Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghĩ từ một chuyến đi

Cập nhật: 08:00 ngày 01/09/2022
(BGĐT) - Trong cuộc sống, có những chuyến đi được lên kế hoạch kỹ càng, kỳ vọng sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị, nhưng kết quả lại không như mong muốn. Ngược lại, có những hành trình bất chợt, như một giải pháp tình thế, lại mang cho ta những ấn tượng đáng nhớ, những ý tưởng bất ngờ. Mới đây, tôi may mắn có một hành trình như thế…

Sự lựa chọn may mắn

Mới đây, tôi có hai việc, đều là việc trọng và đều tự thấy không thể vắng, một ở Tuy Hòa (Phú Yên), một tại Đông Hà (Quảng Trị). Ngặt nỗi, hai sự kiện diễn ra chênh nhau trước sau chỉ khoảng 24 giờ đồng hồ, mà hai nơi cách nhau gần 600 km. Từ Hà Nội vào Tuy Hòa thì đơn giản, chỉ non hai giờ bay. Nhưng từ Tuy Hòa ra Đông Hà mới nan giải. 

{keywords}

Du lịch trên tàu Thống Nhất được nhiều du khách lựa chọn.

Không có đường bay từ Tuy Hòa đến Đông Hà đã đành, cả đến những sân bay lân cận như Đồng Hới hay Phú Bài, cách Đông Hà trên dưới 100 km cũng không nốt. Chỉ mới nghĩ đến những chuyến xe giường nằm lập lòe đèn xanh đèn đỏ chạy với tốc độ tử thần đã vô cùng ngại ngần. Vậy là chỉ còn một lựa chọn: Đi tàu Thống Nhất.

Lâu nay vẫn nghe ngành Đường sắt khó khăn, ít khách cứ ngỡ vé tàu lúc nào cũng sẵn, vậy mà không. Đường sắt Thống nhất từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại mỗi ngày có 14 chuyến tàu dừng lại đón khách ở TP duyên hải miền Trung này, vậy mà để lấy được một tấm vé ngồi mềm từ Tuy Hòa ra Đông Hà đã là khó. 

Phải nhờ cậy người quen, bạn đồng nghiệp Phú Yên mới kiếm cho tôi được tấm vé giường mềm khoang 4 người. Sau dịch Covid, ngoài thỏa mãn thú đi du lịch, có hàng trăm lý do để người dân di chuyển giữa hai miền đất nước. Cho nên, chọn hành trình trên chuyến tàu SE4 hôm ấy có thể gọi là sự lựa chọn may mắn, đem lại một trải nghiệm thú vị, gợi những suy nghĩ đầy hứng khởi.

Tôi vốn nặng lòng với miền Trung. Có lẽ bởi ở dải đất ấy, tôi có những người bạn đồng nghiệp chân thành, hồn hậu. Quý người riết rồi yêu cả đất. Lần này, với hành trình từ Tuy Hòa ra Đông Hà, tôi lại một lần nữa chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị… những vùng đất thân quen, để thương để nhớ. Một trong những điểm nhấn của hành trình là đèo Hải Vân mà vua hiền Lê Thánh Tông đặt cho cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. 

May mắn là hành trình tàu SE4 của tôi qua Hải Vân đúng thời điểm khung cảnh nơi đây lộng lẫy nhất. Trời và biển không thể xanh hơn. Không khí trong vắt của một ngày đẹp trời cho phép khách phóng tầm mắt thật xa để ngắm một con tàu rập rờn trên biển xanh thẫm hay ngắm TP của những cây cầu bên kia bờ vịnh Đà Nẵng, như một xứ sở cổ tích. Rồi Lăng Cô biển xanh cát trắng, rồi sông Hương lênh láng ráng chiều… Tất cả như những bức tranh sống động mà viền khung là ô cửa sổ toa tàu, nơi tôi không nỡ rời chân với một cảm xúc mãnh liệt đến mức muốn kêu lên: Đất nước mình đẹp quá!

Chuyện tàu lửa xưa và nay

Quê tôi ở Kép, một thị trấn miền trung du Bắc Giang, nơi có ga xép, nằm giữa những triền đồi. Cũng bởi vậy, tôi có niềm vui được đi tàu lửa từ nhỏ, ngày ấy hay gọi là tàu hỏa. Mỗi chuyến tàu về quê là một trải nghiệm đầy thú vị với những đứa trẻ sống ở Hà Nội. Chỉ cần rời ga Hàng Cỏ, tàu chạy qua cây cầu Long Biên với những nhịp uốn lượn bắt ngang con sông Hồng mênh mang nước đỏ phù sa là đã mở ra một thế giới mới mẻ, đầy hấp dẫn. 

{keywords}

Hành khách xuống tàu Thống Nhất.

Rồi Gia Lâm, Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh, Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng và Kép. Tôi thuộc lòng những tên ga trong hành trình tuổi thơ ấy. Ấn tượng đậm nhất trong tôi là hình ảnh các cô chú phục vụ trong đồng phục màu ghi xám của ngành đường sắt, rót nước rất khéo từ chiếc ấm có vòi rất dài vào ca của khách trong nhịp rung lắc của đoàn tàu mà không hề có giọt nước nào rớt ra ngoài.

Ngày ấy tàu hỏa còn khá văn minh, sạch sẽ, nhất là những dịp lễ, Tết hay mừng Ngày Quốc khánh. Cũng có thể bởi tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chạy qua ga xép quê tôi nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế, qua Hữu Nghị quan sang Trung Quốc, Mông Cổ đến Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Cũng vì vậy mà sau này, trên những hành trình tàu Thống Nhất thời hậu chiến với đúng nghĩa “hành khách”, tôi luôn mơ lại những chuyến tàu sung sướng tuổi thơ với những toa tàu sạch sẽ, những cô chú nhân viên vui vẻ, những món quà đặc sản địa phương như xôi nén dẻo thơm, bánh đa Kế giòn tan...

Đã rất lâu không đi tàu. Ký ức về những sân ga luôn đông đúc, tấp nập hành khách, nhộn nhịp kẻ bán người mua cùng tiếng rao hàng mang đặc trưng vùng miền mỗi lúc tàu đến… khiến tôi hồi hộp cả đêm, gọi taxi ra ga từ rất sớm, trước giờ tàu ghi trên vé cả tiếng đồng hồ. Tàu chỉ dừng tại ga Tuy Hòa có 3 phút. Được nhân viên nhà ga tận tình hướng dẫn, chưa đầy 1 phút tôi đã lên đúng toa và tìm đúng số giường nằm của mình.

Vừa dỗ giấc ngủ lại trong làn hơi mát phả nhè nhẹ từ máy điều hòa không khí cùng nhịp dập dềnh của con tàu, tôi lại nhớ về những ngày vất vả xa xưa. Thời ấy, dù đã có vé với số ghế đầy đủ, lên được tàu, đến được chỗ của mình, có chỗ xếp được hành lý là cả công việc vô cùng mệt nhọc, ngay cả khi là hành khách đi từ ga xuất phát, Hà Nội hay Sài Gòn. Dường như mọi gầm ghế, giá để đồ luôn có những bao, kiện không biết của ai chiếm chỗ... 

Công bằng mà nói, những chuyến hành trình trên tàu Thống Nhất có vất vả, mất thời gian, nhưng bù lại cũng có những niềm vui. Những ai từng đi tàu Thống Nhất cách nay mấy chục năm hẳn còn nhớ những nhà ga cùng những đặc sản địa phương nơi đó. Quảng Ngãi có món gà luộc vàng ươm, Diêu Trì với những buồng dừa, cau, bao gạo, rồi Huế với bún bò cay xé lưỡi, Lăng Cô với ghẹ luộc đỏ au…

Chính những ấn tượng cả đẹp và không đẹp về những chuyến tàu Thống Nhất ngày ấy đã cho tôi một trải nghiệm thú vị trong hành trình hơn chục tiếng đồng hồ trên chuyến tàu SE4 nối hai TP xinh xắn của miền Trung hôm ấy. Thú thật, khi tàu đỗ ở Quảng Ngãi, trước sự sạch sẽ, ngăn nắp của sân ga, tôi hơi hẫng hụt, lại có chút nhớ tiếc cảnh bán mua tấp nập ngày nào. Bù lại, mọi sinh hoạt của khách đi tàu đều được đáp ứng đầy đủ, từ bữa sáng điểm tâm với đủ cà phê, cháo gà cho đến các bữa chính với cơm canh nóng sốt, nhiều lựa chọn, phục vụ ngay tại chỗ ngồi với giá cả phải chăng. 

Đặc biệt là mỗi đầu toa đều có vòi nước sôi phục vụ miễn phí. Tất cả đều sạch sẽ. Và khi tàu dừng ở ga Đà Nẵng, từ loa truyền thanh trên tàu phát đi thông báo: “Đoàn tàu sẽ mất điện trong ít phút do thực hiện thao tác nối thêm toa xe. Mong quý khách thông cảm!” thì tôi thật sự bất ngờ. Lại nhớ mấy chục năm trước, một lần tàu dừng ở ga Tuy Hòa cả 5-6 tiếng đồng hồ. Dù rất muốn tôi cũng không dám rời xa đoàn tàu quá xa. Bởi nó có thể chạy bất cứ lúc nào mà không hề thông báo!

Chia sẻ một mong ước

Gần đây, trong một bản tin về sự phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, VTV đưa câu chuyện nhiều người Pháp ngỡ ngàng vì đất nước họ có nhiều cảnh đẹp, những điểm du lịch đáng đến như thế. Và ở Trung Quốc, mới đây cùng với việc đi vào vận hành một đoạn đường sắt phía Nam Tân Cương, nước bạn đã hoàn thành tuyến đường sắt quanh sa mạc đầu tiên trên thế giới với tổng chiều dài hơn 2.700 km. Và trên hành trình ấy, nước bạn có tour du lịch trên tàu hỏa khám phá vùng sa mạc mênh mông.

Mong sao trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn lâu nay thưa thớt những chuyến tàu, có một đoàn tàu, không quá nhiều toa, dành riêng cho du khách xuất phát từ ga Long Biên, qua con sông Hồng ngược lên miền Kinh Bắc. Làm sao đó để khách bước lên toa là đã có những ấn tượng về một vùng văn hóa với những làn điệu quan họ, với áo dài mớ ba, mớ bảy, với xôi nén giò chả, với bánh đa Kế giòn tan cùng vải thiều Lục Ngạn ngọt lành…

Trông người lại nghĩ đến ta, tôi nhớ tới điều mình từng bày tỏ trong một bài viết cách đây ít lâu: Mong sao trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn lâu nay thưa thớt những chuyến tàu, có một đoàn tàu, không quá nhiều toa, dành riêng cho du khách xuất phát từ ga Long Biên, xưa gọi là ga Đầu Cầu của Hà Nội mà qua con sông Hồng ngược lên miền Kinh Bắc. 

Làm sao đó để khách bước lên toa là đã có những ấn tượng về một vùng văn hóa với những làn điệu quan họ, với áo dài mớ ba, mớ bảy, với xôi nén giò chả, với bánh đa Kế giòn tan cùng vải thiều Lục Ngạn ngọt lành… Trên chuyến tàu ấy, khách có thể làm quen với văn hóa Kinh Bắc trong tiếng bánh xe nghiến đều trên ray sắt của cây cầu hơn trăm tuổi anh em với tháp

Ép-phen, dập dình qua sông Đuống, sông Cầu rồi tới sông Thương… những dòng sông làm nên cả một miền văn hóa phong phú mà Bắc Giang quê tôi có sự đóng góp không hề nhỏ. Cứ nghĩ không chỉ quãng đường sắt chạy qua quê tôi, mà trên nhiều đoạn đường sắt dọc chiều dài đất nước cái viễn cảnh ấy cũng sẽ là hiện thực, tôi cứ thấy mình rạo rực, hào hứng.

Không thể giữ sự hứng khởi một mình, tôi nhờ facebook chia sẻ cái cảm xúc hạnh phúc được trải nghiệm trên hành trình cùng mong ước ấy. Ngay lập tức status của tôi nhận được rất nhiều những like, comment. Thảy đều mong ngành Đường sắt đã thay đổi, càng đổi mới, hiện đại hơn, khai thác hiệu quả nguồn lực vô cùng phong phú góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói của đất nước… 

Được vậy, tàu lửa sẽ không chỉ là một phương tiện đi lại mà còn là một cơ hội để du khách trong và ngoài nước có thể đi để thấy cảnh sắc đẹp đẽ cùng sự đổi mới từng ngày của đất nước, như tôi trong hành trình vừa rồi…

Ghi chép của Tạ Việt Anh

Trung Quốc khai trương chuyến tàu RCEP đầu tiên đến Việt Nam
Ngày 1/1, một chuyến tàu liên vận quốc tế chở đầy hàng hóa đã khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) đến Hà Nội (Việt Nam). Đây là chuyến tàu hàng hóa quốc tế đầu tiên từ Trung Quốc đến các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) sau khi hiệp định có hiệu lực.
Bắc Giang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch sườn Tây Yên Tử
(BGĐT) - Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sườn Tây núi Yên Tử, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch. 
Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc
Từ ngày 23 đến 28/8, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch tổ chức chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 13 tại Hà Giang năm 2022.
Du khách Ấn Độ quan tâm thị trường du lịch Việt Nam
Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ đang tăng cao.
‘Sức nóng’ mùa du lịch hè: Nhiều dịch vụ quá tải
Khi du lịch mở cửa trở lại từ 3/2022 sau hơn 2 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19, ngành kinh tế tổng hợp này tăng trưởng thẳng đứng với “sức nóng” mùa cao điểm hè. Gần như các dịch vụ từ tháng 5 trở lại đây luôn trong tình trạng quá tải.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...