bản quan trọng
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 19-6, UBND tỉnh Bắc Giang bước vào ngày làm việc thứ hai kỳ họp thường kỳ tháng 6. Đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...