Báo Sông Thương
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác báo chí, ngày 30/11/1961, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang ra Nghị quyết số 139 chuyển tờ Tin Bắc Giang thành tờ Báo Sông Thương, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang.
Theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm vụ của Báo Sông Thương, gồm: Tuyên truyền, phổ biến những chủ trương công tác của Đảng bộ, hướng dẫn, động viên đảng viên và quần chúng thực hiện các công tác của Đảng; phản ánh những đặc điểm, bản sắc về kinh tế, chính trị, xã hội và truyền thống yêu nước anh dũng, cần cù của nhân dân trong tỉnh; phản ánh nguyện vọng, yêu cầu và những kinh nghiệm công tác và sản xuất của quần chúng; đấu tranh phê phán những tư tưởng và hành động lạc hậu, giáo dục tư tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa cho đảng viên và quần chúng.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định số 1 Báo Sông Thương chính thức ra mắt ngày 1/1/1962. Trước khi ra báo chính thức, sẽ phát hành 2 số trong tháng 12/1961 để cán bộ và nhân dân góp ý kiến.
Báo Sông Thương phát hành mỗi tuần một số vào thứ Hai, khuôn khổ 54 x 38 cm, 2 trang (vào những ngày kỷ niệm lớn, báo tăng số trang), in ti-pô tại Xưởng in Hoàng Hoa Thám của Ty Thông tin - Văn hoá Bắc Giang. Những số đầu báo phát hành mỗi số 3.000 tờ, sau đó tăng lên 4.000 rồi 5.000 tờ. Theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, 6 tháng đầu năm 1962, báo phát không thu tiền cho các chi bộ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp.
Sau khi phát hành 19 số khổ 54 x 38 cm, từ số 20 ngày 16/4/1962, báo chuyển sang khuôn khổ 30 x 40 cm, 4 trang cho phù hợp với yêu cầu của quần chúng và bạn đọc, các chuyên mục vẫn giữ nguyên.
Báo Sông Thương phát hành đến tổ Đảng, đội sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp, tổ sản xuất trong xí nghiệp, các cơ quan, trường học, bệnh viện trong tỉnh.
Bám sát nhiệm vụ Tỉnh uỷ giao, Báo Sông Thương thường xuyên đưa tin, bài, ảnh về tình hình sản xuất, đời sống và các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Vụ chiêm xuân 1961-1962, tỉnh ta cấy lúa chiêm xuân chậm. Để động viên bà con cấy đúng thời vụ, ngay số báo đầu tiên ra ngày 1/1/1962, báo đăng trên trang nhất, tít đậm, tin: "Xã Tân An thách các xã toàn miền Bắc thi đua cấy xong lúa chiêm trước 25/1/1962" nhằm phát động các xã trong tỉnh thi đua cấy xong lúa chiêm xuân trong thời vụ tốt nhất. Mười ngày sau, Báo Sông Thương số 3, trên trang 1, với tít đậm, đăng tin: "103 xã nhận thi đua với xã Tân An", rồi lần lượt đăng tin các xã, hợp tác xã cấy nhanh, đúng kỹ thuật để hưởng ứng thi đua với xã Tân An. Ngày 11/2/1962, Báo Sông Thương đã đưa tin trên trang 1: "Đến ngày 29 tháng chạp ta, tỉnh ta đã cấy được 99.192 mẫu lúa chiêm, đạt 97,7% mức kế hoạch", so với vụ chiêm năm trước, vụ này cấy nhanh hơn 31 nghìn mẫu. Trong số 210 xã, có 131 xã cấy vượt mức thời gian tỉnh quy định.
Những số tiếp theo, báo tiếp tục đăng tin, bài, ảnh phản ánh tình hình sản xuất của bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh.
Một nội dung quan trọng mà Báo Sông Thương thường xuyên đưa tin, bài, ảnh thời kỳ này là cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chế độ Mỹ - Diệm và tình cảm của nhân dân Bắc Giang đối với đồng bào miền Nam và tỉnh Sóc Trăng kết nghĩa.
Vào những ngày lễ kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, báo thường có các bài viết về Đảng và tình cảm, đạo đức, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta nói chung và Bắc Giang nói riêng. Tết Nhâm Dần (1962) đúng vào dịp Kỷ niệm 32 năm Ngày thành lập Đảng, Báo Sông Thương số Tết đã dành nhiều nội dung để tuyên truyền về Đảng.
Kỷ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo Sông Thương ra số đặc biệt 8 trang, 2 màu, trong đó có nhiều bài viết về Cách mạng Tháng Tám, như: "Trước ngày khởi nghĩa", hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Nội thương, một cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám ở Bắc Giang, nói lên quá trình chuẩn bị lực lượng tiến lên khởi nghĩa ở các địa phương và thị xã Bắc Giang; "Lực lượng vũ trang đầu tiên ở vùng Lục Nam" của Thượng tá Lư Giang, một cán bộ quân sự khu vực Lục Nam trước Cách mạng Tháng Tám, nói về quá trình xây dựng lực lượng vũ trang khu vực Lục Nam.
Theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, các báo địa phương không cần có mục "Tin thế giới", Báo Sông Thương đã bỏ chuyên mục này, tăng tin, bài, ảnh viết về phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm. Tuy nhiên, đối với một số sự kiện quốc tế lớn như Kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Báo Sông Thương số 59 ngày 6/11/1962 dành cả trang 2 để tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười, với các bài: "Kính chúc Liên Xô xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản", "Liên Xô đã giúp ta những gì?" và bài thơ "45 năm nở hoa".
Ngoài các tin, bài thể hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, báo còn có các chuyên mục: "Người mới, việc mới", "Trong đục đôi dòng". Ngoài ra, báo còn đăng thơ, tranh châm biếm, đả kích.
Với lực lượng phóng viên có hạn, phần lớn chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện, phương tiện làm việc rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, phóng viên báo Sông Thương đều hăng say làm việc. Mặc dù đường đi xa xôi, khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp nhưng cán bộ, phóng viên vẫn thường xuyên xuống cơ sở, kịp thời có bài trên các số báo. Báo Sông Thương hoàn thành nhiệm vụ một phần nhờ vào lực lượng cộng tác viên. Báo đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên gồm trên 30 anh chị em, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, một số cộng tác viên sau này đã trở thành phóng viên của báo như: Ngô Toản, Hiền Lương, Đoàn Vinh...
Do yêu cầu của cách mạng, ngày 27/10/1962, Quốc hội khoá II nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Tỉnh Hà Bắc chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1/4/1963.
Báo Sông Thương phát hành số báo 94 ngày 26/3/1963 là số báo cuối cùng trước khi sáp nhập với Báo Bắc Ninh thành Báo Hà Bắc. Trong "Lời từ biệt" của Báo Sông Thương có đoạn viết: "Sau 15 tháng hoạt động, phát hành được 94 số, Báo Sông Thương đã tuyên truyền, giải thích tương đối kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, hướng dẫn các nhiệm vụ trọng tâm, giáo dục tư tưởng và chính trị cho nhân dân, biểu dương những điển hình tốt, đấu tranh khắc phục những tư tưởng sai lầm, góp phần vào những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta thu được trong năm 1962 và ba tháng đầu năm 1963".
|
Ý kiến bạn đọc (0)