Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi đau mang tên ma túy

Cập nhật: 08:39 ngày 25/06/2022
 
{keywords}

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang tổ chức cai cho gần 200 học viên ở nhiều lứa tuổi. Người mắc nghiện đã lâu năm, có người mới tái, người đã từng đi cai mấy lần. Câu chuyện về cuộc đời của họ khiến chúng tôi không khỏi chua xót. Nó vẫn luôn là lời cảnh tỉnh không bao giờ cũ bởi nỗi đau mang tên ma túy.

{keywords}

Học viên cai nghiện được kiểm tra, khám sức khỏe thường xuyên.

Dịp này, cơ sở 2 ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) đang trong thời gian cải tạo, sửa chữa nên tất cả các học viên dồn về cơ sở 1 tại xã Song Mai (TP Bắc Giang) cai tập trung. Hết giờ học nghề buổi chiều, tất cả tỏa ra các sân luyện tập thể thao, tăng gia trồng rau… với tinh thần thoải mái, phấn chấn sau một ngày lao động, học tập, điều trị tập trung.

{keywords}

Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh khám, điều trị bệnh cho học viên.

Tôi mon men đến sân tập bóng chuyền, thấy tôi và một số người lạ lại gần, ai nấy đều lễ phép nhanh nhảu “Em chào thầy, chào cô”. Ngạc nhiên về cử chỉ này, chị Trần Thị Sen, cán bộ ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nói: “Khi lên cơn nghiện, họ không còn tỉnh táo, minh mẫn mà phá phách, hành động như một người khác hoàn toàn. Vậy mà vào cai ở đây, tất cả trở nên nền nếp, kỷ luật. Các em được đưa về khu ở sinh hoạt, được ăn uống điều độ theo giờ, có thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe. Sau thời gian cắt cơn giải độc, điều trị cai nghiện tại cơ sở đến khi trở về hòa nhập với cộng đồng, đa số các em bình phục được sức khỏe, bảo đảm cuộc sống”. Nhìn những người đàn ông trung niên có, thanh niên có cởi trần chơi thể thao, cơ thể xăm trổ, tôi thoáng rùng mình.

{keywords}

Lấy mẫu xét nghiệm cho cho học viên.

Người tôi tiếp chuyện đầu tiên là anh Nguyễn Văn B (SN 1978) ở xóm Tây, xã Hương Gián (Yên Dũng). Sau mấy giây phút đầu dè dặt, khi tôi giới thiệu là đồng hương anh có vẻ cởi mở hơn. Khuôn mặt chữ điền, béo trắng, anh B bảo vào đây ăn ở, sinh hoạt theo chế độ khoa học, có phương án điều trị, chăm sóc cụ thể tùy theo mức độ nghiện của từng người, được truyền nghề và lao động trị liệu, tư vấn giáo dục hợp lý, không có thời gian nghĩ đến ma túy nên không bị những cơn nghiện làm cho vật vã như trước, sức khỏe tốt hơn nhiều.

{keywords}

Học viên được học nghề may tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang.

Qua câu chuyện được biết anh B đã từng có thời gian dài làm lái xe cứu thương ở một bệnh viện lớn trong tỉnh. Vậy mà chỉ vài đêm ngồi uống trà vặt với cánh xe ôm ở cổng bệnh viện trong khi chờ đợi bệnh nhân, anh vướng vào ma túy lúc nào không hay. “Khi biết tôi nghiện, vợ tôi sốc nặng, cô ấy ngất lên ngất xuống, không nghĩ một người chồng chăm chỉ, chịu khó lại có thể bập vào ma túy dễ dàng đến thế”. 4 năm mắc nghiện, cơ thể anh B cứ xanh bủng như tàu lá, ngáp ngắn ngáp dài, liên tục cáu gắt, hành hạ vợ con. Đã không làm ra tiền lại còn bán đi nhiều tài sản của gia đình để thỏa mãn cơn nghiện. Gánh nặng cơm áo gạo tiền lo cho đứa con học đại học đè nặng lên vai người vợ đã qua tuổi tứ tuần. Không thể chịu cảnh “sống mòn” bên người chồng nghiện ngập, gia đình bắt buộc anh phải đi cai. Đã từng vào đây một lần nhưng cai không thành. “May mắn cho tôi là được vợ chia sẻ, không rời bỏ những lúc này; hai người con nay đã lớn, chúng cũng luôn động viên. Lần này tôi quyết tâm cai thành công”, anh B nói.

{keywords}

Học viên may túi siêu thị.

Câu chuyện của Nguyễn Thanh H ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) cũng ảm đạm không kém. Trước lúc vào đây, H từng có một gia đình với những đứa con. Hồi vợ chồng mới lấy nhau, họ cũng hạnh phúc với bao dự định tốt đẹp. Nhưng rồi, cơn bão ma túy tràn qua khiến gia đình nhỏ ấy phút chốc tan tành. Tốt nghiệp Đại học Đông Đô từ những năm 2000, H vào Vũng Tàu làm việc ở một doanh nghiệp viễn thông với thu nhập khá. Có người bảo chơi ma túy đá không chỉ giúp con người minh mẫn mà còn có thêm sức khỏe để làm việc lại không thấy mệt mỏi nên H thử và mắc nghiện.

{keywords}

Học viên miệt mài lao động để quên đi cảm giác thèm ma túy.

“Khi đã sa vào ma túy rồi thì lệ thuộc vào thuốc. Có nhiều hút nhiều, có ít hút ít, vui cũng hút mà buồn cũng dùng, chẳng phải lý do. Cơn nghiện qua đi, tôi từng rớt nước mắt khi thấy hai đứa con nhỏ cứ nem nép nhìn bố sợ sệt”- H nhìn xa xăm.

{keywords}

Làm mi giả.

Chàng thanh niên hào hoa một thời nay tàn tạ vì ma túy. Vợ bỏ, con xa lánh, mất việc làm, tay trắng khiến H trở nên chán nản. Những lúc lên cơn nghiện không đừng được, H có thể vung bất cứ thứ gì để dọa dẫm cha mẹ chỉ mong có thuốc. Như người lái xe xuống dốc không phanh, H càng lún sâu vào ma túy. “Ở tuổi 40, bố mẹ tôi nói vẫn có thể làm lại được cuộc đời nếu có niềm tin vào cuộc sống, có quyết tâm, nghị lực để từ bỏ ma túy. Và tôi cố gắng tự dặn dò bản thân phải quyết tâm, không để bố mẹ phải đau lòng thêm vì mình nữa”.

{keywords}

Rèn luyện thể thao.

Trong số những học viên đang cai nghiện tại Cơ sở, Mai Ngọc N (SN 1989) ở đường Hồ Công Dự, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) là người duy nhất làm đơn xin vào đây cai tự nguyện. Mới vào được 1 tháng, N đang trong thời gian điều trị tư vấn. N bảo: “Tôi khuyên đừng ai thử ma túy, dù chỉ một lần, vì khi dùng thử thì hệ thần kinh đã bị ảnh hưởng rồi, như tôi đây chẳng hạn”.

{keywords}

Thời thanh niên, N sang Trung Quốc làm việc cũng được gần chục năm. Xa gia đình, ban đầu, N cũng định “thử” một lần cho biết và chủ quan tin rằng, mình có thể làm chủ bản thân, muốn chơi hay không là do mình quyết định. Chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết nên em đã trượt dài trên con đường nghiện ngập. Bản thân từ từ lệ thuộc vào ma túy đá và heroin, thứ chất trắng đó đã đánh sập niềm vui của bố mẹ, người thân và cuộc đời của N. Nhiều lần, N cũng muốn thoát ra khỏi “cái chết trắng” nên tự cai tại nhà nhưng không được.

{keywords}

Học viên chơi cầu lông, bóng đá.

Gia đình có 2 anh em, anh trai làm ăn tận trong TP Hồ Chí Minh ít khi về nhà, chưa vợ, N sống cùng bố mẹ đẻ đã ngoài 70 tuổi. Hơn 10 năm mắc nghiện, tài sản gia đình cứ “đội nón ra đi”. Không nỡ nhìn mãi cảnh cha mẹ già héo hon vì mình mắc nghiện, N quyết tâm đi cai tự nguyện. Hôm tôi vào nhà N, nhà cửa trống huơ trống hoác, mạng nhện giăng kín. Nỗi đau hằng ngày gặm nhấm, giày vò khiến cha mẹ N chẳng thể có một phút giây thanh thản.

{keywords}

Tham gia tăng gia vào cuối ngày.

Còn rất nhiều học viên cai nghiện nữa mà tôi từng gặp. Được biết một số người đã từng vào đây cai nghiện, hết thời gian về địa phương được tạo điều kiện có công việc ổn định, nhưng bản thân lại cho rằng không vượt qua được sự cám dỗ, không đủ ý chí nên tái nghiện. Xin đừng biện minh vì hoàn cảnh đưa đẩy, vì bạn nghiện rủ rê.

{keywords}

Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bắc Giang được chăm sóc chu đáo.

Tạm biệt họ, tôi không dám có ý nghĩ bi quan, chỉ mong những con người lầm lỡ này quyết tâm, thực sự cố gắng, có bản lĩnh, can đảm để cai nghiện thành công. Có như vậy mới cứu vãn được bản thân, mới trút được gánh nặng không hề nhỏ cho gia đình và xã hội.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...