Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Phong tục tập quán
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tục cúng Thổ công của người Nùng

Cập nhật: 08:54 ngày 20/02/2021
(BGĐT) - Đồng bào dân tộc Nùng sinh sống nhiều ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và một số ở huyện Tân Yên và Lạng Giang (Bắc Giang). Trong đời sống tinh thần, người Nùng có vốn văn hoá dân gian phong phú, những phong tục tập quán riêng tạo nên bản sắc văn hoá từ bao đời nay. Một trong những nét văn hoá độc đáo còn được duy trì đó là tục cúng Thổ công đầu năm. Đây là nét sinh hoạt văn hóa trong đời sống tín ngưỡng  của người Nùng ở Bắc Giang. 

Người Nùng sống thành làng, bản trên các sườn đồi, trước bản là ruộng, sau là nương rẫy và đồi cây ăn quả, rừng. Trong mỗi thôn bản của người Nùng lại chia thành nhiều chòm xóm nhỏ, trong mỗi xóm đều có miếu thờ Thổ công. Thổ công là vị thần đất cai quản mảnh đất mà dân bản sinh sống. 

{keywords}

Đồng bào Nùng mang lễ vật cúng Thổ công. Ảnh minh họa

Từ khi về định cư nơi vùng đất mới, người Nùng đã quan tâm xây dựng miếu thờ Thổ công. Trên mảnh đất thiêng bên sườn đồi hay gò đất nhỏ, thầy địa lý lựa chọn cho dựng một ngôi miếu nhỏ. Kiến trúc cũng rất đơn giản chỉ là tường đất, mái lợp ngói hoặc tranh tre, phên nứa… Trong miếu xây một bệ thờ cao, trên đặt bát hương thờ Thổ công. Ngôi miếu là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cho cả xóm.

Người Nùng rất coi trọng tục cúng Thổ công đầu năm. Việc thờ cúng này mang ý nghĩa tưởng nhớ những người đầu tiên đã có công khai làng, lập bản. Thổ công được coi là vị thần chung của cả bản. Dân bản tổ chức cúng Thổ công để cầu bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Thường thì ngay từ chiều 30 Tết, dân làng cử một người đến quét dọn miếu thờ sạch sẽ. Từ sáng sớm ngày mồng một Tết, các gia đình trong xóm đều chuẩn bị mâm cơm cỗ cúng mang ra miếu thờ Thổ công làm lễ. Lễ vật trong mâm cỗ thường có một con gà trống thiến luộc, cặp bánh chưng, bánh kẹo, chai rượu trắng, bát gạo, vàng mã… Trong các lễ vật, con gà cúng của gia đình nào béo, vàng thịt, đẹp mắt nhất thì được cho là gia đình đó làm ăn tấn tới, phát đạt. Ở một số nơi, đồng bào ngầm coi đây là một cuộc thi xem dòng họ, gia đình nào mát tay, làm ăn khấm khá trong năm thông qua mâm lễ vật.

Trong không gian linh thiêng, những mâm lễ được đặt theo thứ tự, người đến trước được đặt mâm lễ ở không gian chính giữa miếu thờ, người đến sau để tiếp nối theo thứ tự. Mỗi gia đình cử một người ra miếu làm lễ, thường là chủ gia đình và là đàn ông. Tuỳ từng nơi mà nghi lễ cúng Thổ công tiến hành khác nhau. 

Có xóm cử đại diện người cao tuổi, có uy tín trong làng, bản ra cúng đại diện, có nơi cử người làm thầy cúng trong làng, bản đứng ra cúng cho cả bản, cũng có nơi gia đình tự cúng lấy. Lời cầu khấn đầu năm bao giờ cũng mang nội dung cầu mong một năm mới bình yên, sung túc, mọi người khoẻ mạnh, làm ăn phát tài…

Sau lễ cúng, mọi người sẽ thụ lộc tại miếu, riêng bánh chưng, bát gạo đem về. Chén rượu cúng Thổ công được đổ lại xung quanh miếu. Bát gạo mang về nhà cho gà ăn cầu mong năm mới sẽ có gà đầy chuồng, thóc đầy bồ… Ngày lễ cúng Thổ công đầu năm ở không gian linh thiêng miếu thờ nhưng rất đông vui. 

Đây là dịp bà con trò truyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, gửi lời chúc nhau năm mới khoẻ mạnh, sung túc và bình an… Với đồng bào Nùng, đây không chỉ là một buổi lễ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là sự đoàn kết, gắn bó keo sơn cộng đồng. Nơi miếu thờ linh thiêng mọi người hân hoan chúc mừng ngày xuân năm mới.

Đồng Ngọc Dưỡng

Bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa Soong hao của dân tộc Nùng
(BGĐT) -  Nhằm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa Soong hao, tác giả Lê Đức Cương, chuyên viên phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đề xuất ý tưởng: Bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa Soong hao của dân tộc Nùng để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc tại Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Thơ Lục Bát - Lắng đọng hồn dân tộc
(BGĐT) - Nhằm tôn vinh Lục Bát – một thể thơ truyền thống và thuần Việt, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hơn 10 năm qua, cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam đã liên tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức thành công “Ngày hội Lục Bát”, diễn ra vào dịp 6/8 âm lịch hằng năm tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang. 
Nghệ nhân gìn giữ dân ca dân tộc Dao
(BGĐT) - Đồng bào dân tộc Dao tập trung nhiều ở các xã vùng cao thuộc sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo cho vùng văn hoá này. Tại các xã Tuấn Mậu, Thanh Sơn nay là thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) có những nghệ nhân luôn say đắm, tìm tòi và gìn giữ những làn điệu dân ca cổ của dân tộc mình, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu là Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Bình.
Lục Ngạn: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân tộc thiểu số
(BGĐT) - Âm nhạc nói chung, dân ca các dân tộc thiểu số nói riêng đều bắt nguồn từ lao động sản xuất, từ thực tế cuộc sống của con nguời. Những làn điệu dân ca ấy được sinh ra từ núi rừng, từ ngọn cỏ, gốc cây hay tình yêu của đôi lứa. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...