Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Liên kết chặt chẽ “4 nhà”, tăng giá trị cây ăn quả

Cập nhật: 09:37 ngày 05/01/2021
(BGĐT) - Ngày 3/1, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu về thăm vùng cây ăn quả Lục Ngạn (Bắc Giang). Trong cuộc tọa đàm cùng Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái, một số nhà khoa học, nông dân và đại diện doanh nghiệp, Bộ trưởng đã gợi mở nhiều vấn đề về liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển cây ăn quả.

Trình độ canh tác của nông dân như một “nghệ nhân”

Mở đầu cuộc tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nêu, thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang luôn quan tâm sát sao đến nông nghiệp.

Theo đó phương châm chỉ đạo của tỉnh là phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương để sản xuất nông nghiệp. Huyện Lục Ngạn đang hình thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc.

{keywords}

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái tọa đàm cùng nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân bàn về liên kết sản xuất cây có múi.

Bắc Giang có diện tích cây ăn quả hiện đạt gần 60 nghìn ha, trong đó đã hình thành vùng chuyên canh như: Cam, bưởi, vải thiều. Trình độ canh tác của bà con Lục Ngạn như một “nghệ nhân” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nhiều hộ canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP cho sản phẩm sạch, chất lượng, giá trị đều cao. Đây là điều kiện thuận lợi hướng tới phát triển trồng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch miệt vườn.

Như vậy, các điều kiện cần cho sản xuất nông nghiệp của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có; bà con sản xuất giỏi, quy trình tốt, vấn đề đặt ra là liên kết, cơ bản nhất vẫn là mối liên kết với doanh nghiệp để chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Về phía nhà nông, ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) bày tỏ, gia đình có 2 ha bưởi ngọt, bưởi da xanh. Toàn bộ cây được bón bằng phân hữu cơ và bổ sung đậu tương, cá mắm nên bưởi ngọt, thơm, bảo đảm sạch phục vụ bà con, quý khách.

Ngoài ra, trên đỉnh mỗi cây bưởi, ông ghép một giống bưởi khác để tạo một tỷ lệ nhất định thụ phấn chéo, giúp cây tăng khả năng thụ phấn, đậu quả. Đồng thời áp dụng thụ phấn nhân tạo nên bưởi cho quả đồng đều; nuôi gà dưới tán bưởi để diệt sâu bọ. Riêng vụ bưởi này, hộ ông Én thu về gần 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Én băn khoăn việc tiêu thụ cam, bưởi hầu như vẫn phụ thuộc vào thương nhân, chưa có hợp đồng bao tiêu ổn định. Ông Én đề nghị các ban, ngành tiếp tục quan tâm mời gọi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đồng thời mở nhà máy chế biến sâu hơn để đa dạng sản phẩm từ cây có múi.

Tạo giống ít hạt, chế biến sâu

Liên quan đến chế biến nông sản, ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) chia sẻ, đã nhiều năm xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang sang thị trường nhiều nước, Công ty nhận thấy chất lượng vải của Bắc Giang rất tốt. 

{keywords}

Khách tham quan một vườn cam ngọt tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn).

Đặc biệt, đối tác tại Nhật Bản đã đề ra hàng rào kỹ thuật gồm 800 chỉ tiêu song vải của Bắc Giang đều đáp ứng đủ điều kiện. Riêng với cây có múi, nếu Bắc Giang trồng diện tích lớn thì Công ty cũng có thể liên kết tiêu thụ.

Bưởi bên cạnh xuất khẩu tươi còn chế biến cô đặc. Khoảng 15-20 tấn quả tươi mới được 1 tấn cô đặc. Nếu phát triển vùng, cây trồng được chăm sóc như bà con Lục Ngạn thì chế biến rất tốt, giá cả cạnh tranh được với thị trường thế giới.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao cách trẻ hóa vườn cây ăn quả của nhà vườn Lục Ngạn. Bà con đầu tư vào nông nghiệp như kinh doanh nông nghiệp chứ không phải sản xuất thuần túy nên đã thành công với cây có múi dù đây là cây trồng “khó tính”.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, muốn chế biến sâu thì chất lượng quả phải tốt, ít hạt. Vì thế, trước mắt, Viện cải thiện giống bằng cách phục tráng một số giống đã thoái hóa; áp dụng phương pháp lai gần tạo ra chủng không khác biệt lớn với loại quả đặc sản ở đây.

Một trong những lợi thế của Việt Nam là cây đặc sản nên Viện cố gắng giữ lại thuộc tính gần gũi với giống cây đó và giảm bớt hạt trong quả. Về phía chính quyền địa phương, Viện khuyến nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng hướng dẫn kỹ thuật thì vườn cây mới bền.

Qua chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái và các ý kiến tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bắc Giang đang nổi lên là tỉnh có diện tích cây ăn quả rất lớn, đứng thứ 3 toàn quốc sau tỉnh Tiền Giang, Sơn La.

Như vậy, câu chuyện phát triển cây ăn quả những năm gần đây nói riêng và kinh tế nông nghiệp nói chung đòi hỏi phải liên kết chặt chẽ “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) để tăng giá trị sản phẩm.

Bộ trưởng vui mừng khi thấy nông dân Bắc Giang đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức, chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, là một hướng đi phù hợp với định hướng của ngành và yêu cầu, đòi hỏi của thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.

Tiến bộ nữa là nông dân trồng bưởi đã gắn với du lịch. Điều này chứng tỏ nông dân bên cạnh cần cù, chịu khó sáng tạo còn giỏi ứng dụng công nghệ 4.0. Đó là giới thiệu, bán hàng qua mạng, hút khách đến tham quan.

{keywords}

Bắc Giang đang nổi lên là tỉnh có diện tích cây ăn quả rất lớn, đứng thứ 3 toàn quốc sau tỉnh Tiền Giang, Sơn La. Như vậy, câu chuyện phát triển cây ăn quả những năm gần đây nói riêng và kinh tế nông nghiệp nói chung đòi hỏi phải liên kết chặt chẽ “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân)”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng đặc biệt ấn tượng khi một số nhà vườn Lục Ngạn biết ghép giống bưởi khác trên đỉnh cây để thụ phấn cho các cây khác. Cách làm này sáng tạo hơn rất nhiều so với hướng dẫn trong quy trình là nên bố trí một tỷ lệ giống bưởi khác đan xen vào vườn.

Về chế biến nông sản, Bộ trưởng giao Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiếp tục nghiên cứu sâu theo hướng tận dụng được cả cùi, vỏ, lõi quả tạo sản phẩm giá trị cao. “Vỏ bưởi làm thành dầu, cùi thành mứt, lõi bưởi không chỉ ăn tươi mà ra chuỗi cô đặc”-Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu nên hoa cây ăn quả ra sớm, ra muộn, đôi khi không theo quy luật, xác suất mất mùa cao, do đó đơn vị chọn tạo, nhân giống phải tạo ra bộ giống tăng tính thích ứng và quả ít hạt.

Bộ trưởng tin tưởng, từ thực tiễn sản xuất của nông dân, chia sẻ của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cho thấy khi “4 nhà” đồng hành thì làm nông hoàn toàn có thể làm giàu trên chính vườn ruộng của mình.

Lục Ngạn - vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia
(BGĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi, người dân nỗ lực lao động, vùng đất Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã cho nhiều loại trái cây thơm ngon nức tiếng, đưa nơi đây thành “tập đoàn” cây ăn quả (CAQ) của địa phương. Trên cơ sở lợi thế đó, Lục Ngạn đang từng bước xây dựng vùng CAQ trọng điểm quốc gia.
Tân Yên mở rộng diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP lên 373,3 ha
(BGĐT)-Năm 2020, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã xây dựng và mở rộng vùng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP lên 373,3 ha. Các cây trồng đặc trưng là: Vải thiều sớm, ổi, bưởi, vú sữa.  
Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông - đô thị, nâng giá trị vùng cây ăn quả trọng điểm
(BGĐT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn song với tinh thần quyết tâm cao, đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các chỉ tiêu Đại hội đề ra cơ bản đạt và vượt.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...