Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hút thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào?

(BGĐT)- Trong một nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố lối sống đến sức khỏe răng miệng, hút thuốc lá là yếu tố hàng đầu gây ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh nha chu, một bệnh răng miệng nghiêm trọng.  

Nguy cơ mất răng và ung thư biểu mô

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể theo nhiều cách. Các nguy cơ có thể tích tụ trong nhiều năm dẫn đến hàng loạt các bệnh lý như ung thư khoang miệng, họng, thanh quản và thực quản. Những người hút thuốc lá cũng có tỷ lệ ung thư tuyến tụy cao hơn. Ngay cả những người “hút thuốc bị động” (vô tình ngửi phải khói thuốc lá) thường xuyên cũng phải đối mặt với nguy cơ ung thư khoang miệng cao hơn.

{keywords}

Hãy bỏ thuốc lá để ngăn ngừa bệnh về răng miệng.

Hút thuốc còn ảnh hưởng đến hormon insulin trong cơ thể, khiến người hút thuốc có nhiều khả năng bị kháng insulin và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các biến chứng liên quan. Tiến triển bệnh cũng diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với những người không hút thuốc.

Vì sao hút thuốc lá có liên quan đến bệnh nha chu? Một nghiên cứu theo dõi 219 công nhân nhà máy từ năm 1999 đến 2003 của Khoa Nha khoa Đại học Osaka (Nhật Bản) đã rút ra được nhiều kết luận quan trọng về mối quan hệ giữa bệnh nha chu và các yếu tố lối sống khác nhau.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích tác động của nhiều yếu tố lối sống đối với sự tiến triển của bệnh nha chu ở người lao động, bao gồm: Thói quen tập thể dục, sử dụng rượu, hút thuốc lá, số giờ ngủ, chế độ dinh dưỡng, mức độ căng thẳng tinh thần, thời gian làm việc và ăn uống.

Trong số tất cả các yếu tố lối sống được kiểm tra, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh nha chu nói riêng và sức khỏe răng miệng nói chung, chính là thói quen hút thuốc. Kết quả này tương ứng với một công bố khác trên Tạp chí Nha chu cũng chỉ ra rằng, hơn 41% những người từng gặp vấn đề răng nướu nghiêm trọng cũng là những người nghiện thuốc lá.

Bệnh nha chu không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng và nướu mà còn có thể dẫn đến tình trạng mất răng. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự tích tụ mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng làm phát triển vi khuẩn trong miệng.

Trong những chất độc hại có chất nicotin, monoxit carbon và acid cyanhydrid là nguyên nhân gây hại cho tổ chức nha chu. Các chất này phá hoại hệ miễn dịch trong khoang miệng, tạo nên những lỗ sâu trong lợi từ đó tấn công xương quai hàm. Hút thuốc nhiều dẫn tới rối loạn vi khuẩn khoang miệng, giảm tuần hoàn máu trong xương ổ răng, phá hủy hệ miễn dịch làm giảm nồng độ kháng thể trong máu và nước bọt.

Bên cạnh đó, thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn, có nhiều mảng bám răng và cao răng ở cả trên và dưới lợi. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng, cuối cùng là mất răng. 

Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính. Từ đó, cũng gây ra một số tổn thương niêm mạc miệng khác do thuốc lá như: Viêm miệng do nicotine (nicotinic stomatitis): là một sự thay đổi ở niêm mạc vòm miệng cứng do hút thuốc quá nhiều, niêm mạc vòm miệng trở nên trắng với các u nhỏ gồ lên, trên đó có các chấm đỏ. Tổn thương này sẽ mất đi sau khi dừng thuốc lá, một số trường hợp hiếm trở thành ung thư biểu mô.

Làm xỉn răng, tăng nguy cơ viêm xoang

Bệnh hắc tế bào: Thuốc lá làm tăng tích tụ sắc tố melanin ở tế bào biểu mô niêm mạc miệng, làm niêm mạc miệng có màu sẫm, sau khi dừng thuốc lá sẽ hết. Bệnh Candida miệng: Thuốc lá làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh nấm Candida miệng. Bệnh viêm xoang mạn tính: Thuốc lá làm phù nề niêm mạc xoang và tăng nguy cơ viêm xoang mạn tính.

{keywords}

Bạn sẽ đẹp hơn nếu không hút thuốc lá.

Ngoài ra, hút thuốc lá trong thời gian dài sẽ gây ám khói thuốc lá lên răng, từ đó làm đổi màu răng ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ do răng bị xỉn, ố vàng hay cao răng bám nhiều trên bề mặt của răng gây nên hôi miệng. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng.

Để phòng, chống các bệnh lý về răng miệng do thuốc lá cần: Nói không với thuốc lá. Không đứng gần người đang hút thuốc. Không hút thuốc trong phòng khi có trẻ em và phụ nữ mang thai... Nếu đang hút thuốc nên hạn chế và từ từ bỏ thói quen hút thuốc lá. 

Bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng 2 lần/ngày, dùng nước súc miệng chuyên dùng để loại bỏ vi khuẩn. Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám thức ăn ở các vị trí khó làm sạch bởi bàn chải, không nên dùng tăm để xỉa răng. Lấy cao răng và khám răng định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về răng miệng.

Thanh Tùng

Bảo vệ trẻ em trước tác hại của khói thuốc lá
(BGĐT) - Trong thực tế rất nhiều người có thói quen hút thuốc lá nhưng chưa lường hết những tác hại đối với chính mình và những người xung quanh nên không ít người vẫn hút thuốc lá bên cạnh người khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Cơ thể trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng kém nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác hại do khói thuốc đem lại và dễ mắc nhiều loại bệnh tật nguy hiểm. 
Nhiều hệ lụy khi mang thai hít phải khói thuốc lá
(BGĐT) - Hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động trong khi mang thai có thể dẫn đến tác hại nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
Tập thể dục cai thuốc lá
(BGĐT)- Không chỉ làm giảm căng thẳng, hỗ trợ cai thuốc lá thành công, những bài tập thể dục còn giúp cải thiện sức khỏe, xây dựng thói quen và lối sống tích cực hằng ngày.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...