Vì người lao động, không ngại F0
![]() |
Ông Ngô Đức Thắng. |
Với toàn bộ cán bộ công đoàn các KCN tỉnh, đêm 17/5, khi UBND tỉnh quyết định phong tỏa 4 KCN, huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng là một đêm đầy bất an, lo lắng. Tâm trí căng thẳng, rối bời, cố gắng trấn tĩnh lại sau 10 phút báo cáo qua điện thoại với lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, ông Thắng và 6 đồng nghiệp nữa chỉ kịp xếp vài bộ quần áo, ít vật dụng cá nhân để cùng vào tâm dịch, sát cánh cùng đoàn viên của mình.
“Giữa lúc cấp bách như thế, chưa biết có thể làm được gì nhưng hàng chục nghìn công nhân đang bị mắc kẹt trong vùng phong tỏa, mình không đến với công nhân sao được”, ông Thắng chia sẻ.
Hằng ngày, nhiệm vụ của Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh là nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, chăm lo đời sống đoàn viên. Khi dịch bệnh bùng phát, ông Thắng quan tâm nhất đến việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho hơn 67 nghìn công nhân trong vùng phong tỏa. Bởi quyết định quá bất ngờ, hầu hết họ không kịp chuẩn bị.
Ông xây dựng phương án cụ thể, chỉ đạo anh em kết nối với cán bộ công đoàn cơ sở, lập nhóm zalo để trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn với quyết tâm không để lao động nào bị đói. Cùng đó, phân công cán bộ tiếp nhận hàng hóa của Liên đoàn Lao động tỉnh, các nhà tài trợ và điều phối phù hợp đến 29 “Siêu thị 0 đồng”.
Do thực hiện quy định về giãn cách xã hội nên việc đến tận nơi để trao nhu yếu phẩm cho công nhân gặp nhiều khó khăn. Bất kể giờ giấc, thời tiết, cứ xác nhận được thông tin là các thành viên “đội cứu trợ khẩn cấp” do ông Thắng phụ trách lại lên đường. Với những trường hợp không thể gặp trực tiếp, Công đoàn các KCN tỉnh thực hiện phương án chuyển hàng qua chủ nhà trọ, trưởng thôn, tổ dân phố.
![]() |
Ông Ngô Đức Thắng trao quà cho nữ công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Sau khi công nhân nhận được, họ chụp ảnh rồi gửi ra mới thực sự yên tâm. Thời điểm đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa rất khó khăn nên chiếc xe cá nhân của ông trở thành xe chở hàng, luôn chất đầy gạo, mỳ tôm, trứng, rau củ..., có ngày chạy liên tục 8-10 chuyến.
“Có những hôm phải đến 22 giờ chúng tôi mới được ăn bữa tối. Thậm chí, có lúc chưa cả kịp xong bữa thì điện thoại báo có công nhân cần cứu trợ, anh em lại vội lên đường. Ai cũng đều mệt phờ nhưng chẳng than thở câu nào. Bởi mọi người đều hiểu, chưa lúc nào, đoàn viên, công nhân cần chúng tôi như lúc này. Động lực lớn nhất với chúng tôi khi đó là những tin nhắn cảm ơn, lời tri ân của đoàn viên, người lao động”, ông Thắng nói.
Khi được hỏi về kỷ niệm trong hành trình gần hai tháng đồng hành công nhân KCN trong tâm dịch, ông Thắng chia sẻ: “Nhiều lắm, như là lần trao gạo, sữa, bỉm cho hơn 100 bà bầu ở các khu trọ chỉ trong 1 ngày. Hay bữa vừa hỗ trợ gạo, trứng, rau cho 30 công nhân ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) thì biết phát sinh nhiều F0, anh em thấp thỏm chờ kết quả xét nghiệm mất hơn một tuần. Có lẽ đáng nhớ nhất là lần chuẩn bị tới 6 nghìn gói băng vệ sinh chuyển cho công nhân trong một doanh nghiệp để chị em yên tâm ở lại chờ lấy mẫu xét nghiệm”.
![]() |
Ông Ngô Đức Thắng (bên trái) cùng thành viên "đội cứu trợ đột xuất" chuyển nhu yếu phẩm vào vùng phong tỏa hỗ trợ công nhân lao động. |
Khi dịch bệnh đi qua, cán bộ Công đoàn các KCN tỉnh mới có thời gian thống kê để báo cáo kết quả hỗ trợ. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư, công đoàn đã cứu trợ khẩn cấp 29 tấn gạo, hơn 8 nghìn quả trứng, 6 tấn rau củ, 3 nghìn thùng mỳ, cháo ăn liền, hàng tấn muối lạc, cá khô... cho hơn 20 nghìn đoàn viên, công nhân gặp khó khăn trong khu cách ly, nhà trọ.
Cùng với những vất vả, lo lắng, áp lực vào thời điểm dịch bệnh bủa vây là gần 60 ngày đêm liên tục không về nhà, những bữa ăn thường xuyên quá giờ hay nhiều buổi bốc vác hàng hóa áo quần sũng mồ hôi.
Ông Thắng chia sẻ: “Công nhân xa nhà đã vất vả, lại rơi vào tình huống bất ngờ nên khó khăn gấp bội. Vì vậy, dù áp lực đến đâu, anh chị em công đoàn cũng động viên nhau cùng cố gắng. Trong những ngày không thể quên đó, thực sự, tôi và đồng nghiệp đã sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất là có thể trở thành F0”.
Ý kiến bạn đọc (0)