Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện trên đồi Gió

Cập nhật: 14:29 ngày 02/07/2022
 
{keywords}

Với đỉnh Non Vua huyền thoại, dãy núi Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã và đang trở thành điểm thu hút nhiều người đến trải nghiệm. Nhằm giúp mọi người có điểm dừng chân sau chặng đường leo núi vất vả, ông Trần Xuân Tĩnh, tổ dân phố số 6, thị trấn Nham Biền cùng 2 người bạn đã nhặt những cành cây khô, ghép lại thành nhiều băng ghế chắc chắn; đồng thời tích cực tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp thêm dãy núi này.

{keywords}

- Cháu muốn gặp bác để tìm hiểu về việc làm ghế, sạp ngồi cho khách leo núi dừng chân- Sau khi tự giới thiệu về bản thân, tôi đặt vấn đề với ông Tĩnh qua điện thoại.

- Được thôi, hẹn anh 15 giờ ngày mai gặp tại đồi Gió - Giọng ông Tĩnh sang sảng ở đầu dây bên kia.

{keywords}

Ông Trần Xuân Tĩnh mang vật liệu từ nhà lên rừng làm ghế ngồi cho khách leo núi.

Theo ông Tĩnh, đồi Gió là địa điểm lý tưởng để khách tạm dừng chân trên tuyến đường leo núi từ phía chân cầu Bến Đám lên đỉnh Non Vua thuộc dãy núi Nham Biền. Nơi đây địa hình bằng phẳng, quanh năm gió mát, có thể nhìn bao quát xung quanh.

14 giờ 30 phút, chúng tôi hăm hở leo núi. Qua một vài đoạn dốc cao, khi đôi chân bắt đầu thấy mỏi thì ông cũng vừa tới. Ngồi trên chiếc sạp gỗ, ông Tĩnh kể: “Đúng ngày 30/4 năm trước, tại khu vực đồi Gió, tôi cùng 2 người bạn tên là Thắng và Huân ở gần nhà lên đây nhặt những khúc gỗ dọc đường do cán bộ kiểm lâm phát băng cản lửa bỏ lại để ghép thành những chiếc ghế ”.

{keywords}

Ông Trần Xuân Tĩnh tận dụng những cành cây khô để ghép thành sạp ngồi cho khách leo núi có chỗ nghỉ ngơi.

Quan sát nhanh, tôi thấy xung quanh có 2 chiếc sạp, mỗi cái rộng khoảng 10m2 được làm chắc chắn. Bên cạnh là hai chiếc đu bằng dây cáp và thép không gỉ gắn trên thân cây, một vài chiếc xà đơn, băng ghế ngồi... Ông Tĩnh cho biết, tất cả những dụng cụ trên đều do ông tự thiết kế. Một số người dân gửi tiền để mua vật liệu, còn ông bỏ công sức, thời gian ra làm. “Vì đồi Gió là điểm dừng chân đầu tiên trên tuyến leo núi, sau khi phải vượt qua một con dốc cao nên việc dựng thêm những chiếc sạp và cây đu để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn sẽ rất hữu ích”, ông Tĩnh vui vẻ nói.

{keywords}

Cùng ông Tĩnh chinh phục đỉnh Non Vua, chúng tôi được nghe ông kể về những việc làm của mình. Đến nay, ông cùng với 2 người bạn gần nhà đã làm được 7 điểm dừng chân, trong đó 4 điểm có băng ghế và 3 điểm có sạp gỗ. Tất cả đều do ông khởi xướng. Riêng ông tự dựng 1 sạp và những cây đu ở đồi Gió, thậm chí ông còn mang cả võng dù ở nhà lên mắc cho mọi người dùng. Nhiều hôm mải làm, thấy muộn, vợ ông nóng ruột gọi điện giục về; hôm sau ông lại lên làm tiếp.

{keywords}

Ông Trần Xuân Tĩnh mang võng lên đồi Gió mắc cho khách leo núi nằm nghỉ ngơi.

Những vật dụng ở điểm dừng chân được tận dụng từ khúc gỗ, cành cây khô. Vị trí để sạp hay băng ghế cũng được tính toán kỹ, vừa có bóng mát, vừa bảo đảm khi người leo núi vượt qua con dốc, mất nhiều sức cần được nghỉ ngơi. Một số điểm không có bóng mát, ông trồng thêm cây xanh.

{keywords}

Một điểm dừng chân cho khách leo núi do ông Trần Xuân Tĩnh cùng 2 người bạn dựng lên.

- Nhiều người leo lên đến đây đã “bở hơi tai” rồi, sao ông vẫn có thể tự bỏ công sức ra để phục vụ miễn phí như vậy?- Tôi tò mò hỏi.

- Tôi đi rừng quen rồi, thấy nhiều người leo núi mệt, chỉ kê tạm tảng đá ven đường ngồi nghỉ, khá bất tiện. Vì thế, tôi nảy sinh ý tưởng làm ghế, sạp chắc chắn cho mọi người có chỗ dừng chân- Ông Tĩnh bộc bạch.

{keywords}
{keywords}

Khách leo núi tranh thủ ngồi cây đu ở đồi Gió thư giãn.

Nhiều người cảm kích trước việc làm ý nghĩa ấy đã đặt vấn đề đưa tiền trả công ông Tĩnh nhưng ông đều từ chối. Chỉ một vài người gửi tiền nhờ ông mua sắt thép làm cây đu thì ông nhận, bởi những nguyên vật liệu này ông không thể tự kiếm được trên rừng. Theo ông, đây là công việc mình tự nguyện làm, không vì mục đích kiếm tiền nên không tính toán thiệt hơn.

{keywords}

Vừa đi vừa tâm sự với ông Tĩnh, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp tốp 3-4 người leo núi. Nhiều người dừng lại chào hỏi ông thân tình. Dường như mọi người đều biết đến ông, cho dù họ đến từ những xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Dũng hay từ TP Bắc Giang. Bà Hoàng Thị Hải Hà, trú tại phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cho biết: “Mỗi tuần 2 lần, tôi và một số người bạn thường leo lên Non Vua. Chúng tôi rất cảm kích khi thấy ông Tĩnh không ngại vất vả, tự tay tạo nên điểm dừng chân trên đường leo núi”.

{keywords}

Ông Trần Xuân Tĩnh buộc lại biển thông báo "Không xả rác" trên đường leo núi.

Không chỉ tích cực làm ghế, sạp gỗ, ông Tĩnh còn quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Dọc đường từ chân núi đến đỉnh Non Vua, ông đặt nhiều túi thu gom rác thải, kỳ công viết chữ “Giữ gìn vệ sinh chung” ra tờ giấy trắng ghim vào thân cây dọc đường nhằm tuyên truyền, nhắc nhở mọi người. Mỗi khi túi rác đầy, ông thu lại mang đi tiêu hủy. Có lẽ vì thế, toàn tuyến leo núi này không có rác vứt bừa bãi mặc dù lượng người qua lại mỗi ngày khá đông.

{keywords}

Chúng tôi lên đỉnh Non Vua khi nắng chiều trải khắp dãy Nham Biền, ánh lên màu vàng lấp lánh. Những người leo núi từ nhiều hướng đều hội tụ tại đây. Phong cảnh hữu tình, lòng người rộng mở. Ông Tĩnh chia sẻ: “Tôi bị bệnh tiểu đường đã 20 năm nay. Trước đây, tôi không ngồi xếp bằng tròn được vì hai đầu gối đau nhức. Thế mà sau khi leo núi được một thời gian, tôi thấy hết đau, ngồi thoải mái. Tác dụng từ việc leo núi rất tốt”.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Tuyến đường leo núi này rất đẹp, với nhiều hàng cây tỏa bóng mát quanh năm, thu hút nhiều người tham gia. Những việc làm bình dị của ông Tĩnh đã góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo cảm giác thoải mái cho mọi người qua đây.

Ông Tĩnh năm nay bước sang tuổi 67, quê ở xã Trí Yên (cùng huyện). Khi mới tròn 20 tuổi, ông vào làm công nhân Lâm trường Mai Sơn (Lục Nam), đến năm 1995 thì nghỉ theo chế độ mất sức. Từng gắn bó với rừng nên khi về quê, ông quyết định làm nhà, sinh sống ngay dưới chân dãy núi Nham Biền. Thỉnh thoảng, ông vẫn lên rừng kiếm củi nhưng việc leo núi với đúng nghĩa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe thì ông mới thực hiện khoảng 2 năm nay. Khi ấy, ông thấy nhiều người dân ở TP Bắc Giang đến leo núi, vậy là ông cũng làm theo. Càng leo núi càng ham, hiện nay, mỗi ngày ông leo hai lần, vào khoảng 5 giờ và 16 giờ, trừ những hôm mưa hoặc có việc bận. Cung đường ông Tĩnh đi xuất phát từ phía chân cầu Bến Đám qua đồi Gió, đồi Sim rồi lên đỉnh Non Vua, tổng chiều dài cả đi và về khoảng 4,5 km.

Trên đường chúng tôi trở về từ đỉnh Non Vua, gió ào ạt thổi tung cành lá khiến bao mệt mỏi tan biến. Bóng ông Tĩnh khuất dần dưới tán rừng. Với mong muốn giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, ông Tĩnh đang viết nên câu chuyện đẹp trên đồi Gió.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...