Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ: “Đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 16:46 ngày 19/01/2023
(BGĐT) - Mặc dù là tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, điều kiện còn nhiều khó khăn song với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của tỉnh, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có bước tiến đáng kể, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. 

Nhiều thành tựu nổi bật

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo gắn kết hoạt động KH&CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tỉnh đã có nhiều hình thức phong phú, cơ chế đa dạng khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) hướng hoạt động vào phục vụ phát triển KT-XH. Đây là cơ hội để tỉnh tranh thủ thu hút lực lượng KH&CN cả nước vào hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển của địa phương.

Thực tế, thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong hầu hết các lĩnh vực đã có những tác động tích cực đến phát triển KT-XH của tỉnh. Các nghiên cứu, ứng dụng trong quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với đặc điểm sinh thái, nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp phục vụ cho công nghiệp chế biến và phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề đã tạo nhiều nông sản hàng hoá, tạo thêm nghề và việc làm mới ở nông thôn. 

Điển hình trong nông nghiệp, một số tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Nhờ đó hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế; vùng nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; vùng cây ăn quả Lục Ngạn; vùng sản xuất cây công nghiệp: Miến dong Sơn Động, chè Yên Thế, khoai tây Lạng Giang, Yên Dũng; vùng trồng rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao được phát triển mạnh mẽ ở các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa… 

Nhờ ứng dụng công nghệ nên năng suất cây trồng, vật nuôi tại các vùng này tăng từ 10-15%, giá bán bình quân tăng từ 20-30%. Tương tự, sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, là điểm đến của nhiều DN công nghệ lớn như: Apple, Foxconn, Luxshare... để tạo các sản phẩm công nghệ cao như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời... Đây là những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thương hiệu toàn cầu góp phần tạo nên và quảng bá hình ảnh một Bắc Giang mới, điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo.

{keywords}

Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại Thống Nhất, thị trấn Vôi (Lạng Giang) là một trong những doanh nghiệp KH&CN của tỉnh. Ảnh: Công nhân Công ty cổ phẩn và thương mại Thống Nhất sản xuất cửa lõi thép. Sỹ Quyết.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng trong thực tế, thời gian qua, Sở KH&CN tập trung quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng thông qua các cuộc thanh, kiểm tra và xây dựng các chuyên đề tuyên truyền như: Quản lý đo lường, chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, xăng dầu... Qua đó có tác động tích cực đến xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân và DN, giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá bảo đảm chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đã được quan tâm và lựa chọn các cơ sở để xây dựng mô hình điểm áp dụng. Nhiều sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cấp chứng nhận bảo hộ về sở hữu trí tuệ, như: Vải thiều Lục Ngạn, mây tre đan Tăng Tiến, rượu Làng Vân, mật ong Lục Ngạn, mỳ Kế, gạo nếp Phì Điền, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng... giúp tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Thực tế dù đầu tư cho KH&CN chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân chung của cả nước, song nhờ cơ chế quản lý nên các tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN đã từng bước đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã thực hiện hoạt động KH&CN và phạm vi hoạt động được mở rộng, quyền tự chủ về tài chính bước đầu được triển khai áp dụng đối với các tổ chức thực hiện KH&CN.

Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về KH&CN được cải tiến một bước thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở KH&CN cũng như bộ phận quản lý KH&CN cấp huyện. Trong năm qua, các huyện, TP đều quan tâm thành lập Hội đồng KH&CN với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức thống nhất theo hướng dẫn; hoạt động KH&CN cấp huyện đã ổn định, đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn. Các thể chế hỗ trợ cho phát triển thị trường công nghệ đã bước đầu được hình thành. Hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ đã được ban hành tạo điều kiện cho việc thương mại hoá các thành quả KH&CN; hình thành kênh giao dịch thị trường thúc đẩy hoạt động mua bán thiết bị và các sản phẩm KH&CN. Kết quả đó đã khẳng định vai trò của KH&CN tạo động lực trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù vậy, qua đánh giá, tiềm lực KH&CN của tỉnh còn chưa đủ mạnh để trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển KT-XH. Các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin bước đầu được triển khai ứng dụng song kết quả chưa cao. Nhiều vấn đề bức xúc của sản xuất chưa được tập trung nghiên cứu, giải quyết như chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch. Để khắc phục, thời gian tới, Bắc Giang sẽ tập trung phát triển KH&CN gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thời kỳ 2021-2030, xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KH&CN, đổi mới sáng tạo, đưa KH&CN, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”.

Cùng đó, tăng cường tiềm lực KH&CN, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các chương trình, kế hoạch KH&CN triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của tỉnh. Tái cấu trúc các chương trình KH&CN trong đó chú trọng đến phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0… nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong kết cấu hạ tầng số của tỉnh, làm tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ ở các lĩnh vực khác. Ứng dụng chuyển giao KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng lợi thế, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, quan tâm chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp trong đó lấy DN là trung tâm của hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang

Bắc Giang: Duy trì và nâng cao chỉ số chuyển đổi số trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước
(BGĐT) - Đó là mục tiêu UBND tỉnh Bắc Giang đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước của tỉnh năm 2023.
Tăng cường giám sát về công nghệ và quản lý, vận hành đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt
(BGĐT) - Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang  vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác quản lý đánh giá, giám sát về công nghệ và việc quản lý, vận hành đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, trạm xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.
Sáng kiến mang lại hiệu quả cao
(BGĐT) - Để giảm thời gian xác nhận thông tin khi chuyển đổi từ chứng minh nhân dân (CMND) 9 số sang căn cước công dân (CCCD) 12 số, nhóm tác giả Hà Duy Tiệp (SN 1988), Trần Anh Đức (SN 1990), nhân viên Phòng Điện toán, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Bắc Giang II đã thiết kế phần mềm và bộ thiết bị đọc thông tin trên CCCD. Sản phẩm nhằm tối ưu thời gian và bảo đảm chính xác thông tin lưu trữ tại đơn vị. 
Bắc Giang: Nuôi bò BBB mở hướng làm giàu
(BGĐT) - Tháng 12/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Bắc Giang được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt lai BLANC - BLUE - BELGE (BBB) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Sau 2 năm triển khai, dự án bước đầu khẳng định hiệu quả.
Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hợp tác xã
(BGĐT) - Để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu, nhất là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...