Các trường đại học, cao đẳng: Sắp xếp lại ngành nghề đào tạo, thu hút người học
Mở ngành đào tạo mới
Hiện nay, ngoài các trường dạy nghề, trên địa bàn tỉnh có hai đơn vị giáo dục nghề nghiệp là: Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang và Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. Giống như nhiều trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh, TP, hai trường cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Trước những đòi hỏi khách quan và sự biến động liên tục của thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã sắp xếp, cơ cấu lại và mở thêm những ngành nghề mới.
Năm học này, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang có gần 500 sinh viên với quy mô đa ngành nhưng hiện chỉ đào tạo ở 5 khoa. Trong đó mũi nhọn là giáo dục mầm non và khối ngành sức khỏe (y, dược, kỹ thuật viên y). Từ năm 2019, thực hiện chuẩn hoá đội ngũ theo Luật Giáo dục yêu cầu giáo viên bậc tiểu học, THCS phải đạt chuẩn trình độ đào tạo từ đại học trở lên dẫn đến khối ngành sư phạm chỉ tuyển sinh được ngành mầm non. Từ tháng 7/2021, Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. Với chức năng nhiệm vụ mới, nhà trường cơ cấu, sắp xếp lại các khoa, phòng trực thuộc, tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành học đang thiếu nhân lực.
Giờ học thực hành về giải phẫu của sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. |
Hiện nay, không chỉ trong tỉnh mà trên cả nước đang thiếu giáo viên mầm non, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhà trường tạm ngừng tuyển sinh một số ngành để tập trung xây dựng chương trình đào tạo ở mã ngành mầm non và y, dược. Ông Nguyễn Hoàng Quỳnh, Hiệu trưởng nói: "Sau 2 năm sáp nhập, các ngành học hiện có đều thu hút lượng thí sinh dự tuyển năm sau cao hơn năm trước và vượt kế hoạch tuyển sinh đề ra. Năm học này, số thí sinh dự tuyển vào hai nhóm ngành mầm non và y dược của nhà trường tăng".
Từ năm 2016, quy mô đào tạo của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang giảm nhiều, có năm học chỉ có khoảng 1 nghìn sinh viên (trước đây có đến 4-5 nghìn em). PGS, TS Nguyễn Quang Hà, Hiệu trưởng cho biết: Trước thực tế này, nhà trường chú trọng đào tạo theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, trong đó ưu tiên các nghề ngoài nông nghiệp; khai thác triệt để lợi thế về đất đai, cơ sở vật chất, cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án công nghệ cao. Từ năm 2019, nhà trường thành lập đơn vị mới là Trường THPT Thân Nhân Trung để đào tạo bậc THPT. Bậc học này đang có hơn 1 nghìn học sinh.
Với diện tích rộng gần 59 ha, cơ sở vật chất hiện đại, thuận lợi cho việc đào tạo, nghiên cứu; năm học này, nhà trường đào tạo 4 ngành ở bậc thạc sĩ, 13 ngành ở bậc đại học với gần 2 nghìn sinh viên. Trong đó có một số ngành mới như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kinh tế, ngôn ngữ Trung Quốc. Chất lượng đầu vào năm học này đã được cải thiện. Sinh viên Ngô Trọng Sang, Khoa Chăn nuôi - Thú y cho biết: “Hiện tại tôi đã có thể điều trị được một số bệnh cho gia cầm và một số vật nuôi. Nhiều gia đình đã đề nghị tôi làm dịch vụ chăm sóc thú cưng tại nhà”. Đặc biệt, hệ thạc sĩ thu hút đông kỹ sư, cử nhân đăng ký dự tuyển, hiện có 445 người theo học.
Trước khi đào tạo ngành mới, nhà trường đã đánh giá nhu cầu lao động của thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo, dự kiến số lượng, quy mô đào tạo để tránh dư thừa nhân lực, phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới không chỉ ở địa bàn tỉnh Bắc Giang mà cả các khu vực lân cận.
Từng bước khắc phục khó khăn
Mặc dù cố gắng sắp xếp, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo nhưng hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Một số ngành vẫn khó tuyển sinh, thậm chí phải tạm ngừng đào tạo như: Ngành giáo dục THCS (Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang); khoa học cây trồng, quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ cây trồng (Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang). Các trường điều chỉnh điểm trúng tuyển về mức thấp cùng với chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn khó tuyển sinh.
Khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự chủ, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở thêm ngành đào tạo, lựa chọn phương án tuyển sinh, bảo đảm các điều kiện dạy và học theo quy định, phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, quốc gia. |
Được biết tới đây, các trường sẽ mở thêm ngành nghề đào tạo mới hoặc các lớp cập nhật, bổ sung kiến thức. Dự kiến quý II/2023, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang mở 8 lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho giáo viên ở các môn: Giáo dục thể chất, Vật lý - Kỹ thuật công nghiệp; Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp; Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Mầm non.
Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tập trung đào tạo các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và chủ động liên kết với các trường đại học khác đào tạo những ngành nghề mà nhà trường chưa có trong khi nhu cầu tại địa phương lớn. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang và Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Thực hiện đề án đào tạo thí điểm kỹ thuật nông nghiệp tiềm năng, nhà trường miễn học phí cho 3 nhóm ngành: Khoa học cây trồng, chăn nuôi, công nghệ thực phẩm. Nhà trường có nhiều quy trình công nghệ nông nghiệp chất lượng cao được nghiệm thu, chuyển giao như: Trồng và chăm sóc nho hạ đen, nho mẫu đơn và quy trình sản xuất các sản phẩm từ nho (siro, rượu, mứt); trồng dưa lưới, cà gai leo, hoài sơn; chăn nuôi ngựa bạch. Nhằm phục vụ nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, điểm du lịch sinh thái của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan vườn hoa, câu cá giải trí, khám phá vườn cò tự nhiên. Đây là hướng đi mới phục vụ đào tạo, phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)