Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Hành trình gian nan

Cập nhật: 06:00 ngày 08/10/2022
(BGĐT) - Trẻ mắc hội chứng tự kỷ (rối loạn các tế bào não) bị hạn chế về khả năng giao tiếp, chậm phát triển so với các bạn cùng trang lứa. Để đưa các em hòa nhập với cuộc sống là hành trình đầy gian nan của cha mẹ và thầy cô. 

Vượt qua rào cản tâm lý

Một ngày ở Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương (TP Bắc Giang) bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Các bé từ 15 tháng đến 9 tuổi được bố mẹ, ông bà đưa đến để được hỗ trợ can thiệp hội chứng tự kỷ.

{keywords}

Hỗ trợ can thiệp cho trẻ chậm phát triển tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương (TP Bắc Giang).

Chị N.T.T, ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cho hay: Bé K là con thứ ba của gia đình. Khi con trai 15 tháng tuổi, chị thấy con có biểu hiện khác với hai con đầu và các bạn cùng tuổi. Cháu chậm nói, không chú tâm vào những hoạt động xung quanh, hay ném đồ chơi, không có phản ứng giao tiếp với mẹ và bà nội, nói từ vô nghĩa hoặc la hét vô cớ. 

Nghi ngờ con có vấn đề về sức khỏe, chị T đưa con đi khám được các bác sĩ kết luận bé chậm phát triển thể nhẹ, cần can thiệp sớm. Vậy là 3 tháng nay, chị gửi con tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương. “Cha mẹ nào cũng muốn con mình sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh, khi con không may mắc phải hội chứng tự kỷ, chúng tôi rất khổ tâm”, chị T kể. 

Chồng đi xuất khẩu lao động nên một mình chị ở nhà cáng đáng mọi việc, vừa lo cho hai con lớn ăn học, vừa lo chữa bệnh cho con nhỏ. Gần đây, con bập bẹ biết gọi “bà nội’, “mẹ ơi”, dù ngắn gọn, đơn giản mà cả nhà vỡ òa hạnh phúc.

Khi chị T trao con cho giáo viên ra về thì một người đàn ông chừng 70 tuổi cùng đứa cháu nhỏ cũng vừa đến. Hỏi chuyện được biết, ông tên D, quê ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) đưa cháu nội đến Trung tâm để can thiệp. Bé H (cháu ông D) năm nay hơn 5 tuổi nhưng hạn chế giao tiếp, vận động. 

Mẹ cháu là giáo viên mầm non, bố công tác trong ngành y công việc rất bận, gần nửa năm qua, ngày nắng cũng như mưa, hai ông cháu dậy sớm đón xe buýt xuống Trung tâm. “Chỉ cần cháu tiến bộ là tôi không quản vất vả đường xa đưa, đón”, ông D nói.

Bà Nguyễn Thị Thơ, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường gặp phải một trong các biểu hiện như: Chậm nói, giảm chú ý, nhận biết kém, không tương tác được với người xung quanh. Để giúp trẻ hòa nhập, năm 2014, Trung tâm thành lập với 7 trẻ, đến nay tăng lên 520 em. 

Ngoài trụ sở chính tại TP Bắc Giang, Trung tâm phát triển hệ thống ở các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Lục Ngạn, Tân Yên, dự kiến tháng 11 tới sẽ mở thêm tại Yên Thế. 

Hiểu được đặc điểm của trẻ chậm nói, giao tiếp khó khăn nên mỗi thầy, cô giáo ở Trung tâm kiên trì áp dụng nhiều phương pháp từ hỗ trợ học sinh cải thiện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp đến bước đầu học chữ, số, phép cộng, trừ cơ bản. Mức học phí từ 2,2 triệu đồng - 8 triệu đồng/trẻ/tháng (tùy thời lượng can thiệp và tình trạng của trẻ).

Quan tâm can thiệp sớm

Trẻ mắc tự kỷ bị rối loạn cảm xúc, hành vi nên luôn đứng trước nguy cơ bị bạo hành, tai nạn thương tích. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục hòa nhập cho trẻ chậm phát triển. Căn cứ từng hoàn cảnh, các đơn vị hỗ trợ học bổng hoặc miễn, giảm chi phí đóng góp giúp các gia đình vơi bớt khó khăn. 

Hằng năm liên kết với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý ở bệnh viện tuyến T.Ư tổ chức khám, sàng lọc nhằm phát hiện sớm trẻ mắc hội chứng tự kỷ; tư vấn, định hướng cho cha mẹ phương pháp can thiệp, giáo dục phù hợp.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang có gần 50 trẻ mắc chứng tự kỷ đến điều trị nội trú. Do thời gian can thiệp kéo dài nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đối với trẻ vô cùng gian nan, nhiều cha hoặc mẹ phải nghỉ việc để đồng hành với con. Bé N.H.A (3 tuổi), ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa) đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang). 

Gương mặt khôi ngô, cử chỉ linh hoạt nhưng lên 3 tuổi bé A vẫn không biết nói. Gần một năm qua, mẹ của bé phải nghỉ việc. Từ ngày không đi làm, thu nhập của gia đình giảm nhiều song vợ chồng chị cố gắng chi tiêu tằn tiện để có điều kiện hằng tuần đưa A lên bệnh viện tuyến tỉnh can thiệp. 

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoàn, Khoa Nhi tổng hợp cho biết, hiện nay y học thế giới chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc hội chứng tự kỷ do đâu nên chưa có phác đồ điều trị đích, chủ yếu là chữa trị triệu chứng, hoạt động này thường kéo dài. 

Với trẻ phát triển bình thường có thể hiểu được lời nói, bắt chước hành động của người lớn sau một, hai câu giảng giải thì trẻ ở đây cần sự kiên trì, nhẫn nại, phải lặp đi lặp lại nhiều lần, có khi là vài tháng các em mới có thể hình thành phản xạ. Khi trở về gia đình, những người thân thiết nhất như ông bà, cha mẹ, anh chị cũng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ rèn luyện thêm.

Trước đây, do rào cản tâm lý, sợ mọi người xung quanh kỳ thị nên nhiều phụ huynh ngại chia sẻ thông tin về tình trạng sức khỏe của con em mình dẫn đến việc can thiệp muộn, ít hiệu quả. Hiện nay, nhiều người đã chủ động nhờ bác sĩ, các chuyên gia tư vấn tâm lý, giáo viên cơ sở giáo dục chuyên biệt để được hỗ trợ kịp thời. 

Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn “vàng” can thiệp là lúc trẻ 2-4 tuổi. Vì thế, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần quan sát, theo dõi khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: Chậm nói, khó giao tiếp, giảm chú ý, không kiểm soát được hành vi (cắn, la hét, khóc vô cớ)... cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để được phát hiện, can thiệp sớm.

Bài, ảnh: Hải Vân

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4): Yêu thương, thấu hiểu và đồng hành cùng trẻ
Tự kỷ hiện không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người trong xã hội; đây cũng không phải một căn bệnh “kỳ quái” hay do giáo dục tạo nên. Tự kỷ bản chất là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt song chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Nếu được thấu hiểu và hỗ trợ, trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng.
Những gia đình có con tự kỷ
Chiếc xe container phanh cháy đường, may mắn kịp dừng lại khi đã chạm nhẹ vào người cậu bé hai tuổi vừa lao ra từ vệ đường.
Vụ cháu bé đi chữa bệnh tự kỷ bị thiêu xác: Cơ quan điều tra tiếp tục vào cuộc
Trong 2 ngày 11- 12/9, nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội đăng tải thông tin một cháu bé 3 tuổi ở thành phố Huế được gia đình đưa vào chữa bệnh tự kỷ tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), sau đó gia đình bất ngờ nhận được hũ tro cốt của cháu với nhiều uẩn khúc.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...